Thomas A. Bass – Rừng Sát: Về việc bị kiểm duyệt ở Việt Nam (1)

Đó là những ngày đen tối ở Việt Nam, khi các nhà văn, nhà
báo, các blogger, và tất cả những người dám chỉ trích nhà
cầm quyền đều bị tuyên án tù nhiều năm. Thời nở rộ
ngắn ngủi của văn học Việt Nam, sau khi Bức tường Berlin
sụp đổ năm 1989 – giai đoạn được gọi là <em >Đổi
mới</em> – đã qua từ lâu. Sau hai mươi năm bút đỏ và nhà
tù, các nhà kiểm duyệt đã xóa sổ cả một thế hệ nhà văn
Việt Nam, đẩy họ vào cõi im lặng hay chốn lưu vong.

<div class="boxright320"><img
src="http://www.procontra.asia/wp-content/uploads/2014/10/TNY-cover-Kopie.jpg"
width="356"></div>
Chính tôi đã phải chiến đấu suốt năm năm qua với các nhà
kiểm duyệt Việt Nam, vì họ đã tìm cách cắt xén, viết lại,
và sau đó ngăn chặn việc xuất bản bản dịch tiếng Việt
cuốn <em>The Spy Who Loved Us</em> (2009), một trong những tác phẩm
của tôi. Như bài báo trên <em>New Yorker</em> xuất bản năm 2005
đã nói, cuốn sách kể về Phạm Xuân Ẩn, một nhà báo của
miền Nam Việt Nam, và là một điệp viên cộng sản hoạt
động rất hiệu quả trong một thời gian dài – từ những năm
1940 cho đến khi ông qua đời năm 2006 – khiến ông trở thành
một trong những điệp viên vĩ đại nhất của thế kỷ XX.
Học ngành báo chí ở Mĩ và dùng nghề viết báo làm vỏ bọc,
ông trở thành phóng viên của tờ <em>Time</em> trong suốt cuộc
Chiến tranh Việt Nam và đã từng giữ chức trưởng văn phòng
đại diện của tờ báo này ở Sài Gòn một thời gian ngắn.
Được giao nhiệm vụ vẽ bản đồ chiến trường, đi theo các
cuộc hành quân, và phân tích tin tức chính trị và quân sự,
ông đã chuyển cho quân đội Bắc Việt những thông tin cực kì
quí giá.

Sau chiến tranh, những người cộng sản chiến thắng đã phong
ông là Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân và đưa ông vào
hàng tướng lĩnh. Ông trở thành đề tài cho các nhà viết
tiểu sử, và sự thực là, sáu cuốn tiểu sử đã được
xuất bản, trong đó có một cuốn viết bằng tiếng Anh, của
nhà sử học Larry Berman ở Georgia State University. Cuốn sách nhan
đề <em>Perfect Spy</em> (2007) miêu tả Phạm Xuân Ẩn là một
người yêu nước, một nhà phân tích chiến lược, người đã
quan sát cuộc chiến tranh từ xa, cho đến khi ông nghỉ hưu và
dành thời giờ tiếp đón những nhân vật nổi danh, từ Morley
Safer đến Daniel Ellsberg.

Tác phẩm của tôi về cuộc đời của Phạm Xuân Ẩn thì
phiền hà hơn. Tôi đã đi đến kết luận rằng người đàm
đạo tuyệt vời này đã tạo ra một vỏ bọc <em>thứ hai</em>
là điệp viên. Tự xưng là một người bạn của phương Tây,
một người đàn ông trung thực, không bao giờ nói dối (mặc
dù cả cuộc đời ông là một sự lừa gạt), Phạm Xuân Ẩn
đã làm việc cho ngành tình báo quân sự Việt Nam, không chỉ
trong Chiến tranh Việt Nam, mà còn kéo dài suốt ba mươi năm
<em>sau </em>chiến tranh. Đồng thời, những kẻ môi giới quyền
lực của miền Bắc cũng không tin ông, một người cực kì
thông thái xuất thân từ miền Nam, vì ông đã thẳng thắn tấn
công vào sự tham nhũng và thiếu năng lực của chính quyền
cộng sản Việt Nam. Ông bị đố kị, chậm thăng chức trong
quân đội và nhiều năm trời bị cảnh sát theo dõi. Ban đầu,
có thể chính phủ Việt Nam đã hài lòng trước triển vọng
xuất bản không chỉ một mà hai cuốn sách do các tác giả Mỹ
viết về người "điệp viên hoàn hảo" của họ, nhưng càng
đọc cách diễn giải của tôi về cuộc đời của Phạm Xuân
Ẩn thì các nhà kiểm duyệt càng lo lắng, và cuốn sách càng
phải bị cắt bỏ và viết lại, nếu muốn có giấy phép xuất
bản.

Sau nhiều lần từ chối những đề nghị của một số nhà
xuất bản về việc dịch cuốn sách của tôi, trong đó có Nhà
Xuất bản Công an Nhân dân (một cơ quan của Bộ Công an Việt
Nam) và Nhà Xuất bản của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
(một trong những cơ quan kiểm duyệt lớn nhất cả nước),
tháng 7 năm 2009 tôi đã ký hợp đồng với Nhã Nam, một nhà
xuất bản có uy tín; Jack Kerouac và Annie Proulx, Umberto Eco và
Haruki Murakami nằm trong danh sách các tác giả đã được nhà
xuất bản này dịch. Nhã Nam là một nhà xuất bản độc lập,
một trong số ít nhà xuất bản tại Việt Nam không liên kết
với các bộ hoặc cơ quan kiểm duyệt nhà nước nào. Nhã Nam
đôi khi bị phạt vì xuất bản những cuốn sách "nhạy
cảm", và sách của họ có lúc bị thu hồi và đem cán thành
giấy vụn. Sau này tôi mới biết rằng danh nghĩa độc lập
của Nhã Nam không đảm bảo được cho sự độc lập của nó,
nhưng phải ghi nhận là công ty này đã thông báo cho tôi về
mọi hành động kiểm duyệt tác phẩm <em>The Spy Who Loved Us</em>
trong suốt năm năm qua.

Nhiều tác giả không để ý đến những bản dịch tác phẩm
của họ. Họ ủy cho những người đại diện bán quyền xuất
bản và sau đó hầu như không buồn liếc qua khi bản dịch
xuất hiện trong tiếng Đức hay tiếng Trung. Tôi có một kế
hoạch khác đối với bản dịch tiếng Việt tác phẩm của
mình. Tôi ngờ rằng nó sẽ bị kiểm duyệt và muốn theo dõi
quá trình này. Tôi đã đề nghị đại diện của tôi đưa vào
hợp đồng điều khoản nói rằng nếu chưa được tôi đồng
ý thì cuốn sách sẽ không được xuất bản và phải thảo
luận với tôi về những thay đổi đối với nội dung tác
phẩm. Những điều khoản khác khiến cuốn sách này thành một
cái gì đó tương tự như một cái máy đo địa chấn văn học.
Tôi muốn nó ghi lại công việc của các nhà kiểm duyệt, ghi
lại những ưu tư và lo lắng của họ, để cuối cùng tôi sẽ
biết chính phủ Việt Nam lo ngại và muốn ngăn chặn điều gì.

Quá trình dịch tác phẩm của tôi sang tiếng Việt bắt đầu
vào tháng 3 năm 2010, đấy là hôm tôi nhận được một email
nói rằng: "Tôi là Nguyễn Việt Long của Công ty Nhã Nam, hiện
đang hiệu đính bản dịch tác phẩm <em>The Spy Who Loved Us</em>.
Tôi muốn trao đổi với ông về bản dịch."

Ông Long bắt đầu bằng cách hỏi tôi có biết dấu chính xác
ở tên người ông của Phạm Xuân Ẩn không. Tiếng Anh không có
dấu, nhưng trong tiếng Việt thì dấu rất quan trọng, và tôi
đánh giá cao sự quan tâm đến từng chi tiết của ông ta. Đáng
tiếc là, phần còn lại của email lại có giọng điệu gây gổ
hơn. "Ông có một số sai lầm," ông ta viết, trước khi sửa
chữa một loạt sai sót. Nhiều sai sót mà ông ta đưa ra thực ra
không phải là sai sót, mà là cách lí giải hoặc đánh giá, hay
là những vấn đề còn gây tranh cãi trong các tài liệu lịch
sử. Đại loại cũng tương đương với kiểu "bình luận bóng
chày chuyên sâu", với những chi tiết rối mù, cốt để các
học giả chỉ xoay quanh tiểu tiết mà quên đi điểm chính.

Ví dụ, Jean Baptiste Ngô Đình Diệm (vị Tổng thống đầu tiên
của Việt Nam Cộng hòa) có trở thành quan đầu tỉnh ở tuổi
25 hay không? Điều này phụ thuộc vào ngày sinh của ông ấy,
và là câu hỏi không dễ trả lời. Người Việt có thói quen
giấu ngày tháng năm sinh của mình, đây cũng là cách để tránh
tà ma, cải thiện lá số và thu hút bạn tình trẻ. Một tình
tiết mơ hồ đối với một tác giả người Mỹ hóa ra lại là
vấn đề lớn đối với người Việt. Nếu giả định rằng
Ngô Đình Diệm là một con rối của Mỹ, một con chó chỉ
đường cho những tên đế quốc xâm lược, thì việc cuối
cùng mà người ta muốn là ghi nhận những thành tích của ông
ta khi ông ta còn trẻ. Vì vậy mà người ta phủ nhận sự kiện
ông là quan đầu tỉnh trẻ nhất trong lịch sử Việt Nam, và
phức tạp hóa vấn đề đến mức tác giả thà bỏ luôn lời
khẳng định đó còn hơn là tiếp tục tranh cãi.

Trả lời câu hỏi của người đại diện về văn học của
tôi, ngày 15 tháng 3, ông Long cho biết: "Sẽ bị kiểm duyệt
(chắc chắn), cuốn sách khá nhạy cảm. Nhưng xin đừng lo
lắng. Chúng tôi sẽ tiếp tục nói chuyện với tác giả và sẽ
làm hết sức mình để bảo vệ được càng nhiều càng tốt
sự nguyên vẹn của tác phẩm."

Ông Long tìm cách cho in vào dịp 30 tháng Tư – một ngày tốt,
vì nó đánh dấu sự cáo chung của Chiến tranh Việt Nam. Sau khi
đại diện của tôi nhắc rằng theo hợp đồng thì ông ta phải
gửi cho tôi xem bản dịch trước khi in, ông Long đã lỡ hẹn
gửi bản dịch lần thứ nhất. Sau đó ông còn lỡ hẹn nhiều
lần nữa, và cuối cùng, sáu tháng sau, tháng 9 năm 2010, tôi
nhận được một bản bông. Điều đầu tiên tôi nhận thấy
là có quá nhiều chú thích, trong một cuốn sách mà ban đầu
không có một chú thích nào. Tôi đã tập hợp được một nhóm
bạn bè – các học giả, dịch giả, một cựu nhân viên CIA và
một nhà ngoại giao Mỹ với vợ là người Việt – để soát
bản dịch. Những hồi âm của họ khiến tôi phải tỉnh ngộ.
Hình như, rất nhiều các chú thích bắt đầu bằng: "Tác giả
nhầm" ("The author is wrong."). Sau đó, người ta sửa
"những sai lầm" của tôi.

Rõ ràng là, tôi đã hiểu sai chức năng của các biên tập
viên Việt Nam. Ngay cả trước khi đến tay các nhà kiểm duyệt
– những người ban phát giấy phép xuất bản ở Việt Nam –
cuốn sách của tôi đã phải được người trong nhà nhào nặn
lại. Ông Long sẽ cho nó cú đấm thôi sơn đầu tiên, và càng
cắt gọt hữu hiệu thì ông ta càng được các quan chức nhà
nước đánh giá cao, để những người này có thể đậy nắp
chiếc bút đỏ của họ lại và chuyển sang kiểm duyệt những
tác phẩm quan trọng hơn.

<strong>GIÁP LÁ CÀ TẠI HÀNG RÀO VĂN CHƯƠNG</strong>

Tôi viết thư cho ông Long, yêu cầu ông ta bỏ các chú thích.
Anh chàng tội nghiệp này bây giờ chẳng khác gì một con chuột
bị kẹt giữa một tác giả khó tính và các nhà kiểm duyệt
khắt khe không kém. Khi chúng tôi thả bước vào những điểm
tinh tế của lịch sử và địa lý Việt Nam, người biên tập
viên của tôi và tôi viết cho nhau những bức thư rất dài.
Bản chất của cuộc trao đổi thư tín này được minh họa
bằng Rừng Sát (Swamp of Assassins), cũng là tình tiết đầu tiên
được Long chú thích.

<center><img
src="http://www.procontra.asia/wp-content/uploads/2014/10/Rung-Sat.jpg"
width="600"></center>
Nằm ở Đông Nam Sài Gòn, tiếp giáp công đường vận chuyển
chính của thành phố ra biển, Rừng Sát là rừng ngập mặn
vùng triều và nhiều năm trời đã là nơi trú ẩn của những
toán cướp Bình Xuyên. Người Pháp đã sử dụng những toán
cướp trên sông này nhằm trợ giúp những chiến dịch xâm
lược của họ tại Việt Nam. Bảy Viễn, người cầm đầu
những toán cướp này, đã được phong cấp tướng và được
giao quản lí Sài Gòn như một thái ấp riêng. Ông ta là chủ
của Xóm Bình Khang, một nhà thổ lớn nhất châu Á, với 1.200
nhân viên. Ông ta quản lí sòng bạc Đại Thế giới (Grande
Monde) ở Chợ Lớn và sòng bạc Kim Chung (Cloche d'Or) ở Sài
Gòn. Một viên trung úy của Bảy Viễn được cử làm đô
trưởng cảnh sát cho một khu vực 60 dặm từ Sài Gòn đến
Vũng Tàu (Cap Saint Jacques). Hoạt động mang lại nhiều lợi
nhuận cho Bảy Viễn – một phần được chia cho chính phủ
Pháp – là buôn bán thuốc phiện, với thị trường trải dài
từ Lào đến tận Marseille. Trong Chiến tranh Việt Nam, Rừng Sát
trở thành khu vực tập kết của cộng sản, và những tên
cướp sông đó đã đóng vai cộng sản trong một thời gian
ngắn, trước khi trở cờ chạy sang phía bên kia.

Trước khi lui về sống ở Paris, nơi người ta có thể thấy
ông dắt con hổ cổ tròng dây xích của mình tản bộ dọc
đại lộ Champs Elysees, Bảy Viễn thường lánh về Rừng Sát
mỗi khi không khí chính trị ở Sài Gòn trở nên quá nóng.
Đấy là năm 1955, khi điệp viên huyền thoại Edward Lansdale tới
thành phố này. Để hất cẳng Pháp khỏi thuộc địa này và
thay thế bằng một chính phủ trung thành với Mỹ, Lansdale tung
ra một chiến dịch quân sự chống Bình Xuyên. Để kiểm soát
Sài Gòn, các đơn vị quân đội Việt Nam đã chiến đấu nhằm
giành giật từng ngôi nhà của bọn cướp. Số binh sĩ tham gia
vào trận chiến kéo dài một tuần này còn nhiều hơn trong
trận Mậu Thân nổi tiếng năm 1968. Năm trăm người thiệt
mạng, hai ngàn người bị thương, và 20.000 người mất hết
nhà cửa. Trận đánh ủy nhiệm giữa Pháp và Mỹ này đánh
dấu bước chuyển từ Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
sang Chiến tranh Đông Dương lần thứ hai.

Phạm Xuân Ẩn nói rằng tất cả những gì ông biết về nghề
gián điệp đều nhờ học từ Edward Lansdale. Lansdale là người
bảo trợ ông, khi ông bắt đầu sự nghiệp tình báo quân sự,
chính Lansdale đã đề nghị ông sang Mĩ học nghề báo. Do tầm
quan trọng của Rừng Sát đối với cả thực dân, cộng sản
cũng như những tên cướp và các nhà tình báo cho nên tôi đã
lục rất nhiều tài liệu lưu trữ để kiểm tra lại vị trí
của nó trong lịch sử Việt Nam. Đó là lý do vì sao tôi đặc
biệt khó chịu khi thấy một chú thích nói rằng: "Tác giả
nhầm".

Không được gọi là Rừng <em>Sát</em> mà phải là Rừng
<em>Sác</em>, ông Long nói, và bằng cách đó ông ta đã biến
Rừng của những Sát thủ (Swamp of Assassins) thành Rừng cây bụi
ven biển (Forest of Seacoast Shrubs). (<em>Rừng</em> có nghĩa là
<em>forest</em>, nhưng khi nói về rừng ngập mặn thì người ta
có thể gọi là <em>swamp</em>, <em>đầm</em>. <em>Sát</em> là kết
hợp từ Hán Việt có nghĩa là <em>giết</em>, như trong <em>ám
sát</em>.) Chính phủ đã đổi tên khu đầm này, vì tên chính
xác của nó từ xưa đến nay không phải như thế. Tại sao?
Bởi lẽ người miền Nam đã bóp lệch ngôn ngữ của đất
nước và vô tình cho thấy sự thiếu hiểu biết của họ kéo
dài nhiều thế kỷ. Người miền Nam phát âm những từ có
đuôi "t" thành "k" hoặc "c". Như vậy là, do nhầm lẫn
mà Rừng <em>Sác</em> đã trở thành Rừng <em>Sát</em> vì người
miền Nam không thể phát âm chính xác và thường lẫn lộn khi
có hai từ nghe giống nhau. Chắc chắn là, đằng sau việc đổi
tên này, các quan chức cộng sản còn tỏ ra thận trọng về
việc đã sử dụng Rừng Sát làm bàn đạp trong cuộc chiến
tranh chống Mỹ. Họ không muốn bị người ta nhầm, coi họ
cũng là những sát thủ sống ở đầm lầy.

Vấn đề có thể đã được giải quyết bằng cách nói rằng
khu vực này thường được gọi là <em>x </em>và bây giờ
được gọi là <em>y</em>. Nhưng các nhà kiểm duyệt Việt Nam
không làm việc theo cách đó. Họ có một cái nhìn toàn cục
về lịch sử. Họ quay lại quá khứ nhằm sửa chữa những sai
lầm theo lối hồi tố. Thậm chí trong bài diễn văn được
trích dẫn, Bảy Viễn và Lansdale sẽ buộc phải nói về rừng
cây bụi ở ven biển. Dễ hình dung là khi những thác ngộ niên
đại và thuật ngữ cộng sản được chèn vào các tài liệu
lịch sử thì sẽ sinh ra kiểu văn chương thiếu tự nhiên như
thế nào. Vậy là tôi không có lựa chọn nào khác, ngoài tiến
hành một chiến dịch chứng minh rằng: "Biên tập viên
nhầm" ("The editor is wrong.").

Tôi gửi cho ông Long một loạt bản đồ của Pháp và Việt
Nam, trong đó có bản đồ năm 1955 của Việt Nam, thể hiện
những hoạt động quân sự chống những toán cướp Bình Xuyên.
Tôi gửi cả những bản đồ lấy từ các đơn vị hải quân
Mỹ hoạt động trong khu vực này, một bản sao đoạn văn của
Tổng thống Richard Nixon gửi Nhóm Tuần tra Đặc khu Rừng Sát,
và bản báo cáo năm 1974 về Rừng Sát của Viện Hàn lâm Khoa
học Mỹ. Tôi gửi một bản đồ vệ tinh của Google năm 2010,
với khu vực được đánh dấu là Rừng Sát, và tôi thậm chí
còn gửi một bức ảnh chụp một chiếc xe buýt đang rời khỏi
thành phố Hồ Chí Minh, với điểm đến dự kiến của nó
được đánh dấu rõ ràng là Rừng Sát.

Ông Long phúc đáp bằng những "bằng chứng" riêng của
mình, trong đó có web site của Resort và Restaurant Rừng Sác, và
mấy tờ quảng cáo những dự án về nhà ở đã được tài
trợ, tôi đoán là, bởi những người lãnh đạo Đảng ở
địa phương. Tôi khẳng định luận cứ bằng cách gửi thêm
nhiều email hơn, cho đến khi ông Long viết: "Tôi đồng ý
loại bỏ hoàn toàn chú thích về Rừng Sát". Khi thảo luận
về các chú thích còn lại, ông Long và tôi lại trở về với
cuộc chiến giáp lá cà tại hàng rào của văn chương. Mỗi
cuộc trao đổi email đều biến thành một tái bản của Rừng
Sát, cho đến khi ông Long đề nghị "bỏ những chú thích sai
hoặc những chú thích liên quan đến sai lầm của ông", tôi
vui lòng chấp nhận đề nghị đó.

Sau đó chúng tôi chuyển sang thảo luận về nhan đề cuốn
sách. <em>The Spy Who Loved Us</em> có thể được dịch là <em>The
Spy Who Loved America </em>(Điệp viên yêu nước Mỹ), hoặc, trữ
tình hơn, là <em>America's Best Enemy</em> (Kẻ thù tốt nhất của
nước Mỹ), trừ khi các nhà kiểm duyệt không chấp nhận
những nhan đề này. Ông Long giải thích: "Kẻ thù tốt nhất
của nước Mỹ" là nhan đề tốt, nhưng có phần nhạy cảm.
Tại sao lại là "kẻ thù tốt nhất?" Điều đó có hàm ý
rằng Phạm Xuân Ẩn không hoàn toàn trung thành với sự nghiệp
cách mạng hay không?" Sau khi suy nghĩ kĩ hơn về "quan điểm
đúng đắn", ông Long thừa nhận rằng "vấn đề phức tạp
hơn chúng ta nghĩ lúc đầu". Sau đó tôi nhận được thư nói
rằng "Điệp viên yêu nước Mỹ" đã bị "cơ quan quản lí
xuất bản" của Việt Nam "bác bỏ ngay tức thì".

Trong thời gian đó, những người giúp tôi xem lại bản thảo
(tất cả đều muốn giữ kín danh tính) đã lập ra danh sách
những cụm từ, câu, và đoạn văn đã bị cắt bỏ hay cắt
xén. Tôi gửi danh sách này cho ông Long và được ông trả lời:
"Tôi đảm bảo với ông rằng người dịch đã không bỏ bất
kỳ câu hay đoạn văn nào. Anh ấy chỉ đánh dấu những từ
nhạy cảm mà thôi. Tất cả những chỗ bị bỏ hay sửa đổi
đều là của tôi."

Tháng 10 năm 2010, ông Long viết thư nói rằng ông ta đã "mệt
vì dự án này" và chán nản vì cuốn sách đã bị hai nhà
xuất bản của nhà nước từ chối. Ông đang tìm cách xin giấy
phép từ nhà xuất bản thứ ba, nhưng mọi người nói với ông
ta rằng Đại hội XI sắp tới, mùa Xuân năm 2011, là "giai
đoạn nhạy cảm" đối với việc xuất bản ở Việt Nam.
Đây là thời điểm tế nhị, "khi tất cả mọi người đều
không có động tĩnh gì để tránh những vụ rắc rối", ông
ta nói.

Trong thư viết cho người đại diện của tôi vào tháng 12 năm
2010, ông Long nói: "Chúng tôi thông cảm với sự sốt ruột
của tác giả! Tuy nhiên, tình hình còn tồi tệ hơn là ông
tưởng tượng. Một nhà xuất bản nữa của nhà nước đã từ
chối cấp giấy phép xuất bản cho bản dịch của chúng tôi.
Rõ ràng là, đây là cuốn sách rất nhạy cảm trong thời điểm
hiện nay. Mọi thứ bây giờ đều bị treo lên đó."

Khi ông Long viết thư cho tôi, nói rằng một loạt nhà xuất
bản đã từ chối cấp giấy phép, tôi mường tượng quá trình
này cũng tương tự như Random House phải làm việc về cuốn
sách với Nhà Xuất bản của Lầu Năm góc. Nếu Nhà Xuất bản
của Lầu Năm góc không chịu thì Random House phải đến Nhà
Xuất bản của Bộ An ninh Nội địa hay Cục Điều tra Liên bang
(FBI). Những cuộc đàm phán phải kéo dài và làm người ta
nhục nhã, và trong một nền văn hóa xin-cho như ở Việt Nam,
đấy chắc chắn là những cuộc đàm phán khá tốn kém.

Tôi chờ đợi suốt năm 2011, đợi Đảng Cộng sản đưa ra
những nhà cầm quyền mới. Tháng 2 năm 2012, tôi viết thư cho
ông Long, chúc ông một năm Thìn nhiều hạnh phúc và đề nghị
ông vui lòng gửi cho tôi danh sách tất cả các cơ quan chính
phủ từng tham gia vào việc kiểm duyệt cuốn sách của tôi.

Một tháng sau, ông ta trả lời và xin lỗi vì không còn giữ
được liên lạc. Ông ta cho biết đã rời Nhã Nam để làm biên
tập viên ở một nhà xuất bản chuyên in sách toán học cho
trẻ em. Tôi cảm thấy lương tâm cắn rứt vì sợ rằng mình
có thể là nguyên nhân của sự thay đổi công việc của ông
ta. "Về giấy phép xuất bản cuốn <em>The Spy Who Loved
Us</em>", ông ta viết, "Nhã Nam đã xin phép và vẫn tiếp tục
xin một số nhà xuất bản cấp giấy phép, chứ chưa bao giờ
ngừng như ông có thể nghĩ. Tôi đã hỏi thông tin mới nhất
và người ta nói rằng những người lãnh đạo ở Nhã Nam vẫn
hy vọng là cuốn sách sẽ được xuất bản."

"Chính thức thì chỉ có những nhà xuất bản của nhà nước
mới được phép in sách", ông Long giải thích. "Vì vậy,
muốn xuất bản thì công ty tư nhân (không phải quốc doanh), ví
dụ như Nhã Nam, phải tham gia vào cái gọi là liên doanh xuất
bản, nhằm được sự bảo trợ của nhà xuất bản của nhà
nước và phải trả phí xuất bản cho nhà xuất bản này."

"Về mặt kỹ thuật, ở Việt Nam không có kiểm duyệt",
ông nói, "nhưng các giám đốc hay tổng biên tập của các nhà
xuất bản đôi khi yêu cầu bỏ những đoạn nhạy cảm, hoặc
thậm chí họ nhát đến mức bỏ hẳn, không in cuốn sách (đây
là trường hợp của chúng tôi). Hành động như thế, chúng tôi
gọi là tự kiểm duyệt, và nó là nút thắt theo kiểu Gordian
của ngành xuất bản Việt Nam."

Ông Long gửi kèm bản sao <em>Luật Xuất bản</em> của Việt
Nam, dày hai mươi hai trang, nói rõ trong Điều 5.2, "Nhà nước
không kiểm duyệt tác phẩm trước khi xuất bản". Phần còn
lại của bộ luật này mâu thuẫn với Điều 5.2 đó, vì nó
đưa ra những thứ "bị cấm trong hoạt động xuất bản".
Trong đó có "tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa Xã hội
Chủ nghĩa Việt Nam" (Điều 10), "kích động chiến tranh xâm
lược", "truyền bá tư tưởng phản động, lối sống dâm
ô, đồi trụy, hành vi tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị
đoan, hoặc phá hoại thuần phong mỹ tục". Những mục khác
được dành cho công tác bảo vệ Đảng, quân sự, quốc phòng
và bí mật quốc gia. "Xuyên tạc sự thật lịch sử", đặc
biệt là "phủ nhận thành tựu cách mạng" cũng bị cấm.

Ông Long nói với tôi rằng biên tập viên mới của tôi ở Nhã
Nam là cô Nguyễn Thị Thu Yến, dường như đang vừa là biên
tập vừa là người phụ trách đàm phán hợp đồng với nước
ngoài. Sau nhiều tháng trao đổi email, ông Long và tôi đã chuẩn
bị xong bản bông thứ hai, xóa hết các chú thích và chỉnh
lại ít nhất là những chỗ mà các vị cố vấn của tôi và
tôi có thể tìm ra. Nhưng bản thảo vẫn bị lược bỏ và
viết lại hàng chục chỗ khác. Tất cả những đoạn phê phán
Trung Quốc đều bị gỡ bỏ. Cũng như vậy, những đoạn nói
về các trại cải tạo, về nạn hối lộ, tham nhũng, sai lầm
của Đảng Cộng sản, và những chủ đề "nhạy cảm" khác.
Đáng tiếc là, chẳng bao lâu sau, bản của ông Long được thay
bằng một bản khác, phiên bản chính thức được cấp phép.
Một lần nữa, tôi lại hiểu sai bản chất của ngành xuất
bản ở Việt Nam. Sau bấy nhiêu tháng, cuốn sách của tôi vẫn
chưa được kiểm duyệt. Nó mới trải qua quá trình xem xét
tiền kiểm duyệt mà thôi, nhưng công việc xóa bỏ những
đoạn nhạy cảm vẫn chưa bắt đầu.

<strong>BUÔN BÁN CON TIN</strong>

Tháng 6 năm 2012, tôi nhận được email của Thu Yến, thông báo
rằng <em>The Spy Who Loved Us </em>(hoặc bất kì nhan đề nào khác)
cuối cùng đã được chấp thuận để đưa vào xuất bản. Nhà
xuất bản Lao Động, thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã
hội của Việt Nam, đã trở thành đối tác xuất bản của
chúng tôi. Giống như bùa thuật nhằm dọa nhát những nhà kiểm
duyệt khác ít thế lực hơn, Lao Động sẽ đứng tên trên bìa
sách. Có một số nhượng bộ nhất định, cô Yến thừa nhận.
"Sau một thời gian rất dài xin giấy phép xuất bản, cuối
cùng chúng tôi nhận được kết quả khả quan của Nhà xuất
bản Lao Động", cô viết. "Để cuốn sách của ông được
xuất bản thì phải cắt và viết lại một số đoạn, không
thể làm khác. Tuy nhiên có điều đáng mừng là những điểm
này được biên tập khá tốt về tiếng Việt và văn
chương."

Không có trang in thử nào được gửi kèm. Thay vào đó, cô
Yến gửi cho tôi một miêu tả về văn bản đã được kiểm
duyệt. "Vì tác phẩm của ông có nội dung quá nhạy cảm, tôi
hy vọng ông có thể coi những thay đổi này ở khía cạnh tích
cực nhất, để tác phẩm của ông có thể đến với độc
giả của chúng tôi."

Kèm theo email của cô Yến là một văn bản dài mười hai trang,
liệt kê ít nhất là 333 chỗ bị cắt. Từng câu, từng đoạn
văn, thậm chí từng trang bị xóa sạch. Bắt đầu với nhan
đề tác phẩm và cho đến cả lời cảm ơn cuối cùng. Những
sự kiện lịch sử cũng như nhiều tên người bị xóa bỏ. Võ
Nguyên Giáp, vị tướng vĩ đại của Việt Nam, người đã
giành thắng lợi trong trận Điện Biên Phủ, không còn là một
nguồn trích dẫn nữa. Đại tá Bùi Tín, người đã tiếp nhận
sự đầu hàng của chính quyền miền Nam Việt Nam năm 1975, bị
xóa sạch khỏi văn bản và thậm chí xóa khỏi cả lời cảm
ơn. Những trường đoạn mô tả quan hệ qua lại của Phạm
Xuân Ẩn với Đảng, với quân đội, với Trung Quốc, và cảnh
sát cũng bị xóa sạch. Nhiều đoạn bông đùa hoặc có chút
mỉa mai cũng bị cấm.

"Ở Việt Nam anh không viết sự thật được đâu", một
trong những cố vấn của tôi, cựu giáo sư văn chương, hiện
sống tại Hoa Kỳ, nói. "Đất nước tôi bị lạc trong những
lời dối trá. Con người nằm trong trung tâm tác phẩm của anh,
nhưng bây giờ nó đã bị tước hết các chi tiết khiến câu
chuyện trở thành đặc thù và hấp dẫn."

"Người cộng sản muốn những phát ngôn từ chính miệng
anh", bà nói. "Sự tuyên truyền chính thống của họ sẽ có
vẻ xác thực hơn nếu nó được một người phương Tây viết
ra. Anh là công cụ của họ. Anh có thể phản đối và đàm
phán để có được những nhượng bộ nhỏ, nhưng cuối cùng,
họ sẽ thắng. Bao giờ họ cũng thắng."

"Bây giờ ngay cả chữ nghĩa trong tác phẩm của anh cũng xấu
xí", bà nói, "mờ mịt chứ không rõ ràng. Nhiều thuật ngữ
được mượn từ tiếng Trung. Nói cách khác, đấy là cái mà
người Pháp gọi là <em>langue de bois</em>, tiếng lóng của bộ
máy quan liêu. Cộng sản nghĩ rằng dùng những từ đó thì họ
là bề trên. Họ muốn kiểm soát mọi thứ, thậm chí cả suy
nghĩ của anh."

Sau khi so sánh phiên bản tác phẩm của tôi ở Nhà Xuất bản
Lao Động với bản thảo của ông Long, bà nói: "Có quá nhiều
thứ mà các nhà kiểm duyệt không thích, họ lập tức cắt,
cắt, cắt. Chỉ nhìn cái bản thảo này là tôi đã phát điên
đầu rồi". Phạm Xuân Ẩn không được phép "yêu" nước
Mỹ hay yêu thời kỳ ông học ngành báo chí ở California. Ông
chỉ được phép "hiểu" nước Mỹ. Câu nói đùa của ông,
rằng ông không bao giờ muốn trở thành điệp viên và coi đấy
là "việc của lũ chó săn", đã bị xóa hẳn. Lời tuyên bố
của ông rằng mình sinh ra ở thời khắc bi thảm trong lịch sử
Việt Nam, khi sự phản bội hiện diện khắp nơi, cũng bị
cắt. Chiến dịch quyên góp vàng do Hồ Chí Minh tổ chức năm
1946, khi ông kêu gọi mọi người đóng góp những khoản hối
lộ lớn nhằm thuyết phục quân đội Trung Quốc phải rút
khỏi miền Bắc Việt Nam, bị xoá sạch trơn.

Gia đình của Phạm Xuân Ẩn không được phép "di cư từ
Bắc vào Nam". Ông cũng không được phép tham gia <em>nam
tiến</em>. Đó là công cuộc tiến về phương Nam diễn ra trong
lịch sử Việt Nam, kéo dài hàng trăm năm, khi người Việt đi
dọc dãy Trường Sơn, chiếm lãnh thổ của người Thượng,
người Chăm, người Khmer, và các dân tộc "thiểu số" khác.
Đoạn ca ngợi nền văn học Pháp bị xóa. Phạm Xuân Ẩn không
được phép nói rằng người Pháp đã vẽ ra bản đồ của
nước Việt Nam hiện đại. Ý kiến của ông rằng chủ nghĩa
cộng sản là một lý tưởng không tưởng, không thể đạt
được trong cuộc đời thực, cũng bị cắt. Lời ông khen Edward
Lansdale là một điệp viên tuyệt vời, ông học nghề từ chính
ông này cũng bị cắt. Trong toàn bộ tác phẩm, cuộc xâm lăng
của miền Bắc được làm giảm bớt đi, trong khi mức độ man
rợ của miền Nam thì bị thổi phồng lên. Đảng viên cộng
sản luôn luôn đi đầu trong khi dân chúng thì vui vẻ theo sau.
Những cố gắng của Phạm Xuân Ẩn nhằm phân biệt giữa cuộc
chiến đấu vì nền độc lập của Việt Nam và cuộc chiến
đấu vì chủ nghĩa cộng sản đã bị cắt.

Chúng tôi mới đọc đến trang 38 thì bạn tôi nói: "Họ
muốn giết tác phẩm này. Họ hoàn toàn không thích nó".
Những cuộc thảo luận về chiến dịch Cải cách Ruộng đất
và và quyền sở hữu tập thể của cộng sản – cắt. Cộng
sản không còn chịu trách nhiệm về việc phục kích và sát
hại người giáo viên trung học cũ của Phạm Xuân Ẩn vào năm
1947 nữa. Thay vào đó là "một cuộc phục kích" của những
kẻ vô danh nào đó. Ý kiến của John F. Kennedy và Robert, em trai
ông này, khi tới thăm Việt Nam năm 1951 – cắt. Những đoạn
nói về mấy hòn đảo của Việt Nam và những mỏ dầu ở
ngoài khơi hiện đang tranh chấp với Trung Quốc – cắt. Lời
tuyên bố nói rằng lực lượng hải tặc của Bảy Viễn đã
chiến đấu vì cộng sản trước khi chạy sang phía bên kia –
cắt. "Càng ngày họ càng hoang tưởng hơn", bà nói.

Chúng tôi lập được một danh sách dài các lỗi dịch thuật,
những từ mà các biên tập viên Việt Nam của tôi đã hoặc là
hiểu lầm hoặc cố tình không hiểu, đấy là những từ như:
<em>người viết thuê, sự phản bội, hối lộ, dối trá, khủng
bố, tra tấn, tổ chức bình phong, dân tộc thiểu số và trại
cải tạo</em>. Người Pháp không được phép <em>dạy</em>
người Việt Nam bất cứ điều gì. Người Mỹ cũng thế. Việt
Nam chưa bao giờ tạo ra <em>người tị nạn</em>. Nó chỉ sinh ra
<em>những người định cư </em>ở nước ngoài. Những đoạn
nói rằng chủ nghĩa cộng sản là "vị thần đã thất bại"
– cắt. Ý kiến của Phạm Xuân Ẩn rằng ông là bộ não Mỹ
được ghép vào cơ thể Việt – cắt. Đoạn phân tích của
ông về cách thức mà cộng sản thay nhà nước cảnh sát của
Ngô Đình Diệm bằng nhà nước cảnh sát của mình – cắt.

Câu chuyện về tổn thất đầu tiên của Mỹ trong Chiến tranh
Việt Nam, sự kiện ông A. Peter Dewey, sĩ quan của lực lượng
OSS, vô tình bị cộng sản giết năm 1945, đã bị xóa. Các sĩ
quan quân đội Việt Nam bị tẩy khỏi chiến dịch. Không
được nói Tết Mậu Thân là một thất bại quân sự. Không
được kể chuyện chó bị thui. Những lỗi lầm trong lĩnh vực
tình dục, tình nhân, hôn nhân ép buộc – tất cả đều biến
mất khi các quan chức cộng sản dính vào. Những đoạn viết
về Sài Gòn trong những tuần ngay sau khi chiến tranh kết thúc,
trong đó có tình trạng thiếu lương thực và thắt chặt an ninh
quốc gia – bị xóa sạch. Ngay cả lệnh cấm chọi gà cũng
không được nhắc tới. Những đoạn viết về thuyền nhân bỏ
trốn sau năm 1975 – cắt. Những đoạn viết về Việt Nam
chiến đấu chống Campuchia năm 1978 – cắt. Những đoạn viết
về Việt Nam đánh nhau với Trung Quốc năm 1979 – cắt. Mong
muốn cuối cùng của Phạm Xuân Ẩn: hỏa táng và đem tro cốt
rắc trên sông Đồng Nai, đã bị cắt. (Thay vào đó, người ta
đã tổ chức tang lễ cấp nhà nước với một bài diễn văn ca
ngợi do người đứng đầu ngành tình báo quân sự đọc.) Khi
đọc đến cuối cuốn sách, chúng tôi thấy nhiều trang ghi chú
và nguồn tài liệu đã không còn. Bảng chỉ mục (index) cũng
biến mất. Nếu còn, chắc nhiều từ trong phần này đã chuyển
sang nghĩa hoàn toàn ngược lại.

"Nhờ trời, hết rồi", bà bạn tôi nói. "Cuốn này làm
tôi bạc cả tóc và bị nhiều cơn ác mộng".

Bản thảo của Nhà Xuất bản Lao Động đưa ra một lời đánh
đố. Trả lời như thế nào đây? Các bạn cố vấn của tôi
đưa ra hai giải pháp. Hoặc là chôn vùi dự án này, hoặc biến
nó thành một vụ trao đổi con tin. Nhã Nam và Lao Động sẽ
được phép xuất bản tác phẩm này, nhưng đổi lại, họ
phải cho tôi bản thảo ban đầu và để tôi xuất bản trên
mạng.

Để chuẩn bị cho các cuộc đàm phán, tôi đã xem lại hợp
đồng ký với Nhã Nam ba năm trước đó. Công ty này cam kết
sẽ chỉ thực hiện "những thay đổi nhỏ trong văn bản gốc
của tác phẩm", và những sửa đổi này "sẽ không làm thay
đổi đáng kể ý nghĩa hoặc không làm thay đổi đáng kể văn
bản". Tôi đề nghị người đại diện của tôi ở New York
gửi thông báo cho đại diện phụ của chúng tôi ở Bangkok,
cảnh báo Nhã Nam rằng họ đã vi phạm hợp đồng vì lấy tác
phẩm tuyên truyền thay thế cho bản dịch.

Cùng với tiền bản quyền gửi cho tôi – chậm trễ vì "vô
tình quên" – Nhã Nam bắt đầu trở lại với "những chỗ
cắt xén và thay đổi mà không thể nào làm khác được". Họ
muốn gọi tác phẩm là <em>Điệp viên hoàn hảo</em>, nhưng bây
giờ cô Yến đồng ý trở lại với nhan đề mà ông Long và
tôi đã thỏa thuận. "Việc bản dịch bị kiểm duyệt là
những điều hai bên đã thấy ngay từ đầu", cô viết cho
đại diện của tôi như thế vào tháng 7 năm 2012. "Mức độ
kiểm duyệt có thể gây sốc cho tác giả (cũng như chúng tôi).
Nhưng ở đây chúng tôi thường xuyên gặp những chuyện kiểu
như vậy, và chúng tôi biết hoàn cảnh ở đất nước chúng
tôi. Chúng tôi đã tiếp xúc với 7 nhà xuất bản quốc doanh
khác nhau, và, cuối cùng, chỉ có Nhà Xuất bản Lao Động cấp
giấy phép xuất bản, kèm theo những đoạn bị cắt và sửa
chữa."

Việc tôi hủy bỏ hợp đồng xuất bản là "biện pháp giải
quyết dễ dàng nhất", cô Yến kết luận, nhưng "như thế
thì sẽ bất công đối với chúng tôi và những dự định trung
thực của chúng tôi. Chúng tôi sẽ rất thất vọng", cô nói.

Những cuộc trao đổi con tin của tôi cũng tiến triển không
thuận lợi. Cô Yến đòi kiểm duyệt cả bản sẽ đăng trên
mạng, và bằng cách đó, mở rộng quyền bá chủ của Việt Nam
ra khắp thế giới. Nhưng cuối cùng cô rút lại, chỉ yêu cầu
công bố trên mạng sau khi cuốn sách đã phát hành ở Việt Nam
được 6 tháng. Chúng tôi cũng đồng ý rằng trên trang tác
quyền sẽ in một tuyên bố nói rằng: "Đây là bản dịch
một phần tác phẩm <em>The Spy Who Loved Us</em>. Có những đoạn
trong tác phẩm này đã bị lược bỏ hoặc viết lại."

Cuối năm, khi tôi vẫn chưa được nhận bản bông để đọc
lại và giấy phép xuất bản của chúng tôi sắp hết hạn, thì
nhận được thư của cô Yến: "Tại sao ông lại đồng ý làm
việc với Nhã Nam, nếu ông không tin tưởng biên tập viên
Việt Nam của ông? Có phải chúng tôi không đáng tin bằng
những người bạn của ông?" Tôi hình dung những chiếc móng
tay của cô đang cào lên bàn phím trong lúc đánh máy. "Chúng
tôi không thích nghe ý kiến của những người ngoại cuộc
nữa. Thế là không chuyên nghiệp."

Tháng 6 năm 2013 cô Yến gửi thư cho tôi, thông báo rằng Nhã
Nam vẫn đang tìm cách giữ giấy phép xuất bản, và họ hy
vọng sẽ báo tin vui cho tôi một ngày không xa. Cô nói thêm
rằng những người đọc cuốn sách gần đây nhất ở Việt Nam
tỏ ra "sợ" cho dự án này. Tuần sau tôi được cô Yến
đề nghị "kết bạn" trên Facebook.

(Còn tiếp 3 kì)

<em>Bản tiếng Việt "Rừng Sát: Về việc bị kiểm duyệt ở
Việt Nam"</em>
<em> Copyright © 2014 Phạm Nguyên Trường & pro&contra & Thomas A.
Bass</em>

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://www.danluan.org/tin-tuc/20141102/thomas-a-bass-rung-sat-ve-viec-bi-kiem-duyet-o-viet-nam-1),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét