Đúng một năm trước đây, ngày 17/2/2008, CNN đã cho ra đời iReport.com, nơi cho phép độc giả trên khắp thế giới gửi về những hình ảnh và video liên quan đến sự kiện chấn động mà họ tận mắt chứng kiến. Những thông tin thú vị nhất sẽ được CNN chọn lọc, kiểm chứng và được phát lại chính thức trên kênh CNN. Đây là một dự án thành công của CNN được nhiều hãng thông tấn khác "nhái" lại, như i-Caught của ABC, uReport của Fox và FirstPerson của MSNBC...
Sự ra đời của báo chí công dân
Dự án nói trên của CNN là một ví dụ về "báo chí công dân" (citizen journalism). Báo chí, vốn được coi là lãnh địa dành riêng cho những nhà báo có nghiệp vụ và được cấp phép hành nghề, tại ngưỡng cửa của thế kỷ 21 đã mở ra đón nhận sự tham gia của những người trước đây chỉ đóng vai trò độc giả.
Báo chí công dân là hoạt động thu thập, phân tích và chia sẻ thông tin của những người không chuyên về lĩnh vực báo chí trên các phương tiện đại chúng. Vì thế, nó còn được biết đến dưới các tên gọi khác như "báo chí tham gia" (participatory journalism), "báo chí công" (public journalism) hay "báo chí của đám đông" (mass journalism)
Sự ra đời của báo chí công dân gắn liền với sự bùng nổ của các công nghệ truyền thông. Thế kỷ 21 là thời khắc mà bất kỳ ai cũng có thể ghi âm các cuộc đàm thoại bằng những chiếc máy mp3 bỏ túi, hay ghi hình tại mọi lúc mọi nơi với chiếc máy điện thoại cầm tay của mình. Chỉ cần 5 phút, họ đã có thể đưa mẩu đối thoại và hình ảnh đó lên các trang dịch vụ miễn phí như Megaupload, Yousendit, Flickr hay YouTube v.v...; để rồi chưa tới vài giờ sau, các trang blog và diễn đàn đã ngập tràn những lời bình luận và phân tích của độc giả về sự kiện. Sự kiện thanh niên Việt Nam biểu tình phản đối Trung Quốc ngày 09/12/2007 đã được chính những người biểu tình ghi lại và cập nhật một cách nóng hổi trên các diễn đàn như X-cafevn.org. Có thể nói, nhờ có sự phát triển của công nghệ kỹ thuật số, cộng đồng đã có trong tay những công cụ cực kỳ tiện lợi và rẻ tiền để từ đó thay đổi hoàn toàn quá trình thu nhận và trao đổi tin tức của mình.
Thực hiện như thế nào?
Có nhiều loại hình báo chí công dân, với mức độ và cách thức tham gia khác nhau. Như đã nói ở trên, các blog cá nhân hay diễn đàn có thể trở thành những trang tin tức khi cần, với đặc điểm là cập nhật nhanh nhạy và lượng đề tài bao quá; bởi trên đó tin tức rất ít khi bị giới hạn hay kiểm duyệt. Các tờ báo chính thống hiện nay cũng đều có mục ghi nhận những phản hồi của độc giả, đó là một loại hình báo chí công dân ở mức độ giới hạn hơn. Ngay cả Wikipedia cũng là báo chí công dân, bởi nội dung của nó do độc giả cộng tác soạn nên.
Lại có những trang web mà thông tin hoàn toàn do độc giả cung cấp, ví dụ như NowPublic hay CyberJournalist. Những tờ báo công dân trực tuyến này có thường có đội ngũ biên tập duyệt bài, kiểm chứng thông tin và kiểm tra ngôn từ trước khi cho đăng những bài của độc giả. Đây cũng chính là mô hình mà Dân Luận hướng tới.
Lợi thế
Những người trước kia được biết tới như là độc giả, nay các bàn phím và máy chụp hình tham gia vào "trận chiến", tạo ra một sự thay đổi ngoạn mục trong lĩnh vực báo chí truyền thống. Thế mạnh của báo chí công dân nằm ở chỗ "số lượng" các nhà báo đông đảo, có mặt tại mọi chỗ mọi nơi. Không chỉ số lượng bản tin tăng lên, mà nội dung bản tin cũng đa chiều và chân thực hơn vì có sự tham gia và kiểm chứng của nhiều người dưới nhiều góc nhìn khác nhau.
Những câu chuyện do chính người chứng kiến sự việc kể lại khiến tin tức trở nên sống động hơn. Do người viết tin cũng là người trải nghiệm các vấn đề mà bản tin muốn truyền tải, nhiều vấn đề hết sức thực tiễn được đề cập tới. Qua blog, diễn đàn và các tờ báo công dân, nhiều vụ tham nhũng, nhũng nhiễu và các vấn đề xã hội đã được công khai.
Nghiên cứu cho thấy, báo chí công dân cũng giúp nâng cao dân trí và trách nhiệm của công dân đối với cộng đồng. Qua việc viết và đưa tin, độc giả buộc suy nghĩ một cách khách quan, đặt câu hỏi và bỏ công tìm hiểu hiểu sâu hơn vào vấn đề, điều mà họ thường bỏ qua khi chỉ đọc tin. Những hoạt động này giúp các công dân gắn bó chặt chẽ hơn với cộng đồng và môi trường xung quanh họ.
Nhược điểm
Báo chí công dân phụ thuộc vào số lượng độc giả quyết định tham gia đóng góp, cũng như trình độ của những người đóng góp đó. Vì vậy, sẽ có những tờ báo công dân với số lượng bài ít ỏi, hay chất lượng sút kém, hoặc cả hai. Vì những người đưa tin không phải là phóng viên chuyên nghiệp, bản tin họ tạo ra có thể thiên kiến và chứa đựng thông tin sai lệch do không có điều kiện kiểm chứng thông tin. Mục đích của đội ngũ biên tập thường thấy trong các dự án báo chí công dân chính là để bù lại những thiếu sót nói trên.
Nhìn chung, độc giả cần phải biết những yếu điểm của báo chí công dân, phải có sự dè dặt cần thiết khi tiếp xúc với các nguồn tin chưa được kiểm chứng. Đọc tin với con mắt soi mói - đó là lời khuyên dành cho những người sử dụng báo chí công dân.
Mỗi công dân là một nhà báo
+ Trào lưu "báo chí công dân" (citizen journalism) nảy sinh từ nước Mỹ sau cuộc bầu cử tổng thống 1988 như một phản ứng từ niềm tin vào các phương tiện truyền thông đã bị xói mòn. Jay Rosen, giáo sư báo chí ở Đại học New York là một trong những người tiên phong cổ xuý trào lưu này.
+ Năm 1999, những nhà hoạt động xã hội ở Seattle (Mỹ) sáng lập Trung tâm Truyền thông độc lập (Independent Media Center - IMC) đầu tiên để bày tỏ phản ứng trước việc tổ chức hội nghị WTO tại đây trong khi các kênh truyền thông chính thống không hề đại diện cho tiếng nói và nguyện vọng của họ. Từ đó, IMC đã được thiết lập ở hơn 2.000 thành phố khắp thế giới.
+ Cùng lúc với sự phát triển của các trung tâm IMC, những kênh thông tin của các "nhà báo công dân" bắt đầu bùng nổ trên internet dưới các hình thức weblog, chat room, forum, wikis… Ở Hàn Quốc, website OhMyNews.com ra đời năm 2000 trở thành tờ báo trực tuyến nổi tiếng và thành công về mặt thương mại với khẩu hiệu: "Mỗi công dân là một nhà báo". 80% tin bài trên website này là do các thường dân cộng tác.
+ Năm 2001, website ThemeParkInsider.com của Mỹ là tờ báo trực tuyến đầu tiên giành được một giải thưởng báo chí quan trọng của Hiệp hội Báo chí trực tuyến Mỹ và khoa báo chí Đại học.
+ "Bạn" là Nhân vật của Năm "bởi vì chính bạn, chứ không phải chúng tôi, đang làm thay đổi kỷ nguyên thông tin". Đấy chính là lý do để tạp chí Thời đại (Time) của Mỹ quyết định chọn You (bạn) là Nhân vật của năm 2006 thay vì những nhân vật nổi tiếng trên các lĩnh vực như thông lệ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét