Dương Vũ - Ai đang làm khánh kiệt đất nước? (Phần 10)

<blockquote><strong>Dân Luận:</strong> Bài viết do tác giả chuyển
tới Dân Luận qua email. Vì không có điều kiện kiểm chứng,
chúng tôi mong độc giả tham khảo thông tin dưới đây với sự
dè dặt cần thiết.</blockquote>

Xét cho cùng, Hà Văn Thắm cũng không phải là tay vừa. Việc
giàu lên nhanh chóng của những người như Hà Văn Thắm thì
việc bị bắt cần phải xét một cách công bằng. Số tiền có
được hang năm có thực sự đến từ sự làm ăn chính đáng
không? Dễ dàng có thể biết được sự minh bạch thông qua hệ
thống kế toán thuế. Tuy nhiên, đáo tụng đình cần phải
được định danh đúng tội với đúng hành vi vi phạm và nó
phải được tiến hành với tất cả các thành phần dù là con
cái thủ tướng cho đến xuất thân nghèo khó, từ anh con cái Ba
Tàu hay tư sản thành thị.

Tuy nhiên, điều mà chúng ta nhận thấy, đằng sau sự bắt bớ
này là những đòn kế nhằm triệt hạ đối thủ của những
phe nhóm chính trị, băng đảng lợi ích nhóm. Và dường như
người ta nhận thấy, hành động tiếp theo lại có thể là sự
thoả hiệp và dân lành mới là nạn nhân chứ không phải là
những người như Thắm hay ai đó.

Liệu có thể tin, "trận đấu" này một mất một còn?
Nhưng lịch sử cho thấy, "cãi nhau" xong rồi ta lại về. Và
rồi sự thỏa hiệp lên ngôi như bao "trận chiến" tưởng
như có thể "hạ màn" và một tương lai tốt đẹp đang chờ
đón dân tộc này nhưng rồi hy vọng bao nhiêu lại thất vọng
bấy nhiêu!

Về vụ việc diễn ra, như đã trình bày, nó liên quan mật
thiết đối với uy tín của giới lãnh đạo hành pháp mà sắp
được định danh tại cuộc bỏ phiếu của Quốc Hội sắp
tới.

Trong phần này, xin được đưa ra những thông tin về kinh tế
xã hội, với những số liệu mà ai đọc xong cũng hiểu được
Chính Phủ đã lừa tất cả chúng ta, lừa từ dân chúng cho
đến các đại biểu Quốc Hội, những người bầu ra họ như
thế nào.

Câu nói quen miệng của Thủ tướng là kinh tế vĩ mô tiếp
tục được duy trì ổn định, lam phát thấp, các lĩnh vực như
nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, xuất nhâp khẩu tiếp tục
tăng trưởng, xuất siêu cao hơn năm trước, việc thực hiện
tái cơ cấu kinh tế được triển khai và đạt một số kết
quả rõ hơn năm trước. Rồi thì ông nào bé hơn ông X cũng nói
vậy. Nói như một câu mẫu, nói như trước tác. Rồi thì báo
chí chính thống cũng câu đó copy and paste.

Phát biểu hôm khai mạc toà nhà mới, Thủ tướng nói, 9 tháng
tăng GDP là 5,54% và ước đạt 5,8% cả năm. Thực tế ai cũng
hiểu, Chính Phủ nói con số nào thì biết con số đó và thực
tế không cao như thế. Cho dù có đạt 5,8% và năm 2015 đạt 6,2%
thì vẫn thấp hơn năm 2011 là 6,24% chưa phục hồi tăng
trưởng. Vì thế có nên được đánh giá cao?

Ai cũng biết, GDP tăng cao vừa qua chủ yếu nhờ khu vực đầu
tư nước ngoài (FDI), tăng giải ngân vốn ODA, vốn trái phiếu
chính phủ, tăng khai thác dầu thô (gần 1 triệu tấn và giá
dầu cao hơn dự kiến, trung bình 110USD/thùng).

<b>Liệu có tin được con số tăng 5.8% GDP cho 9 tháng đầu năm?
</b>

Trong 9 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng rất thấp, chỉ
đạt 4.07%, trong khi doanh nghiệp chủ yếu dựa vào tín dụng.
Tổng đầu tư xã hội giảm (năm 2014 ước 30,1% GDP so với 30,4%
năm 2013), trong đó đầu tư từ ngân sách nhà nước giảm (từ
21,4% năm 2013 còn khoảng 20% năm 2014), doanh nghiệp tư nhân giải
thể, ngừng hoạt động tăng 12,9% (44.509 doanh nghiệp). Vốn FDI
thực hiện tăng thấp 1,1%, vốn đăng ký giảm 25% so với cùng
kỳ năm 2013, chất lượng tăng trưởng chưa có chuyển biến
gì.

Trong khi các năm trước, tín dụng tăng 30-40%/năm, tổng vốn
đầu tư hơn 40%GDP nhưng tăng trưởng mới đạt 7%. Vậy có tin
được lời Thủ Tướng? Phải chăng 3X coi các đại biểu Quốc
Hội chỉ là nghị gật, chỉ là những con lừa muốn nói sao
thì nói?

Có nực cười không khi chỉ có <b>1,84% thất nghiệp</b> và
<b>chỉ số hài lòng của người dân là hơn 80%</b>. Chắc vì
đó là con số mà thủ tướng nghĩ rằng ông sẽ được 80%
đại biểu quốc hội hài lòng tín nhiệm cao? Và tất nhiên
Thống Đốc Ngân hàng Bình Ruồi phải thấp hơn chút ít chứ,
75% chăng?

Liệu có tin được vào những con số về tăng trưởng tín
dụng, về nợ công?

Ngay khi vừa trở về từ Ấn Độ, 3X chủ trì phiên họp Chính
Phủ bàn chủ yếu về nợ công. Mọi phát ngôn đều nói rằng,
nợ công trong tầm kiểm soát. Đó phải chăng là sự phát biểu
để "đập" lại phát biểu của Chủ Tịch Quốc Hội về
năng lực yếu kém và về việc tiền ở đâu cho những việc
cần tiêu; và cả việc tiền đã tiêu như thế nào?

Chỉ hôm trước thôi nói là OK cho mọi thứ thì ngay hôm sau
Bộ Tài Chính công bố kế hoạch bán trái phiếu chính phủ ở
thị trường nước ngoài, trị giá lên đến 1 tỷ đô la Mỹ.
Không hết tiền thì việc gì phải bán? Vậy có tin được
không? Một điều khốn nạn là luôn rêu rao rằng, tiền phải
chi cho an sinh xã hội rất lớn, phải xây các công trình công
cộng… vân vân và vân vân.

Về tín dụng, hết tháng 6 năm 2014 tín dụng mới tăng được
hơn 2% so với tháng 12 năm 2013 thế mà tháng 8 đã tăng lên
4,07%, tháng 9 lên 5.61%. Trong 1 quý (Quý III năm 2014) tín dụng
tăng gần 5%, ước gần 200 ngàn tỷ đồng. Nếu thực sự như
vậy thì tình hình kinh tế phải khác. Hay con số chạy cho kịp
kỳ họp Quốc Hội? con số làm đẹp báo cáo?

Và giữa con số của Ngân hàng Nhà Nước và của các tổ
chức tín dụng quốc tế rất khác nhau.

Ví dụ: tháng 3 năm 2012, các ngân hàng thương mại nói nợ
xấu là 4.47%; Ngân hàng nhà nước nói 8,6% còn Fiting rate nói là
13%. Moody's nói nợ xấu là 15% tổng tài sản ngân hàng lên
đến 860 ngàn tỷ trong khi Thống Đốc nói là 500 ngàn tỷ và
còn xử lý được một nửa.

Với tư cách là nhà đầu tư, là người nộp thuế, tin vào ai
đây?

Việc phát hành tiền trước đây phải thông qua Bộ Chính
Trị, nay thì chả cần và ngay cả cơ quan quyền lực nhất
Việt Nam là Bộ Chính Trị cũng chả biết nợ xấu là bao
nhiêu. Cuối tháng 12 năm 2013 công bố nợ xấu là 3,61%, rồi
lên 4,17% vào tháng 6 năm 2014 chiếm khoảng 8 đến 9% tổng dư
nợ tín dụng nhưng Moody's thì nói là 15%.

Điều mà ai cũng nhận thấy là việc để nợ xấu cao, kéo
dài và xử lý chậm, không hiệu quả sẽ gây ách tách nguồn
vốn dẫn đến kinh tế trì trệ và làm mất ổn định hệ
thống ngân hàng.

Cơ cấu tăng trưởng về công nghiệp khu vực FDI chiếm tới
70% và tốc độ tăng trưởng chính nhờ khu vực này. Gia công
vẫn chiếm tỷ trọng lớn, công nghiệp phụ trợ kém phát
triển.

Trình độ, thiết bị, công nghệ lạc hậu, tụt hậu xa với
thế giới. 76% máy móc thiết bị, dây chuyền công nghệ nhập
khẩu là các thế hệ những năm 1950-1960, tụt hậu 2-3 thế hệ
so với trung bình thế giới. Tính chung thiết bị hiện đại
chỉ chiếm 10%, lạc hậu và rất lạc hậu chiếm tới 52%.

Là một nước nông nghiệp nhưng cây con giống chủ yếu vẫn
nhập khẩu. Thức ăn chăn nuôi thì do nước ngoài chi phối.
Công ty thức ăn chăn nuôi CP của Thái Lan giữ tới 80% thị
phần thức ăn lợn, gà đã rơi vào tay người Trung Quốc. Không
có công nghiệp chế biến và bảo quản. Hàng hoá nông sản
chủ yếu xuất thô. Thỉnh thoảng, người Trung Quốc lên cơn
động kinh, co giật thì ngay lập tức, nông sản tươi thối
rữa khắp các cửa khẩu phía Bắc. Hai thứ đứng đầu là
gạo và cà phê thì cà phê xuất thô và gạo thì luôn rẻ hơn
Thái Lan trong khi nông dân luôn bị ép giá, tư thương Trung Quốc
đi đến từng hộ gia đình để lừa đảo, làm giá.

Khu vực kinh tế dịch vụ tăng thấp hơn năm 2013, chỉ đạt
6.02% so với 6,25% của năm ngoái. Bất động sản vẫn bất
động, các thị trường chứng khoán, tài chính, tiền tệ, thị
trường lao động, thị trường khoa học công nghệ suy giảm.

Doanh nghiệp FDI chiếm tới 70% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tăng
trưởng xuất khẩu và xuất siêu chủ yếu nhờ khu vực này.
Xuất siêu là do tổng cầu thấp, sản xuất trong nước trì
trệ. Trong khi cả nền kinh tê xuất siêu 2 tỷ đô la mỹ là do
xuất khẩu máy điện thoại di động của một nhà máy Samsung
đã hơn 10 tỷ đô la Mỹ nhưng nhập siêu từ Trung Quốc đã
hơn 20 tỷ đô la Mỹ chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2014.

Tái cơ cấu kinh tế không chuyển biến. Đấu giá cổ phần
hóa doanh nghiệp nhà nước chả ai mua. Có doanh nghiệp chào chỉ
bán được 27% cổ phần chào bán. Cá biệt có doanh nghiệp chỉ
bán được 2% cổ phần chào bán. Thoái vốn đầu tư ngoài
ngành của doanh nghiệp nhà nước tới này mới chỉ có 20%.

Đầu tư công giảm chẳng qua hết vốn. Nếu có vốn trở lại
thì lại tiếp tục dàn trải.

Chẳng hạn như việc xây sân bay Long Thành, không kiếm đâu ra
tiền, kể cả tìm vốn ODA. Đinh La Thăng dùng mọi thủ đoạn
truyền thông để lobby cho việc xây sân bay Long Thành. Nào là
cho đăng báo bêu xấu Tân Sơn Nhất là 1 trong 10 sân bay tệ
nhất Á Châu; nào rằng không thể phát triển được thành phố
Sài Gòn vì vướng sân bay; nào thì phải đón đầu tăng
trưởng, biến Long Thành thành điểm trung chuyển khách của khu
vực; nào thì phía nam cần hai sân bay.

Trong khi chỉ cần tối đa 2 tỷ đô la là có thể nâng cấp
sân bay Tân Sơn Nhất lên nhiều lần nhưng chính phủ và Bộ
Giao Thông vẫn muốn xây sân bay Long Thành với số tiền lên
đến gần 19 tỷ đô la Mỹ. Đinh La Thăng rất hiểu giá trị
phần trăm của xây dựng cơ bản.

Ách tách lớn nhất là ách tách thể chế, tồn kho lớn nhất
là tồn kho thể chế. Thậm chí Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu
tư Bùi Quang Vinh còn đăng đàn Quốc Hội để kêu gọi đổi
mới thể chế mới hòng thay đổi.

Số giờ nộp thuế của các doanh nghiệp Việt Nam là 800
giờ/năm trong khi các nước ASEAN-6 chỉ là 170 giờ/năm, gấp 5
lần so với họ. Hoàn thành thủ tục để khởi công một dự
án nhóm C ít nhất 400 ngày và nhóm A là 450 ngày.

Vì sao cải cách hành chính đã làm cả chục năm, năm nào cũng
công bố kết quả tích cực mà số giờ doanh nghiệp phải nộp
thế cao đến thế? Thời gian làm thủ tục đầu tư lâu đến
thế?

Năng suất, hiệu quả, năng lực cạnh tranh rất thấp. Năng
suất lao động so với Singapore bằng 1/15, với Nhật là 1/11,
1/10 với Hàn Quốc, 1/5 với Malaysia và 2/5 so với Thái Lan. Năng
lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam là 68/144, đứng vị trí
thứ 6 trong ASEAN.

Trong khi Campuchia có thể sản xuất được ô tô thì chúng ta
vẫn đi lắp ráp thuê. Cái ốc vít cũng không làm được. Đề
án đổi công nghiêp hoá, hiện đại hoá được đề ra 20 năm
nay chả lẽ chỉ để hội thảo, học nghị quyết và tiêu
tiền?

Việc thành lập công ty mua bán nợ VAMC thực chất chỉ là trò
hô biến nợ xấu trên giấy tờ. Công ty này không có tiền
để tham gia mua bán. Với số vốn chỉ 500 tỷ mà VAMC đã mua
bán và cơ cấu lại số nợ xấu lên đến hơn 50 ngàn tỷ
đồng. Chắc với khả năng đó, anh Bình Ruồi xứng đáng
được nhận giải Nobel kinh tế chứ không phải là chỉ một
nửa giải như anh từng nói. Và các nước Phương Tây như Anh,
Mỹ, Châu Âu phải nên cắp sách đến Việt Nam mà học anh Bình
Ruồi về giải quyết khủng hoảng kinh tế.

Tình hình căng thăng nhất là nợ công thì chính phủ không
công khai. Tăng nhanh, vượt ngưỡng không cho phép. Phát hành
trái phiếu, đi vay nợ nước ngoài để tiêu nhưng thực tế
lương cho người lao động không được tăng. Dự kiến nợ
công năm 2014 là 60,3% và năm 2015 là 64%. Liệu có tin được con
số này không khi mà cả Bộ Chính Trị và Quốc Hội đều
không được báo cáo đây đủ và an toàn. Ngưỡng cho phép tối
đa là 65% GDP, vậy có phải ai đó cố tình hạ xuống một chút
để làm đẹp con số cho hết nhiệm kỳ?

Cần phân tích kỹ hơn ở chi tiết này. Nợ công năm 2013 là
54,2% GDP, giảm 2% so với con số báo cáo Quốc Hội chẳng qua là
do đồng Yên của Nhật mẩt giá, làm nợ nườc ngoài của
Việt Nam bằng đồng Yên giảm khoảng 65-70 ngàn tỷ. Nếu như
đó là điều may mắn thì cũng có lúc rủi ro. Bởi có lúc nó
tăng nhưng báo cáo không đề cập đến chi tiết này. Thứ hai
là nợ công chỉ tính theo luật quản lý nợ công, chưa tính
các khoản nợ khác của ngân sách nhà nước (đã vay để chi
nhưng chưa trả). Cuối năm 2013, khoảng 160 ngàn tỷ, gồm nợ
quỹ hoàn thuế giá trị gia tăng là 33,5 ngàn tỷ; nợ phí quản
lý và cấp bù lãi suât ngân hàng phát triển và ngân hàng chính
sách xã hội là 12,7 ngàn tỷ; nợ các khoản chi cho các dự án
được đầu tư từ ngân sách nhà nước là 53,2 ngàn tỷ
đồng; nợ xây dựng cơ bản của ngân sách địa phương là 40
ngàn tỷ; nợ quỹ bảo hiểm xã hội là 22,5 ngàn tỷ.

Một điều đau lòng khác là nợ công liên quan đến sự thua
lỗ của doanh nghiệp nhà nước mà thực tế là nhà nước
phải trả nợ thay, bảo lãnh phát hành trái phiếu đảo nợ
hoặc chuyển nợ của DNNN này sang DNNN khác trả thay.

<b>Thực tế, nhiều báo cáo cho biết, nợ công đã lên đến
100%GDP.</b>

Đáng lo ngại là nợ phải trả tăng nhanh, đã vượt mức an
toàn cho phép. Năm 2013 trả nợ bằng 22,5% tổng thu ngân sách
nhà nước; năm 2014 là 25,5% (có số liệu nói là 26,7%), vượt
ngưỡng 25% cho phép. Năm 2015 thì còn cao hơn nhiều, dự kiến
là 30% tổng thu NSNN.

Ngân sách nhà nước đã không đủ để trả nợ. Phải đi vay
để trả nợ và đảo nợ ngày càng nhiều (cao hơn dự kiến):
năm 2013 là 40 ngàn tỷ, năm 2014 là 77 ngàn tỷ (dự kiến ban
đầu là 70 ngàn tỷ) và ước năm 2015 là 130 ngàn tỷ (ban đầu
ước là 105 ngàn tỷ).

Xu hướng này tiếp tục thì vỡ nợ công là rất lớn.

Nghe nói anh 3X đã có mọi phương án đối phó với sự đổ
vỡ rồi. Anh sẽ đăng đàn Quốc Hội, rơm rớm nước mắt nói
câu: I AM SORRY!. Dân Việt giàu lòng vị tha chắc lại một lần
nữa quên ngay mà. Rồi thì động viên nhau, thực ra đang ăn
sắn chuyển ăn khoai thì cũng vẫn vậy thôi mà!

Trong khi đó thu ngân sách nhà nước thì khó khăn. Tốc độ
tăng thu giảm, tỷ lệ chi đầu tư phát triển giảm. Năm 2012
là 27,5%; năm 2013 là 21,4%; năm 2014 là 20% tổng thu ngân sách nhà
nước; năm 2015 dự kiến chỉ còn khoảng 17-18%.

Trong khi đó, chi thường xuyên vẫn tăng từ 61,5% năm 2011 lên
70% tổng chi NSNN năm 2014. Chi trả nợ tăng cao (nhưng vẫn không
đủ phần đi vay, đảo nợ). Bội chi NSNN cao, kéo dài. Bội chi
năm 2015 dự kiến là 5% và cuối năm 2015 sẽ còn hơn 5% (cao hơn
chỉ tiêu đại hội Đảng là 4,5%).

Xu hướng doanh nghiệp tư nhân giải thể, ngừng hoạt động
tăng nhanh, và chưa thể ngăn chặn được. Năm 2011 là 53.922
doanh nghiệp giải thể; năm 2012 là 54.261 DN; năm 2013 là 60.737 DN
và 9 tháng đầu năm 2014 là 44509 doanh nghiệp giải thể, ngừng
hoạt động.

Một thể chế hoàn hảo, chặt chẽ dưới sự điều hành kinh
tế của ngài thủ tướng sáng suốt mà cái ốc vít, cái sạc
điện thoại cũng không làm được.

Chặt chẽ đến mức mà 5 tuyến đường sắt đô thị ở Hà
Nội và Sài Gòn đều chậm tiến độ đến 2-3 năm, vốn đầu
tư tăng nhiều lần và rồi dân lại gánh chịu hậu quả. Rồi
thì tuyến Cát Linh Hà Đông lại phải dừng do có tai nạn trong
thi công.

Sự chặt chẽ đến mức để người nước ngoài vào lừa cả
trăm triệu đô như vụ của Phạm Thị Bích Lương ở Ngân hàng
Nông nghiệp với số tiền lên đến 120 triệu đô la.

Trong khi cố gắng tìm mọi cách để bỏ tù luật sư Lê Quốc
Quân về tội trốn thuế mà suy cho cùng, chứng cứ chẳng qua
là sự áp đặt khi mà cơ quan thuế đã quyết toán rồi nhưng
cơ quan an ninh lại cố tình ép án. Thì lại để cho các công ty
nước ngoài trốn thuế cả chục năm trời như coca cola hay metro
cash&amp;carry. Metro làm ăn ở Việt Nam 12 năm thì 11 năm báo lỗ,
không nộp thuế cho Việt Nam nhưng vẫn được cấp hàng trăm ha
đất ở những vị trí đẹp để xây dựng 19 trung tâm bán
hàng ở các thành phố lớn và vừa rồi bán lại cho doanh
nghiệp Thái Lan mà thực chất là dân Ba Tàu với giá gần 900
triệu USD.

Hệ thống công an hùng hậu của thủ tướng ở đâu? Hay chỉ
quen bắt nạt những kẻ bần cùng? Hay còn điều bất thường
gì nữa?

Ngân hàng Phương Nam thua lỗ khủng khiếp, âm vốn chủ sở
hữu đến hơn 11 ngàn tỷ đồng, lỗ luỹ kế 15 ngàn tỷ
đồng và nợ xấu hơn 23 ngàn tỷ đồng (45,6%) vì sao vẫn
được thống đốc Bình Ruồi ưu ái?

Vì sao Trầm Bê nợ của Phương Nam lên đến 30 ngàn tỷ và
nợ Sacombank hơn 15 ngàn tỷ với tài sản đảm bảo không đủ
đìều kiện thế chấp mà vẫn bình an vô sự? Chưa có ai nhắc
đến vai trò của Thống Đốc thì phải?

Như phần trước đã nói, Phạm Công Danh nợ của Phương Nam
gần 2 ngàn tỷ, nợ của BIDV và OCEANBANK hơn 5 ngàn tỷ và
không có khả năng trả nợ nhưng vẫn được chấp nhận làm
Chủ Tịch Ngân hàng Xây Dựng. Mặt khác, Phạm Công Danh là
người có tiền án với án 6 năm tù về tội lừa đảo chiếm
đoạt tài sản XHCN, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản
XHCN và lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân nhưng vẫn
được chấp nhận để mua lại ngân hàng khác và thành lập
ngân hàng Xây Dựng. Khi đựoc bầu làm chủ tịch ngân hàng này
năm 2012 thì ngân hàng âm vốn chủ sở hữu khoảng 5 ngàn tỷ.
Nhưng hơn 1 năm sau (tháng 6 năm 2014) âm vốn chủ sở hữu, thua
lỗ, mất cân đối 25 ngàn tỷ.

Bình Ruồi thừa bíêt mọi chuyện. Theo lời khai của Pham Công
Danh sau khi bị bắt cuối tháng 8 vừa qua thì Danh đã chi hết
700 tỷ để có được Ngân hàng Xây dựng và chi riêng cho Bình
là 400 tỷ đồng.

Và trách nhiệm của Bình Ruồi và của NHNN đối với chuyện
này như thế nào? Tại sao không có biện pháp ngăn chặn?

Câu hỏi đơn giản là dân chúng cần biết sự thật. Các
đại biểu Quốc Hội cần biết đâu là con số thật.

Và ngài thủ tướng có xứng đáng nhận 80% sự tín nhiệm cao?
Và với sự hài lòng của 80% dân chúng, liệu có phải đoàn
tàu Việt Nam đang lao nhanh xuống vực?

Hay đổ lỗi tại kinh tế thế giới hay xa hơn nữa đổ tội
cho chiến tranh đã kết thúc gần 40 năm rồi?

Phải chăng số phận dân tộc này không may mắn? Hay tại ba
đứa phá hoại của Việt Tân?

Tương lai dân tộc nằm ở sự quyết định của lương tri
tiến bộ, của dân chúng biết cất lên tiếng nói của sự
thật hay nằm trong sự kìm kẹp của những kẻ độc tài tham
lam?

Xin chia sẻ những gì có được để dư luận biết được bộ
mặt thật của chính phủ này, thể chế này nó như thế nào
và về những con người đang nắm vận mệnh dân tộc đang lừa
chính những người đóng tiền nuôi họ như thế nào.

Đúng là các cụ nói không có sai. Càng quyền lực càng tha
hoá.


***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://www.danluan.org/tin-tuc/20141107/duong-vu-ai-dang-lam-khanh-kiet-dat-nuoc-phan-10),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét