Dương Danh Dy - Họp Thành Đô 'nguyên nhân và diễn biến'

<center><img
src="http://ichef.bbci.co.uk/news/ws/625/amz/worldservice/live/assets/images/2014/10/15/141015142010_thanh_do_640x360_xinhua_nocredit.jpg"
width="600"> </center>
<center><em>Cuộc họp bí mật Thành Đô tháng 9/1990 làm VN đổi
hướng </em></center>

<strong>BBC giới thiệu một phần bài tư liệu của ông Dương
Danh Dy, cựu Tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu về các
nguyên nhân chủ yếu dẫn tới Hội nghị bí mật Thành Đô năm
1990 giữa một số lãnh đạo hai Đảng Cộng sản Trung Quốc
và Việt Nam:</strong>

<h2 >Nguyên nhân từ phía Việt Nam:</h2>

Ngưòi lãnh đạo chủ chốt của Đảng ta, người quyết liệt
chống bọn bành trướng bá quyền Trung Quốc qua đời tháng 7
năm 1986, tạo điều kiện cho Ban lãnh đạo Việt nam nhất là
ngưòi lãnh đạo chủ chốt mới, đại biểu cho xu hướng cần
phải bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc, để thoát khỏi
vũng lầy Campuchia, thế bị bao vây cấm vận, phải căng mình ra
đối phó trên nhiều mặt trận…để có cơ hội thuận lợi
tiến hành thực hiện bước chuyển đổi chiến lược "cải
cách, đổi mới".

Ban lãnh đạo và người lãnh đạo chủ chốt mới của Đảng
Cộng sản Việt Nam cho rằng: Đảng Cộng sản Liên Xô đứng
đầu là Gorbachev là xét lại, chỉ có Ban lãnh đạo Đảng
Cộng sản Trung Quốc mới kiên trì con đường xã hội chủ
nghĩa, kiên trì chủ nghĩa Mác Lênin.

Qua thực tiễn "cay đắng" về nhiều mặt, đã thấy tác
hại rất lớn của "cái bẫy" Campuchia, ban lãnh đạo mới
quyết tâm thay đổi chính sách về vấn đề CPC mạnh hơn
trước.

Việt Nam đang tiến hành cải cách và đổi mới, đã thu được
nhiều thành quả rõ rệt, nếu chưa bình thường hoá quan hệ
với Trung Quốc sẽ bị những hạn chế và gặp những khó khăn
nhất định về thu hút đầu tư và mở rộng mậu dịch đối
ngoại.

<h2 >Nguyên nhân từ phía Trung Quốc:</h2>Trong thời gian dài hơn
10 năm, mặc dù Ban lãnh đạo Bắc Kinh đã dùng mọi thủ đoạn
xấu xa, tàn bạo nhất hòng làm cho Việt Nam suy sụp, phải
khuất phục Trung Quốc, nhưng Việt Nam vấn đứng vững, đặc
biệt là những thành quả rõ rệt thu được sau mấy năm chúng
ta tiến hành chính sách đổi mới, mở cửa đã khiến họ
phải thay đổi cách nhìn và đối sách cũ đối với Việt Nam.

Ngoài ra những chuyển biến trong thái độ của Mỹ đối với
Việt Nam và chuyển biến bước đầu trong quan hệ Việt Mỹ
đã khiến ban lãnh đạo Bắc Kinh thấy nếu tiếp tục kéo dài
căng thẳng với Việt Nam sẽ làm cho Mỹ được hưởng lợi.

Trung Quốc đang bị cấm vận sau sự kiện Thiên An Môn, bình
thường hoá quan hệ với Việt Nam sẽ tạo thêm thế.

Thấy rõ những điểm yếu của ban lãnh đạo Việt Nam, chủ
động chấp nhận bình thường hoá với Việt Nam lúc này sẽ
thu lợi nhiều hơn trong chính sách đối với Việt Nam và trên
quốc tế.

<h2 >Nguyên nhân quốc tế:</h2>Trung Quốc thông qua Liên Xô gây
sức ép với Việt Nam, phải nhân nhượng, chấp nhận các yêu
cầu của Trung Quốc

Các nước XHCN Đông và Trung Âu không còn nữa, Liên Xô mất
quyền lãnh đạo, sắp tan rã, Việt Nam đứng trước nguy cơ
mất chỗ dựa về nhiều mặt (chính trị, kinh tế, quốc phòng)
cần phải tìm chỗ dựa mới, và Trung Quốc là đối tượng
thích hợp nhất. Do đó cần phải tích cực đáp ứng một số
yêu cầu của phía Trung Quốc nhằm nhanh chóng bình thưòng hoá
quan hệ với họ.

<h2 >Hội nghị bí mật Thành Đô:</h2>

<img
src="http://ichef.bbci.co.uk/news/ws/590/amz/worldservice/live/assets/images/2014/08/22/140822140503_deng_xiaoping_mao_zedong_624x351_xinhua.jpg"
width="600">
<center><em>Hội nghị Thành Đô họp theo 'lý luận Đặng Tiểu
Bình' dù ông này không có mặt </em></center>
Thời gian họp và những nội dung thảo luận.

Do không thể trực tiếp tiếp cận những tư liệu do phía ta
nắm giữ nên người viết đành phải dựa vào một số cuộc
hỏi chuyện với đồng chí phiên dịch của đoàn và đồng chí
Hồng Hà, Chánh văn phòng Trung ương đảng, thành viên của
đoàn.

Ngoài ra đồng chí Đinh Nho Liêm chủ động cho biết một số
tin liên quan và một số ít tư liệu đã được công khai của
phía Trung Quốc, đó là Nhật ký của Lý Bằng (Bản tiếng
Trung, Mạng "Nhân Dân" Trung Quốc ngày 5/1/2008) bài viết của
Lý Gia Trung (lúc đó là Tham tán chính trị ĐSQ Trung Quốc),
nguồn "Hà Bắc tân văn võng" ngày 30/10/2007 đưa lại tin
của "Báo cuộc sống ngưòi già" Trung Quốc) và bài viết
của Trương Thanh (lúc đó là Vụ phó Vụ Á châu 1 Bộ Ngoại
giao Trung Quốc, người tham dự hội nghị. Nguồn "Tạp chí
"Thế giói trí thức" số 24 năm 2004, đang lại trên "Tân
Hoa văn trích" số 5/2005)).

Để đỡ nhắc đi nhắc lại, khi dưới đây ghi "Nhật ký Lý
Bằng"… bạn đọc nên nhớ cả nguồn đã ghi trên và đặc
biệt là cuốn "Hồi ký Trần Quang Cơ" bản năm 2001 và bản
năm 2003.

Theo các tư liệu đó thì diễn biến và kết quả đạt được
của hội nghị như sau:

"Chiều ngày 28/8/1990 Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Trương
Đức Duy nhận được chỉ thị trong nước, chuyển lời tới
TBT Nguyễn Văn Linh:

"TBT Giang Trạch Dân và Thủ tướng Lý Bằng hoan nghênh TBT
Nguyễn Văn Linh và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưỏng Đỗ Mưòi
thăm nội bộ Trung Quốc từ ngày 3- 4 tháng 9 năm 1990, cũng hoan
nghênh Cố vấn Phạm Văn Đồng cùng đi.

Hồi ký Trần Quang Cơ cho biết Trương Đức Duy nói mập mờ là
Đặng Tiểu Bình có thể đến hội nghị gặp anh Tô. Do Á vận
hội sắp cử hành tại Bắc Kinh, để tiện bảo mật, nên sắp
xếp hội đàm tại Thành Đô, Tứ Xuyên" (Lý Gia Trung: "Nội
tình gặp gỡ Thành Đô…" "Hà Bắc tân văn võng" ngày
30/10/2007).

"Nhật ký Lý Bằng" cho biết:

"Sáng ngày 3/9/1990 chuyên cơ Việt Nam rời Hà Nội, 1 giờ
chiều tới Thành Đô, hai giờ chiều đoàn Việt Nam tới nhà
khách Kim Ngưu, tôi và đồng chí Giang Trạch Dân đón tiếp họ
tại phòng khách, rồi cuộc hội đàm bắt đầu."

"Mặc dù biểu thị nguyện vọng muốn nhanh chóng giải quyết
vấn đề Campuchia, nhưng lại biểu thị không muốn can thiệp
vào công việc nội bộ của Campuchia."

Nguyễn Văn Linh có bài nói dài mà hiện nay chưa tìm đọc
được vì cả hai phía đều không công bố, bài nói của Giang
Trạch Dân tại hội nghị cũng như "Kỷ yếu hội nghị"
cũng trong tình trạng như vậy.

Lý Bằng nhận xét:

<center><img
src="http://ichef.bbci.co.uk/news/ws/590/amz/worldservice/live/assets/images/2014/10/14/141014080549_giap_linh_muoi_640x360_ap_nocredit.jpg"
width="600"> </center>
<center><em>Ban lãnh đạo Việt Nam năm 1990 lo sợ diễn biến
Đông Âu làm phe cộng sản than rã</em></center>
"Xem ra trên vấn đề Campuchia Nguyễn Văn Linh chỉ muốn làm
một cái biểu thị nguyên tắc mà đặt trọng điểm vào mặt
bình thường hoá quan hệ Trung Việt."

"Hội đàm kéo dài tới 8 giờ tối. 8: 30 mới bắt đầu tiệc
tối. Tại bàn tiệc tôi và đồng chí Giang Trạch Dân lại lần
lượt làm công tác Đỗ Mưòi và Nguyễn Văn Linh.

Sáng ngày 4 tháng 9, chúng tôi cùng các đồng chí Việt Nam tiếp
tục họp. Đến đây những vấn đề mà hội nghị đề xuất
có thể nói là đã tương đối đạt được đồng thuận,
tương đối trọn vẹn đầy đủ. Quyết định khởi thảo một
kỷ yếu hội nghị.

Vào 2 giờ 30 phút chiều, hai bên cử hành lễ ký kết, lần
lượt do TBT và Thủ tướng mỗi bên ký. Đó là bước ngoặt
có tính lịch sử trong quan hệ Trung Việt. Chuyên cơ Việt Nam
bay về nước ngay trong ngày."

Bài viết của Trương Thanh nói:

"Đây là lần gặp gỡ đầu tiên giữa những ngưòi lãnh
đạo hai nuớc Trung Việt sau hơn 10 năm, hai bên tiến hành hội
đàm cấp cao. Trước tiên Giang Trạch Dân biểu thị: quan hệ
Trung Việt đã xấu đi hơn 10 năm. Hai bên chúng ta nên quán
triệt lý luận Đặng Tiểu Bình "kết thúc quá khứ, mở ra
tương lai".

<h2 >Vừa là đồng chí vừa là anh em</h2>

"Ngoài việc khôi phục quan hệ hữu hảo láng giềng hai nước
Trung, Việt ra, phía Trung Quốc đã đề xuất ý kiến quan trọng
giải quyết chính trị vấn đề Campuchia: Việt Nam rút quân
toàn bộ, hội đàm với các phái Campuchia, tiếp nhận văn kiện
khung do năm nước thưòng trực Hội đồng Bảo an chế định,
tham gia hội nghị quốc tế Paris về Campuchia, đó là then chốt
của việc hai nước Trung Việt khôi phục quan hệ hữu hảo.

TBT ĐCSVN Nguyễn Văn Linh cám ơn bài phát biểu quan trọng của
Giang Trạch Dân, ông biểu thị, quan hệ hữu nghị giữa Việt
Nam và Trung Quốc là "vừa là đồng chí vừa là anh em" như
lãnh tụ Hồ Chí Minh đã nói. Trung Quốc đã ủng hộ to lớn
cho cuộc chiến tranh cứu nước của Việt Nam.

"Đáng tiếc là Lê Duẩn người lãnh đạo tiền nhiệm đã thi
hành chính sách sai lầm khiến người ta khó lý giải. Hai nước
Việt Nam, Campuchia xảy ra 10 năm chiến loạn, khiến quan hệ
Trung Việt bị phá vỡ nghiêm trọng, nhân dân Việt Nam vô cùng
đau lòng.

<div class="boxright320"><img
src="http://ichef.bbci.co.uk/news/ws/270/amz/worldservice/live/assets/images/2014/02/11/140211122455_jiang_zemin_li_peng_304x171_afp.jpg"
width="304"><div class="textholder">Giang Trạch Dân: 'Các đồng chí
tới đây cho đến nay các nước không ai biết, cũng không cho
các bên Campuchia biết. Chúng tôi cảnh giác vấn đề
này'.</div></div>
Bây giờ chúng tôi quyết tâm sửa chữa chính sách sai lầm
trước đây, khôi phục tình hữu nghị truyền thống giữa hai
nước, hai Đảng, cùng đi về con đường XHCN tươi đẹp."

Về việc giải quyết chính trị vấn đề Campuchia, Nguyễn Văn
Linh và Đỗ Mười đều biểu thị "chúng tôi tiếp nhận văn
kiện khung, kết thúc cuộc xung đột Việt Nam, Campuchia."

Qua hai buổi thảo luận, chiều ngày 3 và sáng 4, người lãnh
đạo hai nước đã đạt được sự đồng thuận quan trọng,
ký văn kiện "Kỷ yếu hội đàm".

TBT Giang Trạch Dân biểu thị: bắt đầu từ hôm nay, hai nước
Trung Việt "Độ tận kiếp ba huynh đệ tại;Tương kiến nhất
tiếu mấn oan cừu" (thơ cổ: Qua hết sóng gió anh em vẫn còn,
gặp nhau cười một cái là quên ân oán)"

Giang Trạch Dân nói thêm:

"Các nước Phương Tây rất chú ý tới quan hệ của chúng ta.
Các đồng chí tới đây cho đến nay các nước không ai biết,
cũng không cho các bên Campuchia biết. Chúng tôi cảnh giác vấn
đề này. Họ cho rằng Việt Nam XHCN, Trung Quốc XHCN đều do
Đảng Cộng sản lãnh đạo, họp với nhau bàn cái gì đây? Vì
vậy chúng tôi giữ kín chuyến đi này. Trong tình hình quốc tế
hiện nay, nếu để hai đảng cộng sản bắt tay nhau là sách
lược không có lợi cho chúng ta."

Trước khi đánh giá hội nghị xin nói thêm một nhận xét quan
trọng: Giang Trạch Dân và Lý Bằng đã "tỏ ra" rất kính
trọng ba vị Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười trong
đoàn Việt Nam, coi họ thuộc thế hệ cha chú của mình.

Xin nêu một ví dụ: để tỏ lòng kính trọng ba vị ấy, tại
nơi họp họ đã bố trí mỗi vị ở riêng một biệt thự cách
nhau khá xa. Xin hỏi mấy ông già bảy mươi, tám mươi này sau
khi họp mệt nhoài về liệu có thể tranh thủ gặp nhau để
hội ý thêm được không?

Ngoài ra việc vì sao Đặng Tiểu Bình không đến dự hội nghị
cũng cần được đánh giá thêm.

Ông ta sợ bị phía Việt Nam trực tiếp phê phán, để làm phía
Việt Nam dịu bớt thái độ khi bàn về bình thường hoá quan
hệ, để phía Việt Nam dễ tiếp thu dàn xếp của Trung Quốc.

<h2 >Tổng bí thư Đỗ Mười</h2>...Chấp nhận thoả thuận Thành
Đô, Đại hội VII ĐCSVN, họp từ ngày 17/6 đến 27/6/1991 đã
gạt đồng chí Nguyễn Cơ Thạch ra khỏi Bộ Chính trị và Ban
Chấp hành Trung ương Đảng, không để ông giữ bất kỳ chức
vụ nào về đảng và nhà nước.

<center><img
src="http://ichef.bbci.co.uk/news/ws/590/amz/worldservice/live/assets/images/2014/10/17/141017141720_do_muoi_512x288_xinhua.jpg"
width="600"></center>
<center><em>Các ông Lê Đức Anh và Đỗ Mười lên làm lãnh đạo
Việt Nam sau cuộc họp Thành Đô</em></center>
Đại hội đã bầu Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Đỗ
Mười làm Tổng Bí thư. Sau đó ít lâu Uỷ viên Bộ Chính trị
Lê Đức Anh được bầu làm Chủ tịch nước. Như đã nêu
trên, tháng 10/1991 hội nghị quốc tế về CPC họp tại Paris
giải quyết về cơ bản vấn đề Campuchia.

Và chỉ sau khi hai sự kiện lớn đó đã diễn ra theo đúng yêu
cầu của phía Trung Quốc, ngày 5/11//1991 (tức là hơn một năm
sau Hội Nghị Thành Đô) phái đoàn Việt Nam do TBT Đỗ Mười
và Chủ tịch HĐBT Võ Văn Kiệt mới được mời tới Bắc Kinh,
đặt dấu mốc cho việc chính thức bình thường hoá quan hệ
giữa hai nước.

Tuy nhiên tại hội nghị này Lý Bằng đã "thẳng thừng" nêu
ra nhiều vấn đề tồn tại trong quan hệ hai nước, trong đó
có vấn đề Việt Nam nợ Trung Quốc, vấn đề của cái gọi
là "nạn kiều" từ Việt Nam về Trung Quốc… (Nhật ký Lý
Bằng) trong khi phía Việt Nam không có động thái gì.

Hơn 20 năm sau Hội nghị Thành Đô, nay có dịp nhìn lại vấn
đề, ngưòi ta sẽ thấy "ngộ" ra được một số điều mà
ngay từ khi được phổ biến "kết quả" của Hội nghị,
những người quan tâm đến tình hình đất nước lúc đó đã
ít nhiều biểu thị sự không đồng tình.

Bước đầu, xin mạnh dạn công khai một số "yếu kém" của
phía chúng ta, cũng như xin thẳng thắn đề cập tới một vài
tác hại của những "quyết đoán" sai lầm khi đó đối với
đất nước.

Nêu ra một số việc, không phải là muốn truy cứu trách nhiệm
chính trị, hoặc nhằm bôi xấu, hạ thấp uy tín của một ai
mà chỉ nhằm một mục đích: nếu không thấy hết những
"dại khờ, non yếu" của chúng ta, không vạch trần những
"mưu ma chước quỷ" của kẻ mà cho đến tận giờ phút này
trong chúng ta vẫn còn có không ít ngưòi lầm tưởng họ là
những "đồng chí cộng sản", những người đang cùng chúng
ta xây dựng "chủ nghĩa xã hội"… thì sẽ là một "nguy
hại to lớn, lâu dài, tiềm ẩn" đối với dân tộc.

<i>Bài viết thể hiện quan điểm riêng của nhà ngoại giao kỳ
cựu Dương Danh Dy, hiện sống tại Hà Nội. BBC sẽ đăng
tiếp phần ông viết về 'hậu quả lâu dài của Hội nghị
Thành Đô'.</i>

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://www.danluan.org/tin-tuc/20141025/duong-danh-dy-hop-thanh-do-nguyen-nhan-va-dien-bien),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét