Andrew Wells-Dang - Xã hội dân sự Trung Quốc: Một tham khảo

<em><strong>Mặc dù xã hội dân sự Trung Quốc có môi trường
hoạt động nhiều thách thức hơn Việt Nam nhưng có lẽ có
tới 90-95% các nhận định về xã hội dân sự ở Trung Quốc
đồng thời cũng có thể áp dụng được vào bối cảnh ở
Việt Nam.</strong></em>

<div class="boxleft300"><img
src="http://tiasang.com.vn/DesktopModules/VietTotal.Articles/ImageHandlerLarge.ashx?width=250&height=158&HomeDirectory=%2fPortals%2f0%2fVietTotal.Articles%2fChinhtrixahoi%2f&fileName=no+giang_awd.jpg&portalid=0&i=7687&q=1"
/><div class="textholder"></div>Nộ Giang đoạn chảy qua tỉnh Vân
Nam</div>Về mặt lịch sử, văn hóa, và chính trị, Trung Quốc
là quốc gia có truyền thống gắn bó gần gũi nhất với Việt
Nam. Dĩ nhiên, nói như thế không có nghĩa hai quốc gia tương
đồng trên mọi khía cạnh. Trung Quốc là một nước lớn, xét
cả về nghĩa đen và nghĩa bóng, tuy vậy, sự ảnh hưởng giữa
hai quốc gia không diễn ra theo một chiều đơn nhất, và cả hai
đều cùng tham gia vào một quá trình đồng tiến hóa và thích
nghi chung.<sup>1</sup> Điều này cũng đúng với trường hợp
chặng đường hình thành và phát triển xã hội dân sự diễn
ra song song tại Trung Quốc và Việt Nam trong mấy thập kỷ gần
đây. Rất nhiều tài liệu liên quan bằng tiếng Trung và tiếng
Anh ở Trung Quốc đã đề cập một bối cảnh mà trong đó các
tổ chức và mạng lưới chính thức cũng như phi chính thức
đã và đang gia tăng nhanh chóng, dù rằng khung pháp lý vẫn chưa
kịp hoàn thiện. Trong bối cảnh này, xã hội dân sự tồn tại
trong mối quan hệ nửa phụ thuộc, nửa độc lập với chính
quyền nhà nước, và công dân tham gia sinh hoạt chính trị bằng
vô vàn cách thức sáng tạo khác nhau, thông qua các kênh chính
thống và ngoại lai.<sup>2</sup> Có lẽ có tới 90-95% các nhận
định về xã hội dân sự ở Trung Quốc đồng thời cũng có
thể áp dụng được vào bối cảnh ở Việt Nam.Tuy thừa nhận
những điểm tương đồng trên, song khi so sánh giữa hai quốc
gia, các nhà phân tích vẫn cho rằng xã hội dân sự Trung Quốc
có môi trường hoạt động nhiều thách thức hơn Việt Nam.
Việc thi hành luật pháp ở đây thường diễn ra quyết liệt
hơn theo mô hình nhà nước nghiệp đoàn.<sup>3</sup> Tất cả các
tổ chức xã hội đều phải đăng ký hoạt động với cơ quan
nhà nước cấp trung ương hoặc tỉnh/địa phương, trong đó
các "GONGO" (tức các tổ chức phi chính phủ do nhà nước
đứng ra thành lập, chẳng hạn như các tổ chức quần chúng)
thường được đối xử ưu ái hơn. Một tổ chức mới muốn
đăng ký cần được sự hậu thuẫn kép của một bộ phận
hành chính chủ quản đóng vai trò "bà đỡ" và một cơ quan
chuyên môn, tuy rằng một số tỉnh như Quảng Đông hay Thượng
Hải mới đây đã áp dụng những quy định mới nhằm đơn
giản hóa quy trình này. Nguyên tắc mỗi khu vực chỉ có một
đoàn thể được phép đại diện cho cử tri tại chính khu vực
đó được theo dõi sát sao, do vậy, các tổ chức phi chính phủ
không thể điều hành văn phòng chi nhánh ở các tỉnh khác với
tỉnh nơi họ đăng ký hoạt động. Các nhà tài trợ cũng chịu
sự giám sát ngặt nghèo nên hoạt động quyên góp trở nên khó
khăn hơn: một số tổ chức đã bị đóng cửa hoặc bị dọa
đóng cửa vì tiếp nhận sự hỗ trợ từ những tổ chức
không được chào đón ở đây. Các tổ chức phi chính phủ
quốc tế còn hiếm hoi hơn, và phần lớn đều hoạt động mà
không có đăng ký hợp pháp.

Dẫu vậy, vẫn có những yếu tố cho thấy tiềm năng phát
triển xã hội dân sự mạnh mẽ ở Trung Quốc. Nhiều tổ chức
phi chính phủ, cơ quan truyền thông, và viện nghiên cứu hoạt
động rất chuyên nghiệp trên quy mô toàn quốc, hoạt động
của họ được hoan nghênh từ những năm 1990 hay lâu hơn nữa.
Hệ thống trường đại học ở Trung Quốc rất vững chắc và
không ngừng nâng cao những hỗ trợ về tài chính cho cả một
số trung tâm nghiên cứu xã hội dân sự nổi tiếng tại các
học viện quốc gia lớn. Nền kinh tế ngày một thịnh vượng
cũng giúp nuôi dưỡng sự phát triển của khu vực các tổ
chức tư nhân trong nước, có tiềm năng làm thay đổi hoạt
động quyên góp và làm từ thiện. Xét về khía cạnh này và
nhiều khía cạnh khác, xã hội dân sự Trung Quốc có những kinh
nghiệm có mối liên quan mật thiết với xã hội dân sự ở
Việt Nam.

Trường hợp điển hình sau đây về một mạng lưới dân sự
ở Trung Quốc có thể dùng làm minh họa cho những sự kiện
tương tự ở Việt Nam.

<strong><em>Sự xuất hiện của Mạng lưới Sông ngòi Trung Quốc
</em></strong>

Tháng 8/2003, truyền thông Trung Quốc thông báo một kế hoạch
xây dựng 13 con đập trên sông Nộ Giang chảy qua Tây Tạng và
tỉnh Vân Nam.

Giới khoa học, học giả, các nhà hoạt động phi chính phủ
(NGO), và báo giới ở cả khu vực nhà nước và tư nhân đều
hết sức sửng sốt trước thông tin này, và họ quyết định
hành động. Trong "một chiến dịch vô tiền khoáng hậu, thu
hút sự tham gia của các tổ chức NGO, các nhà khoa học, quan
chức chính phủ, và cả quần chúng", một mạng lưới hoạt
động phi chính thức nổi lên nhằm tận dụng truyền thông và
công luận Trung Quốc để phản đối ý tưởng xây
đập.<sup>4</sup> Giới khoa học và NGO công khai đả phá việc
xây dựng những con đập này, và được giới truyền thông
nhiệt tình đưa tin. Họ cũng nhận được sự ủng hộ công
khai ở chính quyền trung ương, đặc biệt là Bộ Môi trường,
và họ đã tranh thủ sự ủng hộ này để đối phó với chính
quyền các địa phương cũng như các tập đoàn thủy
điện.<sup>5</sup> Các nhà hoạt động vì môi trường tiến hành
thu thập chữ ký của trên 10.000 sinh viên, nhà khoa học, nghệ
sĩ, và nhà báo để gửi một kiến nghị công khai: "Hãy bảo
tồn Nộ Giang – con sông sinh thái cuối cùng".<sup>6</sup> Tổ
chức Tình nguyện viên vì thế giới xanh bắt tay vào tổ chức
các "salon phóng viên" định kỳ 2 tuần/lần với khách mời
là các diễn giả đến từ các tổ chức NGO khác và các cơ
quan chính phủ.<sup>7</sup>

Sự tham gia của giới truyền thông đã cho ra đời hàng trăm
bài viết đăng tải trên truyền thông Trung Quốc và quốc tế.
Có rất nhiều ý kiến cho rằng nhờ có sự phối hợp giữa
các lá đơn kiến nghị với hoạt động vận động hành lang
trực tiếp và áp lực từ truyền thông mà Thủ tướng Ôn Gia
Bảo phải ra quyết định hoãn dự án vào hồi tháng 4/2004 vì
cho rằng dự án này đã làm dấy lên "những mối lo ngại
lớn về xã hội." Như vậy, sông Nộ Giang đã được bảo
tồn, chí ít là trong thời gian trước mắt.


Tháng 8/2004, tiếp nối thành công bước đầu, bảy tổ chức
NGO đã hợp tác để chính thức hóa Mạng lưới Sông ngòi Trung
Quốc (China Rivers Network – CRN).<sup>8</sup> Ý tưởng xây dựng
một mạng lưới chính thức khi đó vẫn còn mới mẻ ở quốc
gia này. Mục tiêu của CRN là chủ động giải cứu các con sông
chứ không chỉ thụ động phản ứng trong những trường hợp
khẩn cấp.

Trong năm đầu hoạt động, các thành viên CRN đã cho ra đời
một series các báo cáo của giới truyền thông về sông Nộ
Giang, một bộ phim tài liệu, và một website đăng tải các ký
sự ảnh cùng nhiều thông tin khác. CRN vạch ra một chương
trình nghiên cứu và phát triển sinh thái cho các cộng đồng ven
sông, trong đó vừa tập trung vào việc bảo tồn sự đa dạng
sinh học lại vừa giúp loại bỏ hay giảm nhẹ chi phí tái
định cư. Họ hy vọng sẽ quyên góp được tiền để tài trợ
cho các dự án nghiên cứu độc lập của các nhà khoa học làm
đối trọng với các nghiên cứu của chính phủ, vốn bị cho
rằng không khách quan, và sau đó công bố các kết quả nghiên
cứu trên internet nhằm nâng cao nhận thức của quần chúng về
tác hại do những con đập này gây ra.

<strong><em>Bước lùi chiến thuật</em></strong>

Mặc dù có những mục tiêu đầy tham vọng như vậy, song theo
chia sẻ của một thành viên sáng lập, CRN chưa bao giờ thực
sự hoạt động. Trong năm đầu tiên, họ cũng thực hiện các
cuộc họp hằng quý giữa các thành viên, tổ chức một vài
sự kiện cùng một số buổi giảng bài, song tất cả đều
"không mang lại những thành công đáng chú ý." Khó khăn của
họ nằm ở việc xác định danh nghĩa để hoạt động, bởi
họ không thể đăng ký hoạt động chính thức, không có con
dấu hay tài khoản ngân hàng. Các lãnh đạo không có kinh
nghiệm hình thành hay quản lý mạng lưới, và cũng không có
đường hướng chiến lược rõ ràng để vận hành nó. Các
vấn đề về quản lý, đặc biệt là về cơ cấu nhân sự và
lãnh đạo, đòi hỏi rất nhiều thời gian và công sức. CRN
hoạt động mà không hề có sự hỗ trợ từ bên ngoài: thay
vào đó, các tổ chức thành viên (một số tổ chức được
quốc tế tài trợ) tự đầu tư nguồn lực vào phát triển
mạng lưới. Quyết định "tự lực cánh sinh" này rất đáng
ngưỡng mộ, song nguồn lực mà họ có thể đưa vào khó mà
đủ để duy trì mạng lưới.

Những khó khăn về mặt tổ chức vừa mới xuất hiện thì CRN
lại phải đối mặt với thách thức mới. Bắt đầu từ năm
2005, những người ủng hộ việc xây đập lên tiếng một cách
mạnh mẽ để chỉ trích các nhà hoạt động vì môi trường,
và nói rằng các thành viên CRN đã ấu trĩ khi cản đường sự
phát triển của dân tộc. Những lập luận này còn được sự
hậu thuẫn bởi việc chính phủ xiết chặt chính sách đối
với các hoạt động NGO và đưa ra những cáo buộc rằng CRN
bị điều khiển bởi các nhóm lợi ích nước ngoài. Một tổ
chức thành viên từng bị điều tra vì nhận tài trợ từ một
tổ chức nước ngoài. Các tổ chức thành viên khác bị dọa
đóng cửa, và cá nhân các lãnh đạo CRN ở tỉnh Vân Nam phải
đối mặt với nguy cơ bị bắt giữ bất kỳ lúc nào.

Vì những khó khăn về mặt hoạt động và khó khăn trong việc
kêu gọi tài trợ, nên vào tháng 1/2006, các thành viên CRN quyết
định chấm dứt hoạt động chính thức, và quay trở lại với
cơ cấu phi chính thức trước kia, khi mạng lưới hình thành
từ năm 2003. Song việc giải tán mạng lưới chính thức chỉ
là một bước lùi về mặt chiến thuật. Các thành viên CRN
nhận thấy rằng những hành động công khai của mình đang ngày
càng thu hút sự chú ý của những người chống đối, nên họ
quyết định thực hiện một động thái chiến lược là lùi
về hậu trường. Kể từ năm 2006, các thành viên mạng lưới
vẫn tiếp tục họp mặt khi cần thiết, và cùng chung lưng
đấu cật trong rất nhiều vấn đề liên quan tới việc bảo
vệ môi trường và các dòng sông.

Sau khi quay trở về với cơ cấu hoạt động phi chính thức,
các thành viên mạng lưới lựa chọn một cơ cấu mới linh
động hơn, theo đó họ tổ chức theo mô hình chuyên môn hóa và
sự hợp tác được mở rộng ra nhiều lĩnh vực khác nhau. Một
nhà hoạt động chính trong mạng lưới cho biết: "Chúng tôi
đã nỗ lực bằng mọi cách để vận hành nó theo mô hình một
mạng lưới chính thức, song điều đó lại không xảy ra như
mong đợi. Rồi chúng tôi nghĩ: "Chúng ta có thể hoạt động
theo bất kỳ phương thức nào! Trước đây chúng ta cũng từng
làm thế rồi cơ mà, đâu nhất thiết phải bó mình trong một
phương thức!"…

Cơ cấu mạng lưới phi chính thức hiện nay được cá nhân
các thành viên đánh giá là có hiệu quả cao. "Mạng lưới vô
hình" thì rất linh hoạt, giảm thiểu rủi ro và sự nhạy
cảm về mặt chính trị, và đồng thời cũng cho phép các thành
viên cùng sở hữu và tham gia vào mạng lưới.

<em><strong>Các chiến lược kêu gọisự ủng hộ </strong></em>

Chiến lược kêu gọi sự ủng hộ đầu tiên mà CRN sử dụng
là hình thức thư ngỏ, tức là một bản kiến nghị được
đồng thời gửi tới các lãnh đạo chính quyền và công khai
(hoặc rò rỉ) sang các kênh truyền thông và/hoặc trên internet.
Kể từ lần đầu tiên sử dụng trong chiến dịch sông Nộ
Giang năm 2003, hình thức kêu gọi công chúng ký tên vào thư
kiến nghị đã được sử dụng trong hầu hết các hoạt động
kêu gọi sau này. Vì được gửi tới cả những người ủng
hộ và đối lập, nên thường các lá thư ngỏ này sẽ mang
lại kết quả như mong muốn. Chẳng hạn, tháng 8/2005, 61 tổ
chức và 99 nhà hoạt động cá nhân cùng ký tên vào một thư
kiến nghị để kêu gọi việc tiết lộ công khai bản Đánh
giá Tác động Môi trường của Sông Nộ Giang (EIA) và các kế
hoạch phát triển thủy điện lớn khác. Tháng 10 cùng năm, Ủy
ban Trung ương Đảng thay đổi cách dùng từ trong Kế hoạch Năm
năm lần thứ 11 từ "chủ động phát triển các dự án thủy
điện" thành "phát triển các dự án thủy điện một cách
hợp lý đồng thời bảo vệ môi trường."<sup>9</sup> Tới
cuối năm 2007, các công ty xây đập bắt đầu công khai các
thông tin EIA trên website bảo vệ môi trường tỉnh Vân Nam.

Thư ngỏ là một chiến thuật hiệu quả để thu hút sự ủng
hộ của các tổ chức NGO, học thuật, và tổ chức quốc tế
hoạt động theo đường lối ôn hòa. Thư ngỏ cũng được
viết nhằm khiến cho lời kêu gọi của CRN mang tính đại diện
cho quan điểm của tất cả các nhà ủng hộ môi trường, bất
kể lập trường chính trị của họ ra sao, từ đó giảm thiểu
rủi ro cho mỗi cá nhân tham gia ký tên.

Thư ngỏ cũng được gửi tới các tập đoàn thủy điện.
Việc công kích vào các tập đoàn khả thi hơn so với việc
trực tiếp tìm cách thay đổi hành vi của chính phủ, vì các
nhà hoạt động có thể nói rằng họ đang ủng hộ chính sách
xây dựng "một xã hội hài hòa" của chính phủ, trong khi
vẫn có thể chỉ trích rằng các hành động vi phạm pháp luật
của các công ty, thậm chí là công ty nhà nước, đang gây ra
những bất ổn về xã hội. Xét trong nhiều trường hợp, việc
xây đập không phải do các công ty tư nhân – chí ít là trên
danh nghĩa – thực hiện; sự nhập nhằng này cho phép CRN lên
tiếng chỉ trích công khai bởi vì các công ty đó không trực
tiếp do nhà nước sở hữu.

Thành tố chính thứ hai trong hoạt động kêu gọi của CRN liên
quan tới truyền thông trong nước và truyền thông trực tuyến.
Những thành viên cốt cán chịu trách nhiệm phát triển chiến
lược truyền thông cho mạng lưới trước tiên coi chính bản
thân họ là những nhà báo, và sau đó là với tư cách thành
viên NGO. Mối quan hệ của các nhà hoạt động với truyền
thông nhà nước giúp họ có được một "vị trí độc
đáo" trước giới cầm quyền. Sức mạnh của truyền thông,
theo lời một lãnh đạo một tổ chức phi chính phủ về môi
trường, là "không thể coi thường."

Truyền thông đôi khi có thể giúp tiếp cận các lãnh đạo
chính quyền Trung Quốc, đặc biệt là khi thông tin được đăng
tải nổi bật trên đúng tờ báo, vào đúng thời điểm. Chẳng
hạn, sau khi các thành viên CRN mời một vị phó giám đốc về
hưu của Đài phát thanh Trung ương Trung Quốc tham gia chuyến đi
thực tế tới các khu vực chịu sự ảnh hưởng của các con
đập, vị này đã đăng tải một bài báo trên các tờ nhật
báo lớn ở Bắc Kinh và Thượng Hải, kêu gọi các quan chức
chính phủ chú ý hơn tới chính sách xây đập. Theo tổ chức
Tình nguyện viên vì thế giới xanh, bài báo này đã có tác
động lớn tới nhận thức của giới cầm quyền Trung Quốc,
lớn hơn nhiều so với khi nó do một nhà báo bình thường
viết.

Truyền thông trực tuyến và blog cũng là một hợp phần không
thể thiếu trong chiến lược kêu gọi. Hầu hết các bài viết
đều xuất hiện trên báo in trước, song sau đó chúng được
đăng tải lại trên nhiều website khác nhau, khiến chúng có
đời sống tồn tại lâu hơn, và tiếp cận nhiều người hơn
so với một tờ nhật báo đơn lẻ.

Thứ ba, các thành viên CRN khẳng định rằng, việc xây dựng
mối liên hệ với các cộng đồng ở các khu vực chịu ảnh
hưởng của đập là cần thiết, xét cả về mặt nguyên tắc
và trong vai trò là rào chắn trước sự công kích của những
người ủng hộ xây đập. Mối liên hệ với các cộng đồng
địa phương luôn là xương sống trong hoạt động của CRN, mà
bắt đầu là những chuyến thực tế của họ tới sông Nộ
Giang giai đoạn năm 2003 – 2004. Tổ chức có mối liên hệ gần
gũi nhất với các cộng đồng địa phương sinh sống ở khu
vực sông Nộ Giang là Lưu vực xanh ở tỉnh Côn Minh. Họ đã
tổ chức nhiều chuyến đi thực tế học hỏi lẫn nhau giữa
các cộng đồng cùng chịu ảnh hưởng của đập, thậm chí
còn đưa lãnh đạo các cộng đồng tới Bắc Kinh để tham gia
các hội thảo quốc tế.

Việc lôi kéo sự tham gia của các cộng đồng sở tại là
cần thiết để tranh thủ sự ủng hộ của công luận và tác
động tới các chính sách của chính phủ. Sự liên hệ với
các cộng đồng còn giúp chặn đứng những luận điệu của
các thế lực chống đối rằng các nhà hoạt động vì môi
trường chỉ là những người theo chủ nghĩa lý tưởng viển
vông, chỉ quan tâm tới việc bảo tồn danh lam thắng cảnh mà
không quan tâm tới mong muốn phát triển của người dân. Những
nỗ lực của các thành viên CRN trong việc dạy chữ và triển
khai các dự án phát triển cho khu vực sông Nộ Giang và Kim Sa
còn có thể được coi là những tuyên ngôn về tình đoàn kết,
bên cạnh những lợi ích hữu hình mà chúng mang lại.

<strong><em>Cơ hội hành động mới</em></strong>

Những thành tích ban đầu của CRN trong việc đẩy lùi các con
đập trên sông Nộ Giang đã mở rộng không gian chính trị cho
hoạt động ủng hộ môi trường, song nó vẫn chưa trở thành
một bước đột phá cho xã hội dân sự như kỳ vọng của
một số người. Áp lực từ phía những người ủng hộ xây
đập ngày càng gia tăng khi mà Trung Quốc đang phải đối mặt
với cơn khát năng lượng ngày một bức bách hơn, nhất là
đối với những nguồn năng lượng tái sinh như thủy điện.
Khi Thủ tướng Ôn Gia Bảo hết nhiệm kỳ vào năm 2013, Hội
đồng Nhà nước Trung Quốc lật lại vấn đề xây dựng đập
và bật đèn xanh cho dự án sông Nộ Giang được tiếp tục.
Đây là một quyết định không mong muốn đối với các thành
viên của CRN, song nó cũng là hồi chuông nhắc nhở rằng việc
phát triển xã hội dân sự không tuần tự tịnh tiến, không
có người thua kẻ thắng rõ ràng. Dù thành công hay thất bại
thì một sự kiện đơn lẻ không bao giờ là phần kết của
câu chuyện, bởi công cuộc kêu gọi chính sách kéo dài theo
nhiều thời kỳ, nhiều chu kỳ khác nhau. Các nhà hoạt động
không chỉ không thể ra quân trận nào là chắc thắng trận.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng đường lối kêu
gọi của CRN đã thúc đẩy môi trường sinh hoạt "dân
chủ".<sup>10</sup> Thoạt nghe, có vẻ như đây là một sự
phóng đại. Nhưng nếu nhìn nhận dân chủ không trên cương vị
là một hình thức thể chế, mà là sự nâng cao sự tham gia
của dân chúng vào hệ thống chính trị Trung Quốc hiện thời,
thì những nhận xét trên cũng có ý nghĩa. Rõ ràng, các thành
viên của CRN đã khẳng định quyền được tham gia vào quá
trình hoạch định chính sách của nhà nước. Nhờ những thông
tin công khai trên truyền thông, một bộ phận công chúng được
nâng cao nhận thức về các vấn đề môi trường – trong
trường hợp này là những con đập. Các cộng đồng ở những
khu vực bị ảnh hưởng cũng có thêm thông tin, và ở một số
trường hợp, họ còn tích cực chủ động tham gia, dù mới
chỉ ở mức hạn chế. Bất chấp những rào cản về chính
trị và hạn chế về nguồn lực cũng như sự tài trợ từ bên
ngoài, CRN vẫn duy trì hoạt động kêu gọi của mình trong một
thời gian dài, và đóng góp vào việc thay đổi dần môi
trường chính trị, hướng tới quá trình ra quyết định công
khai hơn trong vấn đề xây đập – vốn là một mối quan tâm
chính của phong trào hoạt động vì môi trường ở Trung Quốc.
Trong khía cạnh này và nhiều khía cạnh khác, kinh nghiệm của
CRN đã mang lại những bài học quý giá cho những nhà hoạt
động xã hội dân sự ở các nước láng giềng.

<strong>Đọc thêm:</strong>* Nhỏ mà đẹp

http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=116&amp;CategoryID=42&amp;News=7680

* Xã hội dân sự: Trọng tâm là hành động

http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=116&amp;CategoryID=42&amp;News=7654

* Những người mở đường hợp tác
http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=116&amp;CategoryID=42&amp;News=7659

———————–
<sup>1</sup> Brantly Womack, Trung Quốc và Việt Nam: Chính trị
đối xứng, 2006.

<sup>2</sup> Để tìm hiểu thêm thông tin về xã hội dân sự và
các tổ chức NGO ở Trung Quốc, mời xem thêm: Wang Ming, ed. Xã
hội dân sự mới nổi ở Trung Quốc, 2011; Peter Ho và RL Edmunds,
China's Embedded Activism, 2008; Lu Yiyi, Các tổ chức phi chính phủ
ở Trung Quốc: sự trỗi dậy của nền tự chủ độc lập, 2008
(và nhiều nguồn khác).

<sup>3</sup> Jonathan Unger, Các hiệp hội và Nhà nước Trung
Quốc, 2008.

<sup>4</sup> Liang Congjie and Yang Dongping, eds. Niêm giám môi
trường Trung Quốc: Khủng hoảng và bước đột phá trong môi
trường Trung Quốc, 2007, trang 63-88; Andrew Wells-Dang, Mạng lưới
xã hội dân sự ở Trung Quố và Việt Nam, 2012, chương 6.

<sup>5</sup> Sun Yanfei and Zhao Dingxin, 'Các chiến dịch môi
trường,' trong O'Brien K, ed. Phản đối công khai ở Trung
Quốc, 2008, trang 144-62.

<sup>6</sup> Yan Yan, 'Quyền lực truyền thông ở Trung Quốc qua
phong trào phản đối xây đập,' Kexue Xinwen [Tin khoa học],
22/10/2009.

<sup>7</sup> Yang Guobin and Craig Calhoun, 'Truyền thông, xã hội
dân sự, và sự trỗi dậy của không gian công luận xanh ở
Trung Quốc,' trong Ho and Edmonds, eds. Trào lưu hoạt động ở
Trung Quốc, 2008, trang 69-88.

<sup>8</sup> Bảy thành viên đầu tiên trong mạng lưới bao gồm
các tổ chức: Những người bạn của tự nhiên, Ngôi làng toàn
cầu Bắc Kinh, Tình nguyện viên vì trái đất xanh, Lưu vực
xanh, Viện Môi trường và phát triển, Viện giáo dục Brooks, và
Hãng phim Thiên nhiên hoang dã Trung Quốc. Mạng lưới này có
tổng cộng 10 tổ chức tham gia. Để tìm hiểu thông tin về
thời gian xuất hiện của các phong trào hoạt động chống
việc xây đập ở Trung Quốc, mời truy cập
http://www.fon.org.cn/content.php?aid=11750.

<sup>9</sup> Yang Dongping, ed. Báo cáo thường niên về môi
trường và phát triển ở Trung Quốc (Zhongguo Huanjing Lupishu).
Bắc Kinh: Nhà xuất bản Khoa học xã hội hàn lâm, 2009.

<sup>10</sup> Xu Nan, 'Lịch sử hình thành các tổ chức NGO vì
sự nghiệp bảo vệ môi trường ở Trung Quốc,' Tuần báo Nam
Phương Chu Mạt, 9/10/2009, Andrew Mertha, Những thủy binh Trung
Quốc: Hành động của công dân và sự thay đổi chính sách,
2008.


***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://www.danluan.org/tin-tuc/20140917/andrew-wells-dang-xa-hoi-dan-su-trung-quoc-mot-tham-khao),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét