Lê Công Định - Những kỷ niệm về ba tôi

Tôi chịu ảnh hưởng nhiều của ba tôi về đời sống dấn
thân cho xã hội và tổ quốc. Trước năm 1975 ông bị bắt vì
hoạt động thân Cộng, chống chiến tranh, bị tuyên án 5 năm
tù và giam ở trại Chí Hòa. Sau năm 1975 ông lại bị bắt giam 6
tháng vì hành vi "cố ý làm trái nguyên tắc quản lý kinh tế
XHCN". Cuộc đời lận đận vào tù ra khám dưới hai chế độ
của ông đã ảnh hưởng lớn đến suy nghĩ và nỗ lực học
hành của tôi về sau.

Tôi nhớ mãi kỷ niệm kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học
năm 1985. Một ngày trước hôm thi, ba không cho tôi học nhiều
nữa, buộc tôi rời quyển vở đi ăn kem cùng ông. Ngồi ở
quán kem Brodard trên đường Đồng Khởi (Tự Do), ông kể một
câu chuyện kỳ lạ, nhưng có thật như sau:

Trong kỳ thi tú tài ban Triết tại Pháp vào quãng thập niên
1950-1960, đề thi yêu cầu thí sinh bình luận câu "J'ose"
(Tôi dám). Người đạt điểm tối đa 20/20 là một học sinh
đã gạch chéo vào toàn bộ các trang của tờ giấy thi, đồng
thời ghi vào từng trang câu "Tôi dám!" Quả là một triết
lý hành động, không cần nói nhiều!

Kể xong câu chuyện, ông dăn dò thêm, giọng hài hước: "Ba
kể chuyện này vì muốn mai sau con vào đời với triết lý đó,
chứ không phải để ngày mai con gạch hết bài thi của mình.
"Dám" đâu chưa thấy, đã thấy thi rớt!"

Năm 2008, trước khi ba tôi mất vài tháng, một lần đứng trò
chuyện cùng tôi dưới ánh trời chiều vàng nhạt, ba chợt quay
sang nói: "Ba đã đọc các bài viết gần đây của con trên BBC
và Tia Sáng, theo dõi những vụ án chính trị mà con tham gia
biện hộ. Ba vui vì con đã dám!" Tôi nhìn ông và bật cười.
Câu chuyện 23 năm về trước cả ông và tôi vẫn còn nhớ rõ.

Hơn 1 năm sau, gần ngày giỗ đầu của ba tôi vào tháng 9/2009,
ở trại giam của Bộ Công An, nhớ đến ba và những lời dặn
dò của ông, tôi không cầm được nước mắt, viết vội bài
thơ sau:

<em>Tôi dám nói những lời ngay thẳng,
Dám kêu công lý, đòi hỏi nhân quyền,
Dám hát vang niềm tin tự do, dân chủ,
Và chấp nhận đi tù vì những điều tôi dám!</em>

Và một bài nữa:

<em>Giống cha sẩy bước thân tù tội,
Trót nợ non sông máu Lạc Hồng.
Hổ phụ khéo năng rèn hổ tử,
Công hầu, danh lộc nhẹ như không!</em>

<center>* * *</center>

Lần trước kể chuyện về ba tôi, một người toàn tâm toàn ý
cho lý tưởng phụng sự quốc gia, nhưng cuối đời bị bạc
đãi, tôi càng nhớ đến những trí thức từng bị rẻ rúng
bởi chính sách "trí, thức, địa, hào; đào tận gốc, tróc
tận rễ" từ thuở kháng chiến chống Pháp, như Trần Đức
Thảo, Nguyễn Mạnh Tường, Phạm Huy Thông, v.v…. Số phận
nghiệt ngã của họ, cũng như các trí thức thời nay, khiến
tôi càng buồn khi so sánh với thân phận của các công thần
triều Hậu Lê ngày xưa như Nguyễn Trãi và Trần Nguyên Hãn.

Trần Nguyên Hãn thuộc tôn thất nhà Trần, là cháu của Thái
sư Trần Quang Khải, cháu nội Đại tư đồ Trần Nguyên Đán,
con cô con cậu của Nguyễn Trãi. Ông thành tài dưới triều nhà
Trần và nhà Hồ, nhưng trước cảnh nước mất nhà tan lúc
quân Minh chiếm Đại Việt, đã đầu quân với Lê Lợi. Trong
hàng ngũ các quan văn võ dưới quyền Lê Lợi lúc khởi nghĩa,
Trần Nguyên Hãn luôn ở vị trí cao nhất. Ông giữ chức Tư
đồ, chức quan võ tối cao và ghi nhiều công trạng đưa đến
thắng lợi cuối cùng của nghĩa quân. Khi Lê Lợi lên ngôi lập
nên nhà Hậu Lê trong lịch sử, Trần Nguyên Hãn được gia phong
Tả Tướng quốc, Bình chương quân quốc trọng sự và Khu mật
Đại sứ, những chức vụ được trọng vọng. Năm 1429, ông xin
về trí sĩ.

Lê Lợi y cho Nguyên Hãn được về, nhưng dặn rằng cứ một
năm hai lần lại vào triều chầu vua. Ở quê nhà, ông cho dựng
phủ đệ lớn, đóng thuyền to. Việc này bị những kẻ không
ưa ông thừa cơ quy chụp là lộng hành, có âm mưu thoán
nghịch. Trần Nguyên Hãn bị Lê Lợi ra lệnh bắt về triều
để xét hỏi. Tới bến Sơn Đông, ông tự trầm mình mà chết.
Trước khi chết, ông nói: "Tôi với Hoàng thượng cùng mưu
cứu nước, cứu dân, nay sự nghiệp lớn đã thành, Hoàng
thượng nghe lời dèm mà hại tôi. Hoàng thiên có biết không?"

Ngẫm sự đời đáng thương và đáng tiếc của ba tôi và các
bậc trí thức theo kháng chiến, tôi đã cảm thán viết bài thơ
về Trần Nguyên Hãn tặng các vị lúc tôi ở trong tù như sau:

<em>Tài năng hun đúc ơn triều cũ,
Nước mất dạ nào nghĩ đến thân?
Rừng thẳm thôi đành xua gấm lụa,
Chí cao chẳng ngại vấy phong trần.
Mười năm kháng chiến sinh danh tướng,
Đôi tháng hòa bình lộ bạo quân.
Trót dại tin lầm lời dối gạt,
Nghìn thu cười mãi tiếng công thần.
(2010)</em>

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://www.danluan.org/tin-tuc/20140620/le-cong-dinh-nhung-ky-niem-ve-ba-toi),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét