Nguyễn Quang A - Vụ án “bầu” Kiên có phức tạp không?

Sau nhiều lần định hoãn, sáng 16-4-2014 Tòa án nhân dân thành
phố Hà Nội đã bắt đầu xử vụ án "điểm" được cho
là rất phức tạp và gây ra những hậu quả nghiêm trọng liên
quan đến nhiều cựu lãnh đạo ngân hàng ACB. Đến chiều Tòa
tuyên bố hoãn xử.

Hai cán bộ của công ty Đầu tư ACB Hà Nội và ông Kiên bị
truy tố về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản"; 7 cán
bộ cấp cao của ngân hàng ACB (có cả ông Kiên) bị truy tố
về tội "cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về
quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng"; riêng ông
Nguyễn Đức Kiên, người được cho là chủ mưu, ngoài 2 tội
danh trên còn bị truy tố thêm 2 tội nữa: "kinh doanh trái
phép"; và "trốn thuế".

Lưu ý rằng công ty Đầu tư ACB Hà Nội không phải là công ty
con của ngân hàng ACB, mà chủ yếu là của ông Kiên. Công ty
này đã phát hành trái phiếu (tức là vay tiền của người mua
trái phiếu, chính là ngân hàng ACB) để có tiền mua cổ phần
của công ty khác (thép Hòa Phát). Ông Kiên và 2 cán bộ bị truy
tố về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" vì đã mang
bán 20 triệu cổ phiếu của Hòa Phát trong số 22 triệu cổ
phiếu đã được thế chấp ở ngân hàng ACB nhằm chiếm đoạt
264 tỷ đồng. Nếu ông Kiên không xù nợ và ACB không khiếu
nại, thì việc này khó có thể coi là lừa đảo.

Tội kinh doanh trái phép liên quan đến việc kinh doanh vàng của
công ty B&B của ông Kiên. Tội trốn thuế là do công ty B&B đã
ủy thác cho bà Hương và bà Hương được lời thay cho B&B
được và phải đóng thuế (lách luật để bà Hương hưởng
lời, còn công ty lời ít đi và làm thất thu thuế 25 tỷ đồng
theo cáo trạng).

Tội "cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản
lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" liên quan đến quyết
định của ACB ủy thác cho nhân viên gửi tiền cho Ngân hàng
Công thương và bị Nguyễn Thị Huyền Như chiếm đoạt (vụ
Huyền Như đã xử và những người gửi tiền đang khiếu nại
Ngân hàng Công thương phải trả cho họ tiền đã gửi và lãi).

Hậu quả của những việc kinh doanh lòng vòng, nhất là mua cổ
phần của các ngân hàng, đã tạo ra nhiều hậu quả nghiêm
trọng liên quan đến sở hữu chéo, nợ xấu và đạo đức
hành nghề ngân hàng. Những hậu quả là có thực và hệ thống
ngân hàng đang phải khắc phục. Tuy nhiên, việc đánh giá các
hành vi kinh doanh như vậy có cấu thành tội hình sự hay không,
thì lại là chuyện khác.

Tại Việt Nam người ta thường hay lên án những người "lách
luật," tức là tận dụng những kẽ hở của luật để kiếm
lợi cho mình. Chúng ta có thể lên án những người đó về
mặt đạo đức, nhưng tuyệt nhiên họ không phạm bất cứ
tội nào vì họ đã làm đúng theo quy định của luật, thậm
chí họ còn giúp nhà nước phát hiện ra những lỗ hổng pháp
lý để sửa và hoàn thiện luật (tức là có công phản ánh
sự yếu kém của luật). Trong trường hợp như vậy lỗi là ở
những người làm luật, làm chính sách, chứ không phải những
người bị cho là "lách luật".

Tội "cố ý làm trái định của Nhà nước về quản lý kinh
tế gây hậu quả nghiêm trọng" cũng gần tương tự như
"lách luật." Nếu quy định của nhà nước là cấm mà làm
trái, thì rõ ràng có tội. Nếu quy định của nhà nước không
cấm, nhưng cũng chẳng cho phép, thì họ cũng chẳng phạm tội.
Nếu họ làm trước và sau đó nhà nước mới cấm thì họ
cũng vô tội. Cái tội ở đây là ở sự mập mờ của luật
pháp. Tội "kinh doanh trái phép" cũng có thể bị tranh cãi
nếu pháp luật không cấm một cách tường minh.

Như thế, vụ án này không phức tạp như người ta nghĩ và
cũng đã chẳng gây ra hậu quả lớn đến vậy giá như luật
pháp tốt hơn. Có lẽ vài người làm luật kém đã muốn nó là
án điểm nên mới khiến dư luận xôn xao và biến nó thành
phức tạp.

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://danluan.org/tin-tuc/20140420/nguyen-quang-a-vu-an-bau-kien-co-phuc-tap-khong),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét