Thục Quyên - Đừng khuyên người khác tha thứ hòa giải, đừng dạy người khác cách đấu tranh

<center><img src="http://danluan.org/files/u23/bild0167.jpeg" width="500"
alt="bild0167.jpeg" /></center>

<a href="http://www.youtube.com/watch?v=ZHX-4u-G-Ss">"Mai tôi chết Cờ
Vàng xin đừng phủ"</a>


Xin kính cẩn nghiêng mình,

10 tháng 3, 11 tháng 3, 12 tháng 3...

Cộng đồng mạng Việt Nam hải ngoại đang nhắc tới những
đau thương chết chóc của những ngày này năm 75 khi Ban Mê
Thuột thất thủ, và từ giờ cho tới 30/04 chắc chắn những
bài viết về nỗi uất ức khắc khoải của đại đa số gia
đình thuộc VNCH khi xưa cũng sẽ tràn ngập mạng.

Viết, để nhắc lại những hốt hoảng tuyệt vọng khi chính
Sài Gòn thất thủ, để nhắc lại những vùi dập chết chóc
trên con đường vượt biên cho những người bỏ nước ra đi,
đi lần đầu hay đã từng rứt ruột bỏ nơi chôn nhau cắt
rốn từ 1954 vào Nam, để nhắc lại những nhục nhã điêu tàn
cho những người ở lại. Và những chia rẽ, phản bội, xâu
xé, hà hiếp, trắng trợn...

Khi giấy mực vẫn còn thống thiết nức nở, những nỗi đau
vẫn còn tiếp tục chảy máu, thì chẳng có người nào đối
diện những nỗi đau đó được quyền hay dám láo xược cả
gan nhắc tới Tha Thứ và Hòa Giải, dù rằng đó là những
điểm chính trong mọi tôn giáo và nhất là trong truyền thống
dựng nước của dân tộc Việt.

Như một loại trụ sinh, bình thường là một món thuốc quí
báu để cứu sự Sống, những chữ <strong>Tha Thứ và Hòa
Giải</strong> đối với người Việt Nam trong đại đa số
trường hợp đã trở thành một chất gây tình trạng sốc
phản vệ (anaphylactic shock). Phản ứng này mãnh liệt tới nỗi
không còn có một người tu sĩ Việt Nam nào dám giảng tới góc
nhìn đạo đức, cũng chẳng có người bác sĩ phân tâm học
Việt Nam nào dám nhắc đến khía cạnh trị bệnh của nó.

Thật là một sự xúc động mạnh khi đọc những giòng chữ
của Lê Diễn Đức (1):

<blockquote>Tôi tin có nhiều người giống tôi. Rằng, nếu một
kẻ nào đó đã cướp đoạt tài sản của tôi, giết hại
người trong gia đình tôi, đẩy tôi vào sự khốn cùng, phải
đối diện hiểm nguy để đi tìm kế mưu sinh ở xứ khác, thì
tôi sẽ thù hận kẻ đó suốt đời, và khi có cơ hội tôi sẽ
trả thù.</blockquote>

Đó là một sự thành thật xuất phát từ con tim của người
viết. Nhiều người đã không dám thẳng thắn thổ lộ như
vậy mà cứ phải tìm những hình thức vòng vo để diễn tả.
Cũng như nhiều người không đủ sáng suốt để nhận định
đây không phải là một vấn đề có thể bàn cãi trên bình
diện đạo đức hay cả chiến lược. Câu hỏi không phải là
có nên tha thứ hòa giải, mà câu hỏi là <strong>có khả năng
tha thứ hòa giải hay không?</strong>

Tha thứ hoà giải chẳng phải là một điều có thể mua hay
học hay muốn mà làm được.

Nó đang chỉ là một áng mây lãng đãng ở một nơi bên ngòai
những bức tường của một cái nhà tù định mệnh kiên cố
từ tháng Tư 75. Những chữ "Tha Thứ - Hòa Giải" không phải là
món thuốc có thể rịn vào để cầm máu, mà nhắc tới lại
như mũi dao rạch vào vết thương sâu thẳm chưa hề kéo da non.
Và máu lại túa ra.

Tờ BBC bản Việt ngữ ngày thứ sáu, 15 tháng 3, 2013 <a
href="http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2013/03/130315_mccain_wsj.shtml">đưa
tin</a> về Thượng nghị sỹ Mỹ John McCain, người mới gần
đây có dịp tiếp xúc giới bất đồng chính kiến tại Việt
Nam, vừa có bài viết trên tờ Wall Street Journal nhận định
Việt Nam vẫn chưa nỗ lực trong lĩnh vực Nhân Quyền và Pháp
Quyền, và kêu gọi Việt Nam nên có những bước đi cải cách
về hướng dân chủ. Với tựa đề <em>"Cựu tù nhân chiến
tranh nói về Việt Nam, 40 năm sau"</em> bài viết bắt đầu bằng
hồi ức của ông về ngày cuối cùng ở Việt Nam, 14/3/1973, khi
ông được trả tự do về Mỹ sau sáu năm bị cầm tù tại
Hỏa lò Hà Nội. TNS Mc Cain tuy vậy vẫn bày tỏ hy vọng rằng
<em>"Hai nước chúng ta đã có một quá khứ khó khăn và đau
lòng. Nhưng đã không tự trói mình vào quá khứ đó và đang đi
tiếp trên con đường từ hòa giải đến tình hữu nghị thực
sự, điều mà sẽ là một trong những sự ngạc nhiên lớn
nhất và hài lòng nhất trong cuộc đời tôi"</em>. Đồng thời
ông hứa sẽ là người bạn trung thành của Việt Nam trước
các thách thức.

Trong khi đó tờ BBC News Magazine (bản tiếng Mỹ) ngày 22/03/2013
lại có bài dài về cựu đại sứ Mỹ mà cũng là cựu tù nhân
chiến tranh Douglas Pete Peterson, cũng liên quan nhiều đến Việt
Nam, mà BBC Việt ngữ không mảy may nhắc tới.

Pete Peterson cũng từng bị cầm tù sáu năm tại miền Bắc VN và
được trả tự do ngày 4/3/1973, trước Mc Cain mười ngày, và
năm 1997 ông là người được tổng thống Bill Clinton bổ nhiệm
làm vị đại sứ Mỹ đầu tiên tại Việt Nam, sau 20 năm không
liên hệ ngọai giao giữa hai nước. Đại sứ Peterson khi đến
nhậm chức tại Hà Nội đã phát biểu:

<blockquote>"Tôi muốn chữa lành vết thương giữa Hoa Kỳ và
Việt Nam. Đó là một lịch sử bi thảm mà hai dân tộc đã chia
sẻ. Không ai có thể thay đổi những gì đã xảy ra, nhưng có
rất nhiều điều tuyệt vời mà tất cả chúng ta có thể làm
cho tương lai. Và đó là lý do tại sao tôi trở lại Việt
Nam."</blockquote>

Mãn nhiệm sau 4 năm , cựu đại sứ Peterson đã cùng với
người vợ Úc gốc Việt Nam thành lập tổ chức TASC chuyên
cứu trợ trẻ em quốc tế và ngày càng mở rộng hoạt động
tại Việt Nam. Trong một cuộc phỏng vấn năm 2006, cựu đại
sứ Peterson đã tâm sự:

<blockquote>"Tôi chỉ muốn đi bộ trên các đường phố để
gặp gỡ, trò chuyện với những người dân mà tôi chưa có cơ
hội tiếp xúc trong những lần trở lại Việt Nam trước
".</blockquote>

Trong bài báo mới đây, ký giả William Kremer đã tường thuật
về những gặp gỡ định mạng giữa Peterson và Việt Nam kể
từ quyết định của ông không từ chối tham dự cuộc chiến
tại Việt Nam. Nhắc lại thân phận người tù binh Mỹ, đại
sứ Peterson mô tả quyết tâm của họ ở nhà tù Hỏa Lò
<em>"nhận chịu mọi phương cách tra tấn, được nghĩ ra để
gây thương tật vĩnh viễn hoặc tử vong hoặc gần sắp tới
mức độ đó"</em>. Nhắc tới những vết sẹo gây ra bởi
những tảng đá người dân Việt đã ném vào ông đêm ông rớt
máy bay, đại sứ Peterson bình thản nói <em>"Phải nhìn một
cách công bằng: đó là một phản ứng tự nhiên. Họ đã chụp
cơ hội hiếm có sau khi bị bỏ bom trong nhiều năm"</em>

Cả hai người cựu tù binh Mỹ Mac Cain và Peterson đã đem lại
một tia ấm hy vọng là con người không cần phải chối bỏ hay
quên dĩ vãng, mà vẫn có phương cách để trả dĩ vãng thương
đau về hẳn cho dĩ vãng, dù mỗi người bộc lộ một cách
khác nhau. Mc Cain nhấn mạnh vào khía cạnh chính trị, và
Peterson vào tình cảm con người. Hành động của họ và nhất
là câu nói cuả Peterson, <em>"Cuộc sống của tôi đã được ơn
trên bảo hộ để hoàn thành một điều gì đó có tính cách
tích cực."</em>

<em>"My life was preserved to do something constructive"</em> là bằng
chứng sự thành công của nền tự do dân chủ của Hoa Kỳ đã
tạo được những con người có phong thái <em>"lớn hơn sự
khổ đau, cao hơn lòng thù hận của chính mình".</em>

Việc BBC tiếng Mỹ và BBC tiếng Việt đã không cùng đăng bài
về hai nhân vật này phải chăng để tránh đụng chạm vào
một vấn đề nhậy cảm? Từ khi Mỹ - Việt bình thường hóa,
quan hệ giữa những đại diện của Mỹ ở Việt Nam với cộng
đồng người Mỹ gốc Việt đã không dễ dàng. Đại sứ
Peterson chưa bao giờ đến Quận Cam, nơi có cộng đồng Việt
Nam đông dân nhất nước Mỹ. Đại sứ Marine chỉ một lần
tới thăm một đại học của California. Mãi tới năm 2007 Đại
sứ Michalak mới là đại sứ Mỹ đầu tiên đến thăm Quận Cam
trong khi Đậi sứ đương nhiệm David Shear sau khi gặp một số
đông khách từ cộng đồng người Việt tại Mỹ ở bang
Virginia vào tháng 3 năm ngóai đã vội có cải chính đây không
phải là buổi gặp gỡ <em>"chính thức"</em>, và bản tin trên
trang web của đài RFA Tiếng Việt đã bị gỡ xuống. Và dù đã
tiếp hàng trăm đại diện của cộng đồng Mỹ gốc Việt tại
Tòa Bạch Ốc, bên hành pháp Hoa Kỳ sẽ vẫn xúc tiến các mối
quan hệ với Việt Nam, kể cả tăng cường trao đổi về an ninh
vùng và quân sự theo chiến lược đã định.

38 năm đã qua từ khi Sài Gòn thất thủ.

Những nỗi đau dường như không thể nguôi ngoai và lửa giận
vẫn ngút ngàn trong lòng người dân Việt khi xưa phải bỏ quê
hương ra đi, dù nay đã thành công vẻ vang trên đất khách.
Đứng trước những nỗi đau với muôn ngàn khiá cạnh, nỗi
giận với triệu cách bộc lộ, ai có quyền bảo một người
khác hãy quên đi và tha thứ, dù thế sự có đổi thay chăng
nữa?

Và cũng chẳng ai có khả năng nghe, khi vết thương vẫn nhức
nhối làm mủ độc.

Do đó Việt Nam chẳng hề bao giờ thật sự có hoà bình, dân
tộc Việt vẫn tiếp tục xuất huyết vì nội chiến trong tâm.
Vết thương cương mủ đang đưa dân tộc dần vào tình trạng
nhiễm trùng huyết toàn diện (septicemia), vào cơn hấp hối.

Nếu không chữa kịp căn nhà Việt Nam đang bốc cháy mà chỉ
chú tâm đuổi bắt kẻ đốt nhà, e rằng nhà sẽ không còn.
Cũng không thể ngồi trông đợi hay đòi hỏi, dạy bảo người
khác phải làm gì mà đã đến
lúc chính chúng ta mỗi người phải tùy khả năng mà quyết tâm
hành động.

Đó là sự quyết định của mỗi người cho chính mình.

Bổn phận thiêng liêng nhất của mỗi người Việt hôm nay
phải chăng là sự tự quyết định thóat khỏi ngục tù dĩ
vãng và chấp nhận gánh chịu một phần trách nhiệm về sự
sống còn của dân tộc?

Một dân tộc Việt tự do dân chủ mới là chiến thắng thực
sự và là chiến thắng cuối cùng.

<strong>Thục Quyên</strong>

________________

(1)http://danlambaovn.blogspot.de/2012/07/nguoi-viet-khong-hoa-hop-hoa-giai
ma.html#.UU7Dthl0QXw


***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://danluan.org/tin-tuc/20130330/thuc-quyen-dung-khuyen-nguoi-khac-tha-thu-hoa-giai-dung-day-nguoi-khac-cach-dau),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét