<h2>THẬT RA TẠI SAO KHÔNG CÓ DÂN CHỦ TRONG THẾ GIỚI Ả
RẬP?</h2>
Câu hỏi này dễ hiểu và không thể trả lời trong một câu
được. Ngoại trừ người ta khẳng định một cách đơn giản
rằng đạo Hồi và dân chủ là không thể hòa hợp với nhau.
Tuy vậy, trong trường hợp này thì không được phép có cuộc
Cách mạng Ả Rập và yêu cầu tự do và dân chủ của nó. Một
cuộc cách mạng mà trước hết là do những người theo đạo
Hồi tiến hành.
Số phận chung của vùng này là một sự phát triển đã bị
ngăn chận lại, sự phát triển từ một xã hội phong kiến
chịu dấu ấn của nông thôn trở thành một xã hội công
nghiệp đô thị. Điều này cũng đúng cho cả các quốc gia vùng
Vịnh. Nhìn bề ngoài, với cái nhìn đến lối kiến trúc tiên
phong, họ đã hoàn thành bước nhảy vào thời Hiện đại từ
lâu. Thế nhưng chính trị và xã hội, kể cả những hệ giá
trị và tâm tính hiện đang thống trị, vẫn còn chịu ảnh
hưởng phong kiến nặng nề. Vài gia đình và thị tộc riêng
lẻ nhờ vào sự giúp đỡ của quân đội và an ninh mà thống
trị cả nhiều quốc gia – rõ rệt nhất là ở Ả Rập Saudi,
nơi họ của triều đang cai trị, Al Saud, đã trở thành một
với tên của nước đó.
<center><img
src="http://phanba.files.wordpress.com/2013/03/tahrir-platz.jpg?w=538&h=302"
/></center>
<center><em>Người biểu tình kết nối cờ cuea các quốc gia Ả
Rập lại với nhau trên Quảng trường Tahrir</em></center>
<h2>Kim tự tháp, được rèn thành những cột trụ kiên
cường</h2>
Các cấu trúc xã hội đều có thể so sánh được với nhau
trong tất cả các quốc gia Ả Rập, và trong kiến trúc của nó
giống như một kim tự tháp. Trên đỉnh là một giới tinh hoa
nhỏ nắm giữ quyền lực, giới từ lúc độc lập sau Đệ
nhị Thế chiến nắm giữ lấy các nguồn tài nguyên quốc gia
và ảnh hưởng của họ, với nhân sự được thay đổi một
phần, vẫn còn tồn tại sau những biến đổi cách mạng. Cho
tới thời điểm của cuộc cách mạng, các vị trí lãnh đạo
trong chính trị, kinh tế và hành chính chỉ do giới tinh hoa cầm
quyền đấy nắm giữ, những người thường cùng tộc hay có
quan hệ qua hôn nhân với nhau. Trong xã hội, vươn lên đến
tầng lớp này là điều hầu như không tưởng. Giới tinh hoa
nắm quyền lực bao gồm 3 đến 5% dân số và chưa từng bao
giờ đắn đo trong việc vơ vét không kiềm chế ngân quỹ quốc
gia. Các nhà cai trị trong các quốc gia vùng Vịnh còn chẳng
buồn phân biệt giữa ngân sách công cộng và tài sản cá nhân.
Ngân sách quốc gia được công bố chỉ thể hiện một phần
của thu nhập từ hoạt động kinh doanh dầu mỏ và khí đốt.
Chi tiết là việc của sếp. Tinh thần của những người cai
trị, đặt nền kinh tế quốc dân dưới quyền của mình, có
thể giải thích về cơ bản tại sao hạ tầng cơ sở trong
phần lớn các quốc gia Ả Rập chỉ là hư nát, hệ thống giáo
dục nằm trong một tình trạng đáng thương, tỷ lệ mù chữ
một phần hơn 50% (Jemen, Sudan), nghèo nàn và thất nghiệp ở
khắp nơi và những thách thức cấp bách, trước hết là bùng
nổ dân số, kế hoạch đô thị, thiếu nước và biến đổi
khí hậu, chỉ được tiến hành, nếu như nói chung là có, một
cách sơ đẳng.
Giới thường dân trung lưu mà phần lớn người dân ở châu Âu
phương Tây thuộc vào trong đó, ngay cả khi có xu hướng giảm
xuống, bao gồm 30 đến 40% dân số trong thế giới Ả Rập.
Đặc trưng cho giới trung lưu Ả Rập, phần lớn đã tốt
nghiệp đại học, là tình thế khó khăn của nhiều người
trong số họ – họ có thu nhập thấp và luôn luôn bị đe dọa
sẽ trượt bậc thang xã hội. Giảng viên đại học, người
đồng thời là tài xế taxi để nuôi sống gia đình là chuyện
thường chứ không phải là trường hợp ngoại lệ. Những hệ
thống bảo hiểm xã hội như bảo hiểm thất nghiệp hay bảo
hiểm y tế, lương hưu chỉ có ở mức sơ khai. Chỉ tình đoàn
kết của đại gia đình mới bảo đảm sự sống còn trong lúc
khốn khó.
Trong những thành phố lớn như Cairo hay Beirut có một con số
đang tăng lên của các nhân viên dotcom hay của doanh nghiệp mới
được thành lập, những người từ một vài năm nay đã tạo
ra một nhóm xã hội mới và là nhóm duy nhất đứng ngoài giới
tinh hoa truyền thống nhưng một phần đã có được tài sản
đáng kể. Do phản đối tình trạng chính trị đang tồn tại
nên phần lớn họ đều ủng hộ cuộc cách mạng.
Tuy vậy, phần lớn người Ả Rập đều đứng ở rìa dưới
của chiếc kim tự tháp xã hội. 60 đến 70%, tùy theo nước,
thuộc vào trong cái được gọi là khu vực phi chính thức. Là
những người làm công nhật, tức làm ngày nào ăn ngày đấy,
như Mohammed Bouazizi và gia đình của anh ấy. Đặc biệt ở Ai
Cập có nhiều người nghèo làm việc trong khu vực hành chính.
Nhưng đó chỉ là một biện pháp tạo việc làm và được trả
lương thấp đến mức không ai có thể sống nhờ vào đấy
cả.
Tức không phải giới trung lưu thường dân đặt dấu ấn lên
nhà nước và xã hội mà là giới tinh hoa nhỏ nắm quyền lực,
những người cố gắng bảo vệ đặc quyền của mình bằng
mọi giá. Trước bối cảnh đấy, không thể có được nhà
nước pháp quyền, tự do ngôn luận, đa nguyên, tam quyền phân
lập – nếu thế thì tất nhiên giới tinh hoa sẽ mất đi
quyền lực. Không một hiến pháp nào có thể nghiêm chỉnh
giải thích phúc lành của Thượng Đế cho việc tự làm giàu
của một thiểu số nhỏ bé. Tuy đã và đang có đảng phái và
quốc hội trong nhiều quốc gia Ả Rập tiền Cách Mạng, thế
nhưng đó chỉ là mặt ngoài. Trong cốt lõi, chúng thực hành
hình thức bảo trợ [clientelism].
Sự chính danh hóa là khái niệm chủ yếu để có thể hiểu
được chính trị Ả Rập trước cuộc cách mạng. Tất cả
những kẻ thống trị đang – đã – cố gắng tự phô diễn
mình như là một người thực thi những giá trị cao quý. Như
Habib Bourguiba (cầm quyền 1956-1987) người Tunesia này được
tuyên truyền nhà nước gọi là "Người đấu tranh tối cao"
(chống Chủ nghĩa Thực dân), Muammar al-Ghaddafi (1969-2011) người
Libya có danh hiệu là "người anh em lãnh tụ cách mạng",
Hafiz al-Assad (1971-2000) người Syria được gọi là "cột trụ
của sự kiên cường và đối đầu" (chống Chủ nghĩa Đế
quốc và Israel) hoặc là "chiến hữu", vua Abdallah của Saudi
hoạt động dưới tên "Người bảo vệ hai vùng đất
thánh", tức là của Mecca và Medina.
Cho tới cách mạng, về cơ bản chỉ có hai thể loại của
trật tự chính trị. Về một mặt là những nền quân chủ
truyền thống mà tính chính danh của chúng dựa trên sự thống
trị của bộ tộc hay yêu cầu quyền lãnh đạo về mặt tôn
giáo. Thuộc vào đấy là các quốc gia vùng Vịnh, Jordan và
Maroc. Các vua Mohammed I (Maroc) và Abdallah II (Jordania) đều tự xem
mình là dòng dõi trực tiếp của nhà tiên tri Mohammed. Và mặt
khác là các hệ thống độc đảng phi tôn giáo mà các tổng
thống của chúng, có quyền lực hết sức to lớn, thông
thường là (đã) xuất phát từ giới quân đội. Ở Libya, cung
cách xuất hiện kỳ lạ của Ghaddafi mang lại cho hệ thống này
những đường nét của một nhà hát opera, ở Iraq qua cung cách
của Saddam Hussein là những đường nét của Stalin.
Một vấn đề nữa trong sự chính danh hóa ở nhiều nơi là
lịch sử quốc gia rời rạc và thiếu vắng những huyền thoại
lập nước. Biên giới của phần lớn các quốc gia Ả Rập là
do các thế lực thuộc địa dùng thước kẻ một cách tùy
tiện. Jordan và các quốc gia nhỏ ở vùng Vịnh nói chung là
chỉ tồn tại vì người Anh và người Mỹ thích như thế.
<h2>Thị tộc, bộ tộc, quốc gia</h2>
Các nhà sử học đánh dấu lần bắt đầu của Chủ nghĩa
Thực dân trong thế giới Ả Rập thường là với cuộc viễn
chinh Ai Cập của Napoleon năm 1798. Sau đó, Pháp và Liên hiệp Anh
chia nhau Bắc Phi và Cận Đông. Paris nhận vùng Maghreb (Maroc,
Algeria, Tunisia, Mauritania) và, lớn mạnh thêm sau Đệ nhất Thế
chiến và sau khi Đế chế Ottoman chấm dứt, giữ vững ảnh
hưởng của mình ở Lebanon và Syria. London kiểm soát Ai Cập và
Sudan, thêm vào đấy sau Đệ nhất Thế chiến là Palestine, Jordan
ngày nay và Iraq. Dưới thời Mussolini, Ý tuyên bố những sở
hữu của mình ở Libya là thuộc địa năm 1934. Các thế lực
thực dân quan tâm đến trước hết là nguyên liệu và tuyến
đường buôn bán. Kênh đào Suez, được khánh thành năn 1869
với nhiều phô trương long trọng, rút ngắn đường biển từ
châu Âu sang Ấn Độ được tròn 10.000 km, là thí dụ dễ hiểu
nhất. Nhà nước Ai Cập chi trả để xây dựng nó, nước mà
Liên hiệp Anh đã chinh phục bằng quân sự chính vì mục đích
này. Nó được cố tình đẩy đến chỗ phá sản bằng những
khoản tiền mà London đã cho vay một cách hào phóng. Tiếp theo
sau đó, các ngài thực dân đã phá hỏng nền công nghiệp dệt
may đang được xây dựng ở Ai Cập, cái đã trở thành nhà
cạnh tranh thật sự cho công nghiệp dệt may Anh. Ngành trồng
bông vải ở Ai Cập vì thế mà suy tàn, làn sóng lớn đầu
tiên rời bỏ nông thôn bắt đầu. Pháp thì lại tiến hành
một Chủ nghĩa thực dân định cư rõ rệt tại Algeria, ở Maroc
và Tunisia thì ít hơn. Quân đội Pháp xua đuổi hàng trăm nghìn
nông dân người bản xứ và chiếm đất của họ để tạo
chỗ cho thực dân Pháp. Luật pháp của Pháp mãi đến những
năm 1960 vẫn còn xem Algeria là một phần đất của Pháp, không
khác gì Normandy hay Burgundy. Mỗi một phản kháng chống lại
lực lượng chiếm đóng đều bị đập tan một cách hết sức
tàn bạo, kể cả tàn sát. Nhiều vấn đề xã hội, đoàn thể
và chính trị của thế giới Ả Rập có nguồn gốc của nó
trong thời kỳ thuộc địa.
Trước bối cảnh đấy, có thể hiểu được tại sao cá nhân
trước hết là trung thành với thị tộc, bộ tộc, với nhóm
tôn giáo và sắc tộc của mình, và nhiều lúc vẫn còn là như
thế, và sau đấy là mới trung thành với quốc gia. Vì thế mà
sau khi Ả Rập độc lập đã tồn tại một khao khát to lớn
về lịch sử, về tầm quan trọng và ý nghĩa riêng biệt, không
chỉ ở phía những người cầm quyền và còn cả ở phía
những người dưới quyền. Lúc đầu, Chủ nghĩa Dân tộc Ả
Rập, ý thức hệ quần chúng của thời hiện đại, đã lấp
đầy khoảng chân không đó. Mục đích của nó là sự thống
nhất Ả Rập "từ vùng Vịnh cho tới Đại Tây Dương" và
cuộc đấu tranh chống quyền bá chủ của Phương Tây. Nhân
vật lãnh đạo bất tranh cãi của nó là người có sức thu hút
Gamal Abdel Nasser, tổng thống đầu tiên của Ai Cập, người sau
cuộc đảo chính quân sự năm 1952 đã dẫn dắt đất nước
này đi đến nền độc lập với Liên hiệp Anh. Ông ấy muốn
thống nhất thế giới Ả Rập dưới sự lãnh đạo của mình,
làm cho nó trở thành một động lực của Phong trào Không Liên
kết, phong trào mà năm 1955 trong hội nghị huyền thoại ở
Bandung của Indonesia đã tiếp nhận ông ấy vào trong hàng ngũ
của mình với những cử chỉ long trọng. Sau 150 năm do nước
ngoài quyết định và bị làm nhục, người Ả Rập muốn cuối
cùng rồi cũng tìm thấy được chỗ đứng của mình trong số
những nước lớn của thế giới. Nasser là người cầm cờ
của họ, một thể chế phán xét và một nhà hùng biện xuất
sắc, được người dân tung hô, tin tưởng và phục tùng, giới
trí thức cũng như fellah, nông dân Ả Rập.
Thế nhưng nó vẫn là một giấc mơ. Tất cả các chính trị gia
Ả Rập đều nói về sự thống nhất, nhưng trong cuộc sống
hàng ngày, ngoài lời nói suông thì nó không xảy ra – ngoại
trừ lần hợp nhất ngắn ngủi của Ai Cập và Syria để trở
thành nước Cộng hòa Ả Rập Thống nhất (1958-1961). Điều
đấy là không thể được. Ngoại trừ ngôn ngữ, lịch sử và
một sự nhận dạng chung mang dấu ấn của Hồi giáo, các khác
biệt trong thế giới Ả Rập to lớn vô cùng. Maroc có nhiều hay
ít điểm chung với Iraq cũng giống như Na Uy với Kosovo. Tại sao
những quốc gia mới vừa độc lập đã lại phải giải tán?
Vì cớ gì mà giới tinh hoa mới, phần lớn là sĩ quan trẻ
tuổi và những mối quen biết của họ, phải từ bỏ những
đặc quyền đã thu được? Ngoại trừ các nhà vua, giới tinh
hoa mới này có thiện cảm với Nasser và Chủ nghĩa Dân tộc Ả
Rập. Trong tinh thần của họ, họ rất giống với giới tinh hoa
cũ, phần nhiều là địa chủ. Họ không quan tâm đến công
bằng xã hội. Thay vì vậy, mục đích của họ là củng cố
quyền lực của họ. Ai cản đường họ đều bị bắn chết
hay vào tù. Kình địch trong nội bộ nhóm tinh hoa thường
được giải quyết bằng đảo chính và đảo chính ngược
lại, những cái được gọi là "cách mạng sửa đổi", và
đã trở thành chính trị thường ngày đặc biệt là ở Syria
và Iraq trong những năm 1950 và 1960. Ở đó cũng đã phát triển
một biến thể của Chủ nghĩa Dân tộc, Chủ nghĩa Baath (từ
tiếng Ả Rập "Baath" là phục sinh), cái tuy vậy không vượt
qua khỏi cái bóng của Nasser.
Tiếp theo giấc mơ về tầm vóc to lớn và sự thống nhất là
lần thức dậy nhức nhối sau chiến bại mang tính hủy diệt
trước Israel trong Chiến tranh Sáu Ngày năm 1967. Quân đội Israel
chiếm Đông Jerusalem và Bờ Tây (Tây Jordan) của Jordan, Sinai
của Ai Cập và cao nguyên Golan của Syria. Thay vì nhìn thẳng vào
hiện thực và tự chất vấn mình một cách phê phán, phần
lớn lại rơi ngay lập tức vào ảo tưởng kế đến, Trào lưu
Chính thống Hồi giáo. Cho tới hiện tại vẫn là: "Hồi giáo
chính là giải pháp!". Tuy vậy, hiện giờ đạo Hồi chính
trị cũng đã qua thời vàng son của nó từ lâu. Thời gian gần
đây, phần lớn người Ả Rập đã nhận ra rằng nó không góp
phần giúp họ có được nhiều tự do hơn lẫn cải thiện hoàn
cảnh sống của họ.
<h2>Một Hitler thứ nhì và Cuộc khủng hoảng Kênh đào Suez</h2>
Gamal Abdel Nasser là nhà cách mạng Ả Rập đầu tiên của thời
Hiện đại. Tương tự như con cháu của mình sau này thuộc thế
hệ Facebook, ông ấy đi theo một viễn tưởng gây cảm hứng và
thúc đẩy ông ấy. Ông ấy tin vào một Ả Rập mới. Thế
nhưng ông không thể biến lần biến động lịch sử đấy
thành một chính sách chính trị thực tiễn bền vững được.
Ông ấy dao động lầm lạc giữa sự không tưởng và khát
vọng quyền lực, và cuối cùng đã bị tài hùng biện của
chính mình thuyết phục. Đồng thời, cung cách đối xử của
Phương Tây với Nasser là một thí dụ sớm cho tầm nhìn mang
dấu ấn thực dân, đã bị công cụ hóa, đến thế giới Ả
Rập, cái nhìn mà đã hạ thấp họ xuống trở thành một số
đông để sử dụng trong địa chiến lược. Nasser không phải
là một chính khách chống Phương Tây, nhưng bị nhìn như thế
trong châu Âu và ở Hoa Kỳ. Để phát triển Ai Cập về mặt
kinh tế, ông ấy quyết định xây một con đập ở phía Nam
của thành phố Assuan. Đồng thời, ông đứng về phía của
người Palestine trong xung đột với Israel. Cũng như nhiều
người Ả Rập thời của ông, ông ấy cho rằng nhà nước Do
Thái chỉ là một vật cấy của Chủ nghĩa Đế quốc với mục
đích ngăn chận sự thống nhất Ả Rập. Khi Nasser công nhận
nước Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc năm 1955, cuối cùng Hoa Kỳ
cũng cho rằng ông ấy là một người cộng sản. Washington lo
liệu sao cho Ngân hàng Thế giới không cho Ai Cập vay tiền để
xây con đập Assuan. Mong muốn của Nasser, được Hoa Kỳ cung
cấp vũ khí, đã không được lắng nghe. Thế là ông ấy quay
sang Moscow và đã nhận được từ đấy cả vũ khí lẫn tiền
cho vay.
<center><img
src="http://phanba.files.wordpress.com/2013/03/gamal-abdel-nasser.jpg?w=538&h=358"
/></center>
<center><em>Gamal Abdel Nasser tuyên bố quốc hữu hóa kênh đào
Suez</em></center>
Đối diện với tư thế thù địch của Phương Tây, Nasser hiện
thực lời tuyên bố của mình và quốc hữu hóa kênh đào Suez
năm 1956, cái đa phần thuộc các cổ đông người Anh và người
Pháp. Thủ tướng Anh Anthony Eden sau đấy đã gọi Nasser là một
"Hitler thứ nhì" – một tên gọi mà sau này cả Saddam Hussein
lẫn Tổng thống Iran Mahmud Ahmadinedschad đều chia sẻ. Trong
trường hợp của Nasser và Saddam Hussein, tiếp theo sau lần ma
quỷ hóa là chiến tranh. Trên Vườn Eden, Bộ trưởng Bộ Ngoại
giao Pháp Guy Moller và Thủ tướng Israel David Ben Gurion thỏa
thuận tấn công Ai Cập trong một hội nghị bí mật tại Sèvres
ở ngoại ô Paris. Cuộc Chiến tranh Kênh đào Suez bắt đầu vào
ngày 29 tháng 10 năm 1956 và chấm dứt với thất bại về quân
sự của Ai Cập: quân đội Israel tiến cho đến kênh đào Suez,
người Anh ném bom Port Said.
Thế nhưng thất bại đấy đã trở thành một chiến thắng về
mặt chính trị cho Nasser. Người Mỹ tức giận vì họ hoàn
toàn không biết gì về các kế hoạch tấn công đó. Đồng
thời, người Anh phải đối chọi với một cuộc chiến tranh du
kích mới bắt đầu. Theo sáng kiến của Tổng thống Mỹ
Eisenhower, Liên Hiệp Quốc thông qua một nghị quyết yêu cầu
tất cả ba thế lực xâm chiếm phải rút quân. Washington đe
dọa không úp mở là sẽ để cho đồng bảng Anh rơi giá trên
thị trường tiền tệ. Các nhóm quân lính Anh cuối cùng rút ra
khỏi Ai Cập ngay trước Giáng Sinh 1956, Israel rút khỏi Sinai ba
tháng sau đó.
Cuộc Chiến tranh Kênh đào Suez chấm dứt kỷ nguyên của Chủ
nghĩa Thực dân và đưa Hoa Kỳ trở thành thế lực bá chủ
trong Trung và Cận Đông. Lần đầu tiên và cho tới nay là lần
cuối cùng, Washington tạo áp lực thật sự lên Israel. Năm 1957,
lần đầu tiên sau Đệ nhị Thế chiến, quân đội Mỹ lại
đổ bộ lên vùng này. Ở Lebanon, họ ủng hộ Tổng thống
Camille Chamoun thân Phương Tây chống lại các lực lượng thân
Nasser. Ở Iraq, năm 1958 đã xảy ra một cuộc đảo chính của
giới quân sự: Vua Faisal II, người tán thành cuộc Chiến tranh
Kênh đào Suez, bị bắn chết, chế độ quân chủ bị hủy bỏ.
Trong Chiến tranh Sáu Ngày 1967, Israel lại chiếm Sinai và mãi
đến 1979 mới trao trả lại nó cho Ai Cập trong khuôn khổ của
một hiệp ước hòa bình. Năm 2003, người Mỹ và người Anh
cùng lật đổ chế độ của Saddam Hussein trong Iraq và chấm
dứt sự thống trị của giới quân đội ở đấy. Tất cả
đều có liên quan với nhau, quá khứ tiếp tục trong hiện tại.
Những lần can thiệp liên tục của Phương Tây đã tạo nên
đồng minh hay hoàn cảnh mới và đã loại trừ hay làm suy yếu
những người chống lại. Tuy vậy, chúng không góp phần tạo
thêm dân chủ hay cải thiện đời sống, cả ở Iraq cũng không.
Nasser về phần mình không hiểu rằng kết cục của Cuộc
chiến Kênh đào Suez là nhờ vào một tình thế chính trị thế
giới có lợi cho Ai cập. Ông ấy tin rằng "số đông người
Ả Rập" đã đánh bại những kẻ tấn công, và cùng với
giới truyền thông nhà nước đã tự say sưa với những lời
hùng biện như sấm nổ của mình mà cuối cùng rồi ông ấy
lại là nạn nhân của chúng. Đánh giá hoàn toàn sai lầm tương
quan lực lượng quân sự, cuối cùng ông ấy phong tỏa không cho
tàu thủy Israel đi qua Vịnh Aqaba và qua đó đã tạo cho Israel
một cơ hội đáng mừng để tấn công Nasser đang bị họ căm
ghét và các đồng minh Jordan và Syria của ông ấy.
***********************************
Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://danluan.org/tin-tuc/20130307/michael-luders-nhung-ngay-thinh-no-chuong-2),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).
Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét