Trần Thị Ngự - Sự phát triển văn hóa tâm linh ở Việt Nam cũng có sứ mạng của nó?

Trong lần về Việt Nam cách đây mấy tháng, tôi nhận thấy có
một sự thay đổi lớn lao về các sinh hoạt tâm linh và tôn
giáo ở miền Bắc Việt Nam. Lần tôi đi Hà Nội trước khi
"xuất ngoại tìm đường cứu nước" cách đây đã hơn 25 năm.
Khi ấy tôi thấy nhà của những người bà con tôi đến thăm
đều có hình "bác Hồ", hoặc là được treo ngay chỗ dễ nhìn
nhất khi mới bước vào trong nhà, hoặc là ở trên bàn thờ
cùng với hình của những người quá cố khác. Bàn thờ rất
đơn giản, có khi không thấy cả bát nhang hay cây nến (có thể
vì không phải là ngày có cúng kiếng).

Lúc đó người nhà cũng đưa tôi cũng đi thăm mấy chùa/đền
quanh Hà Nội. Tôi có thăm đền Trấn Quốc gần Hồ Tây, nhưng
thấy rất vắng lặng. Tiện đường ghé qua chùa gì (không nhớ
tên) ở ngoài Hồ Tây thì chỉ nghe tiếng chó sủa rất dữ
dội. Tôi thấy lạ, nhưng không dám hỏi. Người nhà giải
thích chùa chỉ mở cửa ngày rằm và mùng một nên ngày
thường không có ai đến.

Mấy hôm sau, vào ngày rằm, người nhà đưa đi thăm chùa Quán
Sứ, được coi là nổi tiếng về kiến trúc. Đến chùa lúc
ấy gần giờ "cúng ngọ," tôi thấy các sư, cả nam lẫn nữ,
đang tấp nập chuẩn bị đưa đồ cúng lên bàn thờ Phật.
Đang ngạc nhiên về việc nam nữ tu sĩ cùng ở chung một chùa
thì tôi lại càng sửng sốt khi thấy các đĩa giò lụa được
đưa lên bàn thờ Phật (ở chùa thì phải cúng chay chứ nhỉ?).
Khi thắc mắc thì người nhà giải thích là chùa ở đây không
ăn chay. Khi về đến Sài Gòn, tôi đem chuyện ăn mặn ở chùa
Quán Sứ kể cho một người chị, vốn là đệ tử của Thày
Thích Minh Châu, thì chị cho biết thày Thích Minh Châu thường
phải mang theo một hũ muối mè mỗi khi ra Hà Nội họp (về tôn
giáo).

Cái thời chưa mở cửa ấy, như mọi người đều biết, nhà
cửa còn rất khó khăn, nhiều gia đình chỉ được chia một
phòng trong một căn nhà, nấu ăn thì ở ngoài hành lang, còn nhà
xí thì tập thể. Lần này về Hà Nội thì mọi chuyện khác
hẳn. Nhiều người bà con của tôi đã "lên lầu" theo cả nghĩa
bóng và nghĩa đen. Tiền bạc chẳng biết từ đâu nhưng nhiều
người đã xây nhà mới ba hay bốn tầng, hay biến căn nhà cũ
thành ba hay bốn tầng. Vì phần lớn các anh chị em của ba má
tôi đều đã qua đời nên tôi đã được mời lên thắp nhang
viếng các cụ trên bàn thờ đặt ở tầng cao nhất (lầu ba hay
lầu bốn). Trong những gia đình tôi đến thăm, bàn thờ bây
giờ to tát hơn nhiều so với trước kia, không những về diện
tích mà còn về các trang hoàng và trưng bày. Điều đầu tiên
là không còn có hình "bác Hồ" trong bất cứ một gia đình nào
tôi đến thăm. Thứ hai, là bàn thờ nào cũng có nhang nến
đầy đủ, mà còn rất to, cây nhang to và dài hơn gấp nhiều
lần nhang thường dùng trong các gia đình người Việt ở Mỹ,
tàn nhang cuốn vòng tạo một khung cảnh đầy tín ngưỡng. Trên
bàn thờ còn có đầy đủ bánh trái, rượu và trà. Trong một
buổi chiều tôi đi thăm bốn nhà, ở mỗi nhà leo bốn tấng
cầu thang, rụng rời cả chân, ngắm nhìn bốn cái bàn thờ to
tát tương tự như nhau, và lòng thắc mắc không hiểu sao lại
có sự "chuyển biến" như thế. Đi thăm những gia đình không
khá giả mấy, thấy nhà nào cũng có một bàn thờ hương khói
nghi ngút. Một hôm, tôi đi bộ qua khu chùa Quán Sứ. Chỉ là
ngày thường mà từ xa gần một dãy phố tôi đã nghe tiếng
ồn ào lẫn tiếng tụng kinh vang ra. Trước cửa chùa thì đầy
những chổ bày bán nhang đèn và hàng mã, trong đó có rất
nhiều thứ giấy tiền, kể cả hình tờ 100 đô la.

Tôi về Việt Nam lần này là do người nhà thúc dục về thăm
mộ tổ tiên và viếng từ đường ở nhà quê. Trong lúc ngồi
xe trên đường về quê, người nhà râm ran nói đủ thứ
chuyện trong đó có chuyện đi chuà. Một bà chị, có chồng
vốn là chánh án toà án nhân dân tối cao nhưng đã quá cố,
mỗi ngày chăm chỉ tụng kinh hai tiếng buổi sáng. Một bà chị
khác cứ hai ngày một lần lại đi chùa và ăn cơm ở chùa.
Tôi tò mò hỏi cái gì khiến chị siêng kinh kệ chùa chiền
thế. Câu trả lời là đi chùa cho "nó đỡ căng thẳng," gặp
nhiều điều bực bội, phiền toái trong cuôc sống, từ nhà
cửa, gia đình, xã hội, mà không đến chùa hay tìm sự bình
yên trong tiếng kinh tiếng kệ thì sợ có ngày sẽ bị "tai
biến" (mạch máu). Một bà chị khác thì nói chị tụng kinh
để cầu xin trời Phật phù hộ mọi điều tốt lành cho gia
đình và con cháu. Cũng mấy bà chị này khi đi qua lăng bác Hồ
trước khi ra khỏi Hà Nội còn nhắc tôi đi thăm lăng "Bác".

Khi ra thăm mộ các cụ tổ, người nhà mang theo đầy đủ các
thứ lễ vật, hương nến, và đặc biệt là các bó giấy
tiền, trong đó có cả một bó giấy tiền 100 đô la. Khi tôi
nói đùa là các cụ ở dưới ấy đâu có tiêu tiền đô thì
người nhà cũng cười nói là để các cụ mua vé máy bay đi
thăm con cháu bên Mỹ.

Sự phát triển các sinh hoạt tâm linh trong một khung cảnh xã
hội có nhiều tiêu cực về kinh tế, chính trị, và xã hội
chắc cũng mang một "sứ mạng" gì đó trong việc gìn giữ chế
độ. Các đấng tối cao vô hình từ nay sẽ thay thế đảng và
nhà nước để chiụ trách nhiệm về các sự thất bại hay đau
khổ mà cá nhân gặp phải trong cuộc sống. Dân càng tin vào
các đấng tối cao, lãnh đạo càng có cơ hội lẩn trách
được trách nhiệm về hạnh phúc (hay bất hạnh) của người
dân. Phát triển chùa chiền, đình miếu giúp tăng số tiền
cúng dường mà còn được tiếng là tự do tôn giáo. Thật là
nhất cử tam tứ tiện. Ai dám nói Đảng TA ngu?


***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://danluan.org/tin-tuc/20130217/tran-thi-ngu-su-phat-trien-van-hoa-tam-linh-o-viet-nam-cung-co-su-mang-cua-no),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét