Nguyễn Hưng Quốc - Xã hội dân sự như một tiến trình dân chủ hoá

Từ thập niên 1980 đến nay, một trong những vấn đề chính
trị được thế giới, ít nhất là ở Tây phương, quan tâm
nhiều nhất chắc chắn là vấn đề dân chủ; và trong vấn
đề dân chủ, yếu tố trung tâm, thu hút sự chú ý của mọi
người nhiều nhất, chính là vấn đề xã hội dân sự. Vậy
giữa xã hội dân sự và dân chủ có quan hệ như thế nào?

Trong bài nói chuyện nhan đề "Xã hội dân sự có thể làm gì
để phát triển dân chủ" (What Civil Society Can Do to Develop
Democracy) được trình bày tại hội nghị của giới lãnh đạo
của Tổ chức Phi chính phủ (NGO) tại Baghdad ngày 10 tháng 2 năm
2004, Larry Diamond (1) tóm tắt 11 việc mà xã hội dân sự có
thể đóng góp vào tiến trình dân chủ hoá như sau:

Thứ nhất và căn bản nhất, nó có chức năng hạn chế và
kiểm soát quyền lực của nhà nước bằng cách theo dõi cách
hành xử quyền lực của giới lãnh đạo và báo động cho dân
chúng biết về những sự lạm quyền.

Thứ hai, nó vạch trần nạn tham nhũng của các giới chức
chính phủ và vận động cải cách việc quản trị quốc gia.

Thứ ba, nó cổ vũ việc tham gia của dân chúng vào các sinh
hoạt chính trị bằng cách giáo dục mọi người về các quyền
và bổn phận của công dân.

Thứ tư, nó giúp phát triển các giá trị khác của đời sống
dân chủ như lòng khoan dung, tinh thần thoả hiệp và sự kính
trọng đối với các ý kiến khác biệt.

Thứ năm, nó có thể giúp phát triển các chương trình giáo
dục ý thức công dân trong nhà trường.

Thứ sáu, nó là nơi bày tỏ các quan điểm gắn liền với
những lợi ích khác nhau trong xã hội, vận động chính phủ
quan tâm đến các lợi ích ấy (như của phụ nữ, học sinh,
luật sư, bác sĩ, v.v.)

Thứ bảy, nó cung cấp các hình thức đối thoại và liên kết
xuyên qua các ranh giới bộ lạc, ngôn ngữ, tôn giáo và những
thứ ràng buộc khác thường thấy trong xã hội cũ.

Thứ tám, nó cung cấp các khoá huấn luyện cho những nhà lãnh
đạo các cấp trong tương lai.

Thứ chín, nó giúp cung cấp thông tin cho quần chúng về những
vấn đề liên quan đến đời sống công cộng.

Thứ mười, nó đóng vai trò quan trọng trong việc làm môi giới
hoá giải các xung đột bằng cách tạo ra những diễn đàn chung
để mọi người cùng thảo luận.

Cuối cùng, thứ mười một, nó có thể đóng một vai trò quan
trọng trong việc giám sát các cuộc bầu cử một cách khách
quan và công bằng.

Mặc dù bản liệt kê của Larry Diamond khá dài, nó vẫn còn
đơn giản và nhất là, khá phiến diện: Ông chỉ nêu lên
được những khía cạnh thuộc mặt nổi của của vấn đề.
Mặt nổi thứ nhất: Ông chỉ tập trung vào các hoạt động
cụ thể thay vì ý nghĩa hay những ảnh hưởng sâu sắc đối
với nhận thức và tâm lý, hay nói rộng hơn, văn hóa ứng xử
trong lãnh vực chính trị của con người. Mặt nổi thứ hai: Dù
nhắc đi nhắc lại chữ xã hội dân sự nhiều lần, những
điều được ông phân tích vẫn chỉ dừng lại ở các tổ
chức thuộc khu vực thứ ba, đặc biệt, các tổ chức phi chính
phủ, tức là chỉ ở mặt nổi của xã hội dân sự. Liên quan
đến vấn đề này, Katherine Verdery có một đề nghị rất sâu
sắc: Nên phân tích xã hội dân sự như là những tác tố
(operator) mang tính biểu tượng chủ chốt, những yếu tố
thuộc lãnh vực ý thức hệ hơn là những thực tế liên quan
đến bình diện tổ chức (2).

Tuy nhiên, khuyết điểm quan trọng nhất trong cách nhìn của
Larry Diamond là ở chỗ nó hàm chứa một nghịch lý: Tất cả
những việc làm mà ông nêu, như kiểm soát quyền lực, chống
tham nhũng, tạo diễn đàn chung để mọi người đối thoại
với nhau nhằm thay đổi chính sách, v.v. chỉ có thể thực
hiện được với điều kiện là chúng được chính phủ cho
phép, nghĩa là chính phủ đã ít nhiều chấp nhận một số
quyền liên quan đến dân chủ. Tất cả các công việc ấy,
cũng như tác dụng của chúng, đều trở thành bất khả thi
dưới các chế độ toàn trị. Như vậy, từ cái nhìn của Larry
Diamond, các tổ chức phi chính phủ chỉ có chức năng củng cố
và hoàn thiện các nền dân chủ mới manh nha hơn là thực sự
tạo ra một nền dân chủ mới từ những xiềng xích của các
chế độ toàn trị.

Trong bài "Civil Society, Democratization and Development: Clearing the
Analytical Ground" (3), Gordon White rất có ý thức trong việc phân
biệt hai khía cạnh của xã hội dân sự: một, với tư cách
một khái niệm về tính chất biệt lập, tự trị và tự
nguyện của các hiệp hội trong hình thức thuần túy của
chúng; và hai, với các tổ chức tồn tại trong thế giới thực
nghiệm nhằm thể hiện những tính chất ấy. Nhưng khi phân
tích các kỳ vọng về vai trò của xã hội dân sự trong tiến
trình dân chủ hóa, ông vẫn ít nhiều nghiêng về khía cạnh
tổ chức. Theo ông, bốn kỳ vọng chính có thể xảy ra:

Thứ nhất, sự lớn mạnh của xã hội dân sự có thể làm thay
đổi cán cân quyền lực giữa nhà nước và xã hội với thái
độ thiên vị hẳn về phía xã hội; từ đó, góp phần hình
thành nên một sự đối lập cân bằng (balanced opposition) vốn
được xem là điều kiện của dân chủ. Dưới những chế độ
toàn trị, kỳ vọng này thấp hơn: nó dần dần nâng cao hiệu
năng của các lực lượng xã hội đã được tổ chức nhằm
làm suy yếu tham vọng khống chế toàn bộ đời sống xã hội
của nhà nước.

Thứ hai, khi xã hội dân sự đủ mạnh, nó có thể củng cố
các tiêu chuẩn đạo đức công cộng và nâng cao tính khả
kiểm (accountability) của cả các chính trị gia lẫn bộ máy
công quyền.

Thứ ba, xã hội dân sự có thể đóng vai trò quan trọng trong
việc làm trung gian giữa xã hội và nhà nước, giữa các công
dân và hệ thống chính trị. Trong trường hợp lạc quan, nó có
thể chuyển tải các yêu sách của dân chúng hoặc một bộ
phận dân chúng đến giới cầm quyền, từ đó, làm thay đổi
một số chính sách của họ.

Thứ tư, nó có thể đóng vai trò tích cực trong việc thay đổi
các luật lệ trong trò chơi chính trị theo định hướng dân
chủ.

Ở trên chỉ là những kỳ vọng (expectation). Các kỳ vọng ấy
chỉ có thể biến thành hiện thực trong những điều kiện
tối ưu, hơn nữa, với một chút may mắn.

Liên quan đến quan hệ giữa xã hội dân sự và dân chủ hóa,
tôi thích lý thuyết về vốn xã hội (social capital) của Robert
Putnam hơn. Trong khi vốn vật lý (physical capital) gắn liền với
các vật thể, vốn nhân sự (human capital) gắn liền với từng
cá nhân, vốn xã hội lại nảy sinh từ quan hệ giữa các cá
nhân với nhau. Trong cuốn Making Democracy Work: Civic Tradition in
Modern Italy, xuất bản năm 1993, Putnam nêu vấn đề: Tại sao dân
chủ phát triển tốt đẹp ở nơi này hơn là ở các nơi khác?
Quan sát sinh hoạt ở 20 địa phương trên đất Ý, những nơi
có cùng một hệ thống chính trị và chịu sự chi phối của
những chính sách giống nhau từ trung ương, Putnam nhận thấy,
nói chung, việc thực hiện các chính sách ấy ở miền Bắc có
hiệu quả hơn hẳn ở miền Nam. Tại sao? Lý do, theo Putnam,
không phải là do kinh tế hay giáo dục mà chủ yếu ở các
cộng đồng dân sự: Ở miền Nam, chính trị được cấu trúc
theo chiều dọc (vertically structured politics), từ trên xuống
dưới, đời sống xã hội bị phân mảnh và cô lập, làm phát
sinh thứ văn hoá bất tín nhiệm (culture of distrust), không ai tin
ai cả; ở miền Bắc, ngược lại, quan hệ xã hội phát triển
theo chiều ngang với vô số các đoàn nhóm khác nhau; phần lớn
chỉ có tính chất giải trí, như các ca đoàn và các câu lạc
bộ bóng đá, ở đó, dân chúng thường xuyên gặp gỡ nhau,
gắn bó với nhau, thông cảm với nhau, tạo thành những mạng
lưới xã hội, qua đó, củng cố sự tin cậy lẫn nhau, và từ
sự tin cậy ấy, người ta dễ dàng tương nhượng nhau. Theo
Putnam, chính ba yếu tố mạng lưới xã hội (social network), sự
tín nhiệm (trustworthiness) và các quy phạm hay chuẩn mực về
sự tương nhượng (norms of reciprocity) ấy đã tạo thành cái
vốn xã hội; và chính cái vốn xã hội ấy đã góp phần làm
nảy nở dân chủ.

Từ lý thuyết vốn xã hội của Putnam và quan niệm của các lý
thuyết gia tự do sau này, tôi nghĩ chúng ta có thể hình dung các
tác động chính của xã hội dân sự đối với tiến trình dân
chủ hoá ở hai cấp độ khác nhau, từ thấp đến cao, từ
phạm vi cá nhân và liên cá nhân đến tổ chức và cả cộng
đồng:

Ở cấp cá nhân và liên cá nhân, xã hội dân sự có mấy tác
động chính:

Một, phát triển ý thức công dân, cụ thể là ý thức về
quyền và bổn phận của công dân đối với đất nước; xem
những vấn đề chung của đất nước là những vấn đề của
chính mình chứ không phải của ai khác.

Hai, phát triển các mạng lưới xã hội như một tập hợp của
những người có cùng một quan tâm và một lý tưởng chung.

Ba, phát triển sự tin cậy lẫn nhau để làm chất keo nối kết
các mạng lưới xã hội ấy.

Bốn, phát triển khả năng đối thoại với người khác, từ
đó, biết tôn trọng những sự khác biệt, biết chấp nhận
tính chất tương đối của cuộc đời, biết tương nhượng và
biết hợp tác với nhau để thực hiện những ước mơ chung.

Có thể xem các yếu tố trên như một cơ sở hạ tầng của xã
hội dân sự. Cơ sở ấy một phần nằm trong nhận thức của
cá nhân, mặt khác, nằm trong thói quen hành xử có tính chất
liên cá nhân.

Ở cấp độ tổ chức, có tính tập thể, xã hội dân sự có
thể có mấy tác động chính:

Một, tạo nên một tiếng nói chung để vang xa và được nhiều
người lắng nghe, từ đó, trở thành một sức mạnh, ít nhất
là trong dư luận, từ dư luận quốc nội đến dư luận quốc
tế.

Hai, khi đã được lắng nghe, những tiếng nói ấy trở thành
một sự phản biện công khai đối với chính phủ để, với
những mức độ khác nhau, tạo thành những áp lực lên chính
phủ để chính phủ hoặc tăng cường tính khả kiểm hoặc thay
đổi các chính sách.

Ba, đưa ra những đề nghị khác, như những khả năng để lựa
chọn (alternative), đối với các chính sách của chính phủ để
mọi người nhận thấy, thứ nhất, với cùng một vấn đề,
có thể có nhiều phương án giải quyết khác nhau; thứ hai,
phương án của chính phủ không phải là phương án duy nhất,
thậm chí, chưa hẳn đã là một phương án tối ưu.

Bốn, có thể trở thành một lực lượng đối trọng của
chính phủ để không những thay đổi các chính sách mà, trong
những trường hợp lạc quan nhất, có thể thay đổi được
cả cơ chế.

Xin nhấn mạnh một số điểm liên quan đến các tác động nêu
trên:

Thứ nhất, hai cấp độ ở trên khác nhau ở mức cao và thấp,
rộng và hẹp, nhưng chúng không nhất thiết phải tuần tự theo
thời gian. Trong một số trường hợp đặc biệt, ví dụ, do
những khủng hoảng trong nội bộ giới cầm quyền hoặc do
những áp lực từ bên ngoài, các tác động thuộc cấp tập
thể có thể xuất hiện trước khi các tác động thuộc cấp
cá nhân và liên cá nhân thực sự chín muồi. Tuy nhiên, trong
trường hợp ấy, ngay cả khi may mắn thay đổi được chế
độ, người ta cũng chỉ có được một thứ xã hội dân sự
yếu ớt, chưa bén rễ sâu trong nhận thức và tâm lý của
quần chúng, nghĩa là thực sự biến thành một thứ văn hoá
dân sự. Nó sẽ không đủ vững để làm một nền móng cho dân
chủ, do đó, dân chủ rất dễ lâm vào nguy cơ bị nghiêng ngả,
thậm chí, sụp đổ.

Thứ hai, ở cấp độ cá nhân và liên cá nhân, không phải cứ
tham gia vào các tổ chức xã hội là tự động người ta có
thể làm phát triển "vốn xã hội" và từ đó, văn hóa công
dân (civic culture). Vấn đề còn tùy thuộc vào nội dung và bản
chất của các tổ chức xã hội ấy: Chúng phải là xã hội
dân sự đích thực chứ không phải chỉ là các tổ chức
ngoại vi của chính quyền, được chính quyền sử dụng như
những công cụ tập hợp quần chúng cho các mục tiêu chính
trị của họ (4).

Thứ ba, ở cấp tổ chức, ngay cả khi xã hội dân sự đã lớn
và mạnh, nó vẫn không đủ sức để biến một chế độ toàn
trị thành một chế độ dân chủ. Một cuộc cách mạng như
thế đòi hỏi rất nhiều yếu tố, từ quốc nội đến quốc
ngoại, từ kinh tế đến chính trị, từ mức độ mâu thuẫn
giữa dân chúng và nhà nước đến mức độ mâu thuẫn trong
nội bộ giới cầm quyền. Nói theo Neera Chandhoke, "tất cả
những gì xã hội dân sự làm được là cung cấp các diễn tố
(actor) (5) với những giá trị, không gian và cảm hứng để
đấu tranh cho dân chủ." (6) Vậy thôi.

(Đây là bài thứ tư trong loạt bài về "Xã hội dân sự".
Kỳ tới: "Xã hội dân sự ở Việt Nam: một bức tranh lệch
lạc và dang dở")

***

<h2>Chú thích:</h2>

1. Bài thuyết trình này được đăng trên trang web
http://www.stanford.edu/~ldiamond/iraq/Develop_Democracy021002.htm không ghi
tên tác giả. Tìm trên Internet, tôi thấy trong bài "Civil Society
Role in the Democracy Building in Egypt .. Escaping from the Mess" của
Mahmoud Ezzat có một phần mang nội dung hoàn toàn tương tự, từ
ý tưởng đến câu chữ, mà không kèm theo bất cứ một ghi chú
là đã trích dẫn từ đâu. Tuy nhiên, trong bài "Civil Society in
Bosnia and Herzegovina: An Opportunity for a Genuine Democracy?" đăng
trên The Journal of Turkish Weekly, tôi lại thấy, trong phần chú
thích, tác giả của bài ấy chính là Larry Diamond. Tôi tạm theo
tác giả bài báo này dù vẫn không thấy an tâm hẳn.

2. Katherine Verdery (1996), What was Socialism, and What Comes Next?,
Princeton: Princeton University Press, tr. 105.

3. In trong cuốn Civil Society in Democratization do Peter Burnell & Peter
Calvert biên tập (2004), London: Frank Cass, tr. 6-21.

4. Điều này đã được Russell J. Dalton và Như-Ngọc T. Ôn phân
tích khá kỹ trong bài "Civil Society and Social Capital in Vietnam".
Có thể đọc trên:
www.giga-hamburg.de/ifa/shop/pdf/mia385-Mutz-Inhalt.pdf

5. Tôi dịch "actor" là "diễn tố" thay vì "diễn viên"
vì ở đây, khái niệm này bao hàm cả nhiều yếu tố khác chứ
không hẳn chỉ có con người. Hơn nữa, chữ "diễn viên"
trong tiếng Việt thường chỉ gợi liên tưởng đến phim và
kịch, từ đó, tính chất giả tạo vốn không có cho chữ
"actor", ít nhất ở ngữ cảnh này.

6. Neera Chandhoke, "Civil Society", Development and Practice, số 17
(tháng 8, 2007), tr. 613.

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://danluan.org/tin-tuc/20130121/nguyen-hung-quoc-xa-hoi-dan-su-nhu-mot-tien-trinh-dan-chu-hoa),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét