Minh Văn - Mùa cưới

<center><img src="/files/u23/damcuoithoibaocap.jpg" width="480" height="333"
alt="damcuoithoibaocap.jpg" /></center>

Cái không khí se lạnh cuối Đông thật phù hợp cho việc tổ
chức những đám cưới hỏi trọng đại. Nhiều trai thanh gái
lịch chọn thời điểm này cho cái ngày quan trọng nhất của
đời mình, ngày kết thành đôi lứa. Vì vậy mà người ta
thường gọi thời gian lý tưởng này là mùa cưới. Lúc này
thời tiết ít có mưa giông, chỉ có những giọt mưa phùn lất
phất điểm tô cho không khí đưa dâu thêm phần lãng mạn.
Những giọt mưa đọng trên mái tóc các cô gái như những giọt
sương long lanh, làm duyên cho vẻ đẹp thiếu nữ. Thời gian
bấy giờ như ngưng đọng, phố phường Hà Nội tấp nập
những xe hoa chở cô dâu và quan viên hai họ, gợi chút tò mò
cho người đi đường. Cũng có người nén tiếng thở dài vì
chợt nhận ra mình vẫn còn lẻ loi, đơn chiếc. Những chiếc xe
kết hoa, mặt kính đằng trước thì dán hai chữ <em>"Song
Hỷ"</em> trông vui mắt và sống động, thấp thoáng ánh mắt
nụ cười mãn nguyện của cô dâu và chú rể ngồi phía trong
xe.

Đến mùa cưới, phần lớn các đôi chọn tổ chức lễ cưới
theo kiểu Âu hóa, vừa đơn giản vừa có vẻ hiện đại. Họ
đặt tiệc cưới tại nhà hàng, tại đây người ta có những
phòng lớn để trang trí như một rạp cưới, bàn ghế cũng đã
có sẵn cho quan khách. Việc nấu ăn và phục vụ được chuyên
môn hóa, vì thế mà mọi thứ trông thật đẹp mắt và chuyên
nghiệp. Khách khứa chỉ việc đến chúc mừng và tặng quà, sau
đó tiệc tùng vui vẻ rồi ra về. Những thắng cảnh nổi
tiếng của Thủ đô như Hồ hoàn kiếm, hồ Tây, Nhà hát lớn,
công viên Thủ Lệ...là nơi chụp ảnh ưa thích của các đôi
uyên ương. Trang phục mà người ta thường thấy là chú rể
mặc comle và cô dâu mặc váy cưới kiểu Tây. Ai muốn hướng
về cội nguồn hơn thì chọn trang phục cổ truyền, nữ mặc
áo dài ta và đội mũ xếp, nam vận áo dài kiểu các liền anh
Quan họ thường mặc.

Cũng có nhiều đôi uyên ương, bất chấp sự tiến nhanh của
thời đại mà vẫn lựa chọn cho mình lễ cưới truyền thống.
Những đám cưới kiểu này thường diễn ra ở ngoại thành,
nơi mà nhiều phong tục cổ xưa còn được lưu giữ. Trên con
đường ven đê sông Đuống hay sông Hồng, những đám cưới
với đủ sắc màu trang phục làm mãn nhãn người qua đường,
gợi lại hình ảnh cưới hỏi của một thời xa xưa.

Theo tục lệ cổ truyền, để tiến tới hôn nhân thì người ta
phải tiến hành sáu lễ gọi là: <em>Lễ Nạp Thái, Lễ Nạp
Chưng, Lễ Vấn Danh, Lễ Thỉnh Kỳ, Lễ Nạp Cát, Lễ Thân
Nghinh</em>. Sau này, thời hiện đại thì người ta bỏ bớt nghi
thức, chỉ rút gọn thành ba lễ: <em>Lễ Chạm Ngõ, Lễ Ăn hỏi
và Lễ Cưới</em>. Trong không khí se lạnh của xứ Bắc, người
ta diện những bộ cánh đẹp nhất để đến chạm ngõ nhà
gái. Đây là lễ tiếp xúc chính thức giữa hai bên gia đình,
rồi thưa chuyện với nhau về hôn sự. Sau đó ít ngày thì tổ
chức lễ ăn hỏi. Nhà trai mang sang nhà gái những lễ vật như:
<em>Bánh Cốm, bánh su sê, mứt sen, chè, rượu, trầu cau, thuốc
lá</em>...; trong đó bánh su sê (phu thê) là thứ không thể
thiếu, vì nó tượng trưng cho tình duyên viên mãn của lứa
đôi. Trong lễ ăn hỏi, người ta cũng bàn định luôn ngày
cưới, sau khi đã thỏa thuận mọi nhẽ cho đám rước dâu thì
hai họ chào nhau mà vui vẻ ra về. Và rồi lễ quan trọng cuối
cùng là đám cưới, đây là ngày chính thức rước dâu, cô gái
nước mắt vắn dài bái biệt cha mẹ để mà về nhà chồng.
Trên con đường đê đầy hoa dại nở hay phố phường tấp
nập, cô dâu được ngồi trong xe hoa mà ngắm nhìn cảnh mọi
người đưa rước mình, bởi hôm nay cô là nhân vật quan trọng
nhất.

Còn nhớ khoảng năm 1997 gì đó, lúc ấy tôi còn là sinh viên
học ở Hà Nội. Cũng vào dịp giáp tết cổ truyền, Hà Nội
bấy giờ đang là mùa cưới. Trước khi về quê ăn tết, tôi
có được về dự và chứng kiến đám cưới của một người
quen ở ngoại thành Hà Nội. Vì là vùng ngoại ô nên phong cảnh
còn giữ được nét nên thơ, con đê sông Đuống trải dài theo
bước chân của đoàn nam thanh nữ tú bê tráp đi ăn hỏi.

Cô dâu và chú rể đều làm cùng một cơ quan nên địa điểm
cưới hỏi được chọn là khoảng sân rộng trước khu tập
thể. Như thế vừa vui vừa thuận tiện, không phải thuê mướn
địa điểm, mọi người lại được cùng nhau tập trung làm
rạp cưới và trang hoàng. Cô dâu thì quê ở Bắc Ninh, cách
đây khoảng hơn 40 cây số. Hai vợ chồng sau khi cưới nhau sẽ
ở một phòng trong khu tập thể, kể cũng thuận tiện. Đôi
uyên ương còn khá trẻ, vì cả hai mới ra trường làm việc.
Cũng bởi hai trẻ yêu nhau mặn nồng quá nên hai bên gia đình
gấp rút cho tổ chức đám cưới, nghe loáng thoáng người ta
kháo nhau là cô dâu đã có bầu, bụng đã hơi phinh phính dưới
làn áo mỏng. Nhà gái cũng thông cảm cho hoàn cảnh mới lập
nghiệp của chú rể mà chỉ nhận ít tiền thách cưới gọi
là. Bố cô dâu tuyên bố với mọi người rằng <em>"Lễ vật
chỉ gọi là, cốt sao cho hai trẻ được hạnh phúc"</em>, vì
vậy mà đám cưới nhanh chóng được tổ chức trong niềm hoan
hỉ của mọi người.

Tối hôm trước lễ cưới, mọi người tập trung trước sân
tập thể để làm bánh trái và hoàn thiện rạp cưới. Ban đêm
trời lạnh, lại lất phất mưa phùn nên từng toán tụ tập
bên nhau làm việc cho ấm cúng, vừa làm vừa nói chuyện vui
cười rôm rả. Chỗ chúng tôi thì làm bánh, những chiếc bánh
được cho vào khuôn có hoa văn rất đẹp, vì thế mà cái nào
cũng đều tăm tắp như nhau. Mấy chị lớn tuổi khéo tay
hướng dẫn cho tôi cách làm bánh, dù sao lúc ấy tôi cũng chỉ
là một cậu sinh viên vụng về nên được bày vẽ cẩn thận
lắm. Mấy anh khoẻ và nhanh tay hơn thì tập trung một chỗ làm
thịt gà, họ làm cũng nhanh và khéo chẳng khác gì ở các nhà
hàng là mấy. So với việc đặt tiệc cưới tại nhà hàng, thì
tổ chức tại nhà có ưu điểm là tiết kiệm hơn, lại tạo
được không khí vui tươi đầy ý nghĩa.

Mọi người chăm chú làm việc và chuẩn bị mọi thứ cho ngày
mai, bấy giờ cũng đã hơn 10h tối. Chợt có tiếng động cơ
khua động màn đêm, rồi một chiếc xe máy chạy vòng vào trong
sân và dừng lại. Bước từ trên xe xuống là bố cô dâu, mặt
mày ông nhợt nhạt và tóc thì rối bù vì mưa gió. Sau khi dặn
anh lái xe ôm dừng ngoài sân đợi, ông đi thẳng vào phòng chỉ
huy của đại bản doanh (nơi có chú rể và những người tổ
chức đám cưới đang tập trung chỉ đạo). Người ta nghe
tiếng bàn cãi từ phòng chỉ huy vọng ra, một lúc sau thì lớn
dần và hình như có xảy ra xô xát. Chưa ai hiểu chuyện gì
xẩy ra thì thấy chú rể thất thểu chạy đến chỗ mấy anh
bạn đang làm thịt gà, miệng mếu máo:

- Ông cụ đến để đòi...đòi thêm tiền...tiền cưới!...

Anh bạn thân nhất nghe thấy vậy vội ném con gà đang làm dở,
đứng phắt lên mà nổi đoá:

- Bỏ cưới luôn! Chúng tôi cũng đang định bỏ đây. Không
cưới cheo gì nữa!...

Mấy chị sau khi hiểu chuyện, thì thầm với nhau:

- Rõ khổ, đêm hôm khuya khoắt, lại lạnh thế này. Ông cụ
không ở nhà để ngày mai còn đi đám cưới, lên đây làm gì
cho tội?...

- Ai lại vậy, con cái đang thiếu thốn, lo tiền cưới đã mệt
hết hơi rồi, lại đòi thêm tiền thách cưới nữa thì lấy
đâu? Thật là làm tội con mình mà!...

Nghe thấy vậy, anh bạn thân tức quá không còn chịu được,
liền tung ngay cái bí mật quân sự mà mọi người đang cố
giữ kín:
-
Cô dâu chửa đẻ đến nơi rồi mà còn đòi này đòi nọ,
không cưới thì chúng tôi càng khoẻ!...

Chú rể vội xông ngay vào, hai tay bịt lấy miệng anh ta, mắt
thì đảo quanh như sợ mọi người nghe thấy hết. Tuy vậy
trông dáng điệu anh bạn hãy còn tức giận và bất bình lắm.
Rốt cục thì mọi việc cũng được giải quyết xong, bố cô
dâu vui vẻ lên xe ra về nhưng mặt thì tái nhợt hơn lúc mới
đến. Cách thức giải quyết thế nào thì chỉ có ban tham mưu
mới biết được, mọi người thì tha hồ mà bàn hươu tán
vượn. Kẻ thì nói nhà trai đồng ý thêm tiền nhưng đưa không
đủ, kẻ lại bảo là sau khi biết tin con gái có bầu thì bố
cô dâu không dám đòi thêm gì nữa cả...; nói chung là mỗi
người một ý.

Nguyên nhân mà bố cô dâu đang đêm đến đòi thêm tiền thách
cưới là thế này. Số là đêm ấy bộ chỉ huy nhà gái ngồi
uống rượu bàn bạc đại sự, bố cô dâu thì vui vẻ mãn
nguyện mà không nhiêu khê gì cả. Chợt một vị quân sư quạt
mo, sau khi vuốt cặp râu con kiến liền khề khà nêu ý kiến:

- Theo ý tôi thì tiền cưới của nhà trai là quá ít. Họ thấy
mình thương con mà đâm ra nhạt về phần lễ vật. Ông thử
hình dung xem, mình nuôi con mấy chục năm, như thế thì có khác
gì cho không người ta?...

Bố cô dâu đang gật gù, nghe nói vậy liền giật bắn mình. Sau
một lúc ngẫm nghĩ, ông thấy vị quân sư nói đúng quá. Tự
nhiên ông thấy xót cho con mình, nên quyết định vớt vát thêm
một chút danh giá. Mấy vị quân sư khác cũng nhỏ to dâng kế,
kẻ thì bảo nên đòi thêm tiền, người bảo thêm lễ vật.
Nói chung là chỉ đòi thêm chứ không có bớt, càng nhiều lễ
vật thì con gái mình càng được danh giá trước mặt bàn dân
thiên hạ. Vì thế mà đang đêm ông vội vàng bắt xem ôm để
vượt hơn 40 cây số đến đằng trai như đã kể.

Sáng hôm sau đám cưới vẫn được tổ chức suôn sẻ và vui
tươi như dự định. Cô dâu và chú rể đi bên nhau trong niềm
hạnh phúc chứa chan. Nghe đâu sáu tháng sau thì cô dâu sinh hạ
một bé gái kháu khỉnh và dễ thương.

Mùa cưới có nhiều câu chuyện thật hay và thú vị. Tuy nhiên
chuyện kể trên cũng chỉ là một sự cố đáng tiếc của phong
tục mà thôi. Nhớ có thời nhà nước Cộng Sản hô hào xoá
bỏ hình thức cưới hỏi truyền thống của cha ông, thay vào
đó là đám cưới theo kiểu <em>"Đời sống mới"</em>. Theo
đó thì đám cưới được tổ chức tại hội trường ủy ban
nhân dân xã. Cô dâu chú rể và quan viên hai họ tập trung về
đây để làm thủ tục, thường là nghe hát quốc ca và các bài
hát ca ngợi đảng Cộng sản (một số nơi còn hát cả quốc
tế ca). Sau đó là phát biểu của cán bộ xã và đại diện
đoàn thanh niên. Một lúc nhộn nhạo rồi tất cả ra về, không
có ai được thắc mắc hay bàn tán gì cả. Tôi cũng đã được
chứng kiến một đám cưới kiểu này, cô dâu chẳng có váy
xống gì sất, chân thì đi dép lê bèn bẹt trông chán lắm.

Càng về sau này thì người ta càng trân trọng hơn phong tục
của cha ông, vì vậy mà đám cưới cổ truyền được tổ
chức nhiều hơn. Bây giờ ở nông thôn hay thành thị, lúc chụp
ảnh cưới thì thể nào cũng có mấy kiểu ảnh trong tà áo dài
truyền thống, đó là một nét đẹp của phong tục dân tộc.

Một mùa cưới nữa lại về, xe hoa và váy cưới rộn rã khắp
mọi nẻo đường. Nhiều người hạnh phúc vì có đôi, cũng
lắm kẻ chạnh lòng vì chợt nhận ra mình còn lẻ loi, đơn
chiếc.

1.12.2012




***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://danluan.org/tin-tuc/20121201/minh-van-mua-cuoi), một số
đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời độc
giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận
có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng
dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét