Tôn Trung Sơn - Chủ nghĩa Dân quyền, 1924 (phần 1)

<div class="special_quote"><em>Tôn Trung Sơn (1866 – 1925), còn được
gọi là Tôn Dật Tiên hay Tôn Văn, là nhà cách mạng dân chủ
Trung Quốc, người lãnh đạo cuộc cách mạng Tân Hợi năm 1911
lật đổ triều đại Mãn Thanh và khai sinh nước Trung Hoa Dân
quốc. Ông được người Trung Hoa yêu mến gọi là "Quốc phụ
Trung Hoa" (người cha của đất nước Trung Hoa). Ông đã nêu ra
chủ thuyết "Tam dân" (dân tộc độc lập, dân quyền tự do,
dân sinh hạnh phúc). Chủ thuyết "Tam dân" của ông có ảnh
hưởng lớn đến tầng lớp trí thức yêu nước và phong trào
đấu tranh giành độc lập ở Việt Nam, đặc biệt là đối
với Quốc Dân Đảng Việt Nam, trong những năm 1920 - 1930. Ở
đây chúng tôi trích giới thiệu một bài giảng tiêu biểu của
ông liên quan đến chủ nghĩa dân quyền.</em></div>

<h2>Chủ nghĩa Dân quyền, 1924</h2>

<h2>Bài 1. Giảng ngày 9/3 năm Dân quốc thứ 13 (1924)</h2>

Thưa các vị,

Hôm nay tôi bắt đầu nói về Chủ nghĩa Dân quyền.

Chủ nghĩa Dân quyền là gì?

<div class="boxleft320"><img
src="http://www.nhanquyen.vn/images/news/news_206sun.jpg" /></div>
Để giải thích từ "dân quyền", trước hết cần biết "dân"
là gì? Thường một khối người có đoàn thể, có tổ chức
thì gọi là "dân". "Quyền" là gì? Là lực lượng, là uy thế,
lực lượng được mở rộng tới pham vi quốc gia thì gọi là
quyền. Những nước có lực lượng lớn nhất, tiếng Trung
Quốc gọi là cường quốc, tiếng nước ngoài gọi là đại
cường. Về sức mạnh của máy móc, tiếng Trung Quốc dùng từ
mã lực, tiếng nước ngoài dùng từ sức ngựa. Do đó, ta thấy
quyền và lực trên thực tế được dùng như nhau. Quyền là
lực lượng sử dụng mệnh lệnh, chi phối các quan hệ giữa
con người trong cộng đồng. Ghép "dân" với "quyền" thành
"dân quyền", đó là sức mạnh chính trị của nhân dân. Sức
mạnh chính trị là gì? Muốn hiểu rõ điều này, trước hết
phải hiểu chính trị là gì? Nhiều người nghĩ rằng chính
trị là những gì rất huyền bí, rất bí hiểm, thâm thúy mà
người thường không dễ hiểu được. Do đó, các quân nhân
Trung Quốc thường nói: "Chúng tôi là quân nhân, chúng tôi
không hiểu chính trị". Tại sao không hiểu chính trị? Vì họ
coi chính trị là cái gì rất thần bí, rất thâm thúy. Họ
không biết rằng chính trị là cái gì rất rõ ràng, rất dễ
hiểu. Nếu quân nhân nói họ không can thiệp chính trị thì còn
có thể nghe được, nhưng nói họ không hiểu chính trị thì
khó lọt tai. Vì quân nhân là động lực của chính trị do đó
đương nhiên quân nhân phải hiểu chính trị, phải hiểu rõ
chính trị là gì . Về ý nghĩa của hai chữ "chính trị", nói
giản đơn, thì "chính" là việc của dân chúng, "trị" là quản
lý, quản lý việc của dân chúng thì gọi là chính trị. Lực
lượng quản lý công việc của dân chúng là chính quyền. Nay
nhân dân quản lý công việc chính trị nên gọi là "dân
quyền".

Bây giờ, khi đã rõ định nghĩa về dân quyền, chúng ta cần
nghiên cứu chức năng của nó. Nhìn suốt thời cận đại, nhìn
ngược lại thời cổ đại, nói một cách giản đơn, chức
năng của quyền lực là duy trì sự sinh tồn của loài người.
Muốn sinh tồn, loài người phải làm hai việc lớn nhất: thứ
nhất là bảo, thứ hai là dưỡng. Bảo và dưỡng là hai việc
lớn mà loài người làm hàng ngày. Bảo là tự vệ, dù là cá
nhân, đoàn thể, hay quốc gia đều phải có năng lực tự vệ
mới có thể sinh tồn. Dưỡng là kiếm ăn. Tự vệ và kiếm ăn
là hai việc lớn mà loài người phải làm nhằm duy trì sự sinh
tồn của mình. Nhưng loài người cần duy trì sinh tồn, các
loài động vật khác cũng cần duy trì sinh tồn; loài người
cần tự vệ, các loài động vật khác cũng cần tự vệ; loài
người cần kiếm ăn, các loài động vật khác cũng cần kiếm
ăn, cho nên nhu cầu bảo và dưỡng của loài người xung đột
với nhu cầu bảo và dưỡng của động vật, và thêm xẩy ra
cạnh tranh. Loài người phải tìm cách sinh tồn trong cạnh tranh,
do đó phải phấn đấu. Vậy phấn đấu là việc không bao giờ
ngừng từ khi có loài người đến nay. Như vậy quyền lực là
thứ loài người dùng để phấn đấu. Từ khi bắt đầu hình
thành đến nay loài người không ngừng phấn đấu. Quá trình
phấn đấu của loài người có thể chia làm mấy thời kỳ:
Thứ nhất, thời kỳ thái cổ hồng hoang, trước khi có lịch
sử. Thời kỳ này dài ngắn thế nào, hiện nay ta chưa biết.
Nhưng gần đây các nhà địa chất học nghiên cứu địa tầng,
tìm ra được những hòn đá có bằng cứ về dấu vết của
loài người cách đây khoảng hai triệu năm. Những hòn đá từ
hai triệu năm về trước thì không có dấu vết của loài
người. Nói tới chuyện mấy triệu năm về trước, người
thường dường như mù mịt. Nhưng gần đây địa chất học
rất phát triển, các nhà địa chất học phân loại đá trên
trái đất thành nhiều tầng, mỗi tầng hợp thành một số
niên đại, tầng này là đá của thời tối cổ, tầng kia là
đá của thời cận đại, và dùng đá để phân biệt niên
đại. Nói hai triệu năm, đối với chúng ta dường như rất xa
xưa, nhưng đối với các nhà địa chất học đó chỉ là một
thời gian ngắn ngủi. Hai triệu năm về trước có rất nhiều
địa tầng, nhưng khoảng thời gian từ trên hai triệu năm tới
khi trái đất còn chưa kết thành đá thì không có cách nào
khảo cứu được. Thường người ta nói trước khi kết thành
đá, trải đất là chất lỏng và trước chất lỏng là một
thể khí. Vậy nói theo logic của triết học tiến hóa thì trái
đất vốn là thể khí cũng giống như mặt trời vậy. Ban đầu
mặt trời và thể khí đó đều ở trong không trung, tạo thành
một đám tinh vân. Khi mặt trời co lại thì tỏa ra rất nhiều
khí, lâu dần ngưng thành thể lỏng, rồi từ thể lỏng đông
kết thành đá. Đá cổ nhất có tuổi mấy chục triệu năm.
Hiện nay khảo cứu các đá có bằng cứ về dấu vết loài
người, các nhà địa chất học xác định chúng có tuổi trên
hai chục triệu năm. Do đó họ suy luận: trái đất, kể từ khi
chuyển từ thể khí thành thể lỏng, phải mất vài chục
triệu năm; từ thể lỏng thành thể đá rắn cũng phải mất
vài chục triệu năm; từ khi có đá cổ xưa nhất đến nay ít
nhất đã là hai chục triệu năm. Hai mươi triệu năm trước, do
không có lịch sử thành văn nên ta cho là đã rất xưa, nhưng
các nhà địa chất học thi coi vẫn còn rất mới mẻ.

Những chuyện địa chất học như trên có liên quan gì đến
bài giảng hôm nay của chúng ta? Nói nguồn gốc của trái đất
thì từ đó có thể suy ra nguồn gốc của loài người. Các nhà
địa chất học khảo sát thấy loài người sinh ra trong vòng hai
triệu năm lại đây, và văn hóa mới chỉ xuất hiện cách đây
hai mươi vạn năm. Hai mươi vạn năm trước, người và cầm
thú không khác nhau nhiều lắm, vì vậy các nhà triết học nói
con người tiến hóa từ động vật chứ không hình thành một
cách ngẫu nhiên. Từ hai mươi vạn năm trở lại đây loài
người và muôn vật dần dần tiến hóa để hình thành thế
giới ngày nay.

Thế giới ngày nay là thế giới gì? Là thế giới dân quyền.

Tuy mầm mống dân quyền đã có từ thời Hy Lạp, La Mã cách
đây hai nghìn năm, nhưng nó mới chỉ được xác lập vững
vàng cách đây 150 năm. Trước đó là thời đại quân quyền và
trước thời đại quân quyền là thời đại thần quyền, còn
trước thần quyền là thời đại hổng hoang, thời đại
người đánh nhau với thú. Trong thời đại này loài người
muốn sinh tồn, muông thú cũng muốn sinh tồn. Cách thức để
loài người bảo toàn sự sinh tồn của mình, một mặt là
kiếm ăn, mặt khác là tự vệ. Trong thời đại thái cổ,
người ăn thú, thú cũng ăn người, hai bên không ngừng đấu
tranh với nhau. Khắp nơi đều là rắn độc thú dữ, vây bọc
con người là tai họa. Muốn sinh tồn, loài người phải phấn
đấu. Chiến tranh vào thời ấy là sự xung đột hỗn loạn
khắp nơi giữa người và thú. Không có sự kết hợp thành các
đoàn thể lớn, mà mạnh ai nấy đánh nhau.

<center>* * *</center>


Trung Hoa Dân quốc thành lập đã 13 năm, hoàng đế đã bị lật
đổ, hiện nay không có quân quyền. Nhật Bản hiện nay vẫn là
nước quân quyền, vẫn lễ thần, vì thế người Nhật gọi
hoàng đế Nhật Bản là Thiên hoàng. Trước đây chúng ta cũng
gọi hoàng đế Trung Quốc là Thiên tử. Trong thời đại đó,
tuy quân quyền phát triển đã rất lâu, nó vẫn không thể tách
khỏi thần quyền. Mấy trăm năm trước hoàng đế Nhật Bản
đã bị giới võ sĩ lật đổ, nhưng cách đây 60 năm, Minh Trị
tiến hành duy tân, lật đổ Tukugawa, khôi phục Thiên hoàng.
Hiện nay Nhật Bản vẫn dùng cả quân quyền, thần quyền. Ngày
xưa hoàng đế La Mã cũng là giáo chủ một quốc gia. Sau khi La
Mã tiêu vong, hoàng đế bị lật đổ chính quyền cũng bị
cướp đoạt, nhưng giáo quyền vẫn được giữ lại, nhân dân
các nước vẫn tôn phong giáo chủ, giống như thời Xuân Thu ở
Trung Quốc các nước vẫn tôn thờ nhà Chu. Từ đó ta thấy, sau
thời người đấu tranh với thú thì có thiên tai, người phải
đấu tranh với trời, do đó phát sinh thần quyền. Từ khi có
lịch sử đến nay, sau khi trải qua thời đại thần quyền thì
phát sinh quân quyền. Giới quân sự có thế lực và các nhà
chính trị đã giành quyền lực của giáo hoàng rồi tự phong
là giáo chủ, hoặc tự xưng là hoàng đế. Thế là chuyển từ
thời đại người đấu tranh với trời sang thời đại người
đấu tranh với người. Đến thời người đấu tranh với
người, người ta cảm thấy chỉ dựa vào tín ngưỡng tôn giáo
thì không thể duy trì xã hội loài người, không thể cạnh
tranh với người khác. Cần phải có đường lối chính trị
sáng suốt và lực lượng quân sự hùng mạnh mới có thể
cạnh tranh với người khác. Thế giới từ khi có lịch sử
tới nay là thế giới trong đó người luôn phải đấu tranh
với người. Ngày xưa, khi đấu tranh với nhau, con người dùng
cả thần quyền, cả quân quyền. Sau đó thần quyền giảm
dần, và sau khi đế chế La Mã tan rã thì nó yếu dần đi. Trong
khi đó quân quyền dần mạnh lên và đến đời vua Louis XIV
của Pháp thì nó đạt tới điểm cực thịnh. Ông ta nói:
"Hoàng đế và quốc gia không có gì phân biệt, ta là hoàng
đế, do đó ta chính là quốc gia". Ông ta thâu tóm mọi quyền
hành trong nước, chuyên chế đến cực điểm, giống như Tần
Thủy Hoàng ở Trung Quốc vậy. Nền chuyên chế quân chủ ngày
càng trở nên ghê gớm đến mức nhân dân không thể chịu
đựng nó

Đến thời đại này, khoa học ngày một phát triển, tri thức
chung của loài người ngày một nâng cao, nhân dân đã có một
giác ngộ mới, họ biết rằng các nhà quân chủ luôn lạm
dụng quyền lực lớn, biến quốc gia và nhân dân thành tài
sản riêng của mình, cung cấp khoái lạc cho cá nhân ông ta,
nhân dân cực khổ ông ta không cần biết. Khi nhân dân không
thể chịu đựng nổi, họ ngày càng hiểu rõ, ách chuyên chế
quân chủ là vô đạo, cần chống lại nó, và chống lại nó
tức là làm cách mạng.

Vỉ thế hơn một trăm năm nay, trào lưu tư tưởng cách mạng
rất phát triển, dẫn đến cách mạng dân quyền. Trong cách
mạng dân quyền, ai đấu tranh với ai? Nhân dân đấu tranh với
vua chúa. Vì thế, phân tích thời đại, có thể giúp chúng ta
tìm nguồn gốc của dân quyền. Xin khái quát lại một lần
nữa: Thời kỳ thứ nhất, người đấu tranh với thú, không
dùng quyền mà dùng sức cơ bắp; thời kỳ thứ hai, người
đấu tranh với trời, dùng thần quyền; thời kỳ thứ ba,
người đấu tranh với người, nước này đấu tranh với nước
kia, dân tộc này đấu tranh với dân tộc kia, dùng quân quyền;
thời kỳ thứ tư, tức là hiện nay, đấu tranh trong nước,
nhân dân đấu tranh với nhà vua. Có thể nói, đây là thời
đại người thiện đấu tranh với kẻ ác, công lý đấu tranh
với cường quyền. Ở thời đại này, dân quyền dần dần
phát triển, vì thế có thể gọi đây là Thời đại Dân
quyền. Thời đại này rất mới. Chúng ta bước vào thời đại
rất mới này, so với thời đại quân quyền, là tốt hay không
tốt? Xưa kia, khi tri thức của loài người chưa mở mang, phải
dựa vào vua sáng, tướng tài dẫn đường. Ở thời đó quân
quyền rất hữu dụng. Trước khi chế độ quân quyền ra đời,
thần nhân dùng thần đạo, lập ra tôn giáo để duy trì xã
hội. Ở thời đó thần quyền cũng rất hữu dụng. Hiện nay
thần quyền, quân quyền đều đã là vết cũ của quá khứ
Thời đại Dân quyền đã tới. Xét về mặt logic, tại sao
muốn chống quân quyền lại nhất định phải dùng dân quyền?
Vì gần đây nền văn minh rất tiến bộ, tri thức của loài
người rất phát triển, nhân dân đã có sự giác ngộ lớn về
bản thân mình. Ví như khi còn là trẻ nhỏ, chúng ta cần cha
mẹ bế ẵm, nhưng khi đã lớn, đã đi kiếm sống thì không
thể tiếp tục dựa vào cha mẹ mà phải độc lập. Nhưng hiện
nay vẫn còn rất nhiều học giả ủng hộ quân quyền, bài xích
dân quyền. Ở Nhật Bản, Âu - Mỹ đều có loại học giả
này. Những học giả cũ ở Trung Quốc cũng cùng một dạng.
Tầng lớp quan lại cũ hiện nay vẫn chủ trương phục hồi
ngôi vua, khôi phục đế chế. Hiện nay học giả trong nước,
người thì chủ trương quân quyền, người thi chủ trương dân
quyền, làm cho chưa định được chính thể. Chủ trương nền
chính trị dân quyền, chúng ta phải khảo sát tình hình dân
quyền ở các nước trên thế giới đặng thực hiện tốt chủ
trương đó.

Khoảng thời gian hai mươi vạn năm tới một vạn mấy nghìn
năm về trước, loài người dùng thần quyền. Thần quyền rất
thích hợp với trào lưu của thời đại đó. Hiện nay ở Tây
Tạng, nếu đột nhiên thiết lập chế độ quân quyền, nhân
dân nhất định phản đối, vì họ sùng tín giáo chủ, tôn
thờ Phật sống, tin vào uy quyền của Phật sống, phục tùng
mệnh lệnh của Phật sống. Mấy nghìn năm trước, châu Âu
cũng như vậy. Văn hóa Trung Quốc phát triển sớm hơn châu Âu,
quân quyền nhiều hơn thần quyền. Thời đại quân quyền xuất
hiện từ rất sớm ở Trung Quốc. Nhưng từ "dân quyền" mới
truyền tới Trung Quốc từ thời cận đại. Hôm nay các vị
tới đây để ủng hộ chủ trương cách mạng của tôi, đương
nhiên là ủng hộ dân quyền. Tầng lớp quan lại cũ muốn khôi
phục ngôi vua, muốn làm vua, đương nhiên phản đối dân
quyền, ủng hộ quân quyền.

Vậy quân quyền hay dân quyền thích hợp với Trung Quốc ngày
nay? Vấn đề này rất đáng để nghiên cứu. Xét về cơ bản,
quân quyền hay dân quyền đều dùng để quản lý chính trị,
để làm việc vì dân chúng, nhưng về mặt chính trị, tình
hình các thời đại không giống nhau, do đó phương pháp dùng
để quản lý cũng không giống nhau. Vậy hiện nay Trung Quốc
dùng dân quyền thích hợp hay không thích hợp? Có người nói
trình độ dân trí Trung Quốc quá thấp, không thích hợp với
dân quyền. Hoa Kỳ vốn là nước dân quyền, nhưng khi Viên Thế
Khải đòi làm hoàng đế có một vị giáo sư đại học, tên
là Goodnow, từ Hoa Kỳ đến Trung Quốc, cho rằng Trung Quốc nên
áp dụng chế độ quân quyền. Ông ta nói, tư tưởng của nhân
dân Trung Quốc chưa phát triển, văn hóa không bằng Âu - Mỹ,
vì vậy không nên dùng dân quyền. Viên Thế Khải lợi dụng
câu nói này, lật đổ Dân quốc, tự xưng là hoàng đế.

Hiện nay chúng ta chủ trương dân quyền nên phải hiểu thật
rõ về nó. Từ khi có lịch sử, Trung Quốc chưa hề thực hiện
chế độ dân quyền. Ngay trong 13 năm Dân quốc vừa qua cũng
chưa thực hiện dân quyền. Lịch sử nước ta đã trải qua hơn
4.000 năm, trong đó có thời thịnh trị, có thời loạn ly, nhưng
đều áp dụng chế độ quân quyền. Vậy đối với Trung Quốc,
quân quyền có lợi hay có hại? Có thể nói ở Trung Quốc, quân
quyền vừa có lợi vừa có hại. Nhưng xét theo sự thông minh
tài trí của người Trung Quốc thì so ra dùng dân quyền vẫn
thích hợp hơn nhiều. Không Tử nói "Khi cái đạo lớn được
thực hiện thì thiên hạ là của chung". Tức là ông chủ
trương một thế giới đại đồng theo chế độ dân quyền. Và
Không Tử "Hễ nói là ca tụng Nghiêu và Thuấn", bởi vì Nghiêu
và Thuấn không coi thiên hạ là nhà mình. Chính trị Nghiêu và
Thuấn tuy về danh nghĩa là dùng quân quyền nhưng thực tế là
thực hành dân quyền, vì thế Khổng Tử luôn ngưỡng mộ
Nghiêu và Thuấn. Mạnh Tử nói: "Dân là quý nhất, sau đó là
xã tắc. Còn Vua thì thường". Lại nói: "Trời nhìn như dân ta
nhìn, trời nghe dân như dân ta nghe", và "Tôi nghe nói đến việc
hỏi tội tên bạo chúa Trụ, chứ chưa hề nghe nói đến việc
giết vua". Thời đó Mạnh Tử đã biết các đấng quân vương
không nhất thiết là cần, và sẽ không thể trường cửu, vì
thế ai đem lại hạnh phúc cho dân thì được ông gọi là "vua
sáng", kẻ nào bạo ngược, vô đạo thì bị gọi là "bạo
chúa", và mọi người cần chống lại. Từ đó ta thấy cách
đây hơn 2.000 năm nhân dân Trung Quốc đã nghĩ tới tư tưởng
dân quyền, nhưng không thực hiện được nó. Dân quyền chỉ
là cái mà người nước ngoài gọi là một "utopia", một lý
tưởng không thể thực hiện ngay được. Còn về ấn tượng
của người nước ngoài đối với người Trung Quốc, thì họ
coi người Trung Quốc như là giống người dã man ở châu Phi hay
ở quần đảo Nam Dương, vì thế khi người Trung Quốc nói với
người nước ngoài về dân quyền, họ rất không tán thành.
Họ cho rằng làm sao người Trung Quốc có thể cùng nói chuyện
dân quyền với người Âu - Mỹ được? Các học giả nước
ngoài có quan điểm sai lầm như vậy là do họ không khảo sát
lịch sử và tình hình Trung Quốc, họ không biết Trung Quốc
thực sự có phù hợp với dân quyền hay không. Cũng giống như
người nước ngoài, lưu học sinh Trung Quốc cũng có người nói
Trung Quốc không phù hợp với chế độ dân quyền. Quan điểm
này thực là sai lầm. Theo tôi, Trung Quốc tiến hóa còn sớm
hơn Âu - Mỹ, cách đây mấy nghìn năm Trung Quốc đã bàn về
dân quyền, nhưng thời đó mới chỉ bàn mà chưa thực hiện
trong thực tế. Hiện nay các nước Âu - Mỹ đã thành lập dân
quốc, đã thực hiện dân quyền 150 năm nay. Người Trung Quốc
từ xưa cũng có tư tưởng này. Vì thế muốn quốc gia thịnh
trị và ổn định lâu dài, muốn nhân dân an lạc, thuận với
trào lưu thế giới, chúng ta không thể không thực hiện dân
quyền. Nhưng tính đến nay dân quyền xuất hiện chưa thật
lâu, nhiều nước trên thế giới đang áp dụng chế độ quân
quyền. Các nước thực hiện dân quyền cũng gặp nhiều khó
khăn, thất bại.

Ở Trung Quốc, hơn hai nghìn năm trước người ta đã bàn về
dân quyền, còn ở các nước Âu - Mỹ chỉ mới thực hiện dân
quyền từ 150 năm nay, thế mà hiện nay dân quyền bỗng lan
truyền rộng rãi. Dân quyền xuất hiện lần đầu tiên trong
thời cận đại ở nước Anh. Cách mạng dân quyền xảy ra ở
Anh vào khoảng tương đương với triều Minh - đầu triều Thanh
ở Trung Quốc. Lãnh tụ đảng cách mạng thời đó là Cromwell
đã giết chết hoàng đế Anh là Charles I. Sự kiện này đã làm
kinh động Âu - Mỹ, nhiều người cho rằng đây là việc chưa
hề xảy ra trong lịch sử, phải xem là hành động phản
nghịch. Ngầm giết vua là việc thường xảy ra ở các nước,
nhưng Cromwell không ám sát Charles I mà đưa ông ta ra xử công
khai ở tòa án, tuyên bố tội trạng của ông ta là không trung
thành với đất nước và nhân dân, rồi xử tử hình. Đương
thời châu Âu cho rằng nhân dân Anh tán thành dân quyền nên dân
quyền có thể phát triển, chẳng ai ngờ nhân dân Anh vẫn hoan
nghênh quân quyền mà không hoan nghênh dân quyền. Charles I tuy
đã chết, nhân dân vẫn luyến tiếc nhà vua. Chưa đầy 10 năm
sau ở Anh đã phục hồi chế độ quân chủ, đón Charles II về
nước làm hoàng đế. Việc này xẩy ra khi Mãn Thanh qua cửa
ải, triều Minh vẫn chưa tiêu vong, chỉ cách hiện nay trên 200
năm. Vậy là cách đây trên 200 năm, nước Anh đã một lần
xuất hiện nền chính trị dân quyền, nhưng chẳng bao nó lại
bị tiêu diệt. Điều đó chứng tỏ quân quyền vẫn rất
thịnh. Sau đấy 100 năm, nước Mỹ làm cách mạng, giành độc
lập, tách khỏi nước Anh, thành lập chính phủ Liên bang Hoa
Kỳ. Từ bấy đến nay đã được 150 năm. Đây là nước đầu
tiên trên thế giới thực hiện dân quyền. Nước Mỹ thiết
lập nền Cộng hòa chưa đầy 10 năm thì xẩy ra Cách mạng
Pháp. Tình hình cách mạng Pháp lúc bấy giờ là: vua Louis XIV
thâu tóm chính quyền, thực hành chuyên chế, nhân dân rất
thống khổ. Con cháu y nối ngôi càng bạo ngược vô đạo, nhân
dân chịu không nổi, do đó tiến hành cách mạng, giết chết
Louis XVI. Nhân dân Pháp giết Louis XVI cũng giống như nhân dân
Anh giết Charles I: đưa y ra xử công khai ở tòa án, tuyên bố y
có tội không trung thành với đất nước và nhân dân. Sau khi
hoàng đế Pháp bị giết, các nước châu Âu báo thù cho y, gây
ra chiến tranh suốt hơn 10 năm. Cách mạng Pháp lần này thất
bại, đế chế lại phục hồi. Nhưng tư tưởng dân quyền của
nhân dân Pháp từ đó càng phát triển.

Nói đến lịch sử dân quyền, mọi người đều biết nước
Pháp có một vị học giả tên là Rousseau. Rousseau là người
chủ trương dân quyền cực đoan ở châu Âu, và tư tưởng dân
quyền của ông đã đẻ ra Cách mạng Pháp. Tác phẩm quan trọng
nhất cả đời Rousseau về tư tưởng dân quyền là cuốn Khế
ước xã hội. Căn cứ lập luận trong tác phẩm Khế ước xã
hội là: từ khi sinh ra người ta đã có quyền Tự do và Bình
đẳng, đó là quyền trời phú cho con người nhưng sau đó
người ta đã để mất nó. Như vậy, theo cách lập luận của
ông thì có thể nói dân quyền là do trời sinh ra. Nhưng xét theo
logic tiến hóa lịch sử thì dân quyền không do trời sinh ra mà
do thời thế và trào lưu tạo thành. Xem xét lịch sử tiến
hóa, ta không thấy có trên thực tế thứ dân quyền mà Rousseau
nói. Luận thuyết của Rousseau, vì vậy, không có căn cứ.
Những người phản đối dân quyền lấy những lời nói không
có căn cứ của Rousseau làm tài liệu cho lập luận của họ.
Nhưng khi chủ trương dân quyền, chúng ta không cần thảo luận
trước về nó, bởi vì logic trong vũ trụ là: phải có thực
tế trước, sau đó người ta mới bàn về nó, chứ không phải
là bàn luận trước rồi sau đó mới xẩy ra sự việc…

Lý luận mà Rousseau trình bày trong Khế ước xã hội, rằng dân
quyền là do trời cho, đã xung đột với nguyên lý tiến hóa
lịch sử. Vì thế những người phản đối dân quyền liền
dùng câu nói đó của Rousseau làm căn cứ phê phán. Rousseau nói
dân quyền là trời cho, điều đó vốn không hợp lý, nhưng
những người phản đối ông dùng câu nói không có căn cứ
của ông để phản đối dân quyền, việc đó cũng không hợp
lý. Muốn nghiên cứu chân lý trong vũ trụ, trước hết chúng ta
phải dựa vào thực tế chứ không thể chỉ dựa vào luận
thuyết của các học giả.

Luận thuyết của Rousseau không có căn cứ, tại sao lúc bấy
giờ các nước vẫn hoan nghênh? Và tại sao Rousseau lại có thể
đưa ra luận thuyết đó? Bởi vì khi đó Rousseau nhìn thấy trào
lưu dân quyền đã tràn đến, nên ông chủ trương dân quyền.
Chủ trương dân quyền của Rousseau hợp với tâm lý nhân dân
lúc bấy giờ nên nhân dân chào đón nó. Luận thuyết của
Rousseau tuy xung đột với logic tiến hóa lịch sử, nhưng tình
hình chính trị đương thời đã có những thực tế của chế
độ dân quyền, do đó tuy lập luận của ông là sai lầm, nó
vẫn được mọi người hoan nghênh. Còn ý tưởng ban đầu về
dân quyền do Rousseau đề xướng, thì đó là đóng góp to lớn
chưa hề có trong lịch sử cho học thuyết chính trị trên thế
giới, từ khi có lịch sử, do trào lưu và hoàn cảnh mỗi thời
đại mỗi khác nên quyền lực chính trị không thể không khác
nhau. Thí dụ ở thời đại thần quyền, không thể không dùng
thần quyền; ở thời đại quân quyền, không thể không dùng
quân quyền. Ở Trung Quốc, đến thời Tần Thủy Hoàng có thể
nói quân quyền đã phát triển đến cực điểm, nhưng các thể
chế quân chủ sau đó vẫn học ông ta, dù quân quyền lớn
đến thế nào, nhân dân vẫn rất hoan nghênh. Hiện nay trào lưu
thế giới đã đến thời đại dân quyền, chúng ta cần nhanh
chóng nghiên cứu về nó…

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/tin-tuc/20121028/ton-trung-son-chu-nghia-dan-quyen-1924-phan-1),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét