Không ngoài dự đoán, hôm qua Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ
Huy Hoàng đã bị đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) truy
vấn gắt gao về việc cố tình kéo dài sự độc quyền của
hai "ông lớn" ngành năng lượng là EVN và Petrolimex.
Đáng chú ý, đáp lại các lập luận sắc sảo của đại biểu
Hùng, Bộ trưởng Hoàng lại sử dụng những cụm từ… trừu
tượng để trả lời. Chẳng hạn về sự độc quyền của EVN,
ông bộ trưởng cho rằng "thị trường điện với Việt Nam
là hết sức mới mẻ khi chuyển từ cơ chế tập trung trước
đây sang cơ chế thị trường"… Hoặc với sự độc quyền
của Petrolimex, Bộ trưởng Hoàng lại giải thích "do có lịch
sử của vấn đề… nên thị phần của doanh nghiệp (Petrolimex)
trên thực tế vẫn đang xoay quanh 60%"!
Cố gắng lớn nhất của bộ trưởng Công Thương là sẽ chấm
dứt độc quyền của EVN sau… 10 năm nữa (vào 2022); còn với
xăng dầu, ông chỉ nhận "trách nhiệm" rất chung chung! Lý
do, theo bộ trưởng, điện và xăng dầu là "những lĩnh vực
hết sức quan trọng của đất nước, nó ảnh hưởng đến an
ninh năng lượng quốc gia"!
Theo dõi cuộc đối đáp này, cử tri rất thán phục cách lập
luận của đại biểu Hùng khi nhận xét rằng: "Tôi thấy Bộ
chưa tích cực", bởi các ngành được nêu không ngành nào
không quan trọng. "Nhưng ở nước ta, trước đó đã xóa bỏ
được độc quyền ở ngành bưu chính viễn thông - đây cũng
từng là một ngành nhạy cảm. Đến nay, bưu chính viễn thông
đã phát triển ổn định và đã đem lại nhiều lợi ích cho
nền kinh tế". "Phải chăng là Bộ trưởng còn thiếu trách
nhiệm và tâm huyết với nhân dân?" - ông Hùng chốt.
Nhân ý kiến đại biểu Hùng rất nhiều người nhớ lại bối
cảnh kinh tế hơn 10 năm trước khi VNPT đang "một mình một
chợ" trong lĩnh vực thông tin di động, với đủ triệu chứng
"bệnh" độc quyền (như phải nộp tiền hòa mạng rất cao,
cước tính theo phút, người nghe cũng phải trả tiền…). Sở
dĩ có tình trạng đó vì mảng thông tin di động được xem là
vô cùng hệ trọng (hơn cả các khái niệm "mới mẻ" và
"lịch sử") do nguy cơ uy hiếp an ninh quốc gia, trật tự an
toàn xã hội là có thật.
Chính vì lý do đó Thụy Điển, một nước bạn lớn từng ủng
hộ Việt Nam trong chiến tranh, cũng không được phép bước vào
mảng kinh doanh di dộng (dù Luật Đầu tư nước ngoài đã có
hiệu lực), mà buộc phải ký hợp đồng hợp tác 50-50 với
VNPT để kinh doanh mạng MobiFone. Đến 2004, sau quá trình đấu
tranh mạnh mẽ, mạng Viettel và sau đó hàng loạt các mạng khác
ra đời thì thị trường mới bắt đầu cạnh tranh. Sau gần 10
năm, khách hàng giờ đây thực sự là thượng đế; đồng
thời các khoản nộp ngân sách của các công ty thông tin di
động cũng tăng chóng mặt, nhất là các khoản thuế…
Những câu chuyện ấy cần được kể thật nhiều để những
cụm từ "mới mẻ" và "lịch sử" không thể che chắn cho
tình trạng kinh doanh độc quyền xâm phạm lợi ích Nhà nước,
người tiêu dùng và xã hội!
***********************************
Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/12951), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).
Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét