Mai Xuân Dũng - Cải trang giữa thời bình

Khi con gái ông bạn tôi đưa chiếc áo lính bạc mầu mất 2
chiếc cúc bảo "chú thay áo đi, mặc tạm cái áo này nhé"
tôi hết sức ngạc nhiên.

- Sao phải thay áo hả cháu?

- Chú thay đi, ra ngoài kia mà mặc áo như chú chúng nó biết ngay
bên Hà nội sang đấy.

- Biết thì đã sao, chú có làm gì đâu mà phải cải trang như
thế?

- Không cải trang đố chú ra được ngoài đó.

Ông bạn xúc ấm chè thủng thẳng:

- Chú thay đi, con Hà nói đúng đấy, chúng nó thấy người lạ
chặn lại không ra được mà còn thêm rắc rối. Cẩn thận là
hơn.

Hà lấy chiếc mũ cối bạc phếch của bố nó, trước kia chắc
là mầu xanh Tô châu đội lên đầu tôi và nhắc tôi kéo tay áo
xuống không nên sắn lên như thế.

Thay xong, để kệ tay áo với măng sét loè xòe, đầu chụp cái
mũ cối tôi bật cười khi thấy mình như trở thành kẻ khác:
một nông dân Văn giang hoặc là một tay lái xe công nông đầu
ngang.

Thì ra cô con gái bạn tôi có lý. Trên đường từ nhà ra đến
gần khu vực chính quyền huyện Văn Giang sắp cưỡng chế đất
phải qua 2 "bốt gác". Một bốt là mấy thanh niên vẻ mặt
rất ngầu đúng ngồi lố nhố, quá nữa hơn trăm mét là một
nhóm, nhìn cách ăn mặc và cầm gậy biết ngay dân phòng hoặc
công an cải dạng. Tất cả đều làm nhiệm vụ canh chừng
người lạ đến khu tập kết máy ủi của nhà thầu dự án Eco
Park Văn Giang Hưng yên.

Mấy thôn Cửu cao, Phụng công và Xuân quang thuộc huyện Văn
Giang có diện tích ruộng sắp bị cưỡng chế theo lệnh của
chủ tịch huyện Đặng Thị Bích Thủy.

Trở lại Dự án xây dựng Khu đô thị thương mại du lịch Văn
Giang Ecopark. Trong bài "Vì sao các hộ dân ở Văn Giang khiếu
nại kéo dài?", Báo Người cao tuổi số 38 đã chỉ ra nhiều
sai phạm của dự án. Bài báo nêu bật nội dung Thông báo số
168/TTCP-V4 ngày 26-1-2007 của Thanh tra Chính phủ, chỉ đạo UBND
tỉnh Hưng Yên phải "giải quyết kịp thời kiến nghị chính
đáng của nhân dân, tạo sự đồng thuận của nhân dân trong
quá trình đầu tư xây dựng khu đô thị…". Ngày 12-4-2012,
huyện Văn Giang tổ chức cuộc đối thoại của Thanh tra Chính
phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương, các cơ quan hành chính ở
Hưng Yên với nhân dân Văn Giang. Nhưng bà Chủ tịch UBND huyện
lại nói rõ "chỉ đối thoại với 166 hộ gia đình liên quan
đến việc cưỡng chế 72 ha đất để bàn giao cho chủ đầu
tư", không chấp nhận đối thoại với những hộ không nằm
trong khu vực cưỡng chế vào ngày 20-4-2012 sắp tới. Thực
chất đã rõ, huyện Văn Giang không "đối thoại", chỉ
"cưỡng chế"!

Những dự án kinh doanh như dự án Ecopark thì Nhà nước không
thu hồi đất, mà chỉ làm trọng tài để nhà đầu tư thoả
thuận với dân. Nguyên tắc là khi giải phóng mặt bằng,
người dân khi đến nơi ở mới phải có cuộc sống tốt hơn
nơi ở cũ. Như vậy, quyết định cưỡng chế của UBND huyện
Văn Giang không đúng luật, không hợp lí, không hợp tình, không
vì lợi ích của nhân dân mà chỉ phục vụ "lợi ích nhóm"
nào đấy, trong đó có chủ đầu tư.

Chính vì vậy bà con các xã trên đã kêu cứu khắp nơi tại
các cơ quan trung ương ở Hà nội.

Đi vài nhà thấy ngay cái không khí căng thẳng bao trùm miền
quê này. Từ người già đến phụ nữ đều như đang chuẩn
bị "kháng chiến".

Trong các gia đình, bà con ngồi bàn bạc nhỏ to. Gậy gộc, dao
phay thấy để khắp chỗ. Gần khu ruộng chuẩn bị cưỡng
chế, dân dựng lều bạt canh giữ đất. Nhiều đám củi khô
chất rải rác. Loanh quanh đây đó là các chai nhựa, chai thủy
tinh có chứa chất lỏng mầu xanh, hỏi ra biết đó là xăng.
Xăng để làm gì? Chắc không phải đem ra chơi hoặc đổ dế.

Bên kia đê là sông Hồng với cây cầu Thanh trì dài hơn 3000m
vắt ngang. Bên này là đất vườn trù phú của nông dân nay
sắp bị san ủi đến nơi rồi. Tự nhiên cái không khí đối
đầu giữa nông dân và chính quyền làm tôi bỗng nhớ bài thơ
Bên kia sông đuống:

…Anh đưa em về bên kia sông Ðuống
Ngày xưa cát trắng phẳng lỳ
Sông Ðuống trôi đi
Một giòng lấp lánh
Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ
Xanh xanh bãi mía bờ dâu
Ngô khoai biêng biếc
Ðứng bên này sông luyến tiếc
Sao xót xa như rụng bàn tay…

Nhưng cái nghịch cảnh bây giờ không phải là chuyện giữa
nhân dân và giặc Pháp cùng lũ lính ngụy ác ôn mà là cái
nghịch cảnh trên chiến tuyến hôm nay, hai phía đối đầu nhau
quyết sống mái lại là những mẹ những chị, em ta với chính
quyền.

Sang nhà ông B, thật bất ngờ khi chủ nhà giới thiệu tôi với
cụ bà Lê Hiền Đức, người phụ nữ có tên thật là Phạm
Thị Dung Mỹ từng là một nữ điệp báo của Sở Liêm phóng
Hà Nội. Sau kháng chiến chống Pháp, bà chuyển về Hà Nội làm
giáo viên tại trường Chu Văn An. Bà từng được nhận giải
thưởng Liêm chính của Tổ chức Minh bạch quốc tế vì thành
tích chống tham nhũng.

Ở đây không nói chuyện gì được nhiều vì bà liên tục
gọi, trả lời bằng cái điện thoại di động có giây đeo
trước ngực. Thì ra bà đang nói chuyện với bên văn phòng Thanh
tra chính phủ. Được vài phút lại trả lời cán bộ an ninh
gọi. Chưa kịp uống chén nước chủ nhà đưa mời, chuông
điện thoại réo. Bà nói: Cậu cảnh sát khu vực đấy. A lô,
bà đang có việc nhá…ừ, làm sao ngồi chỗ được, có bao
giờ bà ngồi một chỗ được đâu. Hả, bà ở đâu hả? Mày
biết làm gì, mà có biết cũng thế thôi, có ai giữ được bà
đâu…

Bà Hiền Đức khuyên bà con bình tĩnh: "Cứ từ từ. Thế bây
giờ bà gọi cho Thanh tra chính phủ, thằng Huỳnh Phong Tranh nhá,
bây giờ nên gọi chưa?".

Nhưng xem ra, chính quyền huyện Văn giang rất quyết tâm cưỡng
chế. Nguyên nhân sâu sa của sự quyết tâm này thì có vẻ ai
cũng rõ. Chính quyền được gì khi bao che cho chủ đầu tư và
tuyên chiến với nhân dân?. Tất nhiên không phải là được
chén nước chè như bà Lê Hiền Đức nhận từ tay người nông
dân sắp bị cướp đất đến nơi.

Đêm đi sâu quá lòng sông Đuống
Bộ đội bên sông đã trở về
Con bắt đầu xuất kích
Trại giặc bắt đầu run trong sương
Dao loé giữa chợ
Gậy lùa cuối thôn…

Rời Văn giang trở về Hà nội, hai thanh niên đưa tôi ra
đường cái dù tôi đã biết đường. Tôi hiểu, bà con muốn
bảo vệ tôi khỏi bị nhưng tên bịt mặt đâu đó xông ra hành
hung. Cũng giống như bà Lê Hiền Đức vì chống tham nhũng nên
luôn bị khủng bố, luôn bị đe dọa chẹt xe, ném đá. Một
đất nước đang trải qua những thời khắc đảo điên. Một
đất nước phải cải trang giữa thời bình.

Văn giang Hưng yên, tôi nhìn vào mắt những nông dân ở đây,
tôi thấy trong đó là ngọn lửa đang cháy. Mảnh đất ở một
miền quê yên lành lại sắp dậy sóng.

Đến bao giờ lại được đọc mấy câu thơ của Hữu Loan với
đúng tinh thần trong đó:

Bao giờ về bên kia sông Đuống
Anh lại tìm em
Em mặc yếm thắm
Em thắt lụa hồng
Em đi trảy hội non sông .

<em><strong>Mai Xuân Dũng</strong></em>

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/12398), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét