Nguyễn Huy Canh - Về điều 4 Hiến Pháp 1992

<div class="special_quote"><strong>Phamvietdao.net:</strong> Đây là một
vấn đề lớn đang được nhiều người suy nghĩ; những điều
tác giả Nguyễn Huy Canh viết ra sau đây, bản thân chủ blog
cũng chưa cảm thấy yên tâm; đã trao đi đổi lại nhiều lần
mong tác giả trình bày rõ hơn, cụ thể hơn, nâng cao hơn…
để cho giá trị của góp ý đạt được cái đích mong muốn…

Nguyễn Huy Canh nguyên là cán bộ giảng dạy tại một trường
Đảng địa phương (trung cấp chính trị), hết sức quý trọng
ý kiến của anh, mặc dù chưa thật thỏa mãn trước những
điều mà anh đặt ra và kiến giải, song cũng xin đưa lên mạng
để mong được rộng đường dư luận và mong nhận được các
ý kiến thảo luận khác…</div>

<strong>Kính gửi:</strong>
- Các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước
- Các chính trị gia
- Cùng tất cả những ai quan tâm tới hiện tình đất nước…

<em><strong>Theo tôi Điều 4 Hiến pháp cần chỉnh sửa để hiến
định khâu nhân sự của Đại hội Đảng, đây là một bước
chuẩn bị nhằm hiện thực hoá quyền lực của Đảng thông qua
bầu cử của nhân dân. Đại hội Đảng lựa chọn ra những
đại biểu ưu tú, những ứng cử viên sáng giá giới thiệu cho
nhân dân lựa chọn (lần 2); nhân dân sẽ bầu cử Nguyên thủ
quốc gia theo chế độ phổ thông đầu phiếu (có chương trình
tranh cử) do Đảng giới thiệu và bầu cử QH. Phải thông qua
lá phiếu của nhân dân thì quyền quản lý nhà nước của
Đảng mới là quyền hiến định...</strong></em>

<em><strong>Nguyên thủ quốc gia - người đứng đầu cơ quan hành
pháp (Chủ tịch hoặc Tổng thống) có quyền lựa chọn, chỉ
định Thủ tướng. Thủ tướng không nhất thiết phải là một
đảng viên của Đảng. Nguyên thủ quốc gia và CP hoạt động
theo nguyên tắc chế độ trách nhiệm cá nhân và theo những qui
định của HP, pháp luật.</strong></em>

Quốc Hội khóa XIII có rất nhiều việc hệ trọng phải làm,
trong đó có việc sửa đổi HIẾN PHÁP 1992.

Sửa đổi HP1992 có rất nhiều điều phải quan tâm đặt ra cho
các chính trị gia, các nhà luật học. Tôi cho rằng, HP với
tính cách là TUYÊN NGÔN chính trị của một QUỐC GIA, một DÂN
TỘC chỉ có thể có một sự chỉnh sửa hoàn chỉnh đáp ứng
được những đòi hỏi của thực tiễn khi chúng ta có một quan
niệm, một tư tưởng chính trị dẫn đường có tính hệ
thống phản ánh được lợi ích dân tộc, và phù hợp với
logic vận động của HIỆN THỰC TUYỆT ĐỐI. Không đạt tới
cái logic ấy, tôi e rằng chúng ta sẽ lại chỉ có một sản
phẩm chắp vá đầy tính kinh nghiệm vụn vặt, hoặc dập khuôn
ở đâu đó…

Điều 4 HP và việc có nên chỉnh sửa nó hay không chính là tư
tưởng chính trị có tính dẫn đường như thế.

Tôi được biết có rất nhiều chính trị gia (có chính kiến
khác nhau) đều mong muốn và đưa ra yêu cầu về việc luật
hóa nó (ít ra cũng phải bằng một đạo luật như ý kiến của
cựu đại biểu NGUYỄN MINH THUYẾT)

Bỏ hay luật hóa nó không thể được viết ra như một nhu cầu
cảm tính (hay bức xúc) trước những hạn chế và hệ lụy mà
nó gây ra mà phải bắt đầu, theo tôi, từ cách mà chúng ta
kiến thiết mô hình chính trị đã có từ hơn 50 năm nay đã
lỗi thời sau bao biến chuyển của thực tiễn nước nhà có
tính cách bản thể học từ trong sự vận động của HIỆN
THỰC KHÁCH QUAN…

Trước hết phải nhận thấy việc đổi mới hệ thống chính
trị dĩ nhiên đã trở thành yêu cầu bức thiết của xã hội,
và cũng là nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng Đảng
nhằm củng cố, tăng cường và nâng cao sức chiến đấu và
lãnh đạo của Đảng.

Tôi xin bắt đầu từ cấu trúc quyền lực của Đảng. Xét theo
chiều từ cao xuống, về mặt lý thuyết chúng ta có Đại hội
Đảng toàn quốc là cơ quan quyền lực cao nhất, đến Ban chấp
hành Trung ương, Bộ Chính trị và cuối cùng là Tổng Bí thư.

Cấu trúc quyền lực này cũng đồng thời trên thực tế là
quyền lực chính trị cao nhất của đất nước, của xã hội.
Vì điều thực tế này đã làm cho cấu trúc trên ngày càng
bộc lộ nhiều bất cập. Sự hạn chế của nó có thể được
xem như đã đến mức trở thành vật cản trên con đường
phát triển của chính bản thân Đảng và của dân tộc. Đó
là:

1. Cấu trúc trên được sinh ra phù hợp với thời kỳ đất
nước có chiến tranh, và đặc biệt sức mạnh của nó càng
được củng cố trong giai đoạn có sự tồn tại của cơ chế
quản lý hành chính, quan liêu, bao cấp.

Sau hơn 50 năm đất nước đã có nhiều thay đổi
lớn, cấu trúc đó đã trở thành giáo điều trước xu thế
dân chủ hoá đời sống xã hội trên các lĩnh vực kinh tế -
văn hoá - chính trị ngày càng mạnh mẽ. Người dân, xã hội
đã nhận thấy rằng cấu trúc quyền lực cao nhất của xã
hội thì người dân nhất định phải được tham gia sinh hoạt
chính trị, tham gia vào quá trình kiến tạo, hình thành cấu
trúc quyền lực trên đây bằng lá phiếu của mình (đây là
cốt lõi của chế độ dân chủ chính trị). Sự phát triển
của nhu cầu trên càng bộc lộ sâu sắc sự bất cập giữa lý
thuyết về quyền lực (khép kín) của Đảng và những quy
định của Hiến pháp về dân chủ.

2. Trong thực tiễn cấu trúc quyền lực trên lại diễn ra theo
chiều ngược lại. Điều đó đã phản ánh lý thuyết không
chỉ ra được bản chất công cụ của quyền lực. Vì vậy sự
tồn tại bên cạnh và tách rời của cấu trúc trên trong quan
hệ với quyền lực nhà nước đã làm cho quyền lực nhà
nước trong rất nhiều trường hợp, cũng như xét theo bản
chất, trở thành quyền lực trừu tượng, thành hư quyền.
Nhiều người đã gọi quyền lực Nhà nước là hình thức, là
tượng trưng, (phụ thuộc) bởi sự áp đặt và lấn sân của
cấu trúc trên.

Sự áp đặt chủ trương, đường lối, ý chí quyền
lực của Đảng lên nhà nước là điều diễn ra đương nhiên.
Hệ lụy của tình thế đó nhiều khi đã biến Đảng ta (ở
nhiều cấp) thành những ông vua của thời hiện đại (theo cách
diễn đạt của nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An).

Ông Nguyễn Văn An cũng như nhiều người khác đã cố gắng tìm
ra lời giải cho bài toán chính trị trên đây bằng việc quy
về yêu cầu luật hoá điều 4 Hiến pháp. Với ý muốn vạch ra
giới hạn cho Đảng, chỉ ra đâu là công việc của Đảng,
đâu là của nhà nước; rằng Đảng được quyết cái gì,
không được quyết cái gì ...

Tư duy chính trị triệt để chỉ ra rằng không thể luật hoá
Điều 4 (dù chỉ bằng một đạo luật) với ý muốn, với nội
dung đó được. Bởi vì tôi ý thức một cách sâu sắc rằng
một chính đảng muốn trở thành quyền lực chính trị của xã
hội thì chính đảng ấy phải nắm giữ, phải chi phối được
quyền lực nhà nước (suy nghĩ về một quyền lực chính trị
bên cạnh quyền lực nhà nước là một sự mơ hồ và không
tưởng của tư duy chính trị).

Vì vậy yêu cầu luật hoá Điều 4, trên lí thuyết cũng như
thực tế là nhằm tước bỏ (hoặc ít ra là hạn chế) quyền
lãnh đạo của Đảng, là biến Đảng ta thành một quyền lực
trừu tượng, thành hư quyền. Điều này cũng đau khổ chẳng
kém gì nỗi đau của nhà nước mà ta đã và đang trải qua.
Vậy con đường nào để nhân dân tham gia vào quá trình kiến
tạo quyền lực cao nhất trong Đảng bằng lá phiếu? Con
đường đổi mới nào để vừa giữ được vai trò lãnh đạo
của Đảng đối với nhà nước, nhưng không rơi vào chế độ
quân chủ chuyên chế tập thể, nghĩa là vẫn bảo đảm được
quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân như những chính thể
cộng hòa của xã hội hiện đại, tiên tiến hiện thời?

Không thể đổi mới theo cách cải tiến, thử nghiệm của tư
duy kinh nghiệm vẫn làm. Đây là vấn đề thuộc về Hệ thống
và do đó việc đổi mới nó phải được xây dựng trên tư duy
logic chính trị.

Trên chiều hướng đó, tôi cho rằng để giữ vững sự lãnh
đạo của mình, đã đến lúc Đảng ta phải dũng cảm vượt
lên chính mình, dũng cảm phá bỏ mô hình quyền lực đã cũ
(theo cách kiến tạo, tổ chức BCHTW, BCT, BBT…), mạnh dạn hoá
thân cấu trúc quyền lực ấy của mình vào bộ máy nhà nước.
(Tôi mong muốn các nhà lãnh đạo của chúng ta cần sáng suốt
hiểu ra rằng nhà nước phải là, chính là hình thức tồn tại
duy nhất của quyền lực Đảng)

Điều đó có nghĩa rằng công tác nhân sự của các lần Đại
hội không phải là ở chỗ bầu ra BCHTW cũng như sắp xếp (dự
định) các chức danh chủ yếu của bộ máy nhà nước.

Nhân sự của Đại hội là một bước chuẩn bị nhằm hiện
thực hoá quyền lực của Đảng thông qua bầu cử của nhân
dân. Đại hội lựa chọn ra những đại biểu ưu tú, những
ứng cử viên sáng giá giới thiệu cho nhân dân lựa chọn (lần
2) qua bầu cử Nguyên thủ quốc gia theo chế độ phổ thông
đầu phiếu (có chương trình tranh cử) và bầu cử QH.

Trong Quốc hội hình thành tổ chức Đảng Đoàn QH
(giống như Bộ Chính trị) đó là cơ quan chỉ đạo, lãnh đạo
mọi hoạt động của Quốc hội.

Nguyên thủ quốc gia- người đứng đầu cơ quan hành pháp (Chủ
tịch hoặc Tổng thống) có quyền lựa chọn, chỉ định Thủ
tướng. Thủ tướng không nhất thiết phải là một đảng viên
của Đảng. Nguyên thủ quốc gia và CP hoạt động theo nguyên
tắc chế độ trách nhiệm cá nhân và theo những qui định của
HP, pháp luật.

Tính thống nhất của quyền lực chính trị trước
đây được tổ chức trong cấu trúc quyền lực của Đảng và
ánh xạ vào nhà nước trong hình thức tam quyền phân công đã
dẫn đến một mô hình quyền lực tập quyền chuyên chế (như
đã phân tích ở trên). Tôi cho rằng, hạn chế của điều 4
HP1992 chính là ở chỗ này: Đảng chỉ là một tổ chức chính
trị xã hội chứ không phải là một lực lượng lãnh đạo
(toàn xã hội). Chỉ trở thành lực lượng lãnh đạo khi đảng
chuyển hóa thành ĐẢNG CẦM QUYỀN, và với tư cách này, ĐCS
trở thành lực lượng lãnh đạo nhà nước theo từng nhiệm kì
(khoảng giao giữa 2 nhiệm kì, quyền lực chính trị này không
còn hoàn toàn thuộc về Đảng như trước khoảng giao thời- có
thể chỉ là thời gian ngắn). Chỉ có thể khắc phục được
tính độc quyền (hay chuyên quyền) của quyền lực chính trị,
làm cho quyền lực thuộc về nhân dân một cách thực chất;
chúng ta sẽ tìm thấy lời giải, kinh nghiệm trong lịch sử nhà
nước pháp quyền hiện đại bằng cách xây dựng quyền lực
TƯ PHÁP là một cơ chế độc lập với QH và CP. Tư pháp là
một cấu trúc quyền lực phi đảng hóa, và có tính chuyên
nghiệp (phi nhiệm kì). Chính nó duy trì tính liên tục của
quyền lực chính trị của nhân dân, và cũng là quyền lực
đối trọng trong mối tương quan với QH và CP
Như vậy, có thể đi đến kết luận: không thể luật hóa
điều 4HP được. Mà chỉ có thể chỉnh sửa nó cho phù hợp
với logic của lí thuyết quyền lực và thực tiễn chính trị
nước nhà . Và dĩ nhiên cũng rất cần có một bộ luật về
chính đảng. (nhưng đừng nên nhầm lẫn điều này với việc
luật hoá như đã nói ở trên)

Dự án chính trị trên đây cho thấy quyền lãnh đạo của
Đảng được thể hiện và thực hiện trực tiếp (nghĩa là
không phải thông qua một công đoạn nào) bởi Quốc hội,
Nguyên thủ quốc gia và ở Hiến pháp và pháp luật.

Dự án này cũng cho thấy quyền lực của Đảng đồng thời
cũng là quyền lực nhà nước( hiện hình ở 2 cơ quan) và
được nhân dân trực tiếp tham gia lựa chọn trong quá trình
sinh thành của nó; Cơ cấu tổ chức bộ máy lãnh nhà nước
kiểu này nó luôn được kiềm chế, giám sát bởi quyền lực
đối trọng là cơ quan TƯ PHÁP (chưa kể đến quyền lực thứ
tư là xã hội dân sự sẽ được hình thành từ những đổi
mới này)

Nếu con đường đổi mới này được thực hiện sẽ tạo ra
cơ sở hiện thực cho việc vận dụng giá trị quyền lực
phổ biến của nhà nước hiện đại vào thể chế chính trị
nước ta. Đó là điều mong muốn của người viết bài này về
một mô hình chính trị cho đất nước: Đảng lãnh đạo - Nhà
nước tam quyền - Xã hội dân sự và một nền kinh tế thị
trường có sự quản lý của nhà nước…

Tôi hy vọng sâu sắc rằng từ suy ngẫm, phân tích về điều 4
HP, chúng ta sẽ xây dựng được (ít ra trong tư tưởng) về
mẫu hình một xã hội dân chủ hiện đại, và dự án chính
trị trên đây mong muốn góp phần thúc đẩy sự tiến lên của
Đảng và dân tộc ta, và nó cũng là sự gợi mở cho việc sửa
đổi HP1992 cũng như điều 4 của HP này nói riêng…

Nguyễn Huy Canh
Đảng viên

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/9678), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét