width="300" height="250" alt="KhoaiVinhLong.jpg" /></center>
Nông dân – lực lượng chính chiếm 75% dân số ở Việt Nam,
hiện nay đang rơi vào cảnh "bơ vơ như gà con mất mẹ."
Từ Bắc chí Nam, nông dân nghèo đều bị chèn ép, đẩy vào
cảnh đói khổ đến tột cùng. Ác thay, tác nhân gây ra thảm
cảnh ấy chính là những kẻ luôn xưng xưng vỗ ngực cho mình
là đại diện của nhân dân hay "thành phần kinh tế chủ
đạo" nhằm giữ ổn định nền kinh tế XHCN, chống bọn kinh
tế tư bản.
"<em>Theo thống kê của Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông
Thôn, việc thu hồi đất nông nghiệp trong 5 năm (2003-2008) đã
tác động đến đời sống của trên 627,000 hộ gia đình với
khoảng 950,000 lao động và 2.5 triệu người.</em>" Riêng
"<em>đồng bằng sông Hồng là vùng có diện tích đất bị thu
hồi lớn nhất trong những năm qua</em>" chiếm 4.4% tổng diện
tích đất nông nghiệp của khu vực. Ðiều đó lý giải việc
nông dân tập trung ở Hà Nội khiếu kiện về đất đai bị thu
hồi kéo dài năm này sang năm khác.
Có lẽ do bị kêu ca quá nên con số đất nông nghiệp bị thu
hồi ở miền Bắc hiện nay trở thành "bí mật quốc gia"?
Tác giả Ðơn Thương (báo Ðại Ðoàn Kết) viết: "<em>Tôi
cảm thấy thực sự… thất vọng khi tìm qua các 'cơ quan
đầu não' phụ trách ngành nông nghiệp của một số tỉnh
được coi là vựa lúa của đồng bằng sông Hồng. Ý định
tôi đưa ra là muốn tìm lấy một con số cụ thể về số
ruộng bị mất, số ruộng dư thừa và số ruộng đang nằm
trong chế độ 'nghỉ ngơi' của người dân thì ít có
người nắm được. Họ bảo tôi, muốn có con số này thì cứ
phải 'chạy' sang Chi Cục Thống Kê, Phòng Tài Nguyên-Môi
Trường rồi thậm chí cả chi cục nọ, chi cục kia. Tôi cũng
thấy lạ, họ là nơi nông dân trông vào, thế mà sao lại không
nắm được tỷ lệ ruộng tăng hay giảm qua các năm?!</em>"
Mới đây, vùng đất Tuy Hòa (Phú Yên) – nơi từng được coi
là vựa lúa miền Trung "<em>đang đứng trước nguy cơ bị
'xóa sổ' do thiếu nước tưới trong mùa khô, ngập lụt
nặng trong mùa mưa.</em>" Thế nhưng, Tuy Hòa đang chết dần
chết mòn vì khát nước, vì nguồn nước sông Ba cạn kiệt
bởi hàng loạt đập thủy điện được xây dựng vô tội vạ.
Ðiện phát ra, doanh nghiệp bán thu tiền, có nhiều người nhờ
ăn theo dự án mà giàu lên trông thấy, không bao giờ sống
dưới chân núi mà họ sống trong những ngôi biệt thự hoành
tráng đầy đủ tiện nghi "mưa không tới mặt, nắng không
đầu," lũ lụt không béng mảng đến bậc thềm nhà. Còn hậu
quả nông dân nghèo sống bằng nghề trồng trọt, chăn nuôi
phải gánh chịu là mùa nắng thì thiếu nước tưới còn mùa
mưa thì lũ lụt kinh hoàng cuốn trôi hết những căn nhà cấp 4
cùng đàn gia súc.
Tất nhiên, không ai có thể tự nhiên đùng đùng đến xây
đập chắn dòng sông Ba làm thủy điện nếu không được sự
cho phép của "chính quyền do dân và vì dân." Ông Dương Văn
Hưởng, chi cục trưởng Chi Cục Thủy Lợi (Sở NN-PTNT Phú Yên)
nói: "<em>Nếu trong 20 ngày tới, trời không mưa thì nhiều
diện tích lúa Hè Thu ở đây sẽ bị mất trắng</em>" (NLÐ
ngày 14/7/2011).
Miền Nam – vựa lúa lớn nhất cả nước tình trạng cũng
không hơn gì miền Bắc, miền Trung. "<em>Hơn hai chục năm qua
miền Tây vẫn mắc kẹt trong nghèo nàn, lạc hậu. Các số
liệu công khai đều cho thấy, cái nghèo cùng cực vẫn đeo bám
ÐBSCL. Gần 50% nông dân, những người trực tiếp làm ra hạt
thóc tại khu vực này thu nhập chưa tới 1USD/ngày. Còn không ít
xã anh hùng đang rơi vào tình trạng mà mục tiêu thiên niên kỷ
gọi là bần cùng</em>" (Tuần Việt Nam ngày 11/7/2011). Ðường
bộ xấu, đường sông quanh co, ngoằn ngoèo, cầu đường ọp
ẹp… làm tăng chi phí vận chuyển, đội giá nông sản và làm
nản lòng nhà đầu tư nào có ý định "dòm ngó" khu vực
Tây Nam bộ nên cái nghèo cứ đeo đẳng nông dân không lối
thoát. "<em>Thu nhập cỡ 200,000 đồng/người/tháng, tức 2.4
triệu đồng/người/năm, tương đương khoảng 150
USD/người/năm theo giá năm 1994; giảm xuống còn 120
USD/người/năm theo giá 2009, tức khoảng 0.3
USD/người/ngày.</em>" Theo GS Võ Tòng Xuân: "<em>Có tới 95%
nông dân phải vay ngân hàng để sản xuất theo kiểu ăn trước
trả sau.</em>"
Ðó cũng là lý do thời gian gần đây người nông dân miền Tây
hồ hởi rủ nhau trồng khoai lang tím để bán cho thương lái
Trung Quốc mà không trồng lúa nữa. Không những vậy, người TQ
còn núp bóng người bản địa để thuê đất trồng khoai lang
tím, thứ khoai mà chính người Việt Nam không thích ăn, không
bán nội địa được, trồng ra chỉ có thể bán cho TQ. Nông
dân không có lựa chọn nào khác là bán khoai tiểu ngạch sang
Trung Quốc bằng hình thức không hợp đồng, không đảm bảo,
nên thường xuyên ùn hàng nơi cửa khẩu và bị phía TQ ép bán
giá rẻ.
Năm nay, ở tỉnh Vĩnh Long người TQ đã núp bóng thuê đất
ruộng trồng khoai khu Giáo Mẹo, vùng ven lộ 54 về Trà Ôn với
diện tích lên đến 200 ha. Có thể thấy rõ nông dân miền Tây
đang bắt đầu phụ thuộc vào TQ, nếu họ ngưng thu mua khoai
thì số khoai này ngay cả cho lợn ăn lợn cũng không tài thánh
nào ăn hết. Trong khi đó, "<em>mỗi ngày, hàng ngàn tấn lúa
từ Campuchia được thương lái người Việt thu gom rồi ồ ạt
đưa qua biên giới theo đường tiểu ngạch về vựa lúa ÐBSCL.
Hơn một tháng nay, các khu 'chợ lúa ngoại' ở biên giới
VN-Campuchia trở nên nhộn nhịp, thu hút thương lái khắp các
tỉnh miền Tây</em>" (NLÐ ngày 14/01/2011). Vựa lúa miền Tây
có nguy cơ trở thành hết lúa.
Tin buồn mới nhất là nông dân ngày càng mất đất sản xuất:
"<em>Ngày 6 tháng 7, Viện Quản Lý Kinh Tế Trung Ương (CIEM)
phối hợp với Ðại Sứ Quán Ðan Mạch tại Việt Nam công bố
báo cáo đặc điểm kinh tế nông thôn Việt Nam, qua kết quả
điều tra hộ gia đình nông thôn tại 12 tỉnh. Gần 6% số hộ
được điều tra ở 12 tỉnh không có bất kỳ mảnh đất nông
nghiệp, trong đó các tỉnh ở miền Nam có tỷ lệ hộ không có
đất cao hơn miền Bắc. Số liệu công bố cũng cho thấy, có
khoảng 13 đến 14% hộ thuê đất để sản xuất, khoảng 21%
số hộ tham gia mua bán quyền sử dụng đất. Trong 2 năm qua, có
14% số hộ được điều tra mất đất sản xuất, trong đó
chủ yếu là hình thức cho, tặng (49%), bị thu hồi (29%), bán
đất (12%)… Việc bán đất các tỉnh miền Nam phổ biến hơn
miền Bắc, trong khi bị thu hồi đất lại thì ngược lại.
Tại khu vực thuộc tỉnh Hà Tây cũ, trong 3 năm qua đã có tới
47% số mảnh đất nông nghiệp thuộc quyền sử dụng của nông
dân đã bị thu hồi, phần lớn là do mở rộng địa giới Hà
Nội</em>" (Tiền Phong ngày 7/7/2011).
Tiến Sĩ Phạm Tất Thắng – Chuyên gia kinh tế cao cấp giải
thích: "<em>Từ trước đến nay sự phối hợp giữa các bộ,
ngành của ta không tốt, dẫn đến không quản lý, không thống
kê được lượng hàng hóa nói chung và nông sản nói riêng
xuất sang TQ. Lợi ích quốc gia của chúng ta đã chưa được
đặt lên hàng đầu, mà mới chỉ quan tâm đến lợi ích của
một nhóm nào đó. Do vậy, nhiều nông sản của ta xuất sang TQ
rơi vào tình trạng không thể quản lý nổi. Cuối cùng thiệt
hại vẫn là chúng ta.</em>"
Xin nói rõ thêm, ai có "kinh nghiệm" đọc báo "lề phải"
đều thấy khi có thành tích thì đó là do "sự chỉ đạo,
lãnh đạo sáng suốt" của đảng CSVN, của chính phủ Việt
Nam, nhưng nếu lỗi tệ hại thì đều dùng chữ
"<em><strong>chúng ta</strong></em>" (tức là gồm 87 triệu
người Việt Nam sống trong nước) để chịu trách nhiệm chung.
Cho nên, đúng ra ông Phạm Tất Thắng phải nói cho chính xác là
"<em>cuối cùng thiệt hại vẫn là nông dân Việt Nam lãnh
đủ</em>," chớ các vị tai to mặt bự có thấy ai nhận lỗi
và từ chức vì nông dân đói khổ đâu. Rốt cuộc, chỉ có
nông dân rơi vào cảnh bơ vơ như gà con mất mẹ thôi!
Tạ Phong Tần
Bài đã đăng báo Người Việt
***********************************
Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/9357), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).
Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét