có những Đào Hiếu từng đi biểu tình hôm nay viết ra những
phiên bản khác của "Lạc đường"... Tôi có cảm giác như
những thanh niên trẻ trung nhiệt tình ấy đang bị lừa dối,
lợi dụng... Tại sao Việt Nam không dám chơi với ông bạn Mĩ
sang trọng, mà cứ chấp nhận thua thiệt bám lấy bà chị hai
tham lam bên cạnh? Cần phải lưu ý hơn đến sự an nguy của
những người tiên phong, đặc biệt là tướng Nguyễn Trọng
Vĩnh.</em></div>
Vậy là cuộc biểu tình ngày 17/7 đã diễn ra không mấy suôn
sẻ, không khác biệt nhiều so với dự liệu của tôi trong <a
href="http://chuyentamphao.blogspot.com/2011/07/nghi-ve-cuoc-bieu-tinh-ngay-mai-177.html">entry
trước</a>. Điều may mắn là các nhân sĩ trí thức tiên phong
vẫn được bình an. Coi như một chút an ủi. Thế là họ vẫn
còn biết nể. Đọc bài viết của tướng Nguyễn Trọng Vĩnh,
tôi nghĩ ông cụ đã nổi giận thực sự. Những dòng kết tội
ngắn gọn và đanh thép của vị lão tướng cứ vang trong đầu
tôi mãi. Rồi nhà văn Nguyên Ngọc, tiến sĩ Nguyễn Quang A cũng
lần lượt lên tiếng. Tôi hiểu tâm trạng của các vị ấy.
Người dân tham gia biểu tình bị bắt, bị hành hung, bị lăng
nhục... uất ức bao nhiêu thì các vị cũng uất ức bấy nhiêu.
Dù sao thanh niên xuống đường cũng là vì hưởng ứng lời kêu
gọi của các vị ấy. Nhìn anh em chịu cảnh đàn áp mà không
bảo vệ được, các vị ấy hẳn cũng xót xa lắm. Nhưng biết
làm gì khi trong tay không có quyền lực và sức mạnh để đẩy
lui sự ngang ngược, bạo tàn. Nước mắt thôi cũng nuốt vào
lòng mà biến thành nhiệt huyết đấu tranh cho một mai quê
hương thay đổi.
<center><img src="http://danluan.org/files/u1/sub01/anh%20AP%5B15%5D.jpg"
width="519" height="292" alt="anh AP[15].jpg" /></center>
Vừa theo dõi từng phút từng phút những diễn biến trong suốt
ngày Chủ nhật 17 tháng 7 đáng nhớ, tôi vừa nghĩ ngợi lan man
về hai chữ "biểu tình". Thực chất, những cuộc biểu tình
này có ý nghĩa gì nhỉ? Tôi lại nghĩ đến Cù Huy Hà Vũ, nghĩ
đến Tống Văn Công... Sao hai vị này cùng lớn tiếng kêu gọi
dân chủ mà một vị bị tống giam còn vị kia thì vô sự? Tại
sao Việt Nam không dám chơi với ông bạn Mĩ sang trọng, mà cứ
chấp nhận thua thiệt bám lấy bà chị hai tham lam bên cạnh?
Tôi sẽ tuần tự trả lời những câu hỏi đó theo cách nhìn
nhận của mình. Nhưng trước hết, để tránh mọi hiểu lầm,
xin khẳng định rằng tôi hoàn toàn ủng hộ việc đấu tranh
cho dân chủ tự do, và luôn mong mỏi được sống trong một
quốc gia tự do dân chủ. Tôi thường nhìn những người bạn
ở Mĩ, ở Pháp với sự ghen tị. Họ đi đứng, nói năng tự
nhiên thoải mái quá! Không như tôi khi viết những dòng này
phải lén lút chờ đêm xuống, đổi IP, vào mạng riêng ảo
nước ngoài post bài! Không dám dùng tên miền mua cho ngắn gọn
chỉ vì sợ lộ thông tin cá nhân. Tự do ngôn luận của nước
mình là như thế đấy!
Chúng ta cần có dân chủ, tự do, nhân quyền, bình đẳng.
Đất nước này nhất định phải đi theo con đường dân chủ
nếu muốn sánh vai với bè bạn quốc tế. Nhưng bắt đầu thế
nào đây khi mà mấy chục triệu dân đã thấm sâu một thứ
chủ nghĩa thờ ơ mặc kệ, mũ ni che tai? Dân chủ không phải
là cái có thể đem ban phát từ trên xuống bằng lời nói. Nó
chỉ có ý nghĩa khi mà mỗi người dân tự cảm thấy trong lòng
một thứ đòi hỏi thôi thúc về quyền được làm chủ đất
nước, một niềm tự hào chân thực rằng chính mình là chủ
nhân của đất nước. Trong một quốc gia dân chủ, không có
công dân nào giữ trong đầu ý nghĩ theo kiểu như : "Đất
nước thì đã có mấy ông to ở trên kia lèo lái chứ mình dân
đen là cái thá gì mà ý kiến". Không ai được phép nghĩ như
thế ở một nước dân chủ. Nhưng dân mình thì hầu hết đều
nghĩ như thế!
Vậy phải làm gì để khởi động tiến trình dân chủ hóa
đất nước? Không khó để tìm câu trả lời nếu nhìn lại
lịch sử đấu tranh đòi dân chủ, nhân quyền trên thế giới.
Những người thuộc giới văn nghệ sĩ và giới luật sư là
những người nhạy cảm nhất đối với các khái niệm dân
chủ, nhân quyền, tự do ngôn luận. Mâu thuẫn giữa giới luật
sư và giới chính khách đã được cụ Nguyễn Mạnh Tường
phân tích trong cuốn "Kẻ bị khai trừ". Dưới các chế độ
độc tài toàn trị như ở Việt Nam, mâu thuẫn này càng trở
nên gay gắt. Vì thế mà chúng ta đã phải chứng kiến nhiều
luật gia tài giỏi bị chính quyền vùi dập không thương tiếc.
Còn giới văn nghệ sĩ, họ rất cần tự do để thể hiện tư
tưởng nghệ thuật. Khi một nhà văn vừa sáng tác vừa phải
cân nhắc đẽo gọt từng lời thoại của nhân vật để tránh
sơ suất động chạm đến những vấn đề chính trị nhạy
cảm này khác thì làm sao tác phẩm của họ giữ được vẻ
tự nhiên thấm đẫm hương vị cuộc sống chân thực ngoài kia?
Không gian nghệ thuật của họ bị đóng khung trong vô thiên
lủng những chủ trương, đường lối do "Đảng quang vinh sáng
suốt" vạch sẵn, làm sao con người cá nhân nơi họ có thể
thỏa được khát khao vươn tới những vùng mênh mông của Sáng
Tạo?
Như thế, các văn nghệ sĩ và các luật sư là những người
đầu tiên cảm thấy một cách sâu xa nhu cầu tự do dân chủ.
Họ sẽ gặp nhau sau khi đã cùng trở thành những nạn nhân
của thể chế. Họ sẽ bắt tay nhau dấn thân vào cuộc phiêu
lưu tìm kiếm tự do dân chủ. Trong cuộc phiêu lưu đó, họ sẽ
tìm thấy ngày càng nhiều bạn đồng hành. Và rồi bằng nhiều
cách thức khác nhau, họ sẽ từng bước từng bước khơi dậy
trong mỗi người dân niềm mong muốn có lại những quyền lợi
đã bị tước đoạt hoặc lãng quên : quyền được nói, quyền
được tự do thể hiện cái tôi, quyền được làm chủ vận
mệnh dân tộc.
Quần chúng càng theo họ nhiều thì cái thế đối lập giữa
họ với nhà cầm quyền càng trở nên rõ rệt. Cố nhiên ngay
từ đầu, chính quyền đã không ưa gì họ, nhưng phải đến
khi đông đảo quần chúng theo họ, họ mới bị xem là mối nguy
cơ cần phải loại bỏ. Đó là thời kỳ của bạo động và
đàn áp dã man. Vụ đàn áp biểu tình như hôm qua chỉ là khúc
ouverture trong bản giao hưởng hào hùng và bi thương sắp tới.
Sáng hôm qua, khi tôi post lên mạng Google+ một tấm ảnh ghi
lại cảnh công an Việt Nam dùng vũ lực trấn áp người tham gia
biểu tình, một bạn Trung Quốc hỏi tôi có ủng hộ cuộc
biểu tình đó không? Tôi bảo có, nhưng trên bình diện khác.
Bạn ấy không hỏi lại nên tôi cũng không có cơ hội giải
thích thêm cái "bình diện khác" đó là gì. Nếu được yêu
cầu giải thích, tôi sẽ bảo rằng tôi ủng hộ những cuộc
biểu tình như thế vì nó là tiền đề cho tiến trình dân chủ
hóa đất nước tôi, chứ không phải ủng hộ vì lý do phản
đối TQ.
Không bao giờ tôi nghĩ rằng những cuộc biểu tình đó có
thể giúp VN lấy lại được phần biển đảo đã mất, và
rằng biểu tình có thể làm TQ rụt rè hơn trong việc lấn
chiếm lãnh thổ lãnh hải của ta. Chắc hẳn những người kêu
gọi biểu tình cũng hiểu như tôi, nhưng họ không nói ra. Họ
dùng cái bình phong "phản đối chủ nghĩa bá quyền phương Bắc
và tư tưởng Đại Hán" để che đậy mục đích thực sự phía
sau : đó là khơi dậy phong trào đấu tranh dân chủ ở trong
nước. Tôi không phủ định có một phần nguyên nhân trong hành
động đó xuất phát từ lòng yêu nước và căm hận giặc Tàu
nơi họ, nhưng tôi cũng không ngại nói thẳng cái mục đích
thâm viễn hơn mà họ chưa muốn hay chưa dám công khai, vì tôi
muốn các bạn trẻ tham gia biểu tình hiểu rõ ý nghĩa của
những việc mà các bạn đang làm. Tôi có cảm giác như những
thanh niên trẻ trung nhiệt tình ấy đang bị lừa dối, lợi
dụng. Tôi không muốn thấy 50 năm sau lại có những Đào Hiếu
từng đi biểu tình hôm nay viết ra những phiên bản khác của
"Lạc đường". Mà có gì đáng ngại đâu, biểu tình chống
giặc Tàu hay biểu tình đấu tranh cho tự do dân chủ đều là
những mục tiêu cao cả, đáng để các bạn trẻ dấn thân vào.
Ai cũng biết rằng ở thời điểm hiện tại, tuyên bố biểu
tình để thay đổi chế độ, từ bỏ con đường XHCN, tiến
hành dân chủ triệt để... thì sẽ vào tù rất nhanh. "May mắn"
thay, chị hai TQ lại xâm lăng VN một cách lộ liễu, thế là
người ta nhân cơ hội đó thổi bùng lên phong trào biểu tình
chống TQ. Thật là đúng lúc. Khi người dân cảm thấy phải
biểu tình để thể hiện ý nguyện chống TQ, họ sẽ khẳng
khái xuống đường. Sự đàn áp của chính quyền càng làm cho
người dân trực tiếp đối đầu với bạo lực hiểu rõ thêm
về tính hà khắc của chế độ mà họ đang sống dưới. Và
khi so sánh với các nước dân chủ tiến bộ khác, họ sẽ tự
nhận ra sự cần thiết phải có dân chủ. "Ừ, nếu nước mình
dân chủ như ở Mỹ, nhà nước tôn trọng nhân dân thì mình
đâu có bị công an đối xử như thế!". Suy nghĩ đó sẽ lan
rộng ra những người thân, bè bạn. Và một lúc nào đó, không
phải chỉ vài ngàn người nhận thức được mà hàng chục
triệu người dân VN cùng nhận thức được nhu cầu tất yếu
về một nền dân chủ pháp trị cho nước mình. Đó sẽ là lúc
hàng chục triệu người VN từ Nam ra Bắc cùng xuống đường
biểu tình để yêu cầu cải tổ toàn diện hệ thống chính
trị đang ngày càng rệu rã.
Với danh nghĩa "biểu tình chống Trung Quốc xâm lấn", các nhà
tiên phong của chúng ta cho rằng nếu chính quyền trấn áp biểu
tình chống ngoại xâm thì có khác gì tự thú nhận hành vi
phản bội đất nước. Nhưng có vẻ như họ lầm. Chính quyền
đã, đang, và sẽ, bất chấp tất cả, sử dụng vũ lực để
đàn áp, mà hơn nữa sẽ ngày càng mạnh tay. Phải chăng đã
đến lúc những người cùng chiến tuyến nên nói thẳng với
nhau để cùng tìm biện pháp hành động thích hợp hơn trong
tình hình mới. Sau cuộc diễu hành hôm qua, cả thế giới đã
hướng về Việt Nam, nhưng không phải vì tranh chấp ngoài biển
Đông nữa, mà họ đang nhìn vào cách hành xử của chính quyền
VN đối với người dân vô tội. Phải chăng đây là thời
điểm các nhà tiên phong cần thay đổi chiến lược? Mà trước
hết là phải tìm một người đủ uy tín và can đảm đứng ra
nhận lấy vị trí lãnh đạo biểu tình, sẵn sàng nhận trách
nhiệm trước chính quyền khi phát sinh sự cố. Họ vẫn có
thể tiếp tục dán mác "chống Tàu" lên các cuộc biểu tình,
nhưng nếu thêm vài biểu ngữ nữa với nội dung như : "Yêu
cầu chính phủ không đàn áp thường dân vô tội!", "Công an
nhân dân không có quyền đánh nhân dân!"... thì đó thực sự
là tiến thêm một bước dài trong việc bày tỏ chính kiến.
Từ những biểu ngữ phản ánh tình hình trực tiếp khó bắt
bẻ như vậy, đến các biểu ngữ có dạng "Yêu cầu chính phủ
tôn trọng nhân quyền"... chỉ còn một quãng đường ngắn.
Nhưng đây cũng là thời điểm tôi lo lắng nhất cho sự an nguy
của những người trong nhóm tiên phong, đặc biệt là lão
tướng Nguyễn Trọng Vĩnh. Trong tình thế này, mọi bất cẩn
đều có thể dẫn đến cái giá phải trả rất đắt. Tôi vừa
đọc được một câu ai đó dẫn lời Chu Nguyên Chương : "Văn
thần không sợ, võ tướng không sợ. Văn thần kết hợp với
võ tướng mới đáng sợ". Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh
chỉ đứng sau Đại tướng Võ Nguyên Giáp về tầm vóc lịch
sử và uy tín trong giới quân đội. Tướng Giáp giờ đã già
yếu. Chỉ còn tướng Vĩnh, dù không nắm binh quyền, nhưng vẫn
đủ khả năng gây tác động tới tầng lớp quân nhân. Nếu
chính quyền đi đến biện pháp mạnh trong bóng tối, thì khả
năng đối tượng bị họ loại bỏ đầu tiên chính là tướng
Vĩnh. Với các nhân sĩ trí thức khác họ có thể bắt giữ
bất cứ lúc nào, nhưng việc bắt giữ tướng Vĩnh là không
thể. Việc họ dành cho tướng Vĩnh sự đối xử khác biệt
hôm 13/7 càng làm tôi thêm nghi ngại. Rất mong những người
thân bên cụ thận trọng hơn trong mọi việc đi lại, ăn uống
của cụ.
Trở lại với ý nghĩa đích thực của những cuộc biểu tình,
điều tôi muốn nói chỉ đơn giản là những người biểu tình
chống TQ hôm qua đã bước những bước đi chập chững đầu
tiên trên con đường dân chủ hóa đất nước, dẫu cho nhiều
người trong số họ không nhận ra điều đó.
Còn phía chính phủ thì sao? Chắc hẳn họ cũng đã nhìn thấy
từ rất sớm con đường mà đoàn người biểu tình kia đang đi
sẽ dẫn đến đâu. Trong khi chưa tìm được giải pháp tốt,
họ buộc phải dùng bạo lực, chấp nhận sự phê phán của
cả thế giới văn minh. Động thái ấy đẩy họ rời xa hơn
nữa bàn tay thiện chí của ông bạn Hoa Kỳ, đồng thời ngả
sâu vào lòng bà chị Trung Quốc. Họ biết rằng làm bạn với
Mỹ đồng nghĩa với việc phải chấp nhận luật chơi của
người Mỹ. Sẽ không có chuyện dùng bạo lực đối phó với
dân mình nếu người Mỹ đang đứng bên cạnh. Mà khi không bị
trấn áp, phong trào đấu tranh chống Tàu, dưới sự dẫn dắt
của các nhà trí thức yêu dân chủ, và/hoặc các đảng phái
dân chủ, chẳng mấy chốc sẽ hiện nguyên hình là những phong
trào đấu tranh đòi dân chủ, đòi thay đổi cơ chế, cải cách
chính trị. Chừng nào các đảng viên cầm quyền lãnh đạo còn
đặt lợi ích cá nhân và phe nhóm lên trên hết thì họ còn
chưa sẵn sàng cho mọi sự đổi thay. Và họ đành nuốt nước
bọt đứng nhìn túi đô rủng rỉnh của chú Sam mà không dám
đến gần hơn nữa.
Trong khi đó, chị hai Trung Quốc không quan tâm đến dân chủ,
vì ngay bên nhà chị cũng chưa dùng thứ đó. Thằng em chơi với
chị thì cứ thoải mái đi, chỉ cần biết ngoan ngoãn nghe lời,
nếu khó khăn, chị sẽ giúp. Có chị đây, chú mày không phải
sợ bố con thằng nào nhé!
Sự khác biệt về đường lối giữa Cù Huy Hà Vũ và Tống
Văn Công cũng nằm ở đó. Cù Huy Hà Vũ kêu gọi một sự hợp
tác triệt để với Hoa Kỳ. Lời kêu gọi này đối với chính
phủ là không thể chấp nhận được theo phân tích ở trên. Do
đó, khi vị luật sư trẻ chuyển sang phê phán chính sách của
nhà nước, họ buộc phải làm cho ông im tiếng. Còn Tống Văn
Công, vị lão thành cách mạng này lại đưa ra chủ chương cải
tổ từ bên trong Đảng, một hình thức cách mạng cải lương,
tự diễn biến từ trên xuống dưới. Cái này thì không ảnh
hưởng gì đến vị thế độc tôn của Đảng. Đảng sẽ lắng
nghe, sẽ cải tổ, nhưng cứ từ từ. Hãy đợi đấy.
Tóm lại, trong bài viết này tôi đã trình bày hai ý chính.
Thứ nhất là bản chất các cuộc biểu tình dân chủ dán mác
"chống Tàu". Thứ hai, cần phải lưu ý hơn đến sự an nguy
của những người tiên phong, đặc biệt là tướng Nguyễn
Trọng Vĩnh.
Thế cờ đã chuyển.
<strong>Nguyễn Danh An</strong>
***********************************
Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/9375), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).
Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét