Hamvas Béla - Cuốn sách của nhà Vua cô đơn

<center><div class="special_quote"><em>(Trích tiểu luận triết học:
Sách trên đảo nguyệt quế)</em></div></center>

Nhà vua cô đơn đi ra biển, ngồi lên một phiến đá trắng
nhất và nói như sau:

- <em>Hỡi đại dương hùng vĩ! Ta còn lại một mình, ta, kẻ
lúc nào cũng truyền lệnh, giờ đây không biết ban phát cho ai
những điều muốn nói. Như vậy tốt hơn chăng? Giá đã từng
là nhà thông thái, ta đã đến với ngươi ngay lập tức. Bởi
ngươi vẫn còn hiểu sự sâu thẳm là gì, ngươi vẫn còn biết
cười.</em>

Ta những muốn lập vương quốc thần thánh, nhưng chẳng ai thèm
nghe. Kẻ thì thán phục, kẻ khác sợ hãi, có kẻ còn tức
giận; sự ghen tị, thái độ vô thần và phường trộm cắp
không thiếu. Nhưng không ai làm theo những điều ta tuyên bố,
tai không nghe, não không động, chẳng hề có trái tim.

Ta câm lặng. Và tự hỏi: có cần thiết lên tiếng hay không?

Như thể chỉ đợi có thế, một cái bóng lướt tới, và để
đánh lừa ta, hắn làm ra vẻ một kẻ lạ mặt.

- <em>Sự trang trọng vua chúa của ngài, rất tuyệt, nhưng chỉ
là thần thoại mà thôi</em>

Ta cũng làm ra vẻ không nhận ra hắn, ta bảo:

- <em>Cái gì? thần thoại, chỉ là thần thoại? Thế chẳng nhẽ
con người không hay biết: thần thoại chính là đời tư của
thế gian?</em>

Nghe câu nói mầu nhiệm, cái bóng biến mất, để lộ trần
trụi một cái <strong><em>Tôi</em></strong> đứng đó sừng sững.
Ta vớ cây gậy và xua đuổi nó đi. Nhưng uế khí của nó
phảng phất đọng lại khiến ta phải thông gió ngay lập tức
sau đó.

Các vị thần linh di chuyển, rời khỏi thế gian. Nhưng trước
khi đi, họ tụ tập lại và hỏi nhau:

<em>- Lý ra cũng phải có ai ở lại cho phù hợp chứ?</em>

Nếu không vì gì khác, ít nhất có thể nhận ra thần thánh từ
sự say mê cao thượng. Bởi vì trở thành thần thánh là gì
nếu không phải trở thành chính sức mạnh để chỉ có thể
say mê và cao thượng mà thôi?

Các vị thần ngồi rất lâu trên đỉnh núi, trong những khu
vườn trong suốt, dưới gốc những cây ô liu, hoặc cạnh
những hồ nước mát rượi, để từ biệt trái đất xinh đẹp
này ra đi. Sau cùng họ quyết định, không một vị thần nào
ở lại thế gian, mà họ sẽ tạo ra một sinh linh mới.

Các vị thần gọi những thế lực lớn của các quốc gia laị
và hỏi:

<em>- Các ngươi ước ao một thượng đế như thế nào? </em>

Các thế lực lớn này hấp háy, rồi nháy mắt và trả lời:
Xin hãy quý phái!
Nhưng nghĩa của câu trả lời không nằm trong ngôn từ mà trong
cái nháy mắt, bởi vì các vị thần dễ dàng nhận ra các thế
lực lớn này đã quen nói dối nói trá đến mức không biết
nói thật nữa.

<em>- Thôi được! họ bảo - sẽ có một thượng đế biết
hấp háy mắt như các ngươi ước.</em>

Sau đó các vị thần gọi đám trọc phú giàu có lại và hỏi:

<em>- Các ngươi ước một thượng đế như thế nào?</em>

Đám trọc phú tái nhợt, bởi chúng tưởng điều này ám chỉ
đến sự khủng hoảng tài sản, chúng bèn thưa: Xin hãy từ bi!

Ý nghĩa của câu trả lời này một lần nữa không nằm trong
ngôn từ mà trong sự tái nhợt. Các vị thần nhìn thấy đám
trọc phú sợ đến nỗi quên cả nói dối.

<em>- Thôi được rồi! họ bảo - sẽ có một thượng đế xám
xịt như sự tái nhợt của các ngươi.</em>

Sau đó các vị thần gọi các nhà bác học đến và hỏi:

<em>- Các ngươi ước một thượng đế như thế nào?</em>

Các nhà bác học đồng thanh hỏi: Thượng đế? ai vậy? Chúng
tôi chưa gặp ông ta bao giờ.

Các vị thần lập tức hiểu ngay điều này và họ bảo:

<em>- Thôi được rồi! sẽ có một thượng đế lưỡng lự và
chảy nhão ra như bộ não của các ngươi.</em>

Sau cùng các vị thần triệu tập đám vô sản nghèo khó lại
và hỏi:

<em>- Các ngươi ước một thượng đế như thế nào?</em>

Đám nghèo khổ này oai oái van xin, thống thiết gào lên:

<em>- Lại thêm một thượng đế mới nữa? Chưa đủ thượng
đế hay sao? Chúng tôi muốn sống không có ai cai trị trên đầu
chúng tôi nữa</em>.

- Thôi được! sẽ như ước nguyện của các ngươi - các vị
thần bảo - thượng đế mới sẽ giống hệt các ngươi, sẽ
không biết cách cai trị là gì.

Thế là các vị thần tập hợp: sự dối trá, sự xám xịt,
sự lưỡng lự chần chừ, và sự nghèo khổ lại biến hóa
thành một sinh linh mới. Đấy là một quái vật bẩn thỉu có
tên: PHO TƯỢNG SỔ MŨI.

Bởi vì trong thời gian tiếp theo nó cần phải biết hấp háy
mắt, cần tái nhợt, nhớt nhúa thây chảy và rách rưới.

Nhưng con người trên thế gian tưởng đây là một sự biến
đổi hoành tráng, họ bèn quỳ rạp xuống trước mặt Quái
vật Bẩn thỉu và vái lấy vái để. Thế là theo quy luật của
vĩnh cửu, con người bắt đầu so sánh họ với thần tượng.
Ngày nọ qua ngày kia, con người càng ngày càng chảy nhớt,
lười biếng bẩn thỉu và khốn khổ.

Nhưng không ai, kể cả thượng đế, cũng không thể bước ra
khỏi bản thân. Vậy là khi quái vật được tôn thờ thành
thần tượng, điều đó chỉ có nghĩa rằng nó càng bẩn thỉu
và càng đáng ghê tởm hơn.

Khắp trái đất lan tỏa sự thờ phụng một Quái vật gớm
ghiếc, đấy là sự kính trọng những kẻ xám xịt, thô bỉ,
lười chảy nước, chỉ biết hấp háy mắt và bám chặt lấy
người khác. Nhà thờ được xây cất, trẻ con được dạy dỗ
trở thành bản sao của quái vật, linh hồn quái vật được
đưa vào công việc quản lý nhà nước, vào sáng tạo văn hóa
nghệ thuật, vào môn đạo đức học và vào công cuộc xây
dựng các phong tục tập quán.

Các vị thần nhìn xuống thế gian, mỉm cười ngọt ngào vì
thấy tất cả… Một vài vị thần hỏi nhau:

<em>- Bao giờ con quái vật này sẽ làm một cuộc tổng vệ sinh
đây? Khi nào nó sẽ hót hết lũ sâu bọ sinh sôi lúc nhúc này
đây? </em>

Nhưng một số vị thần khác lại bảo:

<em>- Ôi dào! cứ để chúng vui vẻ! ít nhất để chúng một
lần được biết trở thành thượng đế là cái gì!</em>

Khi ta đã hiểu ra bí mật tôn giáo mới của con người, ta
không nói nữa. Lúc đó lại có một cái bóng đến gần, và
để đánh lừa ta, hắn làm ra vẻ một kẻ lạ mặt, hắn bảo:

<em>- Nếu nhà vua không muốn lên tiếng, ít nhất ngài hãy viết
ra một cuốn "Sách -Có", biết đâu có lợi cho con người khi
các vị thần quay trở lại trái đất.</em>

Bởi vì đối tượng và tư tưởng vẫn có thể trống rỗng,
khi nảy sinh từ một số phận trống rỗng. Vô ích có số
phận khi số phận là: không.

Ai có khả năng viết cuốn sách này hơn nhà vua? khi số phận
của ngài nằm đúng vào vị trí của nó. Không trống rỗng,
không tỳ vết và không đeo mặt nạ. Và vì thế cuốn sách
không chỉ có đối tượng,còn có cả số phận của nó.
Và không chỉ đối tượng, mà cả cái TÔI của nó nữa, cả
hai thứ đều có. Đối tượng và cái TÔI chỉ gặp nhau trong
trường hợp của ngài, cùng trưởng thành và trong một khoảnh
khắc đặc biệt, cái này tìm thấy cái kia. Không ai có thể
biết đấy là cái nào.

Đủ lắm rồi với cái không. Một kẻ nào đó ghen tị và bắt
đầu đóng vai cao thượng. Đặc biệt: đã ai nghe thấy bao giờ
chưa một kẻ cao thượng bắt đầu tự đóng vai ghen tị? Tại
sao lại không? Bởi sự cao thượng là có,nên chính vì thế là
đủ,là bão hòa. Còn sự ghen tị là không, là cái ít ỏi và
trống rỗng.

Đủ lắm rồi với cái không. Đủ lắm rồi với những kẻ
hùng biện - một đội quân toàn những kẻ khoác lác, những
kẻ cao thượng tập hợp từ một bầy đàn ghen tị, các nhà
thông thái nảy sinh từ những đứa ngu đần, các anh hùng gom
góp từ những kẻ hèn nhát.

Đủ lắm rồi những giọt nước mắt - có, nảy sinh từ các
số phận - không.

Một tư tưởng tốt trước khi hấp thụ, hãy gõ cho nó kêu
lên. Không chỉ để biết: có ai trong đó không, mà còn để
biết đấy là ai, tại sao lại ở trong đó? Biết đâu một tư
tưởng lớn nhất lại rỗng tuếch? Và biết đâu kẻ có trong
đó chỉ là một loài sâu bọ? và biết đâu, hắn nằm trong
đó như ghen tị trong cao thượng, ngu đần trong thông thái và
kẻ hèn nhát trong người anh hùng?

Nếu cái CÓ nảy sinh từ cái KHÔNG, chẳng bao giờ thuyết phục
nổi ai. Chỉ cái có chiến thắng, nơi xuất hiện một ai đấy,
một ai có, thậm chí một ai đấy đúng là có, và một ai có
đấy đúng là đang nằm trong cái CÓ.

Nào bây giờ ngài hãy nói đi, ai phù hợp với việc viết một
cuốn Sách CÓ bằng ngài, kẻ vừa là có, vừa đúng là đang
nằm trong cái có.

Nghe đến đây ta không chịu đựng tiếp nữa mà quát lên:

<em>- Ai gửi mi tới đây đồ sâu bọ bẩn thỉu kia? Có phải mi
đến thẳng từ các tín đồ PHO TƯỢNG SỔ MŨI. Mi muốn: có?
Mi tưởng là: có? Mi tưởng có là tất cả với ta? sự lười
chảy, sự nhếch nhác, sự nhem nhở? Mi tưởng có đối với ta
là cái chứng sổ mũi?</em>

Sau lời màu nhiệm này, cái bóng biến mất, để lộ một cái
TÔI trần trụi đứng đó. Ta vớ lấy gậy đuổi nó đi. Những
uế khí của nó vẫn còn phảng phất lại khiến ta phải thông
gió ngay lập tức sau đó.

Sau khi tống cổ con rắn độc đi rồi, ta vẫn còn trầm ngâm
hồi lâu vì sự mất dạy của nó. Phải chăng trong ngôn từ
của các thần linh cái không hoàn toàn vắng bóng?

Bởi vì, nếu cái KHÔNG không tồn tại, không gì có thể tách
các đối tượng ra được. Và nếu tất cả là CÓ, thượng
đế cũng có thể là PHO TƯỢNG SỔ MŨI kia.

Ta không chỉ yêu thế gian này bằng toàn những cái CÓ của ta,
mà còn yêu thế gian này hơn bằng những cái KHÔNG của ta nữa.

Các vị thần linh đã ra đi và bỏ lại trái đất này. Họ
ngày nay là: không. Chất thánh thần của ta rơi rụng, trong tính
chất thánh thần đó mình ta đơn độc, cùng lúc là tất cả:
kẻ cai trị, thần dân, linh mục, nhà quý tộc, kẻ thị dân,
người nông dân. Chất thánh thần của ta cũng là: KHÔNG.

Nhưng cái KHÔNG này lại chính là cái CÓ, như PHO TƯỢNG SỔ
MŨI là: KHÔNG.

Ai có thể nói cái gì là CÓ và cái gì là KHÔNG? Phải chăng:
chính bản thân sự vật và mọi sinh linh không phán xét cái gì
là CÓ và KHÔNG? Và nếu tiêu chuẩn bị đánh mất, đây không
phải là đặc quyền của các thần linh hay sao?
Và sau họ KHÔNG là của đại dương? Và sau đại dương KHÔNG
là của ta?

<strong>Nguyễn Hồng Nhung</strong> dịch từ bản tiếng Hung
(Bp.
2011.05.23)

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/9314), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét