Xích Tử - Những điểm kỳ dị trong một bản điều lệ

Sau đại hội XI, Đảng CSVN lại ban hành điều lệ sửa đổi.
Đó là chuyện của đảng, của các chính đảng cũng như bất
cứ tổ chức dân sự nào tập hợp số đông thành viên.

Điều lệ (regulations) hay qui chế là văn bản lưu hành bên trong
các chính đảng và các tổ chức xã hội dân sự; nội dung
của nó đòi hỏi không được trái với các luật lệ quốc
nội và các công ước, luật lệ quốc tế mà quốc gia có
chính đảng, tổ chức dân sự đó tham gia.

Trong khuôn khổ và điều kiện tiên quyết như vậy, điều lệ
có chức năng tạo ra một sự thống nhất ở các thành viên
với một số định nghĩa từ ngữ, khái niệm được sử dụng
trong tổ chức; qui định các tiêu chuẩn, yêu cầu đối với
thành viên và các mối quan hệ giữa các thành viên, các cấp
độ phiên chế và tôn ti của tổ chức; qui định những nghi
thức, nguyên tắc và phương pháp hoạt động của tổ chức.

Nói tóm lại, điều lệ là chuyện bên trong, chỉ có hiệu lực
đối với thành viên và các cấp độ tổ chức khi nó đóng
vai, hoạt động trong hệ thống đó.

Tuy nhiên, điều lệ sửa đổi khoá XI của đảng CSVN, cũng
giống như các khoá trước, đã vượt qua đặc trưng bản chất
và chức năng này. Chương VI của điều lệ có tiêu đề "Tổ
chức đảng trong Quân đội nhân dân Việt Nam và Công an nhân
dân Việt Nam"; tiêu đề đó là phù hợp; nghĩa là đảng chỉ
điều chỉnh vào đảng viên và tổ chức đảng trong Quân đội
và Công an; những chiến sĩ trong quân đội và công an không
phải là đảng viên không phải chấp hành những qui định này.
Nhưng nội dung bên trong lại qui định "Đảng lãnh đạo Quân
đội nhân dân Việt Nam và Công an nhân dân Việt Nam tuyệt
đối, trực tiếp về mọi mặt"(điều 25). Đó là sự lạm
quyền.

Tương tự, trong chương VIII. XI, X, điều lệ không còn đánh
tráo tiêu đề và nội dung như chương VI, mà trực tiếp qui
định quyền lãnh đạo của đảng đối với nhà nước, Mặt
trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và Đoàn
thanh niên cộng sản (thực tế Đoàn cũng là một tổ chức
chính trị, nắm trong phạm trù tổ chức chính trị - xã hội,
cùng với đảng và các tổ chức chính trị - xã hội khác, là
thành viên của Mặt trận Tổ quốc. Các gộp và tách các tập
hợp ở đây chứng tỏ những rắm rối trong tư duy hệ thống).

Trở lại với việc điều lệ đảng vượt ra khỏi bản chất
và chức năng theo cách hiểu rất từ điển để qui định một
số nội dung có tính chất lạm quyền như vậy, theo cách giải
thích không minh bạch lắm là căn cứ vào điều 4 của Hiến
pháp. Dĩ nhiên đó là sự thật phải chấp nhận ở mức độ
gọi là hợp hiến của Việt Nam. Tuy nhiên, cũng giống như
nhiều nội dung khác của Hiến pháp có yêu cầu phải cụ thể
hoá bằng luật con, điều 4 chưa được luật hoá. Theo đó,
khái niệm lãnh đạo, phạm vi, mức độ, phương pháp lãnh
đạo như thế nào đến nay vẫn bị cố tình không cần giải
thích, và do vậy muốn hiểu, làm thế nào cũng được, miễn
là cứ giữ được thế lạm quyền và đoạt quyền. Có lẽ
đó là đặc sản chính trị Việt Nam, và chỉ trong bối cảnh
tư duy chính trị, văn minh chính trị như vậy mới cho phép ông
Bộ trưởng Thông tin – Truyền thông trả lời ở nước ngoài
rằng người Việt Nam dân trí thấp; trong khi chúng ta đã bắt
đầu cuộc xoá mù chữ từ lúc lập nước cộng hoà cách đây
66 năm; từ thời ấy đã có những người giác ngộ cách mạng
khi chỉ 12 tuổi; và hiện nay chúng ta có số lượng tiến sĩ,
thạc sĩ, giáo sư và phó giáo sư cao nhất nhì châu Á.

Trong một bài viết gần đây của mình, ông Bùi Đức Lại,
một cán bộ cao cấp của ngành tổ chức đảng, cũng bày tỏ
một chút ngại ngùng nên đề nghị bổ sung Hiến pháp những
hành lang cho phép hợp hiến hoá quyền qui định nói trên của
đảng. Tuy nhiên, nếu làm theo cách ấy thì đúng là nhân dân
vẫn tiếp tục bị trấn lột các quyền chính trị của mình.
Đất nước vĩ đại.

Xích Tử


***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/9281), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét