Le Nguyen - Nhận Diện Dân Chủ

Thời đại chúng ta đang sống là thời đại dân chủ, loài
người đang mơ uớc, đang hướng tới và mong muốn sống trong
dân chủ.

Tại sao dân chủ có sức hút mạnh đến thế, dân chủ là gì
và mọi người có hiểu, có tiếp nhận dân chủ cùng ý nghiã
với nhau không?

Để tránh bàn luận, tranh luận dẫn đến mâu thuẫn,
xung đột vì hiểu từng phần khác nhau về dân chủ, chúng
ta cần tìm hiểu, đào sâu dân chủ, nhằm có cái nhìn chung
về dân chủ, tạo sức bật cho tiến trình dân chủ hoá VN.

Theo nghĩa thông thường hoặc theo lý luận khoa học
lẫn chuyên ngữ trừu tượng của triết học, dù thế nào đi
nữa, cuối cùng vẫn đi đến kết luận chung: <em>dân chủ là
dân làm chủ đất nước, làm chủ đời sống của chính
mình</em>, khác với quân chủ là, quân (vua) làm chủ đất
nước, toàn quyền định đoạt đời sống của người dân
trong quốc gia, lãnh địa cai trị của vua.

Ngoài ra dân chủ cũng đã được đơn giản hoá cho số đông
người dân hiểu như: "chính phủ của dân, do dân, vì
dân;... nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ." Tất cả
khẩu hiệu vừa dẫn, đều không ngoài mục đích nêu rõ
quyền làm chủ của người dân, dân làm chủ đất nước
trong thời đại dân chủ.

Nhìn về quá khứ từ ngàn xưa hay ngược giòng
lịch sử của nhân loại, chúng ta sẽ thấy dân chủ đã
được thai nghén, khai sinh ngay từ thời quân chủ còn là mô
hình cai trị hữu hiệu trong nhiệm vụ điều hướng xã hội
phát triển theo nhịp điệu ổn định, trật tự và điều
hoà. Cho đến hôm nay, dân chủ đã đủ lớn để thay thế mô
hình cai trị quân chủ đã lỗi thời, không còn phù hợp cho
thời hiện đại này nữa.

Trong chiều dài lịch sử quân chủ, những nhà tư tưởng
cả đông lẫn tây, đã có những ý niệm dân chủ bàng bạc
đâu đó, dù chưa rõ nét qua những ý tưởng như: "Chính
quyền muốn được chính danh phải được sự đồng thuận
của toàn dân hoặc dân vi quí, xả tắc thứ chi, quân vi
khinh.." Rồi ý tưởng dân chủ không dừng lại ở đó, nó
không còn là ý niệm lãng đãng trong tầng lớp bị trị. Theo
thời gian ý niệm dân chủ tác động tích cực lên tầng lớp
thống trị quân chủ, khiến họ phải thay đổi tư duy chính
trị, phải cho tầng lớp bị trị tức người dân được
đóng góp ý kiến, được tham gia từng phần vào công việc
cai trị quốc gia, và quyền tham gia, đóng góp đó, chính là
tịnh thần dân chủ.

Việt Nam là một trong số ít nước quân chủ áp dụng tinh
thần dân chủ trong mô hình cai trị sớm nhất, điển hình
là nhà nước quân chủ trung ương không "cai trị"nhiều
đối với nhà nước địa phương, qua hình thức: "Phép vua
thua lệ làng." Đỉnh điểm tinh thần dân chủ của Chính
thể quân chủ Việt Nam, được thể hiện rõ trong Hội Nghị
Diên Hồng, khi toàn dân được hỏi, được đóng góp ý
kiến: "Trước nhục nước ta nên hòa hay nên chiến..." trong
thời Nhà Trần chống quân xâm lược Nguyên, Mông và thời
đó VN là một nhà nước quân chủ chuyên chế, không phải là
quân chủ phong kiến bởi vua chúa VN không có lệ cắt đất
phong tước cho thuộc hạ cai trị riêng và tinh thần dân chủ
đã diễn ra trong nhà nước quân chủ chuyên chế là một tiến
bộ chính trị vượt bậc đáng kinh ngạc, đáng hãnh diện cho
dân tộc VN.

Trở lại với dân chủ chúng ta đang bàn đến, đang nói tới
và muốn được sống trong, không phải là ý niệm dân chủ,
tinh thần dân chủ vừa diễn giải ở trên. Dân chủ mà chúng
ta cùng nhân loại mơ ước, muốn sống trong đó là THỂ
CHẾ CHÍNH TRỊ DÂN CHỦ. Chính thể chế nầy bảo đảm quyền
làm chủ đất nước, làm chủ đời sống của người dân
được trọn vẹn. Bởi thể chế, hệ thống cai trị nầy,
với tam quyền phân lập, hành pháp, tư pháp, lập pháp hoàn
toàn độc lập, cùng với các quyền tự do khác trong đó có
tự do ngôn luận(báo chí tự do) sẽ kiểm soát, điều chỉnh
bộ máy cai trị nhanh nhất và ngăn chặn độc tài, ngăn chặn
tội ác cách hữu hiệu nhất.

Để tránh phi dânchủ, dân chủ giả hiệu, với những lời
nào là dân chủ tập trung, dân chủ mở rộng, dân chủ cơ
sở, thật ra là gian manh chính trị, bịp bợm chính trị. Thế
cho nên để tránh giả hiệu, chúng ta cần tìm hiểu, cần
biết những điều kiện căn bản để nhận diện, thiết chế
chính thể dân chủ.

Một thể chế chính trị dân chủ thật sự phải hội đủ
các điều kiện sau: hiến pháp, đảng chính trị, bầu cử
tự do và truyền thông độc lập.

a) Hiến Pháp, được quốc hội lập hiến soạn thảo, phúc
quyết. Bản dự thảo hiến pháp này, phải được trưng
cầu dân ý để tạo sự đồng thuận của chính phủ với
người dân, tức sự thoả thuận bằng văn bản, công nhận
tính chính danh giữa giai cấp thống trị với tầng lớp bị
trị.

b) Đảng chính trị, phải có ít nhất hai đảng trở lên
nhằm thúc đẩy cạnh tranh và để người dân có quyền, có
cơ hội chọn lựa đại diện cho mình và thể hiện tính cạnh
tranh để tiến bộ.

c) Bầu cử tự do, qua cuộc phổ thông đầu phiếu kín cho các
công dân đã thành niên, có giám sát để bảo đảm tính minh
bach, công bằng trong sân chơi chính trị, bầu cử tự do.

d) Truyền thông độc lập, tất cả phương tiện truyền thông,
báo chí, truyền thanh , truyền hình, báo điện tử dù tư
nhân hay nhà nước đều không bị chỉ đạo, phải được
thông tin trung thực, đúng sự thật.

Nói chung, để nhận diện chính thể dân chủ: một là phải
có hiến pháp thật sự do ý chí, nguyện vọng của tòan dân
tạo thành; hai là ít nhất có hai đảng chính trị tự do hoạt
động, được pháp luật bảo vệ ; ba là tất cả công dân
đã thành niên đều đựơc quyền tham gia hoạt đông chính
trị, từ gián tiếp đến trực tiếp, trước, trong và sau
các cuộc bầu cử tự do; bốn là truyền thông độc lập không
bị chi phối bởi bất cứ ai, bất cứ quyền lực nào, ngoài
thông tin trung thực, đúng sự thật.

Từ cách nhận diện thể chế chính trị dân chủ, nhìn sang
mô hình tổ chức cai tri, hệ thống điều hành bộ máy nhà
nước của nước CHXHCNVN và cái cách các quan chức nhà nước
VN trình diễn dân chủ, diễn giải dân chủ trước các ống
kính truyền thông quốc tế, với dân chúng VN. Khiến cho
những người VN có quan tâm đến chính trị, có hiểu biết
về dân chủ không khỏi "đỏ mặt", vì ở thế kỷ 21
vẫn còn có đảng chính trị, đảng cầm quyền loay hoay,
múa may dân chủ trước các cơ quan truyền thông quốc tế,
với người dân như trong căn phòng không đèn, không dưỡng
khí và diễn dân chủ tệ hơn những tên hề mạt hạng,
bởi miệng nói mà tự tay tát vào mồm mình!


***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/8685), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét