Lâu nay, qua thông tin mạng internet và báo chí, từ nhiều lề,
một số người dân trong nước được biết đến một quá
trình có tính thời sự cả về một số chính sách đối nội
lẫn trong bang giao kinh tế, chính trị với một số nước liên
quan đến các khái niệm tự do, dân chủ, nhân quyền, dân
quyền, quyền con người v.v…
Dĩ nhiên các từ - khái niệm này không xa lạ với đời sống
chính trị của Việt Nam mấy chục năm qua; cũng không phải
nằm ngoài sự định nghĩa của từ điển tiếng Việt từ
những năm 50 của thế kỷ trước. Vấn đề là chiều hướng
vận động chính trị của quá trình lịch sử - xã hội liên
quan đến các khái niệm đó.
Trước hết, người dân được lôi kéo vào và phải chia sẻ
tính quan trọng của việc đưa từ dân chủ vào các văn kiện
của Đảng cộng sản Việt Nam từ sau 1986 đến nay cùng một
số văn kiện có đề cập chuyên về nhân quyền (có lúc, để
có lợi và có nét riêng, người ta gọi là quyền con người).
Theo đó, cứ mỗi lần dự thảo văn kiện Đại hội đảng,
người ta lại chuyển dịch vị trí của từ dân chủ và xem
đây như là dấu hiệu của một sự động não vĩ đại của
một tập thể vĩ đại chứng tỏ quá trình đổi mới tư duy
liên tục. Trong tuyên truyền cho văn kiện sau đó, người ta bỏ
công để giải thích rất lâu, rất hùng hồn rằng tại sao từ
dân chủ đứng trước từ gì và không đứng sau từ gì, tại
sao lại có sự thay đổi vị trí như thế. Đúng là không phí
tiền của của nhân dân. Cả những khối óc lớn như thế
nghiền ngẫm cả 5 năm để chọn cho được một vị trí mới
của từ ngữ quan trọng này trong một áng văn có đến một
nửa là kế thừa lối văn biền ngẫu mà trong thực tế, nhân
dân chẳng thấy có gì khác.
Với khái niệm nhân quyền trong văn kiện của đảng, người ta
chỉ đạo phải tôn trọng, phát huy những giá trị to tát trong
xã hội Việt Nam hiện đại như độc lập dân tộc, cơm ăn,
áo mặc, học hành, vui chơi giải trí lộ hàng nude teen nổi
loạn điệu nhảy hoàn vũ hoa hậu bóng đá lễ hội đền chùa
v.v… Nhân quyền quá đi chứ. Một đất nước qua mấy chục
năm chiến tranh, đầy tiếng súng nổ, lấy súng địch đánh
địch, mua thuốc nổ của địch để đánh vào tiệm cà phê,
rạp chiếu bóng…, bây giờ, với nghị định 94 từ năm 1984
về quản lý vũ khí, chỉ thị 406 từ 1994 về pháo nổ…,
đất nước không còn tiếng nổ nào, mạng sống người dân
cùng với sự an toàn của nhà nước cùng theo đó được bảo
đảm, không gọi là nhân quyền số 1 của thế giới sao
được.
Người dân cũng được nghe đến việc một số trí thức trong
nước lên tiếng đòi hỏi dân chủ, nhân quyền, về sự phản
đối tình trạng dân chủ, nhân quyền Việt Nam, được đọc
một số báo cáo nhân quyền Việt Nam của một số tổ chức
nước ngoài, được biết có những hội nghị trao đổi nhân
quyền giữa nước ta và các nước khác hoặc việc một số
nước đưa chuyện nhân quyền vào mặc cả trong các kế hoạch
viện trợ, đầu tư…Với những thông tin đó, người dân trong
nước hoàn toàn yên tâm về những lời phản đối của người
phát ngôn Bộ Ngoại giao rằng Việt Nam cam kết tôn trọng nhân
quyền; Việt Nam là nước pháp quyền, có Hiến pháp; nhân
quyền đã được ghi trong Hiến pháp và được thực thi đầy
đủ trong đời sống, rằng nhân quyền của Việt Nam có nội
dung khác với các nước. Người dân cũng cảnh giác rất cao
với nhận định của Đảng, nhà nước rằng việc các nước
khi đề cập đến dân chủ, nhân quyền là âm mưu diễn biến
hoà bình, lăm le xâm lược, là can thiệp vào công việc nội
bộ của nước nhà.
Mọi việc cứ như vậy, không khác được, không suy suyển gì
được và tình trạng đó, nếu không chấp nhận cái thế phải
"yên tâm" như trên thì cũng chỉ có thể giải thích như là
số phận của một dân tộc. Cái số phận đó đến một thời
điểm phải bị ách thực dân, dẫn đến cách mạng giải
phóng, rồi chiến tranh uỷ nhiệm, rồi sự chọn lựa không
cách nào khác mô hình chủ nghĩa xã hội và học thuyết Mác –
Lenin, xây dựng nhà nước chuyên chính độc đảng (trước hết
là để có súng và tiền để tổ chức lực lượng cách mạng
cùng sự hậu thuẫn, giúp đỡ của các nước lớn chống các
nước thực dân). Khi thấy thất bại thì mọi việc cũng lỡ
mất rồi, không đủ dũng cảm, không vượt được cơ chế
tập thể, không từ bỏ lòng ham quyền lực và các lợi ích
vật chất do quyền lực mang lại nên không thể làm một
Gorbachev như ở quê hương cách mạng.
Tình thế đó buộc đảng, nhà nước suốt mấy chục năm tuyên
truyền rằng đây là nến dân chủ gấp triệu triệu lần dân
chủ tư sản và theo đó nhân quyền cũng không kém ai. Đến khi
thấy sự tuyên truyền đó hết tác dụng, người ta làm việc
một cách hệ thống hơn là định nghĩa lại tất cả các khái
niệm liên quan, như kiểu V. Hugo nói đội mũ đỏ cho từ điển
tiếng Pháp sau cách mạng vậy. Người ta tham gia, phê chuẩn
tất cả các công ước quốc tế về các lĩnh vực đó (tham
gia, sao không?) nhưng chỉ tham gia với một hệ thống ký tự,
của một tập hợp vỏ ngữ âm của văn kiện; còn nội dung
thì phải Việt hoá đi. Như khái niệm nhân quyền chẳng hạn,
khi có vị nguyên thủ của một nước Bắc Á nói có màu sắc
Châu Á, hoặc một nguyên thủ khác trong khối ASEAN nói nhân
quyền có cái riêng của mỗi nước, người ta xem đó là những
cái phao cứu sinh cho sự giải thích độc quyền và độc tài
của mình. Làm sao có thể có tiếng nói chung, có con đường đi
chung khi giữa Việt Nam và nhiều nước, kể cả Liên hiệp
quốc lại lệch pha nhau trong cách giải thích (chứ không hẳn
là cách hiểu, vì người ta hiểu quá đi chứ) về những khái
niệm vốn được xem là các giá trị phổ quát được hình
thành suốt quá trình chính trị của xã hội loài người? Và
nếu không chung được thì cứ xuôi theo số phận dân tộc trong
cơ cấu chính trị hiện có, được liên tục cải biến về
màu sắc để có vẻ hợp thời hơn nhưng không làm mất vai trò
quyền lực của ai cả, cũng không làm thay đổi bản chất
chính trị chút mảy may nào cả. Muốn vậy, đảng, nhà nước
cử thoải mái tham gia bất cứ công ước, hiệp ước nào và
nói to cho nhân nhân cái tiêu ngữ của văn kiện đó, với
điều kiện là trong đó có những từ, khái niệm trừu tượng
mà ta có thể giải thích sao cũng được; còn những công ước
liên quan đến cái vật chất cụ thể, khó giải thích khác
được, thì né tránh, chẳng hạn, công ước về chống mìn,
làm sao có thể giải thích mìn là ổi xoài đu đủ hoặc bánh
mì được; do vậy cương quyết không tham gia.
Cách làm đó là an toàn, bền vững. Có điều, với người dân,
giống như việc ông bố trong một nhà nghèo không mua cá nổi
cho con ăn, bèn lấy gỗ tạc tượng cá, treo trên mâm cơm, để
có đứa phải bị bội thực vì một miếng cơm phải nhìn cá 2
lần: người dân cũng bị bội thực dân chủ, nhân quyền trong
nước.
Cho đến giờ, vẫn chưa có thuốc giải nào hiệu nghiệm và
cũng không biết bao giờ mới được giải bội thực.
Xích Tử
***********************************
Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/8622), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).
Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét