ngột" đóng lại blog Thích Học Toán của mình. Blog này rất
đáng đọc nên đã gây sự tiếc nuối cho những ai hay vào trang
này. Văn phong nhẹ nhàng, khúc chiết mà lại dí dóm, vui đùa
với sự khích lệ lòng yêu khoa học đã đành, mà còn là
những tâm sự về nhân tình thế thái của một con người
tưởng chỉ biết vùi đầu vào làm toán.
Bản thân Gs Ngô Bảo Châu không nói lý do đóng cửa blog cho
thật rõ ràng. Chỉ viết rằng "<em>Mỗi ngày đi qua, cái nhu
cầu làm mới lại mình bằng sự tĩnh lặng trở nên cần
thiết hơn. Vậy bây giờ là thời điểm để dừng lại và suy
nghĩ</em>". Thế thôi.
Tuy nhiên thế giới mạng thì lại cho rằng lý do chính là
những phản hồi có thể là quá 'nóng', thậm chí là bất
công và hơi 'phũ phàng' đối với một bài viết của anh
trên blog này (bài "Về sự sợ hãi") ngay sau phiên tòa sơ
thẩm xử Ts Luật học Cù Huy Hà Vũ.
Mặc dầu vị Giáo sư Toán nổi tiếng này đã lên tiếng về
sự "cáo lui" với lời chia tay rất có văn hóa cùng bạn
đọc của mình, nhưng dư luận xem ra vẫn không "buông tha"
sự việc mà họ cho rằng anh gây ra từ bài viết. Người xưa
bảo rằng, lời nói một khi đã vuột ra khỏi miệng thì "tứ
mã nan truy". Ác nghiệt là vậy cái sự "lập ngôn"!
Thực ra thì chính trị không phải là việc riêng của ai. Đúng
là các chính khách - những người chuyên tâm và dành hết thời
giờ cho công việc này, nhưng các nhà toán học, các nhà khoa
học cả tự nhiên và xã hội nói chung cũng như mọi công dân
có hiểu biết khác, tất cả họ đều có thể tham gia luận
bàn về chính trị. Tức là chính trị và các hoạt động chính
trị không khoanh vùng riêng cho một ai, một lớp người nào
cả. Tỏ một thái độ như Ngô Bảo Châu về một phiên tòa
xử một người có tri thức cao như Cù Huy Hà Vũ, cái việc anh
bàn tới các vấn đề chính trị xã hội rộng lớn bên ngoài
toán học của anh thì cũng là một công việc hết sức bình
thường. Anh cũng bình đẳng như mọi người viết khác. Tuy
nhiên do là con người của công chúng, lời nói của anh Châu,
quan điểm và cách hành xử của vị giáo sư toán lừng danh ra
cả ngoài bờ cõi đất Việt đều được nhìn nhận xem xét
"khắt khe" hơn so với một con người bình thường khác.
Đây cũng là một sự tất nhiên, không thể khác. Nên có thể
các hệ lụy đến "không ngờ", và với chính người viết
ra vài ba chục dòng chữ ngắn ngủi kia cũng "tính không
hết", nên anh Ngô Bảo Châu đã buộc phải chọn cách rút lui
về "tháp ngà" khoa học của riêng anh, thay vì phân trần
trước dư luận? Làm một người nổi tiếng, một danh nhân
thường chịu nhiều áp lực và sự phán quyết bất ngờ và ồ
ạt đến như vậy.
Nhưng chúng ta cũng phải công bằng với Gs Ngô Bảo Châu chứ.
Bởi anh chỉ phát ngôn với tư cách một nhà toán học nặng
lòng với đất nước về một vài ý tưởng nẩy ra trong anh sau
phiên tòa kia. Anh không định tranh luận với ai, bởi anh chỉ
viết blog, thứ nhật ký cá nhân, chứ có gửi cho báo chí nào
đăng đâu, công bố đâu? Tuy nhiên khi các trang mạng có số
người truy cập lớn post bài này lên, anh vừa nhận được bao
lời ngợi khen thì cũng ngay sau đấy hứng trọn một "trận
đòn" dư luận. Oái oăm thời bùng nổ thông tin, một mặt có
nhiều điều rất hay, mặt khác tức thì gây nên nghịch lý
này.
Trở lại bài bài viết của Ngô Bảo Châu đúng chỉ gói gọn
trong 288 từ. Là anh chỉ muốn chuyển tải một ý tưởng:
"<em>Không thể lấy sự cẩu thả và sự sợ hãi làm phương
pháp bảo vệ chế độ</em>". Còn các vấn đề khác chắc là
anh nhường các cây bút, các nhà văn nhà báo nhà lý luận giỏi
giang khác chứ anh đâu dám lấn sân vô. Việc anh bị phê phán,
thậm chí là "chửi bới" theo nghĩa đen (các comment trên
nhiều blog) là tập trung vào hai mệnh đề anh viết: Đó là
"<em>…lý lẽ ông (CHHVũ) đưa ra không thấy có tính thuyết
phục đặc biệt</em>" và bản thân anh vốn thuộc tạng
người "<em>không đặc biệt hâm mộ ông CHHVũ</em>". Vả
lại trong cả bài viết, Gs Ngô Bảo Châu không một lời kết
tội CHHVũ, thậm chí còn có ý so sánh ông Vũ như một Hector,
một Turnus, một Kinh Kha của thời nay đã "<em>không hề sợ hãi
khi phải đối mặt với số phận của mình</em>", tưởng đó
cũng là một sự đánh giá rất cao phẩm giá dũng cảm đối
mặt với số phận khắc nghiệt mà ông Vũ đang chạm trán.
Mặt khác tôi nghĩ rằng, ai đó không hâm mộ, không thần
tượng một ai đó thì phải coi là điều rất bình thường
trong cuộc sống chứ. Có sao đâu, có hại cho ai đâu! Cũng như
việc nhận định, kiến giải, lý lẽ của bất cứ ai đưa ra
mà có người nhận xét là không/chưa thuyết phục (lại là
thuyết phục "đặc biệt") thì đâu có húy kỵ, sai trái gì
nhỉ!
Dân chủ, Tự do là nguyện vọng và quyền được hưởng của
người dân phải tranh đấu mới có được thì cái việc hiểu
và diễn giảng đối với hai cặp từ cao quý này cũng nên để
mọi người, mọi công dân được rộng đường dư luận. Độc
quyền (dù là độc quyền mà mình coi là chân lý đi nữa) ở
trong bất cứ trường hợp nào phỏng có ích gì. Tôi cũng từng
viết trên blog này nhân cuộc tổng tuyển cử để nên bầu QH
và HĐND các cấp của nước ta diễn ra cuối tháng 5 sắp tới,
là một ứng cử viên đưa ra có tới 100% người tán thành
thực ra cũng không phải là một hiện tượng đáng mừng vui gì
nhiều. Cái cách ta đang làm về tuyển cử bầu cử nó đưa
lại một kết quả kiểu như trên đâu phải là cách hay nhất,
cách thuyết phục người dân nhất lúc này. Một con người sẽ
làm việc công mà ngàn, vạn lá phiếu nhất loạt bầu cho (100%)
trong bối cảnh xã hội ở ta lúc này chưa chắc cái con người
nào đó đã có được các phẩm chất và tính cách mà nhân dân
cần đến. Được tín nhiệm của dân đến quá bán, cao hơn là
60 – 70% đã là những con người có thể làm được việc,
thậm chí là làm được các việc tốt cho đa phần người dân
mong muốn chứ đâu cứ phải tròn 100% đồng ý đã là tốt?
Vậy anh Ngô Bảo Châu có thể phát ra hai ý kiến trên, sao lại
vội chụp cho anh cả lô cái mũ không đáng có? Anh có quyền
không bàn sâu vào các vấn đề chính trị và xã hội mà Ts Cù
Huy Hà Vũ luận bàn tới. Đồng ý với ý tưởng của Hà Vũ,
hoặc đồng ý từng phần, không đồng ý nữa cũng vẫn là
quyền của Ngô Bảo Châu. Vả lại, Ngô Bảo Châu vẫn hoàn
toàn có quyền như một số người khác là chưa tán thành các
lập luận và lý lẽ của của một ai đó về các quan điểm
chính trị - xã hội thì âu cũng là lẽ thường. Chứ sao lại
vội vàng dội những quả bom tấn vào một vài ý kiến như
trên của vị giáo sư còn trẻ với chuyên tâm là toán học.
Đòi hỏi cao là cần với người tài, nhưng liệu như thế có
quá cao và không cần thiết với một con người như Ngô Bảo
Châu. Hậu quả là khiến nhà toán học bản lĩnh là vậy đã
phải chán nản cáo lui vào hậu trường, rời khỏi các diễn
đàn cộng đồng. Nghĩ thấy phí phạm và càng tiếc nuối quá.
Tôi viết những dòng này cũng vì còn nguyên cái ấn tượng khó
quên của mình hồi vị giáo sư trẻ Ngô Bảo Châu nhận Giải
thưởng toán học danh giá ở Ấn Độ. Kế đến anh về nước
được tôn vinh ở mức "không thể cao hơn" (ở nước ta);
rồi qua lời ăn tiếng nói của anh đã thu hút ra sao công luận
cả nước thời kỳ đó … Tất cả đã làm tăng thêm cảm
tình vốn có của mình đối với một lớp trẻ Việt Nam có
học vấn đã thể hiện sự tự tin trong thời đất nước mở
cửa hội nhập toàn cầu.
Ngay cái việc anh Ngô Bảo Châu lúc đó công khai nói mình sẽ
tiếp tục công việc nghiên cứu khoa học trên đất Mỹ chứ
không trở về Việt Nam làm việc - dù được vồ vập và tung
hô - chúng ta thấy công luận và công chúng lúc ấy đều đồng
tình chứ chẳng ai mắc mỏ thắc mắc gì.
Có thể từ những câu chuyện kể trên đã thúc đẩy tôi cố
gắng tìm tòi trên mạng để đọc thêm những bài viết mà
mình có thể chưa biết tới xung quanh nhân vật này.
Sự cất công mày mò khá mất thì giờ của tôi quả là không
uổng! Trong vô số các bài viết năm ngoái báo chí và thế
giới mạng công bố - khi anh Châu nhận giải thưởng lớn; khi
anh về nước; thời điểm anh nhận căn hộ nhà nước cấp;
lúc anh nhận về nguyên tắc là sẽ điều khiển như một
người đứng đầu một trung tâm nghiên cứu toán học cao cấp
nhà nước lập ra mà hằng năm anh sắp xếp thời gian về
nước làm việc - tôi để ý nhất đến một bài dưới đây:
- <a
href="http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=111&CategoryID=2&News=3116">Trò
chuyện với nhà toán học Ngô Bảo Châu (do Phan Việt thực
hiện)</a>
Đó là cuộc chuyện trò giữa anh và một người viết văn nữ
còn ít tuổi hơn cả anh. Điểm chung họ đều là những trí
thức Việt Nam trẻ tuổi sống ở nước ngoài. Nội dung cuộc
trò chuyện này hình như đã "gói trọn tính cách và cũng là
nhân cách sống và làm việc" của nhà toán học trẻ tuổi.
Tôi hoàn toàn không muốn thanh minh cho Ngô Bảo Châu. Bởi đó
không phải là công việc của chúng ta. Tôi chỉ muốn, qua vụ
scandal vừa rồi xung quanh nhà toán học, nếu trong lòng chúng ta
còn quý hóa tài năng và nhân cách của một chàng trai trẻ
tuổi có chí hướng rõ rệt về các cống hiến cho khoa học,
tôi thiết nghĩ chúng ta nên bình tâm lại. Hãy cố gắng lắng
nghe những tâm tình, tâm sự của Ngô Bảo Châu cách đây đúng
trọn một năm...
Nguyễn Vĩnh
***********************************
Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/8496), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).
Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét