từ ngày 4/11/2010 đến nay, ông đã ngồi tù đúng 162 ngày.
Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại. Hiểu theo nghĩa đó,
một trăm sáu mươi hai ngày trong tù là 162 ngàn năm ở ngoài.
Nói ra chắc cũng thừa, nhưng Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ thật sự
là – nói theo tiếng Anh – một "<em>controversial man</em>",
một nhân vật gây ra nhiều tranh luận. Thật vậy, chẳng
những quan điểm của ông gây ra nhiều tranh cãi, cách thể
hiện quan điểm cũng có kẻ khen người chê, mà đặc biệt là
phiên tòa xử ông mới tạo nên một làn sóng tranh luận sôi
nổi. Có thể nói ông được nhiều người đồng tình và ủng
hộ hơn là chỉ trích. Người ta mến mộ ông là người mà
hành động và suy nghĩ nhất quán nhau. Và, ông sẵn sàng chấp
nhận hình phạt vì sự nhất quán đó.
Có người không "mặn mà" với Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, vì
họ nói ông ngông. Tôi không quan tâm đến việc Tiến sĩ Hà
Vũ ngông hay không, vì gọi tên cho một thái độ còn tùy thuộc
vào cảm nhận cá nhân. Cái quan trọng là phải phân biệt
được cá nhân và luận điểm. Có những bộ trưởng Úc là
đồng tính luyến ái, đàn ông mà đeo bông tai, ăn nói "bạt
mạng", nhưng chẳng ai quan tâm đến những cá tính đó;
người ta quan tâm đến phát biểu và chính sách của họ.
Không phân biệt được cá nhân và quan điểm là dễ bị
thuyết phục bởi ngụy biện, và sa đà vào những vấn đề
làm lạc hướng luận điểm của cá nhân đó. Thật ra, người
có tài thường có … tật. Cái tật của người tài, nhất là
người có nghệ sĩ tính, chính là cái ngông và gàn. Thử nhìn
các nghệ sĩ khi lên sân khấu: họ coi trời bằng vung. Nhiều
người Việt có lẽ do ảnh hưởng văn hóa Khổng tử và
truyền thống. không thích thái độ ngông và gàn, nhưng ở
phương Tây thì chẳng ai quan tâm đến những chuyện như thế.
Ở Úc này, luật sư và thường dân đâm đơn kiện thủ
tướng, bộ trưởng là chuyện... thường ngày. Nhớ lại hôm
biểu tình chống chính sách cắt giảm ngân sách cho nghiên cứu
y khoa, một ông giáo sư ở bệnh viện Wesmead gọi thủ tướng
Julia Gillard là "cô" và cảnh báo: "<em>cô mà làm bậy là coi
chừng năm tới sẽ không còn ngồi cái ghế đó nhé</em>". Tất
nhiên, bà Gillard nghe thì cũng cười thôi. Ông ấy có quyền
nói, và bà thủ tướng có quyền... nghe (còn làm hay không là
chuyện khác!) Nhưng cái ngông, cái gàn của họ là những đặc
điểm làm nên họ, chúng ta không có quyền gì đòi hỏi họ
phải như chúng ta. Nếu trên thế giới này, ai cũng giống ai, ai
cũng nói như nhau thì... chán biết mấy. Cá nhân và cá tính
tập hợp lại cấu tạo nên một xã hội sinh động và thú
vị. Tôi từng nghe một nhà báo nói: Người nghệ sĩ mà không
có cá tính là đáng vứt đi.
Lại có người nhận xét chung chung rằng quan điểm của Tiến
sĩ Cù Huy Hà Vũ thiếu tính thuyết phục, nhưng họ không nói
quan điểm nào. Tôi đoán trong hàng trăm ý kiến của Tiến sĩ
Hà Vũ chắc chắn có nhiều ý kiến không thuyết phục, thậm
chí sai nếu nhìn dưới góc cạnh nào đó. Cũng là nhân vô
thập toàn cả thôi. Một người thông thái nói trăm điều
chắc chắn có 1 điều sai; ngược lại, một người điên nói
trăm điều chắc cũng có 1 điều hay. Sai chỗ nào thì không
biết, nhưng đối với những vấn đề mà tôi quan tâm thì quan
điểm của Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ hoàn toàn có lí và thuyết
phục. Chẳng hạn như ông kêu gọi ghi công những người lính
hải quân Việt Nam Cộng Hòa ngày xưa vì họ có công đánh trả
quyết liệt và hi sinh một cách anh dũng chống lại bọn xâm
lăng Trung Quốc trong trận hải chiến bảo vệ Hoàng Sa năm 1974.
Họ đáng được ghi công quá đi chứ. Nhưng nếu là người
lớn lên sau 1975 bị nhồi nhét bằng những thông tin rằng ngụy
quân ngụy quyền là xấu xa, ác ôn, tàn bạo, thì quả thật
quan điểm của Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ không thuyết phục.
Tiến sĩ Hà Vũ kêu gọi hòa hợp hòa giải dân tộc. Ở hải
ngoại trong 20 năm qua cũng đã có không ít người nghĩ đến
chuyện này, nhưng có lẽ chưa ai nói một cách rành mạch và
chân tình như Cù Huy Hà Vũ. Tôi đọc đi đọc lại hai ba lần
<a href="http://danluan.org/node/4848">bài trả lời phỏng vấn trên
đài VOA</a>, và lần nào cũng thấy dễ đồng cảm với tác
giả. Nhưng tôi cũng thông cảm nếu một người chưa có kinh
nghiệm phải liều mình bỏ quê hương ra đi trong nước mắt,
chưa biết đến hàng trăm ngàn người vùi thân dưới đáy
biển vĩnh viễn, chưa biết đến hàng ngàn ngôi mô hoang lạnh
ở các đảo trong vùng Đông Nam Á, những người không có thân
nhân bị tù đày và chết trong các trại tập trung, thì quan
điểm hòa hợp hòa giải dân tộc của Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ
chẳng những thiếu tính thuyết phục mà còn không cần thiết.
Nhưng trong thực tế, những dao động lịch sử lại tạo nên
một bộ phận trong cộng đồng dân tộc mà những phát biểu
của Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ đã chẳng những nói lên được
nguyện vọng, mà còn phản ảnh một phần tình cảm của họ.
Một số điểm quan trọng mà Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ nói trong
bài phỏng vấn trên đài VOA có lí có tình, và cũng chính là
những gì cố thủ tướng Võ Văn Kiệt từng đề cập trước
đây bằng một cách nói khác. Còn nhớ cố thủ tướng Kiệt
nói chí lí rằng sau cuộc chiến có hàng triệu người vui thì
cũng có hàng triệu người buồn. Một đất nước mà phân
nửa dân số vui và phân nửa buồn thì không thể nào mạnh
được. Nhưng chúng ta cần phải mạnh. Do đó, tôi thấy quan
điểm của ông liên quan đến chuyện hòa hợp hòa giải dân
tộc, những quan tâm đến các vấn đề vĩ mô của đất nước
rất thuyết phục; chẳng những thuyết phục, mà còn rất cần
thiết.
Tôi mến mộ Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ. Mến mộ một nhân vật đa
tài và cương trực. Đồng cảm với những quan điểm của ông
về các vấn đề xã hội và đất nước. Bây giờ thì Tiến
sĩ Cù Huy Hà Vũ vi phạm luật pháp Việt Nam và bị phạt tù.
Nhưng sự mến mộ của tôi dành cho ông vẫn không thay đổi.
Tôi nghĩ ông xứng đáng được đối xử tốt hơn và công
bằng hơn. Có lần nói chuyện với một anh bạn là đảng viên
lâu năm và cựu sĩ quan trong quân đội, anh nhận xét rằng
những người đi tù gần đây đều là trí thức và thành
đạt. Anh còn nói hay là cần phải xem xét lại cách Nhà nước
đã hành xử như thế nào mà những người ưu tú trong xã hội
lần lượt đều bị phạm tội "<em>tuyên truyền chống Nhà
nước xã hội chủ nghĩa</em>". Tức là, họ bị phạt chỉ
vì họ nói lên quan điểm cá nhân. Tôi chợt nhớ đến một
tác gia người Mĩ là Evelyn Hall từng viết đại khái rằng tôi
không ưa những gì anh nói, nhưng tôi sẽ bảo vệ đến chết
quyền anh được nói (<em>I disapprove of what you say, but I will
defend to the death your right to say it</em>). Có thể ai đó không
thích, thậm chí ghét, những gì Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ phát
biểu, nhưng cũng nên tỏ ra văn minh để bảo vệ quyền ông
được phát biểu. Bởi thế, khi các thầy Nguyễn Huệ Chi,
Phạm Toàn, và Nguyễn Thế Hùng kêu gọi trả tự do cho Tiến
sĩ Cù Huy Hà Vũ, tôi sẵn sàng kí tên vào bản kiến nghị. Dù
đoán trước rằng có lẽ bản kiến nghị cũng sẽ chẳng có ai
trong Chính phủ quan tâm trả lời, nhưng tôi thấy vẫn cần
thiết phải để lại một "chứng từ" trước sự kiện quan
trọng này.
Ngày xưa ở miền Nam có phong trào Phật giáo dấn thân (Engaged
Buddhism), tức ứng dụng các nguyên lí của Phật giáo để
giải quyết các vấn đề xã hội. Có thể nói rằng qua những
việc làm và phát biểu của ông, Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ là một
trí thức dấn thân, một engaged intellect. Để dấn thân và
giữ được tố chất trí thức cá nhân trong một môi trường
có định hướng đồng hóa mọi người trong xã hội, tôi nghĩ
đó là một thành công lớn nhất của Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ.
Chỉ còn 2 tuần nữa là đến ngày kỉ niệm 30/4, chắc chắn
sẽ có nhiều bài viết và ý kiến nhân dịp ngày lịch sử
này, nhưng tôi thấy ý kiến của Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ vẫn
còn tính thời sự và đáng suy ngẫm.
NVT
***********************************
Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/8524), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).
Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét