Nguyễn Trọng Bình - Đọc sách: Xin thưa, dân mình khổ lắm!

<h2>1.</h2>

Dạo này người ta hay nói về "văn hóa đọc" giống như nói
về hàng trăm thứ "văn hóa" khác nữa (thậm chí có người
còn bảo "văn hóa đạo văn nữa", "văn hóa xếp hàng"!).
Khổ quá, sao mà lắm thứ "văn hóa" đến thế? Nhưng mà
thôi, giờ trở lại với chuyện "văn hóa đọc"! Trước
hết cụm từ "văn hóa đọc" có nghĩa là gì? Nhà phê bình
Phạm Xuân Nguyên cho rằng: "văn hóa đọc" chính là đọc
sách có văn hóa [1]. Điều này đúng, bởi cũng như ta nói
"văn hóa giao thông" là giao thông có văn hóa, là mọi người
phải thể hiện văn hóa của bản thân khi tham gia giao thông;
nói văn hóa giao tiếp và ứng xử" là muốn nói đến con
người trong khi giao tiếp và ứng xử phải có văn hóa. Ấy
vậy mà không hiểu sao có rất nhiều người hiện nay khi thống
kê và khảo sát tỉ lệ người dân đọc sách ở Việt Nam
(đặc biệt là ở những người trẻ) và nhận ra rằng tỉ lệ
này thấp lại đi đến kết luận: ở Việt Nam không có "văn
hóa đọc" hay "văn hóa đọc" ở Việt Nam kém! Sao kì vậy,
ít người đọc sách thì cho là không có "văn hóa đọc" hay
"văn hóa đọc" kém nghĩa là sao? Hay như có người còn cất
công đi khảo sát "văn hóa đọc" ở Việt Nam ngay cả trên
những chuyến xe buýt và phát hiện ra rằng "Tìm 2 tháng trên
xe buýt mới thấy có 1 người đọc sách" [2] rồi "kết
tội" "văn hóa đọc" của người Việt Nam nơi "công
cộng" đang là một "thực trạng thê thảm". Kết luận như
thế có vội vã và sai lầm không nếu và lẽ ra phải hiểu
cụm từ "văn hóa đọc" là "đọc sách có văn hóa? (cũng
xin mở ngoặt nói thêm là như thế nào thì mới được gọi là
một người đọc sách có văn hóa nữa ?- rõ khổ!).

<h2>2.</h2>

Bây giờ chúng ta thử bàn về chuyện vì sao ở Việt Nam tỉ
lệ người dân đọc sách không nhiều (nhất là ở những
người trẻ như: học sinh, sinh viên, nông dân, công nhân, buôn
bán nhỏ, làm thuê, làm mướn…) rồi sau đó hãy xem xét đến
việc có nên hay không nên "kết tội" họ là không có "văn
hóa đọc" gì đó…

Khổ lắm, mọi người ạ, cứ nhìn vào những đối tượng
vừa kể ở trên (mà những "nhà văn hóa đọc" bảo họ là
"văn hóa đọc" kém) thì sẽ trả lời được ngay thôi. Họ
là những ai? Xin thưa: một là, những người chưa làm ra tiền
để tự nuôi sống bản thân mà đang ăn bám vào bố mẹ (học
sinh, sinh viên); hai là, những con người "tay lắm chân bùn"
quanh năm "bán mặt cho đất bán lưng cho trời" (nông dân); ba
là, những con người đang bị các ông chủ người nước ngoài
bắt phải ngày đêm tăng ca liên tục ở các khu công nghiệp
(công nhân); bốn là, những phận người nổi trôi (buôn bán
nhỏ lẻ, làm thuê, làm mướn, bán vé số…). Tóm lại, tất
cả những đối tượng này đều đang phải ngày đêm vất vã
mưu sinh và "chạy ăn từng bữa toát mồ hôi" đấy. Chân
dung những người "văn hóa đọc" kém đó mọi người ạ,
có nên "kết tội" họ không? Thực ra, người ta không thể
mỗi ngày mua 1 tờ báo (tuy giá giá chỉ 3000 đồng, vị chi một
tháng là 90000), hay mua một quyển sách văn chương, một quyển
sách "bách khoa toàn thư về tri thức của nhân loại" với
cái giá từ vài chục ngàn đến vài trăm ngàn về đọc trong
khi cái bụng lúc nào cũng sôi lên ùng ục, "tối về một gói
mì tôm" hay trong khi con cái nheo nhóc với đủ thứ chi phí
phải lo toan…! Sức lực và thời gian đâu nữa để mà đọc
(hay đọc cho có văn hóa). Người ta không thể ăn… không khí
để mà đọc sách văn chương và sách "bách khoa toàn thư về
tri thức của nhân loại"! Vậy nên, hãy nhìn vào thực tế
này mà xót thương cho dân mình đừng vội vã kết tội họ là
"văn hóa đọc" kém. Tội cho họ lắm vì suy cho cùng "vật
chất quyết định ý thức" mà. Người ta phải dành dụm vay
mượn để có tiền mua miếng đất, xây căn nhà lên trước
đã rồi mới tính chuyện trồng trước sân loại hoa gì để
mà ngắm mà thưởng thức mà thư giãn "tinh thần"... Cũng
như các em sinh viên vậy, sáng sớm phải mua ổ bánh mỳ hoặc
nắm xôi bỏ vào mồm nhai cho vững bụng cái đã (để còn có
sức lên giảng đường học tập) chứ nếu mua tờ báo 3000
đồng/ngày thì tiền đâu để đóng tiền nhà trọ (chủ nhà
trọ vừa bảo tháng này sẽ tăng giá đấy) và vô vàn những
khoản chi phí khác nữa…?

<h2>3.</h2>

"Người nước ngoài" đọc sách "mọi lúc mọi nơi" là
người nước ngoài ở những nước nào vậy mà sao cứ đem ra
so sánh với những học sinh, sinh viên, nông dân, công nhân, buôn
bán nhỏ, làm thuê, làm mướn… ở nước ta? Khổ quá, đó là
"người nước ngoài" của các nước phát triển như Anh, Mĩ,
Pháp, Đức, Nhật, Úc,… mà. Sao không thấy các nhà "văn hóa
đọc" nào bay qua Somali, Lybia, Campuchia… cũng là những
"người nước ngoài" để tìm hiểu họ có đọc sách mọi
lúc mọi nơi không rồi hãy về so sánh với người nước ta?
Cứ vậy hoài, cứ thấy người sang là bắt quàng làm họ là
sao? Một anh "Tây ba lô" nào đó sang Việt Nam du lịch lúc
nào cũng cầm trên tay tấm bản đồ hay cuốn sách nào đó đi
dọc miền đất nước được chúng ta mời đón trân trọng
đôi khi chỉ là một kẻ thất nghiệp được nhà nước bên
xứ họ trợ cấp thất nghiệp thôi. Thử nghĩ xem tiền trợ
cấp thất nghiệp của người ta cũng đủ để làm một cuộc
"hành trình xuyên Việt" nơi xứ mình rồi thì so sánh với
người dân tay lắm chân bùn ở ta làm gì? Vậy nên, đừng so
sánh "văn hóa đọc" gì đó theo kiểu này nữa!

<h2>4.</h2>

Ai có trách nhiệm với quê hương, đất nước Việt mà không
thấy lo lắng cho sự lạc hậu của nước mình trên nhiều lĩnh
vực nhất là nhìn về thực trạng văn hóa và giáo dục (vốn
còn nhiều "vấn nạn" cần phải giải quyết) như hiện nay
nếu so với các nước tiên tiến trên thế giới. Ai yêu nước
mà không thấy buồn khi biết rằng sách là nguồn tri thức vô
tận giúp con người chinh phục thế giới thế nhưng người dân
nước mình lại ít khi chịu đọc sách? Tuy nhiên, thấy và
buồn là một lẽ nhưng tìm ra nguyên nhân và giải pháp khắc
phục là một lẽ khác. Ví như, trong thời "bão giá" và lạm
phát như hiện nay lại đi phát động và tuyên truyền người ta
đi mua sách về nhà đọc thì đúng là dù không muốn nhưng cũng
phải nói rằng "ai đó" thật là biết sống "lãng mạn"
nếu không muốn nói là thần kinh đang có… vấn đề! Sao không
tổ chức "ngày toàn dân đọc sách" vào một dịp khác mà
lại tổ chức vào đúng thời điểm "bão giá" và lạm phát
như hiện nay (hay lại muốn vận dụng phép thắng lợi tinh
thần của AQ để xoa dịu người dân?). Hay như muốn cổ vũ cho
những người có thu nhập thấp đọc sách sao không "hi sinh"
bớt một chút lợi nhuận về bản quyền sách của mình để
thể hiện tấm lòng chia sẻ thiết thực và chân thành với
người đọc? Một cuốn sách chỉ thực sự có giá trị khi nó
đã đến… mắt người đọc (không phải đến tay đâu bởi
có nhiều người tuy sách đã đến tay rồi mà vẫn không thèm
ngó đấy) chứ không phải nằm ở cái giá bìa vài ba trăm ngàn
của nó đâu! Hay như một cuốn sách mà chỉ nằm trên giá
sách quanh năm không ai thèm giở ra xem suy cho cùng thì cũng chỉ
là… giấy thôi chứ không phải là sách - tri thức của nhân
loại.

<h2>5.</h2>

Nói tóm lại, tóm lại và tóm lại là:

Một, kể từ nay chúng ta thống nhất với nhau là không nên
dùng cụm từ "văn hóa đọc" thấp (hay kém) để nói về
tỉ lệ người dân Việt Nam ít chịu đọc sách vậy! Bởi vì
tỉ lệ người dân ít chịu đọc sách và cái gọi là "đọc
sách có văn hóa" (theo nghĩa của cụm từ "văn hóa đọc")
là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau, không thể lấy cái này
giải thích cho cái kia.

Hai, chúng ta có thể buồn về tỉ lệ người Việt Nam ít đọc
sách thì được nhưng không được kết tội họ này nọ! Bởi
vi thực sự dân ta đang khổ lắm các nhà "văn hóa đọc"
ạ! "Giá như không có miếng ăn thì cuộc đời này nó giản
dị biết chừng nào!" (nhà văn Nam Cao nói trước 1945 đấy)?
Và giá như không phải "đầu tắt mặt tối" lo miếng ăn
trong thời bão giá này thì tôi tin người Việt Nam mình sẽ
đến những hiệu sách mua sách để đọc thôi. Nói thật đó!

Cần Thơ, 27/4/2011
Nguyễn Trọng Bình


<strong>Ghi chú:</strong>

[1] Theo bài viết:<a
href="http://www.bee.net.vn/channel/1983/201104/Vui-vi-co-nguoi-ham-doc-buon-boi-su-ua-chen-lan-1797078">
Vui vì có người ham đọc, buồn bởi sự ưa chen lấn</a> (dẫn
lại từ trang Viet - Studies)

[2] Theo bài viết: <a
href="http://www.thethaovanhoa.vn/133N20110426092141764T0/nguyen-quang-thach-tim-2-thang-tren-xe-buyt-moi-thay-1-nguoi-doc-sach.htm">Nguyễn
Quang Thạch - Tìm 2 tháng trên xe buýt mới thấy 1 người đọc
sách</a> (dẫn lại từ trang Viet - Studies)

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/8650), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét