Dragon" (Việt Nam – con rồng trỗi dậy) của Bill Hayton, nguyên
phóng viên BBC tại Hà Nội. Tiêu đề của phần này do người
dịch đặt. Quan điểm của người dịch không nhất thiết
trùng quan điểm của tác giả. Người dịch không chịu trách
nhiệm về việc kiểm chứng thông tin trong bài viết.</em>
<center>* * *</center>
Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài là một phần rất dễ
nhìn thấy trong nền kinh tế. Huy động tới hàng triệu nhân
công và đóng góp rất nhiều thuế, nhưng nó lại không chi
phối nổi những đỉnh cao chỉ huy (*). Công ty có vốn đầu tư
nước ngoài vẫn bị nhà nước kiểm soát, ít nhất là trên lý
thuyết. Năm 2005, 122 trong số 200 doanh nghiệp lớn nhất Việt
Nam là doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Số liệu đã thay đổi
chút ít kể từ đó, mặc dù một số ngân hàng tư nhân giờ
đây đang sánh kịp bạn bè. Đối với Đảng, khu vực nhà
nước mạnh là cách để họ duy trì sự tự chủ của quốc gia
trong thời đại toàn cầu hóa. Nghĩa là Đảng có thể vẫn
đặt ra những mục tiêu lớn – như là quyết định phát
triển "kinh tế biển" vào tháng 12 năm 2006 - một khái niệm
rộng mênh mông bao trùm tất cả mọi thứ từ dầu đến cá và
tàu. Đảng cũng quyết tâm duy trì mức độ kiểm soát cao của
nhà nước đối với tất cả các lĩnh vực quan trọng chiến
lược như tài nguyên thiên nhiên, vận tải, tài chính, cơ sở
hạ tầng, quốc phòng và truyền thông.
Đảng đã rút ra bài học từ những lỗi lầm trong quá khứ:
cách ly doanh nghiệp quốc doanh khỏi thế giới bên ngoài chẳng
mang lại lợi ích gì cho đất nước – để thịnh vượng, họ
cần vốn đầu tư mới và những kỹ năng quản lý, kỹ thuật
hiện đại. Họ đã sẵn sàng sử dụng tất cả các mẹo mực
trong sách vở tư bản để kích thích phần xã hội chủ nghĩa
của nền kinh tế cất cánh. Doanh nghiệp được tự do lập các
liên doanh với đối tác nước ngoài và bán cổ phiếu cho nhà
đầu tư ngoại quốc, thậm chí là "cổ phần hóa" (từ
"tư nhân hóa" vẫn bị nghi hoặc về mặt chính trị) –
chỉ miễn là toàn bộ khâu quản lý phải tuân theo lệnh
Đảng. Đổi lại, các DNNN nhận được sự hỗ trợ ưu đãi
của chính phủ. Một trong những ví dụ rõ ràng nhất, tuy không
phải duy nhất, là tập đoàn Công nghiệp Đóng tàu Việt Nam:
VinaShin.
VinaShin có mục tiêu đầy tham vọng: đưa Việt Nam thành quốc
gia đóng tàu đứng thứ tư thế giới vào năm 2018. Một trong
những biện pháp để họ làm điều này là sử dụng hỗ trợ
tài chính của nhà nước để đóng tàu rẻ hơn bất kỳ nơi
nào khác. Một trong những kẻ hưởng lợi là công ty Anh, Graig.
Nằm ở thủ phủ Cardiff của xứ Wales, Graig chuyên đặt mua
những tàu vận tải cỡ lớn và sau đấy bán chúng đi, chẳng
khác gì mua bán ngựa thồ trong mậu dịch biển quốc tế. Tàu
"Diamond 53s" của họ, trọng tải toàn phần 53.000 tấn, đặc
biệt thành công. Hầu hết tàu của Graig được đóng ở Trung
Quốc, nhưng vào năm 2004, VinaShin trúng một hợp đồng đóng 15
chiếc tàu với tổng giá 322 triệu USD. Hợp đồng không bao
giờ có thể được ký nếu không có sự hậu thuẫn của ngân
hàng. Cơ sở vật chất và kỹ năng ban đầu của VinaShin kém
đến mức Graig cần một sự bảo đảm rằng họ sẽ được
nhận lại tiền nếu tàu không nổi trên mặt nước. Nhưng các
ngân hàng tư nhân không cung cấp khoản bảo lãnh và lúc đầu
thì các ngân hàng quốc doanh cũng từ chối. Chỉ đến khi đích
thân Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo khối ngân hàng quốc
doanh tiến hành bảo lãnh, một ngày trước khi hợp đồng phải
ký theo kế hoạch, thì mọi sự mới được xúc tiến.
Cho đến tháng 4 năm 2006, con tàu đầu tiên đã sẵn sàng hạ
thủy ở bãi tàu Hạ Long, thuộc tỉnh Quảng Ninh, cực đông
bắc Việt Nam. Đó là một sự kiện trọng đại. Tàu Florence
là con tàu lớn nhất từng được đóng ở Việt Nam. Vào ngày
hạ thủy, thân tàu màu đỏ - đen, dài 190 mét, cao vượt hẳn
lên trên đầu đám đông tới 30 mét. Công nhân đóng tàu im hơi
lặng tiếng, còn những người ở cấp cao hơn họ được mời
tới dự sự kiện trọng đại thì đều có mặt. Đấy là
khoảnh khắc quyết định đối với nền công nghiệp hàng hải
Việt Nam. Lệnh ban ra, tàu Florence bắt đầu xuống đường
trượt. Mọi người đều vỗ tay kéo dài một lúc. Nhưng vài
giờ sau đó, sự rầm rĩ bị thay bằng nỗi xấu hổ. Florence
bị một vết nứt – hầm số 4 (trong số 5 hầm) ngập đầy
nước. Đây không phải điều VinaShin muốn công bố trong ngày
hôm ấy, ngày được coi là đánh dấu sự gia nhập của Việt
Nam vào liên minh các nước đóng tàu lớn. Báo chí đưa ra vài
lời giải thích: rằng thì là một khối dầm gỗ rơi vào tàu
trong quá trình hạ thủy và xé một lỗ đường kính 1 mét trên
thân tàu; đường trượt được xây quá ngắn và quá dốc nên
thân tàu bị nứt khi tiếp nước. Mặc dù (đã tiếp nhận)
những khóa đào tạo và lời tư vấn từ Graig, VinaShin rõ ràng
cần học hỏi thêm về ngành đóng tàu.
Tuy nhiên, lỗ thủng được hàn và tàu Florence giờ đây đã an
toàn lướt trên đại dương, cùng với vài con tàu Diamond 53s
khác do Việt Nam đóng. Kể từ lần hạ thủy kém may mắn đó,
Graig đã tăng cường ký kết hợp đồng với VinaShin, thuê
đóng thêm 29 tàu Diamond 53s và 10 Diamond 34s nhỏ hơn – tổng
trị giá 1 tỷ USD. Nhưng nhà kinh tế trường Harvard David Dapice
đã thắc mắc: làm thế nào mà cả Việt Nam có thể hưởng
lợi từ hợp đồng, nếu xét đến khoản ngân sách phình to
dồn cho VinaShin. Ông ước tính, công ty có thể thua lỗ tới 10
triệu USD cho mỗi con tàu trong mẻ 15 tàu đầu tiên đóng cho
Graig, và ông đặt vấn đề liệu đây có phải cách tiêu tiền
tốt nhất của một nước nghèo? Nhưng lúc này, các mối quan
tâm khác đã xác định chương trình nghị sự. VinaShin là phần
thiết yếu trong chiến lược "kinh tế biển" và vì thế, ít
nhất là vào thời điểm đó, nó có rất nhiều việc đã chậm
trễ cần phải làm để đạt được điều mình muốn – như
là chịu lỗ một khoản khổng lồ trong hợp đồng để rút ra
kỹ năng và kinh nghiệm cần thiết cho tương lai. Nhưng đây
không phải việc duy nhất VinaShin làm với số tiền đi vay dễ
dàng của họ. Giống như nhiều tập đoàn nhà nước lớn khác,
VinaShin dịch chuyển sự chú ý từ nhiệm vụ chính yếu của
họ sang những lĩnh vực tiềm ẩn các dấu hiệu rắc rối lớn
cho Việt Nam.
Một phần khoản tiền đi vay kia dồn vào ngành đóng tàu, nhưng
suốt cả năm 2007, VinaShin thành lập 154 công ty con – cứ một
ngày rưỡi lại mở một công ty mới, kể cả cuối tuần. Trong
số những cơ sở đầu tư mới này có một nhà máy bia và một
tổ hợp khách sạn ở tỉnh Nam Định. Đương nhiên không chỉ
có VinaShin như thế. PetroVietnam, nhà độc quyền sản xuất dầu
mỏ của đất nước, cũng chuyển sang kinh doanh khách sạn, còn
các DNNN khác thì xây bất động sản xa xỉ. Trong hai năm 2007,
2008, những khoản đầu tư như thế góp phần thổi lên một
bong bóng bất động sản khổng lồ. Nhưng còn nguy hiểm hơn cho
đất nước là việc các DNNN bước vào lĩnh vực tài chính.
Việt Nam đang đi đúng vào con đường quen thuộc của Đông Á.
Các tập đoàn nhà nước lớn nhất lập nên những kênh vốn
không minh bạch để tài trợ cho những dự án mà tính khả thi
về kinh tế là tối thiểu. Cho tới tháng 6 năm 2008, 28 tập
đoàn nhà nước đã chi khoảng 1,5 tỷ USD để xây dựng hoặc
mua lại cổ phần kiểm soát ở các công ty quản lý quỹ, công
ty môi giới chứng khoán, ngân hàng thương mại và ngân hàng
bảo hiểm. Ba phần tư số công ty tài chính Việt Nam hiện do
những tập đoàn nhà nước lớn nhất (còn gọi là Tổng Công
ty) sở hữu. Các tập đoàn xi măng, than, cao su, mỗi đơn vị
đều nắm ít nhất một công ty tài chính. Theo luật Việt Nam,
"công ty tài chính" gần như giống hệt ngân hàng, trừ việc
nó không thể thanh toán nợ. Nhưng một số Tổng Công ty bây
giờ cũng đã có cổ phần ở ngân hàng. VinaShin sở hữu một
phần Ngân hàng Nhà Hà Nội (Habubank), và còn vài ví dụ khác
nữa. Nhiều DNNN đã mua lại, dưới hình thức cổ phần, hợp
đồng giao dịch của các công ty chứng khoán.
Tổng hợp tất cả những điều này lại, sẽ thấy một vài
tập đoàn nhà nước lớn nhất của Việt Nam có tiềm năng
trở thành những "chiếc hộp đen" tự đầu tư. Các thỏa
thuận về quỹ này quỹ nọ đều không minh bạch. Cuối năm
2008 chẳng hạn, Điện lực Việt Nam (EVN) sở hữu 40% công ty
tài chính EVN (EVN Finance) và 28% ngân hàng ABB, đổi lại ngân
hàng sở hữu 8% EVN Finance. Để hoàn tất cái vòng luẩn quẩn
này, cả ABB lẫn EVN đều sở hữu những công ty chứng khoán
có cổ phần ở EVN Finance. Nói theo ngôn ngữ của một báo cáo
gần đây cho Chương trình Phát triển của LHQ ở Việt Nam,
"Các Tổng Công ty có thể bảo lãnh, mua lại, bán đi, thao
túng và hưởng lợi từ việc cổ phần hóa các công ty thành
viên của họ". Vô số cơ hội nảy sinh cho những hành vi vô
đạo đức, vi phạm pháp luật và gây mất ổn định quốc gia.
Giám đốc các Tổng Công ty tưởng rằng họ có thể kiếm
nhiều hơn bằng việc kinh doanh một cách tài tử ở những lĩnh
vực khác thay vì trong lĩnh vực chuyên môn của họ. Như một
quan chức cao cấp ở tập đoàn dầu khí độc quyền PetroVietnam
đã nói với báo chí: "Điều quan trọng nhất đối với các
doanh nghiệp là hiệu quả kinh doanh. Hơn 40% thu nhập của tập
đoàn chúng tôi đến từ những ngành không phải dầu khí.
Chúng tôi biết mình phải tập trung vào những lĩnh vực kinh
doanh chủ yếu, song nếu đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh chủ
yếu là không hiệu quả, thì tại sao chúng tôi lại phải đầu
tư?". Mặc dù đã hưởng lợi từ sự hào phóng của nhà
nước, nhưng các vị giám đốc công ty vẫn thường chăm lo tự
tưởng thưởng cho mình hơn là lo đến tài sản chiến lược
của quốc gia.
Lãnh đạo Đảng Cộng sản thích DNNN, bởi vì DNNN có thể
thực thi chính sách của họ. Đảng viên nào quản lý DNNN có
thể được lệnh triển khai chính sách của Đảng. Nhưng nhiều
vị giám đốc thích làm quản lý ở DNNN bởi vì chỗ ấy cung
cấp cho họ vô vàn cơ hội làm giàu cá nhân. Lập một công ty
con và tự chỉ định mình vào ban quản trị là cách kiếm
tiền cực dễ. Một cách nữa là lập công ty tư nhân cho bạn
bè hoặc họ hàng quản lý, rồi bán rẻ tài sản của công ty
đó đi, hoặc là ban cho nó những hợp đồng béo bở. Kiếm
tiền dễ như thế, không khó để hối lộ kiểm soát viên và
quan chức để họ làm ngơ trước những hành vi vi phạm pháp
luật. Các đảng viên chịu trách nhiệm quản lý "cái đuôi"
DNNN rút cục thường là bỏ quên chính sách "chó" của
Đảng. Nhưng đây chưa phải đã hết chuyện. Điều đáng lưu
ý đối với trường hợp Việt Nam là cái cách Đảng Cộng
sản kỷ luật những đảng viên có sai phạm, vào thời điểm
khủng hoảng.
<h2>Chú thích:</h2>
(*) Những đỉnh cao chỉ huy (commanding heights) của nền kinh tế
là khái niệm do Lenin sử dụng để chỉ những ngành sản
xuất/ dịch vụ có thể kiểm soát được và hỗ trợ được
cho các ngành khác. Có thể hiểu chúng như những ngành "mũi
nhọn" của nền kinh tế, chẳng hạn dầu khí, thép, điện
lực... Gần đây có quan điểm cho rằng giáo dục và y tế cũng
được coi là các "đỉnh cao chỉ huy" mới. (chú thích của
người dịch)
* * *
KỲ SAU: Ô dù và chủ nghĩa de Gaulle
Đoan Trang biên dịch
***********************************
Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/8655), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).
Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét