Nguyễn Hoàng Đức - Đẳng cấp trí thức của mấy người ăn theo GS. Ngô Bảo Châu

Giáo sư Ngô Bảo Châu đã chính thức nhận giải Fields quốc
tế, giải cao nhất giành cho toán học, đây cũng là giải cao
nhất mà chưa người Việt nào đã từng nhận được, một
giải thưởng cho đến nay với người Việt là độc nhất vô
nhị. Như vậy GS Châu là một người trí thức có công trình
siêu việt và đã thành công và được quốc tế công nhận.
Giáo sư đã học được và làm được, chứ không phải trí
thức như triết gia Kant nói "<em>có trí thức mà không có khả
năng phán đoán thì chỉ là vô dụng</em>". Sự thành công của
giáo sư ở đẳng cấp quốc tế cao nhất thừa nhận, như vậy
rõ ràng ông đã trở thành một quí ông rất đáng được kính
trọng ít nhất là về mặt tri thức.

Có một định nghĩa về trí thức của thời đại mới là:
Học nhiều mà không có tâm cảm tiến bộ thì không thể là
trí thức. Tại sao? Bởi vì đó chỉ là bọn hủ nho lọ mọ
xếp ngăn kéo chữ, vô ích, vô tích sự với người đời. Với
giáo sư Ngô Bảo Châu, khi thấy dân tộc có một vụ án lớn
nhất thời hiện đại, mặc dù ông là một nhà toán học
thuần khiết, vậy mà ông đã lên tiếng, chứng tỏ ông rất
có trách nhiệm với quê hương giống nòi. Ông là người trí
thức lớn cả trong lý thuyết và cuộc đời công dân.

Với thành công được quốc tế công nhận, GS. Châu hoàn toàn
xứng đáng là một bậc thầy của dân tộc. Vì vậy khi muốn
tham vấn ông, hơn thế là một chút muốn đối thoại, thấp
hơn là chia sẻ hay trao đổi, chúng ta nên tự biết mình là
đang kiến diện một bậc thầy. Và buộc phải tôn trọng ông
như một bậc thầy. Ông là một đẳng cấp cao, không thể như
cành lá bên đường ta cứ muốn hái là với. Có một phương
ngôn rằng "<em>Văn hóa cao nhất là biết chấp nhận người
khác</em>". Đúng vậy, chấp nhận người khác là biết vượt
qua đố kỵ, đặc biệt là đố kỵ hiền tài. Vì thế khi ta
biết đặt người khác và chính bản thân mình vào đúng chỗ
đó là một khả năng văn hóa.

Vừa qua sau bài rất ngắn của GS Châu có nhan đề "Về sự
sợ hãi", đã ào ào nổi lên những bài viết những comment
"ăn theo" phiền nhiễu đến độ, giáo sư đi đến đóng
blog. Thật là không chính đáng! Nó làm cho chúng ta nhớ đến
câu thơ của Nguyễn Du "đầu trâu mặt ngựa ào ào như
xôi". Giờ tôi xin trao đổi thẳng thắn vào mấy điểm:

<h3>1- Có ý kiến bảo GS Ngô Bảo Châu là sặc mùi cơ hội.</h3>

Nghe thật buồn cười, giáo sư là người theo đuổi khoa học
trong sáng và thuần khiết thì mới có thể đạt giải Fields.
Vả lại, người ta cơ hội thì phải có mục đích của mình,
các đỉnh cao giáo sư đã giành được ở quốc tế rồi, Việt
Nam chẳng lẽ còn đỉnh cao nào mà giáo sư phải cơ hội để
giành giật ư?!

<h3>2- Có người lại bảo nếu sợ hãi thì ai là người "sợ
hãi", hay chính GS Châu đang sợ hãi?</h3>

Than ôi trong câu "Không thể lấy sự cẩu thả và sự sợ hãi
làm phương pháp bảo vệ chế độ", chủ ngữ và vị ngữ
rất mạch lạc và rõ ràng rồi, tại sao lại có thể hỏi
chệch đi là "ai sợ hãi?" Muốn bước vào học viện trí
tuệ mà còn ú ớ đến vậy làm sao khua môi múa mép được?

<h3>3- Có người bảo GS Châu nói Cù Huy Hà Vũ nói có điểm
chưa thuyết phục, sao không chứng minh đi!</h3>

Nói vậy là không được, trong một thông điệp "message" có
hơn hai trăm từ, không thể đòi người ta chứng minh tất cả
những gì không thuyết phục. Vả lại, chứng minh điều đó
không phải là mục đích của thông điệp này.

<h3>4- Có người nói, GS Châu nói vụ án là cẩu thả, nhưng vụ
án đã được người ta lập kế hoạch tỉ mỉ đến từng chi
tiết.</h3>

Nói thế là đánh lận con đen chẳng hiểu gì cả. Sự "cẩu
thả" mà GS nói ở đây là cẩu thả về mặt pháp lý, cẩu
thả những thủ tục tố tụng của tòa, chứ không phải sự
cẩu thả bếp núc của những người đánh án bỏ túi.

Về bài của GS Ngô Bảo Châu, tôi thấy thật hoàn hảo, tuy
ngắn mà đầy đủ, đề cập đến tất cả những điểm hệ
trọng nhất của pháp lý cũng như tình cảm dân tộc. Nó đã
đưa được ra hai thông điệp chính:

a- "<em>Không thể lấy sự cẩu thả và sự sợ hãi làm
phương pháp bảo vệ chế độ</em>." Có rất ít người có
thể hiểu được hai chữ "cẩu thả" ở đây. Cẩu thả có
nghĩa là tùy tiện, cũng có nghĩa là cảm tính, nó đi ngược
với đạo lý, công lý, hay nguyên lý thiện hảo, cái cội
nguồn làm nên pháp lý. Vậy, chữ mà GS Châu dùng ở đây, rõ
ràng ông rất tỏ tường thấu đáo vấn đề.

b- "<em>Đối diện với ông Vũ là những người bắt ông bằng
hai bao cao su đã qua sử dụng, là phiên tòa nửa công khai, nửa
bí mật xảy ra ngày hôm qua và là ông quan tòa từ chối thực
hiện thủ tục tố tụng để tránh tranh luận về nội dung
những bài viết, chứng cớ về những việc được cho là vi
phạm pháp luật của ông Vũ. Có cố tình làm mất thể diện
quốc gia, chắc cũng khó mà làm hơn mấy ông bà này</em>".
Thật rõ ràng, quốc gia nghĩa là pháp luật, trong khi người làm
luật nếu không tôn trọng pháp luật thì hẳn sẽ mất thể
diện.

Trong một bài ngắn, GS. Châu đã đưa ra mấy thông điệp hết
sức rõ ràng, rõ ràng cả về thái độ chân thực, rõ ràng về
tính pháp lý, rõ ràng về phẩm chất trí tuệ. Một bài viết
hàm súc mà chứa đựng nhiều thông điệp lớn rõ ràng như
vậy có thể chưa từng thấy trong lịch sử chữ viết Việt Nam
(mời quí vị đề cử để chúng ta cùng xem xét). Quả là cây
nào sinh trái ấy! Xứng đáng thay một trí tuệ hiền minh khoa
học chứ không phải thứ trí tuệ hủ nho u u minh minh.

Ở Âu Mỹ, người ta vẫn tổ chức cho những người tầm
thường đấu quyền anh với các võ sĩ hạng nặng để xem anh
chịu đựng được mấy giây, mấy trái đấm, nhưng không có
nghĩa là người đấu vô danh đó ngang bằng đẳng cấp với võ
sĩ. Trí thức Việt Nam ngày nay, vẫn được các chính khách và
nhân dân đánh giá nói chung là không có óc tư duy độc lập,
hay a dua đua đòi, là thứ không đáng phải bận tâm vì chẳng
có bản lĩnh làm được cái gì lớn cả… Qua cuộc đeo bám
bài viết của GS. Châu mới đây, có nhiều cây bút và comments
(cái tên thật không dám trưng vậy mà cứ đòi lớn tiếng bàn
về lòng dũng cảm, chẳng khác gì chuột bàn đeo chuông vào cổ
mèo), thêm một lần chứng tỏ, trí thức Việt vẫn quen kiểu
ăn theo nói leo, còn "dại lâu dốt bền" quá. Những hạt
bụi có thể bám lên cánh của con đại bàng, nhưng sau đó
không thể tuyên ngôn ta đã cùng bay lên và hạ xuống cùng cánh
đại bàng, bởi vì khi nước mưa rơi xuống, bụi cũng rơi
xuống theo, còn cánh đại bàng vẫn còn nguyên đó.

_________________________

<h2>Phụ lục của Dân Luận: Chủ nghĩa thần tượng</h2>

BSNgoc

Một entry trên blog chỉ có 2 đoạn văn. Hàng ngàn người khen.
Hàng trăm người chê. Khen, chê là chuyện bình thường. Nhưng
dường như ở đây đã xuất hiện chủ nghĩa thần tượng. Sự
xuất hiện chủ nghĩa thần tượng một lần nữa nói lên cái
thấp kém của giới có học ở nước ta.

Ngô Bảo Châu viết một entry ngắn về vụ án Cù Huy Hà Vũ,
với những nhận xét "<em>ai muốn hiểu sao thì hiểu</em>".
Muốn hiểu NBC ủng hộ CHHV cũng được. Cũng có thể lý giải
NBC không ưa CHHV qua chính những gì cậu ta viết. Fan của NBC
thì khen nức nở đó là một áng văn hay, súc tích, thâm thúy,
tuyệt vời, thể hiện một tư duy toán học bậc nhất thế
giới. Người chê thì nói NBC thì bảo cậu ta hèn. Tôi thì nghĩ
NBC không hèn, nhưng giữa can đảm và hèn thì trọng lượng can
đảm thấp hơn trọng lượng hèn một chút.

Đọc qua những gì các fan của NBC khen NBC tôi không khỏi nực
cười. Một cách viết cực kỳ mập mờ, muốn làm hài lòng
cả hai phía chống và bênh CHHV, mà được các fan khen là cách
viết khoa học, theo tư duy toán học (sic). Khi bị phê bình là
viết không có chứng cứ thì có người bênh là vì bài ngắn
quá nên làm sao cho chứng cứ. Nếu thế thì viết làm gì? Tôi
phải hỏi. Viết khoa học mà mập mờ và gây ra tranh cãi như
thế ư? Có người tình nguyện nói dùm cho NBC cứ như là đọc
được suy nghĩ của cậu ta! Đúng là khi thương trái ấu cùng
tròn. Lố bịch. Đọc những kiểu khen và nịnh hót đó, tôi
chợt nhớ đến câu nói của một vị linh mục trước 1975 nói
rằng Đức Giáo hoàng đánh rấm cũng được giáo dân khen thơm.
NBC đánh rấm chữ chắc cũng được những fan này khen thơm!

Tôi muốn tìm câu trả lời cho <strong><em>hiện tượng nịnh
hót</em></strong>. Tôi gọi đó là bệnh. Bệnh nịnh hót, hay
bệnh thần tượng. Tôi nghĩ bệnh nịnh hót xuất phát từ chủ
nghĩa thần tượng. Chủ nghĩa thần tượng là dựng một cá
nhân bình thường lên thành một thần tượng, ban thần thánh
cho thần tượng đó, và dùng nó như là một đối tượng để
phục vụ cho mục tiêu của mình. Các nước trong hệ thống xã
hội chủ nghĩa có truyền thống chủ nghĩa thần tượng. Nước
nào cũng có một thần tượng. Liên Xô có Lênin. Romania có
Nicholae Ceausescu. Cuba có Fidel Castro. Trung Quốc có Mao Trạch
Đông. Triều Tiên có Kim Nhật Thành. Việt Nam có Hồ Chí Minh.

Ngoại trừ cụ Hồ Chí Minh, tất cả những người kia đều
được lịch sử đánh giá lại. Ở Nga, tượng Lênin bị kéo
xuống và làm nhục, xác Lênin sẽ đem đi hỏa táng. Ceausescu
bị tử hình trong nhục nhã. Bây giờ chúng ta biết Mao Trạch
Đông là một kẻ ác ôn và dâm dật. Kim Nhật Thành làm cho
Triều Tiên nghèo rớt mồng tơi. Ở nước ta, lời nói của cụ
Hồ đang được nâng lên làm "tư tưởng" để phục vụ cho
một thời. Ngay cả mộ của thân mẫu cụ cũng được nâng
cấp thành lăng như lăng vua chúa ngày xưa. Nếu cụ còn sống
chưa chắc cụ chịu kiểu thần tượng hóa như thế.

Việt Nam đang thần thánh hóa một người khác nữa. Đó là Ngô
Bảo Châu. Nhờ báo chí của Đảng tuyên truyền, cái huy chương
Fields trị giá 15.000 USD đã làm một cả một dân tộc lóa
mắt. Thiên tài. Bộ óc kiệt xuất. Nhà toán học vĩ đại. Nhà
khoa học lỗi lạc. Những danh từ và tính từ kêu nhất trong
ngữ vựng tiếng Việt được đem ra để to son điểm phấn cho
NBC. Cả nước như trong cơn lên đồng. Một cách thần tượng
hóa.

Tại sao người ta làm như thế? Tôi nghĩ rằng vì người ta tìm
thấy NBC như là một cái phao trong lúc nền giáo dục và khoa
học nước nhà đang tiếp tục chết đuối. Người ta dùng NBC
để nói với những ai phê phán nền giáo dục, rằng "<em>ấy,
chúng tôi cũng có người kiệt suất, và do đó nền giáo dục
xã hội chủ nghĩa vẫn là ưu việt</em>".

Nhưng ở đây có vấn đề. Vấn đề là tiền đề sai. Thành
tựu của NBC không phải là của Việt Nam. Đó là sự thật.
Chính cậu ta cũng nói sự thật. NBC cũng không phải là thiên
tài, không phải là nhà toán học vĩ đại, không phải là nhà
toán học lớn, không phải là nhà khoa học vĩ đại. Những
tước danh đó là sản phẩm của báo chí, do báo chí tiến phong
trong quá trình thần tượng hóa. Giải Fields không làm nên một
nhà toán học vĩ đại. Cần nhớ rằng trên thế giới có hàng
ngàn nhà toán học để cho đời nhiều di sản quí báu mà chưa
bao giờ nhận giải thưởng nào. NBC chưa có đóng góp gì lớn
cho toán học, và chắc chắn chưa có đóng góp gì đáng kể cho
khoa học. NBC cũng chưa có đóng góp gì đáng kể cho Việt Nam.

Tôi nghĩ cách đánh giá chính xác nhất là NBC là một nhà toán
học giỏi. Trên thế giới cũng có hàng ngàn, hàng vạn người
làm toán giỏi.

Chỉ nên dừng ở đó. NBC cũng như bao nhiêu nhà khoa học Việt
Nam khác. Không nên chỉ vì cái giải Fields mà nâng NBC lên thành
thánh và biến cậu ta thành một đối tượng để người dân
phải tôn thờ, kính cẩn.

<span class="underlined-text">Thần tượng hóa thể hiện sự thấp
kém của một cộng đồng</span>. Một cộng đồng dân tộc chỉ
biết nương tựa vào thần tượng là một dân tộc yếu. Những
người chỉ biết ca ngợi thần tượng một cách mù quáng cũng
chẳng khác gì những tín đồ tôn giáo tin vào những điều
hoang đường. Những kẻ tung hô thần tượng quá đáng là
những kẻ thiếu lý trí, cũng chẳng khác gì những con cừu
không có đầu óc suy nghĩ và phán xét. Điều làm tôi kinh ngạc
là không ít người trong giới có học ở nước ta tung hô thần
tượng y chang như những tín đồ tôn giáo, như những con cừu.
Một cộng đồng có học mà còn như thế thì thử hỏi chúng ta
còn hy vọng gì cho đất nước này? Không phân biệt được cái
thơm và cái thối thì khứu giác có vấn đề. Tương tự, không
nhận ra được cái hay và cái dở trong cái entry ngắn của NBC
thì có khác gì tế bào thần kinh bị tê liệt.

Có quá đáng không nếu nói rằng dân tộc này đã và đang bị
chủ nghĩa thần tượng làm tê liệt lý trí và dần dần biến
thành những con cừu của chế độ.

<div class="special_quote">Tôi nhất trí với Huỳnh Thục Vy khi cô
phản bác NBC rằng quan tòa đã "cẩu thả". Không, họ không
hề cẩu thả. Họ đã chuẩn bị cho phiên tòa rất cẩn thận.
Thậm chí còn dời ngày để đánh lạc hướng dư luận. Họ
đã cẩn thận làm nhiễu sóng. Họ đã chuẩn bị rất công phu.
Thật ra, NBC nhận xét cẩu thả chỉ là một cách trách yêu mà
thôi.

Tôi thấy NBC còn chông chênh về quan điểm đối với CHHV. Một
mặt cậu ta không dám ra mặt ủng hộ CHHV để không làm phật
lòng ân nhân, mặt khác cậu ta cũng muốn xem CHHV như là một
anh hùng bằng cách dùng những hình tượng thời xa xưa bên Tây
như để xoa dịu những fan của CHHV. Không ai bắt NBC phải ủng
hộ hay chống CHHV, vì cậu ta đã trưởng thành và đủ lý trí
để có quan điểm riêng. Nhưng người ta đòi hỏi NBC với tư
cách là giáo sư phải phát biểu rõ ràng, viết gì thì phải
viết cho rõ ràng không để người ta đoán mò. Chọn cách viết
mập mờ dù là do thiếu tự tin hay quan điểm còn chông chênh,
không những là phi khoa học mà còn là một cách xem thường
người đọc.

Ai sợ hãi? Bây giờ thì chúng ta biết rằng chính NBC mới là
người sợ hãi. NBC đã đóng cửa trang blog. NBC không dám ký
vào bản kiến nghị của nhóm boxitvn. Giữa 2 thái cực hèn và
can đảm, hành động thực tế và thái độ của NBC làm cho
cậu ta nghiêng về phía hèn. Tôi hoàn toàn nhất trí với Đào
Tuấn khi ông viết "Đó là một vị trí không có thật, lập
lờ, không sòng phẳng, thiếu minh bạch …". Qua vụ này mới
thấy nhân cách tầm thường của NBC.</div>

<a
href="http://bsngoc.wordpress.com/2011/04/17/ch%e1%bb%a7-nghia-th%e1%ba%a7n-t%c6%b0%e1%bb%a3ng">Theo
blog BSNgoc</a>

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/8549), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét