<ul>
<li><a href="http://danluan.org/node/2799">Đôi điều về "vốn xã
hội"</a></li>
</ul></div>
Từ giữa thế kỷ 20 môn kinh tế học mới bắt đầu chú ý
đến luân lý như một tài nguyên; có người gọi thẳng là
<em>Love</em> (tình thương), có người gọi là <em>Civic spirit</em>
hoặc <em>Civic Culture</em> (tinh thần công dân), hoặc như Albert O.
Hirschman từ năm 1970, gọi chung là <em>các tài nguyên tinh
thần</em> (moral resources).
Gọi là một tài nguyên, người ta công nhận nó giống như một
thứ "Vốn" chung của xã hội, nó có thể giúp gia tăng của
cải, sẽ sinh lợi không khác gì các thứ vốn như tiền bạc,
đất đai, hiểu biết, vân vân; và nó cũng có thể bị phí
phạm, hao mòn, hay được làm cho đầy, cho phong phú thêm.
Dần dần, hầu hết các nhà kinh tế đã đồng ý "<em>tài
nguyên tinh thần</em>" rất quan trọng, nên giữ gìn và phải
học cách sử dụng sao cho hiệu quả nhất. Một thứ tạo nên
tài nguyên tinh thần là <em>Niềm Tin</em> (Trust) trong xã hội.
Kinh tế chỉ có thể phát triển nếu mỗi người ký một hợp
đồng có thể tin rằng phía bên kia sẽ hết sức thi hành bản
hợp đồng đó. Ngay cả những doanh nhân không thích ký hợp
đồng, nhưng họ biết đang làm ăn những người đáng tin (quân
tử nhất ngôn), khi bắt tay nhau là họ có thể tin nhau rồi,
thì việc kinh doanh của họ rất phát đạt. Các Hoa kiều hải
ngoại hay làm ăn kiểu đó. Nhưng nếu niềm tin được bảo vệ
bằng các định chế chính thức của xã hội, như luật lệ,
hệ thống tư pháp sạch sẽ và tòa án công minh, thì thứ tài
nguyên đó sẽ giúp cho kinh tế phát triển rất mạnh. Chỉ khi
nào chứng kiến những xã hội lạc hậu về kinh tế vì người
dân không ai dám tin ai mà cũng không nghĩ người khác sẽ tin
mình, thì mới thấy thiếu niềm tin là mất một tài nguyên kinh
tế rất quan trọng. Trong các xã hội lạc hậu, mọi người
sống ích kỷ không nghĩ đến người khác, không có lòng tôn
trọng công ích hơn tư lợi, thì nền kinh tế không thể nào
phát triển cao được; vì mọi người khó cộng tác với nhau.
Tại sao có những xã hội mà người ta tạo được tài nguyên
tinh thần rất giầu, còn nhiều xã hội thì không? Tài nguyên
tinh thần cần được gieo giống, rồi được tưới tẩm, hết
thế hệ này sang thế hệ khác. Muốn hiểu diễn trình cấu
tạo nên tài nguyên tinh thần, có thể dùng một phương pháp
kinh tế học là Game Theory (Lý thuyết Trò chơi). Một câu
chuyện nổi tiếng là <em>Chuyện Hai Người Tù</em> (The prisoners
dilemma). Ðại khái, có hai người bị bắt, nếu cộng tác với
nhau cùng khai vô tội thì sẽ được bị án rất nhẹ, còn nếu
nếu phản phúc thì cả hai sẽ bị án nặng nề. Nhưng hai
người tù không tin được nhau. Khi suy xét một cách thuần lý,
cuối cùng mỗi người tù thấy chọn đường phản phúc thì có
lợi nhất, mặc dù cả hai đều bị thiệt. Trong xã hội, mọi
người đều biết suy nghĩ như thế. Ðiều này trái ngược
với nhận xét chung là trong rất nhiều xã hội người ta vẫn
tin tưởng nhau, vẫn cộng tác với nhau. Làm cách nào giải
thích được hiện tượng nghịch lý này?
Các nhà nghiên cứu kinh tế và xã hội học đã thấy là có
một cách để bảo đảm một người sẽ không phản phúc, là
tiếng tăm. Nếu anh bị mang tiếng là hay phản phúc thì sẽ bị
mọi người ruồng bỏ, không ai tin anh nữa, đó là một hình
thức trừng phạt. Một "định luật" được công nhận là
khi một người tham dự vào "nhiều cuộc chơi lập lại rất
nhiều lần" (repeated games) thì dần dần họ sẽ sợ bị
người chung quanh trừng phạt, do đó sẽ chọn hành vi cộng tác
để được tín nhiệm. Có những điều kiện giúp cũng có
luật chơi tín nhiệm này: Số người tham dự nhỏ (trong một
xóm ai cũng biết ai, phản phúc là tự loại mình); hoặc thông
tin về hành vi của mọi người đều dễ phổ biến cho tất
cả biết (không cấm tự do thông tin, không có những quyết
định trong các phiên họp bí mật); và các người tham dự
biết giá trị của những lợi ích tương lai chứ không chỉ
chú tâm đến hiện tại. Khi xã hội đã thiết lập được
một hệ thống trừng phạt và tưởng thưởng như thế, niềm
tin chung sẽ gia tăng. Nếu ngược lại, có lúc hệ thống
tưởng thưởng và trừng phạt này bị phá vỡ vì xã hội theo
những luật chơi mới, niềm tin sẽ tan mất. Muốn lập lại,
phải bắt đầu cuộc chơi lại từ đầu, xây dựng niềm tin
lên dần dần, mất nhiều thời gian.
Trước Hirschman có người đã nhận xét rằng Niềm Tin là
"<em>một thứ tài nguyên càng sử dụng thì càng giầu hơn
chứ không bị hao mòn; nhưng nếu không được đem dùng thì nó
sẽ dần dần tiêu tán</em>." Nó cũng giống như một kỹ năng
(skill), chẳng hạn tài chơi đàn, hay nói được một tiếng
ngoại quốc. Nó cũng không hiếm hoi như quặng mỏ hoặc trình
độ giáo dục.
Albert Hirschman đưa ra một cách nhìn mới. Ông nhận thấy có hai
trường hợp khiến tài nguyên tinh thần có thể bị hủy hoại:
Một là khi nó không được dùng tới, sẽ hao mòn đi, như
người khác đã thấy. Hai là nếu nó bị sử dụng nhiều quá,
quá khả năng cung cấp của loài người, thì cũng sẽ giết
chết nó.
Hirschman (năm nay 96 tuổi) đã nhìn thấy, từ 1970, 80, tình
trạng tài nguyên tinh thần bị hao mòn hay bị hủy diệt, trong
cả hai hệ thống kinh tế tư bản và cộng sản. Trong kinh tế
tư bản, người ta không chú ý vận dụng tài nguyên tinh thần,
vì rất khó đo lường để đưa nó vào phương trình kinh tế.
Cho nên, tài nguyên tinh thần có thể bị hao mòn (atrophy) vì
mọi người chỉ lấy lợi nhuận làm thước đo thành công.
Nếu niềm tin còn tồn tại trong thế giới tư bản, đó là
nhờ các định chế pháp luật và các quyền tự do dân chủ,
chúng bảo đảm những người cộng tác được thưởng, kẻ
phản phúc bị trừng phạt.
Trong hệ thống kinh tế cộng sản thì ngược lại. Họ tận
dụng tài nguyên tinh thần, cổ động niềm tin vào chủ nghĩa,
vào khả năng giới lãnh đạo; họ không coi niềm tin giữa các
cá nhân là quan trọng như một tài nguyên tinh thần; vì tất
cả đã được thay thế bằng niềm tin chung vào chủ nghĩa
cộng sản. Chỉ cần động viên niềm tin vào đảng cho vững
chắc là mọi chuyện sẽ thành tựu. Nhưng hệ thống kinh tế
và chính trị cộng sản cổ động niềm tin quá khả năng cung
cấp của tất cả mọi người, nhất là các đảng viên. Họ
đưa ra những khẩu hiệu, như "Con người mới" của Fidel
Castro, "Tự chủ" của Kim Nhật Thành. Ðiều nguy hiểm là
sự thành công của cả hệ thống lại tùy thuộc vào tài
nguyên tinh thần này. Cho nên họ đòi hỏi, "muốn có xã hội
cộng sản phải có con người cộng sản." Mà một mẫu
người lý tưởng theo kiểu các tôn giáo vẫn đề cao như thế
thì chỉ có trong tưởng tượng, không xã hội loài người nào
đạt được. Hậu quả là hệ thống kinh tế cộng sản tạo ra
một xã hội sống giả dối, dùng nhiều mặt nạ khi sống với
nhau. Lối sống đó tất nhiên phá hoại tất cả tài nguyên tinh
thần. Tình trạng tài nguyên tinh thần bị hao mòn là một phần
nguyên do đã gây ra hậu quả kinh tế trì trệ rồi sụp đổ.
Ðảng Cộng Sản ở hai nước Trung Quốc và Việt Nam đã
"đổi mới kinh tế." Họ đã khai thác ngay được một thứ
tài nguyên lớn, là sức người. Chỉ cần họ nới lỏng guồng
máy kiểm soát kinh tế; cứ cho người dân được thêm một
chút tự do làm ăn là khả năng sản xuất của người ta chắc
chắn sẽ tăng lên. Nhưng cả hệ thống chính trị của hai
nước vẫn chưa nghĩ đến chuyện khôi phục lại các tài
nguyên tinh thần đã bị mất. Ngược lại, việc họ tìm cách
bảo vệ quyền lợi các đảng viên bằng hệ thống tham ô toàn
diện còn làm cho các tài nguyên tinh thần bị hủy hoại mạnh
và nhanh hơn trước. Tình trạng đạo đức giả chỉ tăng lên
chứ không giảm đi, vì nó thể hiện từ cấp cao nhất: lý
thuyết, tư tưởng chính thức của guồng máy cai trị. Họ vẫn
nói đi theo chủ nghĩa Cộng Sản, nhưng trong thực tế họ pha
trộn một hệ thống tư bản thời hoang dã với một chế độ
công an trị thời phát xít. Miệng đề cao công ích nhưng ai
cũng chỉ lo vơ vét tư lợi. Tham ô và nhũng lạm quyền hành
được phơi bầy công khai, trâng tráo, trong khi nhà nước vẫn
hô hào chống tham nhũng. Tài nguyên tinh thần đã bị phá hoại
toàn diện chứ không phải chỉ bị hao tổn như khi còn theo kinh
tế xã hội chủ nghĩa.
Một độc giả Người Việt mới viết cho tòa soạn kể chuyến
đi thăm quê hương mấy tháng. Vị độc giả nhận thấy guồng
máy chính quyền bóc lột dân; chuyện đó nhiều người đã
nói. Nhưng ông (hay bà) còn thấy, "người dân cũng bóc lột
lẫn nhau vô tội vạ, đối xử với nhau bằng những cái mặt
nạ nhân nghĩa giả dối trơ trẽn!"
Hồi đầu Tháng Ba năm 2011, ký giả Carl Robinson sau khi thăm
Việt Nam, mới nêu một nhận xét: "<em><strong>Sau gần 60 năm
cai trị của đảng Cộng Sản ở miền Bắc và hơn 35 năm ở
miền Nam, tất cả người Việt Nam ngày nay theo <span
class="underlined-text">chủ nghĩa cá nhân tột cùng</span>. Thay vì
tinh thần hướng về cùng một mục đích chung và đoàn kết
với nhau thì bây giờ ai cũng chỉ lo cho bản thân mình, như tâm
trạng sauve qui peux (ai chạy được thì thoát, tiếng Pháp trong
nguyên văn)...</strong></em>" Robinson cho biết ông đã đi khắp
nơi, gặp rất nhiều người ở Việt Nam trong 18 tháng trời.
Không biết Carl Robinson có đọc Albert O. Hirschman hay không, nhưng
ông mô tả tình trạng ở Việt Nam hiện nay giống hệt điều
mà nhà kinh tế đã nêu ra trước đây mấy chục năm: Lạm
dụng tài nguyên tinh thần sẽ hủy hoại nó. Ông kể đã thấy
người Việt Nam được đảng và nhà nước đối đãi giống
như các học sinh trong các trường mà trong đó các vị giáo sĩ
dạy trẻ những quy luật không bao giờ được ai theo cả:
"Tất cả mọi người được coi như trẻ nít, được học
giáo lý suốt ngày bằng những khẩu hiệu, các ngày lễ lạt,
các giấc mơ vĩ đại. Khi tôi than phiền với một số người
ở một thành phố ven biển gần đây về những bài phát thanh
tuyên truyền mỗi sáng, một người cười lớn nói, Ðó chỉ
là tuyên truyền thôi; chúng tôi không bao giờ nghe cả!"
Ðó là một cách tiêu diệt tài nguyên tinh thần một cách có
hệ thống. Muốn xây dựng lại được vốn liếng tinh thần mà
tổ tiên đã xây dựng trong mấy ngàn năm trước người Việt
Nam biết sẽ phải làm gì. Phải thay đổi cách sống chung với
nhau, tất cả mọi người. Một chế độ đã hủy hoại tài
nguyên tinh thần của dân tộc hơn một nửa thế kỷ qua, không
có lý do gì để tiếp tục việc tàn phá đó nữa.
Không phải ai cũng ở Việt Nam lâu ngày, được đi nhiều,
thấy nhiều, gặp gỡ và chứng kiến nhiều cảnh sống để
kết luận như ký giả Robinson. Nhưng chắc phần lớn mọi
người quan sát đời sống ở nước ta hiện nay đều thấy
nền tảng tinh thần, đạo đức đã bị xói mòn khá nặng nề
trong mấy chục năm qua. Ðó là một sự mất mát lớn.
Tài sản mất sẽ tạo lại được. Của cải mất rồi có lúc
lại làm ra, khá nhanh. Tự do bị mất, mất rất nhanh, ngay lập
tức sau ngày 30 Tháng Tư, nhưng thế nào cũng sẽ đòi lại
được, cũng không lâu lắm đâu. Nhưng có một thứ đã mất
mất, mất từ từ chậm chậm; mà muốn phục hồi được rất
khó, đó là nền tảng tinh thần của xã hội. Cái vốn tinh
thần phải hàng ngàn năm mới dựng lên được. Khi muốn phá,
chỉ cần một thế hệ cũng đủ. Muốn dựng lại, cần vài ba
thế hệ mới hy vọng xong.
Vậy chúng ta đã mất gì sau ngày 30 Tháng Tư năm 1975? Nếu nhìn
lại lịch sử cả nước Việt Nam thì câu hỏi không còn là
ngày 30 Tháng Tư nữa. Bởi vì chỉ có người Việt ở miền Nam
bắt đầu thấy các tài nguyên tinh thần bị xói mòn từ ngày
đó; còn đồng bào ở miền Bắc đã bị mất mát như vậy từ
một phần tư thế kỷ trước, tính đến nay hơn 60 năm rồi.
***********************************
Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/8647), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).
Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét