Quá trình hình thành và phát triển chữ Quốc ngữ

Trước khi chữ Quốc Ngữ ra đời, chúng ta đã dùng chữ Hán,
chữ Nôm [1]. Chữ Hán là chữ Tàu nhưng đọc theo giọng Việt,
khác hẳn giọng của những người Tàu mặc dù nước Việt đã
trải qua hàng ngàn năm đô hộ. Vì truyền thống dân tộc không
thể để bị đồng hóa, chữ Nôm ra đời. Chữ Nôm dùng những
chữ Hán ghép lại để ghi tiếng Việt vì vậy chữ Nôm có
rất nhiều nét. Chữ Quốc Ngữ [2] mà ngày nay chúng ta dùng là
loại chữ dùng những mẫu tự La Tinh ghép thành. Trong tất cả
những nước Á Châu, chỉ có Việt Nam và Phi Luật Tân là hai
nước dùng mẫu tự La Tinh trong chữ viết. Đây là có phải là
một điều hay, một niềm hãnh diện hay không? Chúng ta hãy thử
bàn xem.

Bàn về lợi chúng ta không phủ nhận được sự ích lợi và
tiện nghi của chữ Quốc Ngữ so với chữ Hán và Nôm. Tiện
nghi thứ nhất là dễ học, chỉ cần vài tháng là mọi người
có thể đọc và viết được chữ Quốc Ngữ. Trong khi đó học
chữ Hán cần một thời gian dài và phải nhớ từng chữ một
vì chữ Hán là một loại chữ tượng hình. Học chữ Nôm còn
khó hơn vì chữ Nôm là những kết hợp của chữ Hán và có
rất nhiều nét. Mặt khác, trong việc in, phát hành sách báo,
chữ Quốc Ngữ chỉ cần vài chục mẫu tự để ghép lại;
trong khi đó chữ Nôm và chữ Hán có hằng hà sa số "mẫu tự"
khác nhau.

Bàn về hại thì không nhiều lắm. Với chữ Quốc Ngữ, chúng
ta không phân biệt được một số chữ đọc giống nhau, viết
giống nhau, nhưng lại có nghĩa khác nhau. Nếu viết theo chữ
Hán thì chúng ta có thể phân biệt được (thí dụ như chữ
Minh có nghĩa là sáng như Minh Mẫn, chữ Minh có nghĩa là mờ
mờ như chữ U Minh). Về phương diện nghiên cứu, vì chữ Hán
là loại chữ tượng hình, cho nên ta có thể phân tích những
chữ viết mà giải thích lối suy nghĩ của người xưa qua
phương pháp chiết tự.

Bàn về có hay không hãnh diện về dùng chữ Quốc Ngữ so với
chữ Nôm và chữ Hán là một vấn đề quan trọng. Nhiều
người mặc cảm cho rằng chữ Quốc Ngữ là loại chữ "mượn"
những mẫu tự La Tinh và do người ngoại quốc sáng chế vì
vậy không có gì là hãnh diện khi dùng chữ Quốc Ngữ. Chúng
tôi không đồng ý. Thứ nhất là chữ Hán là chữ của người
Tàu mà chúng ta đã bị ép buộc phải dùng trong vài ngàn năm,
vì sự ép buộc này nên cha ông ta đã "đẻ" chữ Nôm, loại
chữ dùng chữ Hán để viết và đọc theo giọng Việt. Chữ
Nôm, chữ Hán và chữ Quốc Ngữ đều là chữ mượn. Thứ hai
là chữ Nôm do người "mình" chế ra còn chữ Quốc Ngữ là do
người Âu Châu. Chúng tôi cũng không đồng ý về điểm này vì
đây không thể là công việc một vài người có thể làm
được. Chúng ta sẽ trở lại vấn đề này. Tóm lại chúng ta
không có gì là tự ti mặc cảm khi dùng chữ viết mượn của
nước khác vì đó giống như là một qui luật từ Đông sang
Tây. Nước ta mượn chữ Hán để hoàn thành chữ Nôm, chữ
Pháp, Bồ Đào Nha, Ý để hoàn thành chữ Quốc Ngữ. Còn Pháp,
Anh, Bồ Đào Nha, v.v. mượn chữ Latin để hoàn thành chữ của
họ; người Pháp hãnh diện về chữ viết của họ, Nga thì do
anh em Kirille dịch quyển thánh kinh để truyền đạo và đẻ ra
chữ Slaves. Người Nga trọng anh em Kirille, chúng ta trọng A. de
Rhodes, Barbosa thì đâu có gì lạ.

Quá trình hình thành và phát triển của chữ Quốc Ngữ có thể
chia thành ba giai đoạn: giai đoạn phôi thai, gian đoạn cải
tiến và giai đoạn trưởng thành.

<h2>I. Giai Đoạn Phôi Thai: Thế Kỷ 16-17 </h2>

<h3>A. Nguyên Nhân </h3>

Bắt đầu từ thế kỷ 16, chủ nghĩa tư bản phát triển mạnh
mẽ ở Âu Châu. Các công ty thương mãi mọc lên như nấm.
Người Âu Châu đua nhanh vượt đại dương tìm đất mới.
Những nước như Bồ Đào Nha (Portugal), Ý Đại Lợi (Italy), Hòa
Lan (Holland), Anh (England), Pháp tranh nhau giành căn cứ, thị
trường và thuộc địa. Các nhà thương mãi đi đến đâu là
các nhà truyền giáo đi đến đó. Họ đến Việt Nam vào thời
kỳ Trịnh Nguyễn phân tranh, đất nước bị chia ra Đàng Ngoài
và Đàng Trong. Muốn giảng đạo, các nhà truyền giáo phải
học tiếng bản xứ, vì vậy họ đã dùng chữ La Tinh để ghi
lại những cách phát âm của tiếng Việt và giảng nghĩa những
chữ đó bằng tiếng của họ. Lâu ngày tích tụ lại thành
một quyển tự điển. Đó là nguyên nhân của sự ra đời của
chữ Quốc Ngữ ngày nay, mục đích chính là các nhà truyền
giáo học tiếng Việt để truyền đạo.

<h3>B. Ai Là Người Chế Ra Chữ Quốc Ngữ? </h3>

Cho đến nay có nhiều người nghĩ rằng Alexandre de Rhodes (còn
được gọi là Đắc Lộ, xin chớ lầm lẫn với Bá Đa Lộc -
P. De Béhaine) là ông tổ của chữ Quốc Ngữ. Theo sự nghiên
cứu của giáo sư Thanh Lãng thì "de Rhodes không phải là ông tổ
duy nhất của chữ Quốc Ngữ và cũng không phải là một trong
những ông tổ của chữ Quốc Ngữ. Sự phiên âm đã có trước
khi de Rhodes chưa đến Việt Nam ... Ba lần De Rhodes xác nhận là
có nhiều sách vở đã viết theo lối phiên âm mà ông cho là
không hợp lý lắm. Tuy nhận là không hợp lý mà ông vẫn phải
tuân theo, chứng tỏ những sách kia đã phải được phổ biến
lắm, nếu không de Rhodes đã đề nghị một lối khác. Tiếc
rằng những sách mà de Rhodes nói đến ấy, cho đến ngày nay
chúng ta chưa tìm ra một vết tích gì" [3]. Nói như vậy không
phải là chúng ta phủ nhận những công trình của de Rhodes đối
với chữ quốc ngữ, quyển tự điển do chính ông soạn là
quyển từ điển Quốc Ngữ lâu đời nhất (1651) mà chúng ta
còn giữ lại được.

Trở lại vấn đề, ai là người chế ra chữ Quốc Ngữ? Không
có một cá nhân nào hết. Trước de Rhodes đã có những giáo sĩ
người Bồ Đào Nha như Gaspar de Amaral và Antonio Barbosa đã làm
những quyển tự điển đầu tiên. Nhưng ngay cả hai giáo sĩ
này cũng không phải là những người chế ra chữ Quốc Ngữ,
vì trước đó đã có nhiều giáo sĩ giỏi tiếng Việt như J.
Roiz, G. Luis, C. Borri, v.v. còn để lại nhiều tại liệu viết
từ năm 1621 (de Rhodes 1626). Vậy, chữ Quốc Ngữ được sáng
chế ra bởi cả một số đông giáo sĩ trong quá trình ghi chép,
phiên âm và sử dụng hàng chục năm, không xác định được
là năm nào, là cá nhân nào.

<h2>II. Giai Đoạn Cải Tiến: Thế Kỷ 17-18 </h2>

<h3>A. Tình Trạng Chữ Quốc Ngữ Trước Từ Năm 1651 Trở Về
Trước</h3>

Trong giai đoạn đầu chữ Quốc Ngữ còn nhiều khuyết điểm.
Những khuyết điểm đó là: chưa có các dấu thanh (sắc,
huyền, hỏi, ngã, nặng), viết dính nhau và còn thiếu nhiều
nguyên âm. Chẳng hạn như:

Quanmguya = Quảng Ngãi

Onsaij = ông sải

Tuijciam biêt = Tui Chẳng Biết

Mocaij = một cái

Hồi này chưa có các phụ âm đơn: đ, x, v cho nên những phụ
âm này được viết như sau:

d = đ (đói = doij)

sc = x, (xin = scin)

b = v, (vào = bau)

Lại thiếu phụ âm kép: ch, gh, nh, tr; cho nên:

gn = nh

cia = ch

Đến năm 1626, chữ Quốc Ngữ đã được viết rời ra. Theo tài
liệu viết tay của Francesco Buzomi:

Thien chu = thiên chũ (thiên chúa)

ngaọc huan = ngọc hoàng

Đến năm 1632, hệ thống phụ âm, nguyên âm và các dấu thanh
đã trở nên hoàn hảo. Một vài chữ từ tài liệu của Amaral:

Đàng tlaõ = đàng trong,

Đàng ngoày = đàng ngoài,

Đđàng tlên = đàng trên

Nhà thương đây = nhà thượng đài

Đến đây ta đã thấy chữ Quốc Ngữ đã tiếng một bước
dài. Đó là có đủ năm dấu thanh (sắc, huyền, hỏi, ngã và
nặng), các nguyên âm (a, ă, â, e, ê, v.v.), các âm kép (au, ưa,
âĩ, v.v.), và những phụ âm kép (nh, ch, ng, v.v.).

Nhưng chữ Quốc Ngữ chưa thật sự trưởng thành cho đến năm
1651 khi quyển tự điển Việt-Bồ-La (Việt Nam - Portugese - Latin)
và quyển Giáo Lý của de Rhodes ra đời. Sự ra đời của quyển
Từ Điển này là một cái mốc quan trọng trong quá trình hình
thành chữ Quốc Ngữ. Đây là quyển từ điển đầu tiên, nó
tiêu chuẩn hóa một hệ thống chữ Quốc Ngữ. Quyển từ
điển này gồm có ba phần:

Phần thứ nhất viết bằng tiếng La Tinh, nói về ngữ pháp
của tiếng Việt, nói về chữ, dấu, động từ, danh từ và cú
pháp tiếng Việt. Đây có lẽ là cuốn ngữ pháp đầu tiên
của Việt Nam.

Phần thứ hai là phần chính, đó là tự điển Việt Nam - Bồ
Đào Nha - La Tinh.

Phần thứ ba là tự điển La Tinh - Việt Nam. Phần có thể coi
là quyển tự điển La-Việt đầu tiên.

Quyển Giáo Lý (Cathechismus) là quyển sách song ngữ, được
viết bằng hai thứ tiếng La Tinh và Việt. Sách này chia ra làm
tám phần, mỗi phần là một ngày học.

<h3>B. Lần Chỉnh Đốn Thứ Nhất: Từ Điển Béhaine (1772) </h3>

Sau de Rhodes là P. De Béhaine (thường được gọi là Bá Đa
Lộc), với sự cộng tác của Hồ Văn Nghi và một số người
Việt khác đã hoàn thành quyển từ điển Annam - Latin. Bộ từ
điển này gồm hai phần, phần tra chữ Nôm theo 214 bộ chữ Hán
và phần từ điển Nôm - Quốc Ngữ - Latin.

Phần tra chữ Nôm dạy về cách đọc chữ Nôm theo bộ và số
nét. Phần thứ hai là tự điển tiếng Việt ghi theo lối viết
Nôm và Quốc Ngữ, sắp theo mẫu tự abc. Số lượng từ trong
phần này là 4843 từ đơn và mấy chục ngàn từ kép. Tất cả
đề được ghi và giải nghĩa bằng chữ Latin.

Những cải tiến trong quyển từ điển này là: thống nhất các
phụ âm đầu, loại bỏ các phụ âm: bl, de, ge, ml, tl và thống
nhất các phụ âm cuối.

Ngoài ra vì được sự cộng tác của nhiều người Việt cho
nên trong quyển từ điển này có cả trăm câu ca dao, tục ngữ
rất có giá trị như:

Sá bao cá chậu chim lồng,
Hễ người quân tử có cùng mới nên

Duỗi theo ống thẳng lận theo bầu tròn

Bụng làm dạ chịu

Cháu đẻ ra ông

Thắp đuốc tìm giàu, giàu chẳng thấy
Cầm gươm chém khó, khó theo sau.

Những câu này đã được ghi bằng chữ Nôm, chữ Quốc Ngữ và
chữ Latin. Thật là một tài liệu giá trị.

<h3>C. Lần Chỉnh Đốn Thứ Nhì: Từ Điển Taberd (1832) </h3>

Với sự hợp tác của Phan Văn Minh và nhiều người Việt Nam
khác, Taberd đã sử dụng và bổ sung quyển tự điển của
Béhaine để hoàn tất hai quyển tự điển: Annam-Latin và
Latin-Annam. Tự điển này có nhiều từ hơn quyển những quyển
tự điển đã làm trước đó. Tự điển Annam-Latin của de
Rhodes (1651) có 3772 từ, De Béhaine (1772) có 4843 từ, Taberd (1838)
có 4959 từ. Nên biết rằng trong việc biên soạn quyển từ
điển này, Taberd chỉ chủ trương và phối hợp. Còn công việc
biên soạn phần Nôm, phần Quốc Ngữ và thích nghĩa là công
việc của một số người Việt Nam.

<h2>III. Giai Đoạn Phát Triển: Từ Năm 1862 Trở Về Sau </h2>

Cho đến năm 1862, chữ Quốc Ngữ chỉ được sử dụng trong
giới truyền giáo, nhưng khi người Pháp xâm chiếm Nam Kỳ làm
thuộc địa, chữ Quốc Ngữ đã trở nên phổ thông. Cần sử
dụng chữ Quốc Ngữ làm phương tiện cai trị nên người Pháp
đã ra sức phổ biến chữ Quốc Ngữ và vì chữ Quốc Ngữ
rất là dễ học so với chữ Nôm hoặc chữ Hán, chữ Quốc
Ngữ trở nên thông dụng.

Trong giai đoạn này đã có nhiều tác phẩm bằng chữ Quốc
Ngữ được ấn hành như: Lục Vân Tiên, Kim Vân Kiều, Gia Huấn
Ca, Tam Tự Kinh, Minh Tâm Bửu Giám, tự điển song ngữ của
Trương Vĩnh Ký, v.v. Đặc biệt là quyển Đại Nam Quấc Âm Tự
Vị của Huình Tịnh Paulus Của (1895), quyển tự điển xưa
nhất mà hiện nay còn lưu hành với 7537 từ đơn. Quyển này
chứa nhiều từ ngữ xưa mà ngày nay không còn được sử dụng
nữa. Vì vậy, nó là một kho tài liệu vô cùng quí giá. Song
song với những tác phẩm trên, nhiều tờ báo đã được lưu
hành như Gia Định Báo (1865), Phan Yên Báo (1868), Nhật Trình Nam
Kỳ (1883), Nam Kỳ Địa Phận (1883), Nông Cổ Mím Đàm (1901),
v.v. Đánh dấu sự tiến triển vượt bực của chữ Quốc Ngữ.

<h2>IV. Chữ Quốc Ngữ Ngày Nay </h2>

Chữ Quốc Ngữ đã góp phần to lớn trong công việc bảo tồn
và phát huy nền văn hóa nước nhà. Vì dễ học, cho nên đại
đa số quần chúng có thể thưởng thức những tác phẩm Hán
và Nôm đã được Quốc Ngữ hóa. Nhiều tác phẩm mới đã
được phát hành rộng rãi vì phương tiện ấn loát dễ dàng
và ít tốn kém, đặc biệt là từ khi chữ Quốc Ngữ được
điện toán hóa. Chữ Quốc Ngữ đã tạo điều kiện cho nền
Văn Học Việt Nam phát triển toàn diện.

<em>Một số thầy trường Văn Lang tóm lược. </em>

(Tài liệu: Chữ Quốc Ngữ Trên Đất Sài Gòn - Gia Định Những
Thế Kỷ XVII-XVII-XIX của Trần Văn Giàu, Thanh Lãng và Hoàng
Xuân Việt)

_________________________________

<h2>Chú thích:</h2>

(1) "Quốc ngữ" có nghĩa là ngôn ngữ của một quốc gia, nhưng
vì lúc mới hình thành loại chữ viết này được gọi là chữ
quốc ngữ, dùng riết rồi quen cho nên chúng tôi xin viết hoa
như tên của một loại chữ viết.

(2) Có vài học giả cho rằng trước khi dùng chữ Hán, nước ta
đã có một loại chữ "quốc ngữ" mà sau này bị chữ Hán bức
tử. Giả thuyết này cho rằng những hình khắc trên trống
đồng Ngọc Lũ là chữ của nước ta vào thời Âu Lạc, Hùng
Vương.

(3) Thanh Lãng, "Những chặng đường của chữ Việt quốc ngữ",
Tạp Chí Đại Học số, tháng 2/1961 - Kỷ niệm giáo sĩ Đắc
Lộ.

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/7440), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét