Nguyễn Gia Kiểng - Đi tìm một mô thức phát triển đất nước [VI]

<h2>Những định luật cho một xã hội phát triển?</h2>

Cái đầu quả nhiên nhanh hơn đôi chân và hơn cả máy bay phản
lực. Qua một vài chục trang giấy, chúng ta đã du hành ngược
thời gian, lên đến thời tiền sử rời lại xuôi dòng về
đến hiện tại, sau khi đã thăm viếng những cái nôi đầu
tiên của phát triển tại châu Âu và Hoa Kỳ, rồi các nước
vừa phát triển tại châu á và châu Mỹ La Tinh.

Chúng ta đã nhận định và cũng đã khảo sát cả những lập
luận trái ngược. Đến đây chúng ta có thể rút ra những kết
luận. Nếu chúng ta tự so sánh với một nhà khoa học rút ra
những định luật sau khi đã quan sát các thí nghiệm, chúng ta
cũng có thể rút ra một số định luật cho một xã hội muốn
phát triển hay muốn tiếp tục phát triển. Dĩ nhiên, với thái
độ khiêm tốn phải có, bởi vì các định luật trong khoa học
nhân văn không chính xác như những định luật trong khoa học
vật lý, chúng luôn luôn đòi hỏi một ứng dụng sáng tạo phù
hợp với môi trường.

<b>Định luật 1:</b><i> Tất cả mọi thành tố cơ bản của
phát triển đều vô hình, nằm trong con người và xã hội. Phát
triển chủ yếu là một vấn đề tâm lý và văn hóa. </i>

<b>Định luật 2:</b><i> Dân chủ là nguyên nhân tạo ra phát
triển và cũng là môi trường của phát triển. Mức độ dân
chủ quyết định giới hạn tối đa của phát triển. Dân chủ
càng cao khả năng phát triển càng cao. Không có dân chủ quá
đáng.</i>

<b>Định luật 3:</b><i> Phát triển đòi hỏi một đồng thuận
dân tộc trong một dự án tương lai chung, phù hợp với quyền
lợi của mỗi cá nhân. Hiến pháp và luật pháp thể hiện
đồng thuận xây dựng một tương lai chung đó và vì thế
được ổn vững và được coi như nền tảng duy nhất của tổ
chức xã hội. </i>

<b>Định luật 4:</b><i> Phát triển đòi hỏi kinh tế phải
được tự do vận hành theo qui luật tự nhiên của thị
trường thay vì bị gò bó trong một kế hoạch. Chính quyền
phải tránh can thiệp và đặt ra nhưng cưỡng chế mâu thuẫn
với qui luật của thị trường. </i>

<b>Định luật 5:</b><i> Các thủ tục hành chánh phải được
giảm tới mức tối thiểu cần thiết. Chính quyền tốt nhất
là chính quyền nhẹ nhất, nhường không gian tối đa cho xã
hội dân sự, cá nhân, ý kiến và sáng kiến. </i>

<b>Định luật 6:</b><i> Phát triển lành mạnh đòi hỏi hủy bỏ
mọi đặc quyền đặc lợi, mọi thế lực ngoài qui định
luật pháp, mọi thành kiến và giáo điều, mọi phân biệt và
ngăn cách. </i>

<b>Định luật 7:</b><i> Tự do là tâm hồn, động cơ và sức
mạnh của xã hội. Trong một xã hội muốn phát triển mạnh
không thể có nhưng ý kiến cấm nêu ra và cũng không thể có
đề tài cấm bàn đến. </i>

<b>Định luật 8:</b> <i>Bạo lực phải bị tuyệt đối lên án
và hoàn toàn xóa bỏ như một phương thức ứng xử. Mọi mâu
thuẫn trong xã hội phải được giải quyết qua đối thoại và
thỏa hiệp. </i>

<b>Định luật 9:</b><i> Vận tốc phát triển tỷ lệ thuận với
chỗ đứng dành cho thương mại. Thương mại càng được ưa
thích và quí trọng, xã hội phát triển càng nhanh chóng: Thương
mại phải được coi là động cơ của mọi tiến bộ khoa học,
kỹ thuật, văn hóa, đạo đức. </i>

<b>Định luật 10:</b><i> Mọi luật và qui định phải phù hợp
với trình độ hiểu biết của dân chúng và liên lục thích
nghi với bối cảnh xã hội, nhưng luôn luôn phải giản dị,
dễ hiểu, dễ tuân thủ cho mọi người và được áp dụng
triệt để.</i>

Mười định luật trên đây thực ra là những định luật căn
bản. Chúng ta đã bỏ qua những yếu tố khác tuy rất quan
trọng nhưng tự nhiên sẽ được khám phá ra khi những định
luật căn bản đã được thỏa mãn, như sức khỏe, giáo dục,
truyền thông, hạn chế dân số, bảo vệ môi trường, v.v.

Sự liệt kê giản lược này dĩ nhiên cần một số ghi chú bổ
túc:

Định luật 1 là một khám phá mới. Cho tới một ngày khá gần
đây các nhà nghiên cứu, khi giải thích hiện tượng phát
triển, đều đề cao vai trò của những yếu tố vật chất như
tài nguyên thiên nhiên, khí hậu, vị trí địa lý. Max Weber là
một trong những nhà tư tưởng hiếm hoi đề cao vai trò của
tâm lý và văn hóa, nhưng ông lại tập trung lý luận vào châu
Âu và dành cho đạo Tin Lành một vai trò chủ yếu. Tư tưởng
của ông vì vậy khó có tiếng vọng nơi các xã hội không theo
Thiên Chúa Giáo. Chỉ cho tới một ngày rất gần đây, nhờ sự
quan sát của các nhà ngoại giao, các chuyên viên trong các
chương trình hợp tác phát triển và các phái viên của các tổ
chức thiện nguyện, người ta mới ý thức được rằng sự
tụt hậu và trì trệ là do một cấu trúc tâm lý không thích
hợp. Một quốc gia không thể phát triển nếu quyền lực thay
vì được coi là một trách nhiệm lại được nhìn như một
phần thưởng, nếu danh giá trong xã hội là làm quan thay vì kinh
doanh, nếu tâm lý quần chúng là một người làm quan cả họ
phải được nhờ, nếu sự giàu có bị thù ghét, nếu hoạt
động kinh tế được nhìn như một cuộc chơi với tổng sổ
là số không, người này giàu tất nhiên kẻ khác phải nghèo,
vì thế kinh doanh đồng nghĩa với bóc lột. Muốn phát triển
một xã hội, phải từ bỏ tâm lý cũ đã tạo ra sự lạc hậu
và đề cao những giá trị tiến bộ: hòa bình, tự do, dân
chủ, nhân quyền, nhà nước pháp trị, đối thoại, hợp tác
và lợi nhuận. Cần nhấn mạnh giá trị lợi nhuận.

Định luật 2 là kết luận căn bản nhất rút ra từ sự quan
sát các nước đã phát triển đầu tiên và các nước mới
phát triển gần đây sau cuộc du lịch tham quan của chúng ta
trong nhưng bài trước. Điều đặc biệt cần ghi nhận là
định luật này không có một ngoại lệ nào nếu ta nhìn trong
chiều sâu thay vì một cách phiến diện.

Định luật 3 gần như là một hệ luận của định luật 2,
nhưng nhấn mạnh tầm quan trọng của khả năng động viên
quần chúng. Đồng thuận là điều kiện để lòng yêu nước
có thể đóng được vai trò kết hợp và thôi thúc của nó.
Định luật này giải thích tại sao các chế độ phát-xít quân
phiệt tại Đức, ý và Nhật trước thế chiến II đã đạt
được những tiến bộ đáng kể trước khi sụp đổ trong máu
lửa. Đó là vì do hoàn cảnh lịch sử, các dân tộc này đã
có một đồng thuận lớn và đã được động viên trong một
cố gắng chung, dù chỉ là đồng thuận mê muội trên một ý
đồ bá quyền nước lớn. Sau đó chính vì không có dân chủ
mà các nước này tích lũy mâu thuẫn và bị đẩy vào chiến
tranh tự hủy. ở đây cũng cần hiểu rõ những định nghĩa
khác nhau của ổn định. ổn định có lợi và cần thiết cho
phát triển là ổn định trong sinh hoạt xã hội, nghĩa là hiến
pháp và luật pháp, không bị thay đổi tùy tiện theo ý muốn
của người cầm quyền. Đó hoàn toàn không phải là sự "ổn
định " được hiểu như là sự không thay đổi người cầm
quyền. Từ sau thế chiến II, Nhật và ý là hai quốc gia thay
đổi chính phủ rất thường xuyên, trung bình một chính phủ
chỉ kéo dài xấp xỉ một năm, mà vẫn phát triển mạnh bởi
vì luật chơi, nghĩa là hiến pháp và luật pháp không thay
đổi. Trái lại, các nước độc tài, với những chính quyền
kéo dài nhiều thập niên, lại rất tụt hậu. Tại sao? Bởi
vì, như đã được trình bày trong bài trước nhưng nhắc lại
một lần nửa tưởng không phải là vô ích, chế độ độc
tài cho phép người cầm quyền thay đổi luật chơi một cách
tùy tiện, tạo ra xáo trộn và bất ổn thường trực cho sinh
hoạt của xã hội.

Định luật 4 cũng hiển nhiên như định luật 2, nhưng có lúc
đã bị che khuất bởi những trình bày dối trá. Các chế độ
phát-xít Đức, ý và Nhật trước tác chiến II và nhất là các
chế độ cộng sản, bằng những giấu giếm và thống kê bịp
bợm, đã làm cho nhiều người tưởng là có thể phát triển
bằng những kế hoạch duy ý chí, bất chấp các qui luật của
thị trường. Sự sụp đổ của phong trào cộng sản đã chỉ
là sự tái lập lại một chân lý vốn đã có từ lâu.

Định luật 5 tập hợp hai nhận thức cơ bản: một là chính ý
kiến và sáng kiến, chứ không phải nguyên nhân nào khác, làm
cho kinh tế tăng trưởng, mà muốn ý kiến và sáng kiến nảy
nở thì xã hội dân sự và các cá nhân phải được giải
phóng khỏi mọi gò bó; hai là các thủ tục rườm rà vừa ngăn
cản sáng kiến vừa đề ra tham nhũng, bệnh ung thư của hoạt
động kinh tế. Tham nhũng là gì nếu không phải là sự lạm
dụng công quyền cho lợi ích cá nhân? Muốn tránh tham nhũng thì
trước hết phải giới hạn vai trò của chính quyền. Cũng
phải nhận xét rằng thủ tục đẻ ra thủ tục bởi vì nó
tạo ra những công chức sống nhờ thủ tục và cố gắng tạo
ra thêm càng nhiều thủ tục càng tốt để cũng cố địa vị.
Mặt khác, chính quyền ôm đồm quá nhiều sẽ không làm tròn
được những nhiệm vụ tối cần thiết của một chính quyền,
nghĩa là bảo vệ trật tự an ninh, trọng tài đúng đắn những
mâu thuẫn và tranh tụng trong xã hội, thi hành đúng đắn luật
pháp, gìn giữ liên đới xã hội, quản lý đúng đắn tiền
tệ. Một xã hội được cai trị quá nhiều cũng là một xã
hội không được cai trị đầy đủ.

Định luật 6 nói lên sự cần thiết của một đoạn tuyệt
văn hóa và tâm lý. Mỗi quốc gia có những lý do khác nhau để
bị trì trệ. Lý do có thể là những đặc quyền dành cho một
giai cấp, một tập đoàn hay một số gia đình, thành phần
được ưu đãi này dựa vào địa vị áp đảo của mình để
kiềm giữ thành phần còn lại của xã hội trong sự nghèo khổ
ngõ hầu giữ nguyên vai trò thống trị của mình. Hay là một
số người và nghề được tôn vinh quá đáng, ngược lại một
loại người và nghề bị khinh bị và loại trừ, xã hội bị
chia cắt thành những tập thể mâu thuẫn với nhau, phá hoại
lẫn nhau và triệt tiêu lẫn nhau; sự lưu thông bị tắc nghẽn,
xã hội ở trong một tình trạng nội chiến thường trực. Một
thí dụ trong các xã hội theo văn hóa Khổng Giáo là lâm lý
trọng văn khinh nghề, một tâm lý từ chối sự giàu mạnh.
Một thí dụ khác, cũng trong các xã hội này, là tâm lý trọng
nam khinh nữ, chà đạp và loại trừ khỏi hoạt động xã hội
một nửa tài nguyên nhân lực.

Đoạn tuyệt văn hóa rất khó, như chúng ta đã nhận xét trong
nhiều trang trước, nhưng đó là điều kiện tiên quyết để
có thể phát triển. Nhiều người chất vấn: xã hội ta đặt
nền tảng trên những giá trị Khổng Giáo, nếu bỏ đi chúng ta
còn lại gì? Phải trả lời dứt khoát: chẳng thà không có gì
còn hơn là có thuốc độc. Người phá rừng hoang làm đất canh
tác không thể tự hỏi: khu đất này chỉ có cây hoang nếu phá
hết thì còn lại gì? Trước hết phải đốn hết cây dại
trước khi làm đất và trồng cây ăn trái.

Đình luật 7 nói lên một niềm tin rất nền tảng: tự do có
khả năng sửa chữa những khuyết tật của chính nó. Nếu trong
nhất thời "tự do quá trớn" có thể để ra những hậu
quả xấu thì sau đó chính cái "tự do quá trớn" đó sẽ
xóa bỏ những hậu quả xấu này. Đây là niềm tin vào trí
tuệ của con người. Định luật này cũng là một đồng minh
của định luật 6. Tự do phát biểu tuyệt đối là vũ khí
tiêu diệt mọi thành kiến lệch lạc, mọi ngăn cách, mọi
đặc quyền đặc lơi. Đó cũng là vù khí hiệu lực nhất để
chống tham nhũng. Tại sao nước Mỹ đã vươn lên từ một vùng
đất hoang thành siêu cường số một của thế giới. Một trong
nhưng lý do là hiến pháp Mỹ không những khẳng định tự do
phát biểu mà còn cấm quốc hội biểu quyết bất cứ một
đạo luật nào giới hạn tự do phát biểu, dù với đa số
nào. Đễ có thể có một đoạn tuyệt văn hóa và tâm lý như
định luật 6 đòi hỏi chúng ta không thể chỉ chấp nhận tự
do, mà còn phải coi tự do như một quốc giáo và khuyến khích
tự do dưới mọi hình thức như tự do suy nghĩ, phát biểu,
chọn lựa, thụ hưởng, kể cả tự do cơ thể. Tự do cơ thể
đặc biệt quan trọng bởi vì khi cơ thể đã được giải
phóng thì rất nhiều thành kiến cũng tiêu tan và cách suy nghĩ
sẽ thay đổi. Các trí thức canh tân của ta đầu thế kỷ 20
đã rất đúng khi họ kêu gọi cắt tóc ngắn, động tác giản
dị này đã có ảnh hưởng tâm lý quyết định.

Đình luật 8 là tuyên cáo của một xã hội nhân bản và một
nền văn minh mới. Bạo lực phải bị lên án ngay trong ý niệm
chứ không phải chỉ trong thực tế. Dù không dùng bạo lực
thực sự đi nữa thì khả năng sử dụng bạo lực hay ý nghĩ
bạo lực cũng làm cho con người có thể thù ghét nhau vì bất
đồng ý kiến hay mâu thuẫn quyền lợi. Loại trừ hẳn bạo
lực ngay trong ý niệm sẽ khiến mọi người không còn chọn
lựa nào khác ngoài đối thoại tương kính để đi đến thỏa
hiệp và như thế không những bảo đảm hòa bình trong xã hội
mà còn đem lại hòa bình trong tâm hồn mọi người.

Định luật 9 cần được đặc biệt chú ý vì nó là sự thực
đã bị các quyền lực chính trị cố tình xuyên tạc và che
đậy. Thương mại luôn là động cơ của mọi tiến bộ. Xã
hội Hy Lạp nguyên thủy coi thương mại là hoạt động cao quí
nhất, họ đặt giai cấp kỹ sư và thợ thủ công dưới giai
cấp thương nhân. Dù là một phân biệt giai cấp không chính
đáng, quan niệm này cũng bày tỏ một sự đánh giá có căn
bản: thương nhân là những con người có bản lãnh nhất, giao
thiệp nhiều, hiểu biết rộng, nhiều sáng kiến và dám chấp
nhận rủi ro. Người Á Đông từ lâu cũng đã nhận định
"phi thương bất phú" (không làm thương mại thì không thể
giàu có). Từ chối thương mại như vậy chính là từ chối sự
giàu mạnh. Các chế độ độc tài toàn trị đều sợ thương
nhân vì thế chà đạp thương nhân để triệt tiêu một mối
để dọa cho quyền lực của chúng. Một mặt chúng dùng bạo
lực đàn áp, mặt khác chúng dùng độc quyền ngôn luận để
phỉ báng thương nhân như là hạng người gian trá tham lam. Với
thời gian chúng đã thành công tạo ra một thành kiến thù ghét
đối với hoạt động kinh doanh làm giàu. Nho Giáo từ đời nhà
Hán bắt đầu bài xích và cấm đoán thương mại. Các chế
độ cộng sản trong thế kỷ 20 cũng có cùng một chọn lựa.
Các xã hội Khổng Giáo ngày xưa và cộng sản gần đây trì
trệ là vì thế. Nguyên nhân sâu xa của chính sách bài bác
thương mại là một triết lý chính trị: ưu tư gìn giữ chính
quyền được đặt trên sự giàu mạnh của xã hội. Các chế
độ độc tài toàn trị không cần quốc gia giàu mạnh, trái
lại chúng cần dân chúng nghèo khó và ngu dốt để có thể
tiếp tục thống trị.

Thương mại đòi hỏi và làm phát triển nhiều đức tính tốt.
Người làm thương mại phải hiểu nhu cầu của xã hội và vì
thế phải cố gắng tìm hiểu xã hội. Người làm thương mại
sống bằng chữ tín nên phải thực thà, nếu không muốn bị
tẩy chay và phá sản. Người làm thương mại cần khách hàng
nên phải thực sự quí trọng người khác vì không có sự giả
dối nào có thể kéo dài. Người làm thương mại phải tỏ ra
dễ mến để tranh thủ khách hàng cho nên ngôn ngữ và thái
độ phải trang nhã. ở một chương trước chúng ta đã nói
rằng chính vì thương mại không phát triển mà con người trong
các xã hội Khổng Giáo thường rất thô lỗ.

Thực tế cho thấy các tiến bộ đầu tiên, kể cả dân chủ,
đã xuất hiện tại các trung tâm thương mại. Các thí dụ phát
triển đầu tiên tại Hòa Lan, Anh và Mỹ cũng đã chứng tỏ vai
trò quyết định của thương mại.

Định luật 10 và một nhận định thực tiễn. Xã hội phát
triển chỉ có thể là xã hội dân chủ pháp trị. Nhưng muốn
luật pháp được tôn trọng, trước hết luật pháp phải
được mọi người thấu hiểu. Không thể lấy một đạo
luật, dù hay tới đâu, của một nước đã phát triển và có
hoạt động kinh tế phức tạp để áp đặt vào một nước mà
đa số dân chúng chưa đọc thông viết thạo và hoạt động
kinh tế chủ yếu là trao đổi trực tiếp hay buôn bán lặt
vặt, hay sản xuất trên qui mô gia đình. Luật pháp phải phù
hợp với trình độ hiểu biết trung bình của xã hội. Luật
pháp không hoàn chỉnh nhưng áp dụng được còn hơn luật pháp
hoàn chỉnh những người dân không hiểu nổi và do đó không
thể tuân thủ. Luật pháp phải được xây dựng một cách liên
tục và trưởng thành cùng với sự phát triển của quốc gia.

Nhưng ở đây phải đặc biệt cảnh giác trước một sự gian
trá khác. Đó là giới hạn tự do và dân chủ viện cớ dân
trí chưa cao. Ngược lại, và ngược hẳn lại, chính trong hoàn
cảnh dân trí chưa cao và hoạt động kinh tế chưa phức tạp,
luật pháp phải ít gò bó hơn, ít giới hạn hơn. Sự gian trá
của các chế độ độc tài đập vào mắt mọi người: chúng
nhằm đàn áp trước hết những người có trình độ cao, chúng
dồn những cố gắng rất tốn kém để kiểm soát tư tưởng,
trong khi để mặc cho các tệ đoan xã hội hoành hành. Các xã
hội độc tài khắc nghiệt thường rất hỗn loạn và vô kỷ
luật: trộm cướp, mãi dâm, buôn lậu, phóng uế, phá hủy môi
trường, đánh cá bằng chất nổ v.v... hầu như không bị kiểm
soát vì lý do dễ hiểu là các tệ nạn này không đe dọa tập
đoàn cầm quyền.

Mười định luật về phát triển trên đây có thể tóm gọn
trong bốn chữ: dân chủ đa nguyên. Trong một xã hội dân chủ
đa nguyên tất nhiên mọi người phải được tôn trọng,
được tự do kết hợp, bầu cử và ứng cử. Chính quyền như
thế sẽ xuất phát từ dân chúng và được dân chúng ủng hộ.
Trong một xã hội dân chủ đa nguyên tất nhiên mọi ý kiến,
dù mới mẻ và có vẻ ngược đời đến đâu cũng vẫn được
quyền phát biểu. Tinh thần đa nguyên, nghĩa là tinh thần tôn
trọng mọi khác biệt, có hệ luận tự nhiên là người ta
không được dùng bạo lực để tiêu diệt người khác ý kiến
và quyền lợi với mình, mà phải tìm cách sống chung qua đối
thoại và thỏa hiệp. Đã không tiêu diệt và đàn áp lẫn nhau
thì cố gắng tự nhiên là tìm đồng thuận. Đã tôn trọng
mọi người, dù thuộc thành phần xã hội nào và khuynh hướng
nào, thì tất nhiên không thể có những đặc quyền đặc lợi,
thành kiến và ngăn cách; hay nếu có cũng sẽ bị xóa bỏ với
thời gian. Sau cùng, một xã hội dân chủ đa nguyên, sau khi các
thành kiến và đặc quyền đã được hủy bỏ, chắc chắn sẽ
khám phá ra vai trò chủ đạo của thương mại vì đó là một
sự thực hiền nhiên, mọi người đều có thể thấy một cách
dễ dàng và nhanh chóng.

Tới đây có lẽ cũng nên có một nhận định tổng hợp và
đúc kết về hiện tượng phát triển kinh tế: tăng trưởng
kinh tế, nguyên nhân của phát triển, xảy ra khi xã hội hội
đủ ba yếu tố: (1) nhiều người lạc quan và muốn kinh doanh,
(2) họ có thể kinh doanh và (3) họ có phương tiện để kinh
doanh.

Để lạc quan và muốn kinh doanh, họ cần một bối cảnh tâm
lý thuận lợi: hoạt động kinh doanh được xã hội quí trọng,
ý kiến và sáng kiến được đề cao, sự chấp nhận rủi ro
được đề cao và dĩ nhiên lòng tin trong kinh doanh sẽ thành
công.

Để có thể kinh doanh, doanh nhân cần trật tự an ninh, cần
được tự do hoạt động và được luật pháp bảo vệ và
luật pháp không thay đổi một cách tùy tiện. Họ cũng không
thể bị trói buộc bởi quá nhiều qui định, không bị gò bó
trong một kế hoạch quốc gia cứng nhắc, và nhất là không bị
sách nhiễu bởi tệ tham nhũng, một căn bệnh trầm kha của
mọi chế độ độc tài.

Phương tiện kinh doanh không phải chỉ là vốn. Trước hết là
một nguồn nhân lực có phẩm chất, hạ tầng cơ sở và các
phương tiện giao thông và truyền thông tốt, một hệ thống
ngân hàng đắc lực khi cần vốn luân chuyển. Vốn đầu tư
chỉ là một trong những phương tiện và cũng không phải là
phương tiện quan trọng nhất. Tư bản có trí khôn và lô-gích
riêng của nó, ở đâu kinh doanh có lợi vốn sẽ tự nó tìm
đến. Yếu tố quan trọng nhất vẫn là những con người cần
mẫn và có kỹ năng.

Cả ba yếu tố nền tảng trên đây cho tăng trưởng kinh tế,
và phát triển kinh tế sau đó, một lần nữa nhắc nhở chúng
ta một chân lý: phát triển hay trì trệ chủ yếu là một vấn
đề tâm lý và văn hóa.

Chúng ta cần thay đổi văn hóa, nghĩa là thay đổi xã hội và
con người để có thể phát triển.

Một lời trước khi chấm dứt. Những qui luật phát triển trên
đây có thể làm cho một số độc giả phân vân: phải chăng
chúng ta tiến tới một xã hội do đồng tiền ngự trị? Sự
phân vân càng day dứt đối với tâm hồn Á Đông, và nhất là
Việt nam, từ ngàn xưa đã coi sự thanh bản như một giá trị
cao quí. Nhưng thực ra một xã hội phát triển và tự do không
phải chỉ đem lại sự giàu có; nó còn đem lại phẩm giá cho
con người, đem lại sự sáng tạo trong mọi địa hạt. Tôi
không biết một triết gia phương Tây nào đó đã nói: "Đồng
tiền là một đầy tớ tốt nhưng là một chủ nhân xấu".
Câu nói này được rất nhiều người coi là cao siêu nhưng
thực ra nó chỉ là một nhận xét của một người thiếu hiểu
biết. Đông tiền chắc chắn không phải là ông chủ tốt bởi
vì nó không có lương tâm và tình cảm, nhưng nó cũng không
thể là một đầy tớ.

Nó quá mạnh và kiêu hãnh. Nếu bị coi là một đầy tớ, nó
sẽ phản ứng thẳng tay và làm chúng ta đau đớn. Đồng tiền,
hay đúng hơn tài sản, khi đã đạt tới một tầm vóc nào đó,
có cuộc sống riêng của nó và cũng có lô-gích riêng của nó;
chúng ta phải thảo luận và thỏa hiệp với nó chứ không thể
coi nó như một vật dụng. Nó cần được đối xử như một
người bạn và một người đồng đội chứ không phải một
chủ nhân hay một đầy tớ. Nó không thống trị mà cũng không
khuất phục. Vả lại, ngay cả sự thống trị của đồng
tiền, dù không phải là lý tưởng, cũng vẫn dễ chịu hơn là
sự chuyên chế của đức hạnh. Đồng tiền là tiện nghi, là
tự do và là điều ai cũng có thể hiểu và chấp nhận, trong
khi đức hạnh thường chủ quan và thay đổi theo người, hay
lớp người, có quyền quyết định cái gì là đức hạnh, cái
gì là trái với đức hạnh. Đức hạnh có thể là một nhà tù
vô hình nhưng rất nghiệt ngã.

Nguyễn Gia Kiểng
Nguồn: Tổ Quốc Ăn Năn, phần IV: Vài trang bị cho tương lai!

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/6105), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét