GiangLe - Việt Nam

<strong>1.</strong> Tôi đến thăm chú M khi VTV đang chiếu bộ phim
truyền hình "<a
href="http://vtv.vn/Article/Get/Bi-thu-tinh-uy-Cau-chuyen-ve-khoan-10-lich-su-c2b83f09b4.html">Bí
thư tỉnh ủy</a>" về cuộc đời bí thư Kim Ngọc. Ngồi xem
một đoạn phim cùng chú và được chú kể lại một giai đoạn
cuộc đời mình, không kém phần ly kỳ và tủi nhục. Đó là
khoảng năm 1982-1983, chú M là cán bộ công đoàn của một viên
nghiên cứu nông nghiệp tại Hà nội. Nhìn cảnh từ viện
trưởng đến các nhân viên phòng thí nghiệm đói rét, chú đã
thực hiện một kế hoạch "xé rào" táo bạo chẳng kém gì bí
thư Kim Ngọc trước đó vài năm. Kết cục chú M cũng bị
"đấu tố" không thương tiếc và đã chịu rất nhiều mất mát
cho đến ngày hôm nay.

Ngày đó khi tham gia "chạy" vật tư cho các phòng thí nghiệm
của viện, chú M nhận thấy sự bất hợp lý của chỉ tiêu
sản xuất hàng năm và quá trình cung cấp vật tư giữa các
hợp tác xã nông nghiệp. Hệ thống kinh tế kế hoạch tập
trung những năm 70-80 dẫn đến tình trạng tham nhũng (corruption)
trong mọi nấc thang của hệ thống kinh tế mà thuật ngữ thời
đó gọi là "thói cửa quyền". Hầu như ai cũng "cửa quyền"
nếu họ nắm giữ một loại hàng hóa/dịch vụ được phân
phối ra xã hội hay cung cấp cho một mắt xích sản xuất tiếp
theo. Khác với corruption trong xã hội VN hiện tại, "thói cửa
quyền" thời bao cấp không có tính chất "bôi trơn" cho các
hoạt động sản xuất kinh doanh, ngược lại nó cản trở và
kìm hãm hiệu quả toàn bộ nền kinh tế.

Chưa từng biết Friedrich Hayek và Janos Kornai là ai, chú M nhận ra
rằng gốc rễ của vấn đề là nền kinh tế không có một hệ
thống giá cả phản ánh đúng cung cầu trong xã hội. Một kế
hoạch táo bạo được đề ra, chú M dùng con dấu của viện
để thực hiện chức năng một công ty thương mại điều phối
lại quá trình phân phối sản phẩm giữa một số hợp tác xã
chăn nuôi và một vài nhà máy xay sát lúa. Những đơn vị đó
thông qua viện của chú M thực hiện việc trao đổi cám và
thịt heo theo một tỷ lệ hợp lý thay vì theo kế hoạch định
trước của nhà nước, tương tự như những gì bà Ba Thi làm
ở miền Nam vài năm sau. Cả hai phía đều có lợi còn quĩ công
đoàn của viện được một phần thịt và gạo thặng dư trong
quá trình trao đổi đó.

Tuy nhiên sau một thời gian "kinh doanh" rất thành công giúp cải
thiện đời sống nhân viên của viện, chú M bị công an bắt
vì tội tổ chức buôn lậu và lập quĩ đen (tội lập quĩ đen
công đoàn vẫn còn đến tận ngày nay mà điển hình là vụ bà
Ba Sương nông trường Sông Hậu). Sau một thời gian bị giam
giữ điều tra khá lâu, mặc dù kết luận của công an là chú M
không hề tham ô một đồng nào cho bản thân, chú vẫn bị kỷ
luật và mất tất cả. Cuộc sống của chú rất khó khăn trong
những năm tháng sau đó, nhưng giờ này chú đã rất thanh thản
và chỉ tiếc một điều là công cuộc "Đổi mới" của VN
không diễn ra sớm hơn vài năm. Có lẽ trong những năm 70-80 VN
đã có không ít những người như chú M hay bí thư Kim Ngọc.


<strong>2.</strong> Vào những ngày cuối năm 2010, cũng là những
ngày cuối trước Đại hội Đảng lần thứ 11 - một sự kiện
quan trọng bậc nhất trong đời sống chính trị VN, <a
href="http://vneconomy.vn/20101231052030998P0C6/tong-cuc-thong-ke-yeu-to-tien-te-gop-hon-46-vao-ty-le-lam-phat.htm">Tổng
cục trưởng Tổng cục Thống Kê Đỗ Thức</a> tuyên bố yếu
tố tiền tệ góp 4.6% vào tỷ lệ lạm phát 11.75% của cả năm
2010. Tuy không nói thẳng ra nhưng rõ ràng người chịu trách
nhiệm về "yếu tố tiền tệ" đó không là ai khác ngoài
đương kim thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu. Có vài điểm đáng
quan tâm liên quan đến sự kiện này.

Thứ nhất, so với thời của bí thư Kim Ngọc hay chú M, Việt
Nam đã có một bước... lùi vượt bực: từ một nước trên
tuyến đầu của khối xã hội chủ nghĩa, ngày nay VN đã biết
thế nào là lạm phát, thất nghiệp, thâm hụt, tiền tệ, tài
khóa..., những thứ mà trước đây CNXH đã muốn xóa bỏ hoàn
toàn. Trong giai đoạn "<em>đỉnh cao trí tuệ</em>" 30-40 năm
trước vấn đề công hữu không có gì phải bàn cãi, vậy mà
ngày nay những đại biểu ưu tú nhất của Đảng lại quay lại
tranh luận về vấn đề này. Tuy nhiên đánh đổi sự tụt lùi
về mặt tư tưởng như vậy lấy sự tiến bộ về mặt kinh
tế và cải thiện mức sống người dân là một bước đi sáng
suốt của Đảng. Liệu Đảng còn những đánh đổi nào trong
tương lai?

Thứ hai, cho dù Việt Nam chưa có và không cần đa nguyên như
lời ông Đinh Thế Huynh tuyên bố, các chính trị gia của VN
đang trên con đường "<em>chuyên nghiệp hóa</em>" như các đồng
nghiệp ở những nước mà các đảng phái chính trị phải
đấu tranh quyết liệt. Thời của bí thư Kim Ngọc và chú M
mấy chục năm trước, các hoạt động chính trị chủ yếu xoay
quanh các nghị quyết của đảng bộ, trung ương đến địa
phương. Ngày nay, bên cạnh nghị quyết và đại hội, các chính
trị gia đã biết vận dụng truyền thông (media) và dư luận xã
hội như những công cụ quan trọng cho hoạt động chính trị
của mình. Có nhiều dấu hiệu cho thấy các hoạt động vận
động hành lang (lobby) cũng như các nhóm lợi ích (interest groups)
đã và đang xuất hiện trong hậu trường chính trị VN, cùng
lúc là sự nổi lên của tầng lớp trung lưu (middle class) với
những quan tâm vượt ra ngoài vấn đề cơm áo gạo tiền hàng
ngày. Đấy là dấu hiệu của một môi trường chính trị đang
dần trưởng thành, dù chưa rõ theo chiều hướng tốt hay xấu.

Thứ ba, tuyên bố của ông Đỗ Thức bóc tách lạm phát thành 2
phần như vậy quả thực rất "<em>không giống ai</em>". Về mặt
nguyên tắc Tổng cục thống kê chỉ nên là nơi thu thập và
công bố số liệu một cách chính xác và khách quan nhất, không
nên và không cần đưa ra những phát biểu có tính chất phán
xét như vậy. Việc bóc tách lạm phát theo yếu tố tiền tệ
và phi tiền tệ còn là một sai lầm trên quan điểm kinh tế
học. Lạm phát theo định nghĩa là một hiện tượng tiền tệ,
một ngân hàng trung ương có thể kiểm soát được con số này
(nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới theo đuổi inflation
targeting là một minh chứng). Chính sách tiền tệ của một ngân
hàng trung ương thường được đưa ra để đối phó/trợ giúp
một real shock nào đó (vd kinh tế suy thoái, thâm hụt ngân sách,
giá dầu thô và các nguyên liệu thô tăng...). Bởi vậy nguyên
nhân sâu xa của con số 11.75% phải là thâm hụt ngân sách lớn,
đầu tư dàn trải không hiệu quả để chạy theo chỉ tiêu
tăng trưởng, sự không uyển chuyển (inflexibility) của nền kinh
tế khi phải đối mặt với giá dầu và nguyên liệu thô gia
tăng. Lạm phát của VN sẽ vẫn tiếp tục cao chừng nào những
yếu tố này chưa được khắc phục, cho dù VN có mời được
Ben Bernanke hay Jean-Claude Trichet ngồi vào ghế thống đốc NHNN.


<strong>3.</strong> Anh T chạy xe ôm cạnh cổng trường Hùng Vương
Q.5 từ 9AM đến 4PM, sau đó làm bảo vệ khu chế xuất Tân
thuận từ 6PM đến 6AM hôm sau. Mỗi ngày anh chỉ ngủ khoảng
3-4 tiếng và ở nhà với vợ con không quá 2 tiếng. Anh nói làm
việc như vậy đã quen rồi và anh cảm thấy rất hạnh phúc và
tự hào vì có ba người con đang học đại học và cao đẳng
ở SG. Năm 2000, khi đang là cán bộ vật tư một huyện ở Thanh
hóa, anh đã quyết định bán hết nhà cửa và đưa cả gia
đình vào SG, một quyết định "xé rào" so với truyền thống
gia đình lúc đó (bố anh cũng là cán bộ huyện). Có năm chiều
30 tết anh vẫn phải chạy vạy kiếm tiền trả nợ nóng, nhưng
nay anh đã có một ngôi nhà nhỏ ở quận Tân phú và đã sắm
cho mỗi đứa con một chiếc xe máy để tụi nó đi học. Với
anh cuộc sống còn rất khó khăn nhưng anh tin con cái anh sẽ có
tương lai tốt đẹp hơn.

Một buổi tối cuối năm 2010, Bruce Krasting dự một bữa tiệc
tất niên ở NYC và tường thuật câu chuyện sau: "One fellow ...
[says] <strong>"If you don't have some non US exposure you're not
wisely invested."</strong> Another who was looking for some free advice
asks the follow on, <strong>"Yes, but which country?"</strong> He
answers, <strong>"I focus on the countries that have the highest work
ethic."</strong> ... The talk was about which countries ranked high on that
list. This was not about which worker produced more. The answer to that is
easy. A worker for VW in Germany produces much more than does a worker in
Viet Nam. However, the conclusion at the table was that on the narrow issue
of work ethic, Vietnamese workers had a better attitude than German workers."

Tôi tin người đàn ông trong bữa tiệc ở NYC nói đúng, VN có
rất nhiều người như anh T, chú M, bí thư Kim Ngọc. Những
người con của chú M đã trưởng thành và thành đạt không
cần bất cứ thứ ô dù nào cả, tôi tin những đứa con của
anh T cũng vậy. Và tôi cũng lạc quan về tương lai của VN, một
dân tộc không may mắn trong suốt thế kỷ qua, nhưng có sức
chịu đựng phi thường như đã được minh chứng trong hàng
nghìn năm lịch sử.

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/7694), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét