Bạo lực gia tăng trong giới trẻ tại Việt Nam, quốc gia đang thay đổi nhanh chóng

HANOI – Trần Huy Hoàng sốc nặng, nhìn chằm chằm vào hình
ảnh bốn "teen" Việt Nam vừa tát vừa đạp vào một cô gái
đang cố lấy tay đỡ đòn.

"<em>Làm sao những nữ sinh này có thể như găng-xtơ
thế?</em>" – Hoàng hỏi. Anh là bố của một nữ sinh 14
tuổi. Anh đang xem một video clip được tung lên mạng Youtube,
video clip này có vẻ là do một teen khác quay lại.

Mấy đứa con gái lột áo phông và áo nịt của nạn nhân, bắt
cô bé để ngực trần.

Đó là một trong vài clip quay cảnh bạo lực trong thanh thiếu
niên Việt Nam, được lưu hành trên Internet suốt năm qua và
khuấy lên mối lo ngại về tác động của truyền thông và về
sự đổ vỡ của những giá trị xã hội hướng vào hạt nhân
gia đình, trong một đất nước đang hiện đại hóa nhanh chóng.

"<em>Các giá trị truyền thống đang mất đi, <strong>trong khi
lại chưa có đủ giá trị mới thay thế</strong></em>", chuyên
gia giáo dục Phạm Toàn, 80 tuổi, nói.

Các nhà xã hội học cho biết, không có cơ sở dữ liệu để
có thể xác định được các khuynh hướng bạo lực, nhưng
bạo lực có vẻ đang gia tăng khi các giá trị đạo đức xã
hội thay đổi, tuy rằng đây không phải là vấn đề của
riêng Việt Nam.

"<em>Chúng ta phải chấp nhận thực tế là bạo lực thanh
thiếu niên dường như đang trở nên phổ biến</em>" – ông
Hoàng Bá Thịnh, giáo sư khoa học xã hội tại Đại học Quốc
gia Việt Nam, nói.

Ông Toàn cho biết, chịu ảnh hưởng từ các giá trị Khổng
giáo, người trẻ Việt Nam, theo truyền thống, phải kính trọng
giáo viên, cha mẹ và người cao tuổi. Người giàu cũng như
nghèo đều được giáo dục về giá trị của lao động hơn là
giá trị của tiền.

"<em>Nếu bọn trẻ ăn cơm mà đánh rơi một hạt xuống sàn
nhà, người già trong gia đình sẽ nhắc nhở chúng rằng một
hạt gạo là một hạt vàng</em>", ông nói.

Theo ông, bây giờ các bậc cha mẹ dành ít thời gian cho gia
đình hơn vì họ theo đuổi sự của cải vật chất.

"<em>Trong xã hội bây giờ, người ta chỉ chú tâm tới kiếm
tiền và tiêu tiền hùng hục thôi</em>", ông Toàn nói.

Bây giờ, cho dù các nguyên lý đạo đức truyền thống có
được dạy ở trường đi chăng nữa, thì những phẩm chất
ấy cũng không còn được củng cố tại nhà bởi vì các bậc
cha mẹ đang mải tập trung vào kiếm tiền, và điều này khiến
bọn trẻ mất phương hướng – ông Toàn bổ sung thêm.

Trải qua nhiều năm nghèo đói sau ngày kết thúc chiến tranh,
thống nhất đất nước năm 1975, nước Việt Nam cộng sản
bắt đầu thực hành đường lối thị trường tự do vào năm
1986, trong một cuộc cải cách về kinh tế gọi là "đổi
mới".

Việc này cuối cùng đã đưa đến một tỷ lệ tăng trưởng
nằm trong hạng cao nhất ở châu Á, và mức thu nhập đầu
người hiện nay khoảng 1.200 USD.

Trong chiến tranh và trong suốt giai đoạn khó khăn về kinh tế
theo sau đó, "<em>con người sống nhân văn hơn, có lý tưởng
hơn và sẵn sàng chia sẻ với nhau cả ngọt bùi và cay
đắng</em>" – ông Trịnh Hòa Bình, Viện Xã hội học, nói.

Bây giờ người ta phải chịu quá nhiều gánh lo lắng về cuộc
sống, "<em>chỉ một tai nạn giao thông nhỏ hay một cái nhìn
đểu cũng có thể dễ dàng dẫn đến bạo lực</em>", ông
nói.

Mặc dù người nước ngoài vẫn coi Việt Nam là một trong
những quốc gia an toàn nhất Á châu, nhưng dân chúng sở tại
thì ngày một lo ngại hơn. Bạo lực thanh thiếu niên trở thành
chủ đề nóng trên những website thông tin ở Việt Nam suốt năm
qua, khi mà 20% trong số 86 triệu dân Việt Nam nằm trong độ
tuổi từ 15 đến 24.

Ở một trong những vụ nghiêm trọng nhất, một thiếu niên 15
tuổi, cư trú tại thành phố Đà Lạt, đã bị hai học sinh
lớp 9 khác đâm bằng dao cho đến chết, theo như báo điện tử
VnExpress đưa tin. Động cơ của việc giết người còn chưa
được làm rõ.

Báo Lao động trích dẫn số liệu của Bộ Giáo dục và Đào
tạo cho biết, có gần 1.600 vụ bạo lực trong và ngoài trường
học suốt niên khóa 2009-2010. Hơn 2.400 học sinh đã bị kỷ
luật, hàng trăm em khác bị đình chỉ học tạm thời.

Tình trạng hỗn loạn đó phát xuất từ việc học sinh thiếu
"<em>kỹ năng sống, khả năng kiềm chế và hành vi ứng xử
thích hợp để giải quyết những mâu thuẫn nhỏ, đơn
giản</em>", bài báo trích dẫn ý kiến của Bộ, cho biết.

Cùng với việc cha mẹ lơi lỏng giám sát, thanh thiếu niên cũng
tiếp xúc nhiều với "những hình ảnh đầy chất bạo lực"
trên các phương tiện thông tin đại chúng, game online và phim
ảnh – ông Bình nói.

Thế nhưng, theo ông Toàn, Việt Nam thiếu các tổ chức xã hội
hiệu quả để góp phần cải thiện tình hình.

Ông nói: "<em>Tôi nghĩ giờ đây chúng tôi đang sống trong một
xã hội vô trách nhiệm, con người có xu hướng tránh xa cộng
đồng và các hoạt động cộng đồng</em>".

Các tổ chức xã hội quan trọng – như những đoàn thể thanh
niên, phụ nữ – thì có liên quan với Nhà nước. Rất ít nhóm
phi chính phủ hoạt động độc lập.

Đối với chị Lưu Thị Mai, một người mẹ 36 tuổi, giải
pháp là cha mẹ phải quan tâm chăm sóc con cái cho thích đáng.

"<em>Tôi chăm con cách tốt nhất có thể, dạy nó cái sai cái
đúng, cho nó đi học ở một trường tốt, học sinh ngoan</em>"
– nữ nhân viên văn phòng này nói khi đang đứng chờ đón con
gái ở cổng một trường công ở Hà Nội.

Nhưng để đề phòng những vụ rắc rối, chị Mai nói chị
vẫn cho cô con gái 11 tuổi đi học võ karate – "<em>không
phải để đánh người khác mà là để biết đường tự
vệ</em>".


Người dịch: Đan Thanh
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/7695), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét