“Chào mừng” đại hội đảng XI: Cơn ớn lạnh chạy dọc sống lưng làng báo (phần 2)

<h2>Bài 2: Cú đấm trong bóng đêm.</h2>

Nhắc lại, buổi sáng ngày 03/11, báo Tuổi Trẻ đã quay ngoắt
180 độ so với ngày hôm trước. Trên trang bìa, họ chạy tít
lớn: "Đừng vì Vinashin mà làm rắc rối thêm tình hình".
Bên dưới là hình hai đại biểu Quốc hội, cùng size với hình
ông nghị Thuyết của ngày hôm trước. Chỉ khác là những
thông điệp của hai ông này đối nhau chan chát với đề nghị
của ông Thuyết.

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc
Trăng) khẳng định Vinashin không phá sản. Còn đại biểu –
tướng Bế Xuân Trường – Tư lệnh Quân khu 1, Bắc Cạn –
thì nói rằng không nên lập ủy ban điều tra vụ Vinashin.

Thủ tướng lật ngược thế cờ ngoạn mục!

Dưới áp lực của những cuộc điện thoại, những lệnh chỉ
đạo ngầm và nổi, Tuổi Trẻ buộc phải quay lưng lại với
chính mình, đem tới những tràng cười sảng khoái cho đối
thủ, những lời than thở của người yêu mến họ và sự chán
nản của độc giả.

<div class="boxleft200"><img
src="http://img513.imageshack.us/img513/6016/dl021.jpg" /><div
class="textholder">Áp lực của Thủ tướng
Nguồn: clipartof.com</div></div>


Trong hoàn cảnh bí bách cuối cùng ấy, thư ký Xuân Trung chỉ
có thể với vát được tí chút "chất Tuổi Trẻ". Đó là
việc chú thích rõ ràng chức danh chính quyền và quân đội
của hai vị đại biểu "pro-3D".

Ăn cơm thủ tướng, được thủ tướng hoặc người của thủ
tướng bổ nhiệm, thì dù là đại biểu quốc hội – mang
tiếng là đại diện cho nhân dân, thì trước hết phải phò
thủ tướng. Dạng đại biểu này nhan nhản ở Việt Nam, có
lẽ nên gọi là đại biểu nằm vùng, tức là ăn cơm chính
quyền, về nằm vùng trong nhân dân để chống lại nhân dân,
dù được dân bầu.

Cú ngoặt của Tuổi Trẻ đánh dấu đỉnh điểm của cơn ớn
lạnh đang chạy dọc sống lưng làng báo Việt Nam thời kỳ
tiền đại hội.

Cơn ớn lạnh này không sôi nổi điên cuồng như thời PMU 18
với các ông Nguyễn Văn Hải, Nguyễn Việt Chiến phải ra tòa
và một loạt nhà báo bị rút phép thông công. Cơn ớn lạnh
này âm thầm nhưng dữ dội, như một hồ nước mà bề mặt
tĩnh lặng còn bên dưới chấp chứa những đợt sống ngầm
quẫy đạp.

Trên thực tế, không có một cuộc bắt bớ rầm rộ với
những màn buộc tội trắng trợn như ngày nào, nhưng một cuộc
bố ráp – đúng ra phải gọi là khủng bố – đang được
tiến hành đối với làng báo chí Việt Nam.

<center>***</center>

Buổi tối 13/10, thành phố mang tên Bác ồn ào náo nhiệt và
nóng bức như mọi khi. Trước cổng số nhà 82, đường Võ Văn
Tần, quận 3, một người đàn ông vừa qua tuổi thanh niên, và
đã bắt đầu trở nên đẫy đà do những cuộc ăn nhậu tới
bến, dừng xe bước vào. Ông đi vội vã, chỉ nháy mắt đã
biến vào phía sau cánh cửa nằm dưới tấm biển "Nhà hàng
Nhật Hạ".

Bên trong, một căn phòng VIP với máy lạnh mở sẵn và hai con
người ngồi sẵn đang chờ. Ông đảo mắt liếc qua, mỉm
cười và chìa tay chào những con người đã mời ông đến nơi
này. Những người kia đon đả, coi ông là thượng khách, hỏi
anh ăn gì, dùng gì.

Người đàn ông ấy không ngờ rằng những kẻ vồ vập mình
lúc ấy lại đang rắp tâm đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp
của ông và bữa nhậu hôm nay cũng là lần cuối cùng ông
được ngồi phòng VIP. Chỉ vài mươi phút nữa, phòng VIP sẽ
được thay thế bởi phòng tạm giam.

Giữa lúc cuộc nhậu đang đến hồi cao trào, với những lời
đường mật đi kèm những lời bóng gió, thì một trong hai
người kia nhảy thẳng vào vấn đề. Đó là khoản lót tay 220
triệu đồng để đổi lấy sự im lặng của người đàn ông
đối với công việc làm ăn của tổ chức mà hai người này
đại diện.

"Anh cầm tạm, có gì tụi em sẽ bổ sung sau", người đề
nghị vừa nói vừa chìa cọc tiền ra.

Sau một thoáng ngập ngừng, người đàn ông đưa tay hướng về
phía những tờ polymer mang hình Bác Hồ đang tươi cười vẫy
gọi.

Nhưng cũng chính lúc ấy, nụ cười Bác Hồ vụt tắt, sự vồn
vã vụt tắt, thay vào đó là những khuôn mặt lạnh lùng của
các đồng chí công an mặc thường phục như từ dưới đất
trồi lên. Trong tích tắc, đôi cánh tay người đàn ông nằm
gọn trong chiếc còng số 8. Ông bị bắt về tội tống tiền
doanh nghiệp.

Tên ông là Phan Hà Bình – tức nhà báo Hà Phan – phó tổng
thư ký tòa soạn báo Tiền Phong, tờ báo của tuổi trẻ, của
Đoàn thanh niên Cộng sản Việt Nam.

<center>***</center>

Những người ngoài cuộc không hiểu sao một nhà báo có phần
kỳ cựu như Hà Phan lại dại dột dẫn thân tới chỗ quán xá
để nhận khoản tiền lớn như vầy. Đó là băn khoăn chính
đáng và dễ hiểu của những người không hiểu ngóc ngách
lắt léo của vấn đề.

Sự thực nó nằm ở chỗ, vụ bắt giữ ở nhà hàng Nhật Hạ
là kết quả của một kế hoạch được chuẩn bị từ lâu.
Nếu như vụ Hà Phan nhận tiền doanh nghiệp là chuyện "bắt
tận tay day tận mặt" thì cũng có một sự thực khác: mẻ
lưới này đã được những cán bộ an ninh kỳ cựu – dưới
sự điều hành của một nhân vật được mệnh danh là "Beria
của Việt Nam" – lên kế hoạch từ trước. Vụ bắt giữ
tưởng chừng là "tiểu tiết", "cò con" này là điểm
khởi đầu của một kế hoạch phản công ở cấp cao nhất.

Ít ngày sau khi Hà Phan bị bắt, một số nhà báo khác được
mời uống trà. Qua các kênh phi chính thức, công an hé lộ khả
năng sẽ công bố các đoạn băng ghi âm lời khai của Hà Phan.

Trên blog của mình, blogger Beo – tức Hồ Thu Hồng – Tổng
biên tập báo Thể Thao Tp.HCM nhưng đồng thời cũng là kênh
phát ngôn không chính thức của công an Việt Nam – đã rêu rao
về sự nhục nhã của những người làm báo. Bà bóng gió rằng
một khi băng ghi âm lời khai Hà Phan được tung ra thì hàng
loạt nhà báo đức cao vọng trọng sẽ trở thành những tấm
gương tồi.

Rốt cuộc thì bằng ghi âm không được công an công bố, nhưng
vụ việc lại có một diễn tiến hệ trọng khác.

Ngày 9/11, Cơ quan An ninh Điều tra cơ sở phía Nam của Bộ Công
An đã gửi trát mời các vị Đoàn Công Huynh, Tổng biên tập
báo Tiền Phong (nơi nhà báo Phan Hà Bình công tác), 2 trưởng ban
của báo Tiền Phong là Nguyễn Bá Kiên – Trưởng ban Kinh tế
và Phùng Công Sưởng – Trưởng ban Thời sự cùng ông
Nguyễn Xuân Minh, Phó tổng biên tập báo Sài Gòn Tiếp Thị lên
làm việc – thực ra là lên để điều tra và dằn mặt.

Tại cơ quan an ninh, những con người này được tách riêng ra
làm việc với những cán bộ điều tra khác nhau. Các nhà báo
bị triệu tập rất bất ngờ và ngồi trước họ là những
điều tra viên cao cấp từ Bộ Công An, chứ không chỉ là
những người ở cơ quan phía Nam này.

Ban đầu, những bằng chứng chống lại ông Huynh – qua lời
khai của Hà Phan – được trưng ra. Đó là những lần bổ
nhiệm sai của ông với những khoản tiền mờ ám mà ông nhận.

Thế rồi câu chuyện nhanh chóng chuyển hướng.

<center>***</center>

"Ai đã cung cấp cho các anh tài liệu vụ Vinashin?"

Giữa căn phòng thẩm cung đặc biệt với máy lạnh mở hết
công suất, nhưng ông Đoàn Công Huynh toát mồ hôi. Sau lần áo
sơ mi của ông, những giọt nước mằn mặn rơi thánh thót như
giọt mưa thu.

Kể từ sau câu hỏi đó, trong vòng nửa tháng liên tục, ngày
nào ông Huynh cùng các nhà báo kia cũng phải lên trụ sở cơ
quan an ninh để trả lời những chất vấn xoay quanh vụ Vinashin.

Người tra vấn muốn biết ai đã cung cấp cho báo chí thông tin
về sự thua lỗ của tập đoàn này mà suốt thời gian qua
người ta đã sử dụng để chống lại Thủ tướng Dũng.

Những câu hỏi tua đi tua lại đó cho thấy người hỏi muốn
biết thế lực nào đã chống lưng cho báo chí chống lại Thủ
tướng Dũng. Thực tế, những người hỏi đã biết đích thị
đó là ai, nhưng họ muốn có thêm những lời khai làm bằng
chứng để phục vụ cho trận đấu đỉnh cao ở Bộ Chính
Trị.

Đến lúc này thì ông Huynh đã biết rõ rằng vụ Hà Phan chỉ
là cái cớ, những lần ông bổ nhiệm, cất nhắc sai hoặc
những khoản tiền đen mà ông nhận chỉ là cái cớ triệu
tập. Thực sự thì người ta muốn điều tra ông về vụ
Vinashin.

Một con người cực kỳ nhanh trí, nhạy cảm như ông Huynh –
người từng phụ trách mục giải đáp thắc mắc tuổi mới
lớn với bút danh Chánh Văn trên báo Hoa Học Trò ngày nào –
không mất nhiều thời gian để ngộ ra sự khủng khiếp của
vấn đề. Ông thực sự đã trở thành một con tin trong cuộc
đọ sức của những gã khổng lồ đang thao túng chính trường
Việt Nam.

Khi đã nhận ra sự nhỏ bé mong manh của mình, ông buông xuôi,
tuôn ra tất cả những điều mà người hỏi muốn có. Hạ cấp
của ông là các trưởng ban Kiên, Sưởng cũng thế.

Lời khai được ghi âm, tức tốc chuyển ra Hà Nội.

<center>***</center>

Khi cuộc thẩm tra đối với các ông Huynh, Minh, Kiên, Sưởng
đang được tiến hành thì đồng thời phe Ba Dũng cũng tung ra
những thông tin úp mở để răn đe báo chí. Đó chính là lời
giải thích cho sự quay đầu của Tuổi Trẻ cũng như các tờ
báo khác.

Với những thông tin răn đe được tung ra một cách có chủ ý,
tổng biên tập của các tờ báo hàng đầu Việt Nam như Phạm
Đức Hải của Tuổi Trẻ, Nguyễn Quang Thông của Thanh Niên,
Đặng Tâm Chánh của Sài Gòn Tiếp Thị… co rúm lại, không
dám ho he điều gì bất lợi cho thủ tướng, cho dù phe Tư Sang
vẫn không ngừng bắn tin cho báo chí kèm theo những lời trấn
an quyết liệt.

Tuổi Trẻ của ông Hải từ chống Thủ tướng Dũng ra mặt
giờ trở thành một tờ báo ba phải, thậm chí làm cái loa
tuyên truyền cho ông Dũng.

Tổng biên tập Quang Thông của Thanh Niên vốn là một cán bộ
Đoàn thì giữ đường lối trung dung, tăng cường các bài viết
về Đảng, về đoàn thanh niên chứ không dám bàn đến những
chuyện tiêu cực ở tầm vĩ mô nữa. Thậm chí Thanh Niên còn
nêu cao lập trường, hăng hái tố cáo nhân viên ngoại giao Mỹ
hành hung công an, tương tự như vụ scandal Tuổi Trẻ viết bài
<a
href="http://tuoitre.vn/Ban-doc/315417/Chuyen-khong-binh-thuong.html">"Chuyện
không bình thường"</a> về ông Đại sứ Mỹ Michael Michalak
cách đây chưa lâu.

Ở Tuổi Trẻ người ta không còn thấy chất trẻ như cách đây
3-4 năm trở về trước. Ở Thanh Niên người ta cũng không còn
thấy sự dấn thân như ngày nào họ từng thể hiện với các
vụ Năm Cam, "Hãy trả tự do cho các nhà báo chân chính"…
Việc tường thuật họp Quốc hội từ đoạn Thủ tướng Dũng
và nội các lên trả lời chất vấn trở về cuối là một màn
đồng ca đơn điệu. Những bài viết tiền Đại hội XI và
tường thuật Đại hội cũng là những dàn đồng ca đơn
điệu, gồm toàn những lời lẽ sáo rỗng như "phát huy tinh
thần", "vươn lên tầm cao", "bản lĩnh vững vàng".

Buổi sáng thức dậy, độc giả Việt Nam cầm lên trên tay
những tờ báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Người Lao Động, Hà Nội
Mới… đã không tin nổi đó chính là những tờ báo mà họ
từng yêu quý.

Nếu như ngày xưa người ta từng nói "Báo Nhân Dân là tờ
báo mà không một nhân dân nào đọc" thì ngày nay người ta
lại nói "Chỉ cần đọc báo Nhân Dân là đủ" vì mọi tờ
báo đều là phiên bản của tờ Nhân Dân. Thanh Niên, Tuổi
Trẻ, Người Lao Động, Hà Nội Mới, Tiền Phong… đều là báo
Nhân Dân cả.

Một tờ báo và một tổng biên tập được Tư Sang chống lưng,
thường có những bài viết đầy chất gây gổ như VNN và
Nguyễn Anh Tuấn cũng đã đầu hàng. VNN ưu tiên trang mục cho
các vụ cướp giết hiếp, còn Tuấn "nát" thì đau đầu
với mấy trò hacker và những tố cáo nội bộ.

Từ một vụ bắt giữ "nhỏ lẻ" nơi quán nhậu, các đạo
diễn bên phía Ba Dũng đã làm nên một cuộc phản công ngoạn
mục, bắt báo chí phải ngoan ngoãn vâng lời, chứ không chua
ngoa như ngày trước, và qua đó có thêm bằng chứng chống lại
Tư Sang trong cuộc đua quyền lực.

Đó cũng chính là lúc mà Ba Dũng từ thế bị dồn tới bờ
vực với các vụ tàu cao tốc, Vinashin, bauxite… đã bật dậy,
trở thành ông chủ của cuộc chơi.

<center>***</center>

Sau những cú đánh của phe Ba Dũng, bức tranh toàn cảnh báo chí
ảm đạm hơn bao giờ hết. Trong cảnh tang thương ấy, ai cũng
đau buồn.

Chỉ có bà Hồ Thu Hồng là hoan hỉ!

Ba Dũng thắng trong nỗ lực thâu tóm báo chí, và quan trọng hơn
đã thắng Tư Sang trong cuộc chiến quyền lực. Phần tiếp theo
sẽ là những khả năng đi hay ở của tổng biên tập các tờ
báo lớn Việt Nam – đặc biệt là những người đã làm công
cụ cho Tư Sang chống Ba Dũng những ngày qua.

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/7589), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét