đã có khá nhiều người, đặc biệt là lớp trẻ (từ 50
tuổi trở xuống), comment, gửi message và gọi điện hỏi thăm
tớ về những hiện tượng bao cấp mà tớ mới lướt qua vài
dòng. Tớ mới chợt nghĩ ra: Ừ nhỉ, làm gì mà lớp trẻ,
nhất là lớp trẻ ở miền Nam, kể cả các bác già đã xa xứ
gần nửa thế kỷ hình dung ra nổi cái bộ mặt gớm ghiếc
chưa từng có trong lịch sử loài người mang cái tên "Bao
cấp" nó ra sao? Vậy thì tớ xin giành riêng entry này để
"tố khổ" về cái thời kinh khủng chưa xa xôi lắm ấy:
<h2>BAO CẤP THỜI TỚ SỐNG</h2>
Có lẽ, không thể nào định nghĩa 2 chữ "bao cấp" này theo
kiểu từ điển mà đầy đủ cả nội dung lẫn hình thức.
Nếu chỉ hiểu chữ "bao" theo ý nghĩa của "bao bọc",
"bao ăn", "bờ bao", "phong bao", "bao bì", "bao
thư", hoặc hiểu chữ cấp như "cung cấp", "trợ
cấp", "bằng cấp" thì khó mà hình dung ra được một cái
tổ chức xã hội phản khoa học, đi ngược lại mọi quy luật
phát triển của con người nói riêng và của cả cộng đồng
hàng triệu con người nói chung! Thôi thì tớ xin kể lại câu
chuyện "được" bao cấp của cuộc đời tớ để các bạn
hình dung ra nỗi khổ nhục của hàng triệu sinh linh phải nhắm
mắt ôm chặt cái "nỗi nhục bao cấp" này vào lòng gần
nửa thế kỉ mà không dám công khai lên án nó lấy nửa lời:
- Bỏ qua những năm làm anh Vệ quốc quân, cơm nuôi 2
bữa, áo quần 2 bộ, 5 đồng phụ cấp mỗi tháng, làm thân
đi ở lính mà là lính cách mạng của một nước nghèo nàn,
đói khổ, "rên xiết lầm than". Bỏ qua cái chế độ bao
cấp của quân đội mà những anh lính "tạch tạch xè" chúng
tớ khi nhìn thấy cảnh những đồng đội nông dân đói khổ
đang nhờ vào những gì mà quân đội cấp phát cho mà thoát
khỏi chết, anh nào anh nấy đều mủi lòng và cảm thấy cách
mạng mang lại cơm no, áo ấm cho con người quả là điều kì
diệu. Tất cả đều quên hết mọi quyền lợi cá nhân để
đuổi quân xâm lược, giải phóng dân tộc. Đảng và nhà
nước cấp cho cái gì thì nhận cái đó, chẳng có đòi hỏi,
thắc mắc, ý kiến, ý cỏ gì.
- Cho đến ngày "thắng trận Điện Biên trở về"
những thành phố Hà Nội, Hải Phòng... Thì những người lãnh
đạo, một tay đang xoá bỏ tư hữu ở nông thôn chưa xong,
đã một tay lập tức lao vào xoá bỏ mọi sự tư hữu ở
thành phố. Cụ thể là: Tất cả mọi nhà máy, cửa hiệu,
nhà cửa thậm chí đến quán phở, quầy Kem bờ hồ cũng dần
dần bị quốc hữu hoá hết. Do được chiếu cố là văn nghệ
sĩ-đảng viên cho nên chỉ cần một mảnh giấy có chữ kí
của ông bí thư quận Hoàn Kiếm Nguyễn Minh Sơn là a-lê hấp,
tớ được bao cấp ngay cái cửa hàng Bazar "Bình Minh" ngay
mặt tiền 26B phố Huế! Chẳng biết chủ nhân của cái nhà
đó là ai. Có chủ nhà phải nhận ở chung cùng 20 cán bộ
tập kết ở miền Nam ra vì... nhà quá rộng. Tất cả hoạt
động buôn bán đều bị cấm tiệt. Tất cả các xưởng máy
đều được cải tạo thành nhà máy quốc doanh. Các trường
học, bệnh viện, rạp chiếu bóng, mọi nơi vui chơi giải
trí đều trở thành những cơ sở quốc doanh với những cái
tên đôi khi nghe rất ngớ ngẩn như: Công Ty Mai Táng quốc doanh,
công ty Đồ Gỗ quốc doanh, Công Ty Điện Máy quốc doanh,
Công ty ăn uống quốc doanh, Công ty chiếu bóng quốc doanh,…
Mọi nhân sự đều trở thành cán bộ, nhân viên ăn lương
tháng của Nhà Nước. Nhiều ông chủ, sau khi học tập kiểm
điểm "tiến bộ" hoặc "tự giác" hiến nhà máy, xưởng
thợ cho nhà nước cũng đôi khi trở thành những quản đốc,
công nhân, nếu có tay nghề. Lương bổng, hàng hoá làm ra
đều do nhà nước trả công theo tiêu chuẩn đã quy định: Bất
kể xấu tốt, lỗ, lãi!
- Để được chứng nhận là một công dân được nhà
nước "bao cấp" thì: Trước hết, anh phải có một sổ hộ
khẩu.
- Sau khi có hộ khẩu ghi rõ số (miệng ăn) nhân khẩu
thì:
1-/ Anh sẽ được cấp một cuốn sổ lương thực vì nó cho
phép anh mỗi tháng được cung cấp 13 cân gạo/tháng /người
lớn, 7 cân gạo/tháng/trẻ con (nếu thiếu gạo thì… bột mì
hoặc khoai, sắn thay thế.)
- Một tập tem phiếu đánh số, ghi ô A, B, C… từng
tháng gọi là phiếu thực phẩm. Khi có thông báo hôm nay, ô
số 6 bán đậu phụ thì tất cả thành phố hôm đó nhà nào
cũng ăn đậu phụ. Người mua thì xếp hàng rồng rắn,
người bán bao giờ cũng vừa lo trao hàng, kiểm tiền, vừa lo
cắt sao cho đừng nhầm ô này sang ô khác rồi dán ngay trên
một miếng bìa kẻo nó bay mất tối về không đủ "chứng
từ thanh toán"với cửa hàng trưởng! (vì mỗi ô chỉ nhỏ
bằng nửa con tem)
- Anh lấy vợ ư? Xin mời đi đăng ký kết hôn. Tiếp
theo, mang tờ đăng ký kết hôn đến cửa hàng đồ gỗ nhà
nước. Anh sẽ được mua một cái giường rẻ quạt 1m8x1m2.
Sau đó, mời đến "Bách hoá tổng hợp", cửa hàng trưởng
sẽ duyệt cho anh một chiếc màn đôi, một vài gói chè Hồng
Đào hay Thanh Hương gì đó, một vài lạng kẹo bánh để anh
liên hoan ngày "Vui duyên mới không quên nhiệm vụ"!
- Khi vợ anh sinh con thì có bao cấp cả tã lót và sữa
Liên Sô nếu có chứng nhận vợ anh mất sữa. Khi anh chết
hoặc cha mẹ anh chết, đều có cán bộ nhà nước lo cho anh
từ cái quan tài, 5 thước khăn xô để tang. cũng như 2 mét
rưỡi chỗ nằm tạm vì sau 3 năm anh phải… di dời đi Bất
Bạt để nhường chỗ cho người chết khác.
Nói tóm lại, trong chế độ bao cấp, nhà nước lo cho dân từ
lúc mở mắt chào đời đến khi vĩnh biệt đất mẹ ra đi.
Tỉ mỉ từng li từng tí chẳng bỏ xót 1 chi tiết nào. Thật
là dân chủ công bằng, ai cũng như ai đến nỗi có chuyện
tiếu lâm: Có một anh công nhân, đêm đi làm về, mất
điện, đẩy cửa leo lên giường ngủ, đánh một giấc thẳng
cẳng đến sáng hôm sau. Té ra người đang gác chân lên anh
ngủ ngáy gỗ khò khò lại là bà vợ ông hàng xóm vì từ cái
nhà, cái giường bài trí kiến trúc y hệt nhau!
Tuy vậy, chính cái chế độ bao cấp đó nó lại đẻ ra mọi
sự phi lí, bất công mới mà kinh tế chỉ huy của nhà nước
không sao lường trước được. Đó là: Một nền sản xuất
tụt lùi ghê gớm cả về chất lượng cũng như về số
lượng. Nguyên nhân cơ bản nhất chính là vì chẳng còn ai làm
chủ ruộng đồng, xưởng máy. Chẳng còn ai lo tăng năng
suất, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm vì lúa
về thì vào kho hợp tác xã, người nông dân ăn công chấm
điểm, người công nhân cứ theo lương bậc mà lĩnh hàng
tháng, thiếu nguyên vật liệu, mất điện càng được nghỉ
khoẻ, chẳng lo bị trừ lương.
- Các bộ máy phân phối 0 đ 40 xu một kí gạo, 2 đồng
50 xu một mét vải, cứ thế mà bán. Nhà nước đã tính toán
thiệt hơn. Chẳng việc gì phải lo… Tuy nhiên, chính cái sự
bao cấp này đã bắt đầu mở đường cho những sự suy thoái
khủng khiếp về đạo đức con người:
- Để khỏi cào bằng mọi sự hưởng thụ, người ta
bắt buộc phải chia ra từng tầng lớp hưởng thụ riêng biệt.
Sổ mua hàng, tem phiếu cũng phải chia ra làm 3, 7 hạng 3, 4
mầu! Có sổ giành cho dân Bờ Hồ, sổ giành cho dân Tôn
(Tông) Đản, sổ giành cho dân Nhà Thờ (những địa chỉ có
các cửa hàng dành riêng, ưu tiên) và… một nền kinh tế
chui, thịt chui, vải chui, phở chui, một chợ kinh doanh tem
phiếu chui hình thành khắp mọi nơi. Vợ một ông giáo sư, con
một ông bộ trưởng mang bán những hàng được ưu tiên mua
sắm ở bờ Hồ, ở Tôn Đản tại những phố hàng Buồm,
hàng Gai cho dân con phe (affaire) là cảnh náo nhiệt diễn ra hàng
ngày.
- Sự phân biệt bao cấp này gây nên những phản ứng,
kèn cựa, ghen tị, so sánh làm sự hô hào đoàn kết càng
ngày càng mất đoàn kết thêm!, Chẳng thế mà có câu: "Tôn
Đản là chợ vua quan / Nhà Thờ là chợ trung gian nịnh thần /
Bờ Hồ là chợ thương nhân / Vỉa hè là chợ nhân dân anh
hùng"!
Cái tình hình bao cấp, kinh tế nhà nước chỉ huy này cũng đã
được áp dụng sau khi chiếm gọn miền Nam. Cũng may mà chỉ
mới có sổ gạo chứ chưa kịp in tem phiếu thì xẩy ra cuộc
cấm vận để toàn dân mới được "giải phóng" mới chỉ
nếm qua mùi bao cấp… bo bo! Dân tình cực khổ, xã hội rệu
rão đã làm cho những người muốn bao cấp cả nước phải
trắng mắt ra mà xoá bỏ ngăn sông cấm chợ và đổi mới… y
như cũ!
Một nền kinh tế tự do không cần ai chỉ huy từ miền Bắc
đến miền Nam đã mang lại cho toàn dân Việt Nam không cần
phải mỗi sáng trước khi đi làm, đặt một cục gạch xí
chỗ bản thân mình đến phiên được mua 3 bìa đậu phụ.
Vậy là, chẳng cần có một văn bản, nghị quyết nào,
chế độ bao cấp bị lẳng lặng vứt vào sọt rác. Tính toán
muốn biến cả triệu con người được ăn, được mặc,
được sống chết ra sao, kế hoạch muốn biến mỗi cá nhân
thành một hòn bi, con ốc, con vít, chiếc bánh xe răng, nhỏ,
to của một bộ máy khổng lồ, một trại lính toàn quốc do
một nhóm người độc chiếm vận hành đã hoàn toàn sụp đổ!
Riêng chuyện chấp nhận kinh tế thị trường nhưng lại có
cái đuôi xã hội chủ nghĩa, nó đã đẻ ra biết bao nhiêu hệ
luỵ. Bao nhiêu tệ nạn xã hội, bất công bởi sự điều
khiển của một bộ máy không chính danh là tư bản hay xã hội
chủ nghĩa này, đã làm nảy sinh ra đủ thứ bệnh ung thư di
căn đến mọi mặt đời sống, tham nhũng, tội ác… ra sao
thì các bạn đã đọc và biết quá nhiều, tớ xin miễn nhắc
lại. Ấy vậy mà:
<h2>BÓNG MA BAO CẤP ĐANG RẬP RÌNH TRỞ LẠI</h2>
Lần này, trước tình hình "làm loạn" của quá nhiều
những tập đoàn kinh tế, những ngân hàng nhà nước, những
ông vua con ở các địa phương đang xâu xé, chia chác đất
đai, tài nguyên, đã biến những "tài sản toàn dân" thành
tài sản tư nhân một cách trắng trợn, ông nhà nước chẳng
biết vô tình hay hữu ý lại đang cho "thằng bao cấp" tái
xuất hiện chỗ này, chỗ khác. Nhà nước bắt buộc lại
phải giở đòn phép kinh tế chỉ huy để duy trì sự tồn tại
của các nhóm lợi ích bằng những chỉ thị, công văn, quyết
định, thông tư, quy định… mà chỉ đọc những con số
đánh dấu văn bản đó cũng đã đủ điên cái đầu. Việc
cứu "Vinashin mẹ" bằng cách đổ tiền cho những "Vinashin
con" khi được tái cơ cấu chỉ là một hành động được
công khai tuyên bố và được bộ máy truyền thông ra sức đêm
ngày quảng cáo ầm ĩ: "Vinashin sắp có lãi", "Vinashin sắp
trả được nợ", "chưa ai đòi nợ Vinashin!"… Liệu còn
có bao nhiêu tập đoàn đã báo cáo láo như Vinashin mà nhà
nước chưa biết sẽ bị phanh phui? Liệu còn bao nhiêu những
tập đoàn kinh tế "quốc doanh là chủ lực", những "quả
đấm thép" của chủ nghĩa xã hội sẽ cần phải đổ tiền
của ngân quỹ ra để tồn tại?... Chỉ cần nhìn những con số
mà các báo chí nêu ra khi các dự án kéo dài như Dung Quất, các
PMU, những khối tiền khổng lồ đổ thêm do… đội giá là
những ai dù dốt về kinh tế đến mấy cũng ngửi thấy vì sao
mà đồng tiền nó cứ bị coi như muối đổ xuống biển!
Riêng các ngân hàng, thị trường chứng khoán, thị trường
địa ốc… có tháng nhà nước can thiệp trực tiếp bằng
những quy định thay đổi nhanh như chong chóng mà kẻ được
lợi không ai khác chính là những người nắm trước được
những quy định này. Từ 12, 13, 14% lãi suất đến tận 20% lãi
suất ngân hàng mà được tự do "du di thả nổi" kéo theo 1
phong trào mạnh ai nấy làm để kiếm chác giữa những "kẽ
hở phần trăm" mà báo chí đã phải quay phim lén, phỏng vấn
lén những nhân viên ngân hàng về việc làm "xé rào"mà
không bị luật pháp trừng phạt là đủ thấy kinh tế nhà
nước đang được bao cấp trong mọi hành động để tồn tại
và phát triển ra sao?. Không phải là chuyện "hai giá" mà
báo Tuổi trẻ báo động trong một bài xã luận có đóng khung
đâu!Khắp nơi đang là "loạn giá", là 3, 4 giá, giá dỏm,
giá ảo để lừa nhau như vụ 1 loạt các tổng giám đốc mới
bị bắt vừa qua do lũng đoạn thị trường chứng khoán!.
Những người trực tiếp sản xuất ra các mặt hàng trợ giá
thì chẳng được hưởng lợi lộc gì. Chỉ mấy anh được
nhà nước bao cấp để mua hàng dự trữ, ngồi máy lạnh, chờ
ngày tung hàng ra hay xuất cảng đi là ngày càng béo phì vì
chỉ cần giữ lại trong kho chậm một ngày để rồi xuất kho
bán ra sản phẩm hết thời hạn trợ giá (hàng Tết chẳng
hạn) thì tiền tỉ đã chui vào túi các ông bà chủ tịch,
hội đồng, tổng giám đốc nào đó đễ ợt!
Tình trạng bao cấp cho nền kinh tế nhà nước này, chỉ có
cái khác với hệ thống bao cấp thời xưa ở chỗ:
- Dùng tiền của nhân dân để cứu một nhóm lợi ích
mà nhân dân chẳng có xơ múi gì.
- Dùng tiền của nhân dân để giúp các nhóm lợi ích mua
hàng và bán cho nhân dân tuỳ tiện, thậm chí bán cho dân thì
nhỏ giọt, còn bán cho con buôn hoặc tuồn ra các chợ tư nhân,
đầu mối thì lại tuỳ theo những phần trăm được hưởng
lợi của những kẻ "tích trữ đầu cơ được phép".
- Khác với khi xưa, hàng đổ về các cửa hàng mậu
dịch quốc doanh của nhà nước thì nay đổ về các Coopmart,
Siêu thị… nên lợi ích chẳng có đến tay người tiêu dùng,
cũng như mọi dự án " nhà đất cho người thu nhập thấp"
chỉ là một trò bịp!
- Các doanh nghiệp tư nhân muốn vay vốn làm ăn thì không
chịu nổi lãi suất từ 20% trở lên đành chịu bó tay. Có vị
còn tuyên bố thẳng thừng trên tivi: "lãi suất tăng cao như
thế này còn đồng nào chúng tôi bỏ vào ngân hàng lấy lãi
còn hơn là tham gia sản xuất. "!
- Mỗi đợt tăng giảm, giá vàng, giá ngoại tệ.
Những kẻ nắm trước chủ trương, ngày, giờ chỉ việc thông
báo cho nhau bán ra, mua vào hoặc ách lại hoặc tạo ra những
cơn sốt ảo trở thành những tỉ tỉ phú trong 1 đêm thời
gian vừa qua là nhiều… vô kể!
- Vừa xin người ta "công nhận mình là kinh tế thị
trường" (mới đây với Đoàn Luxembourge) vừa bao cấp cái
nền kinh tế nhà nước bênh hoạn đáng xoá bỏ, nên bị lên
án là trái luật với điều lệ của WTO, phá giá đồng bạc
gây khó khăn cho những nhà đầu tư nước ngoài là những
điều cảnh cáo trực tiếp và gần đây nhất. Liệu báo chí
và các vị lãnh đạo có khả năng đánh chữ lờ mãi được
không?
Tóm lại, nhà nước điều khiển kinh tế thị trường bằng
cách bao cấp nền kinh tế của riêng mình chỉ làm cho đồng
tiền ngày càng mất giá vì nó được những kẻ "thắng
đậm" tung ra thị trường như rác như rơm.
Tớ có một ông bạn cựu chiến binh đã 81 tuổi, lĩnh đồng
lương còm cõi chưa được 3 triệu đồng đến chơi, bàn
chuyện kinh tế thời cuộc xong bỗng thở dài phát biểu: Thà
quay mẹ nó về cái thời bao cấp ngày xưa còn hơn cái nền kinh
thế thị trường này Rừng rú! Dã man! Vô cảm!"
Tớ vội vàng chặn ngay: "Thôi! Thôi bác ơi! Ít nhất hôm nay
tôi với bác còn được ngồi đây phê phán cái quái thai
"Kinh tế thị Trường định hướng XHCN này, được biết
nhiều bạn bè, đồng chí cũ của ta cũng lớn tiếng lên án
nó, người dân lên án nó, thế giới lên án nó!" Còn như
thời ông Duẫn, ông Thọ, ông Mười, cứ thử có ý kiến khác
xem! Tiêu đời, mất xác là cái chắc!
***********************************
Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/7265), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).
Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét