Mai Thái Lĩnh - Về mối quan hệ giữa Phan Châu Trinh và Phan Văn Trường (phần II)

(Tiếp theo)

<h2>III) Về tính khách quan của cuốn hồi ký của Phan Văn
Trường:</h2>

Theo bà Thụy Khuê, Phan Văn Trường để lại cuốn hồi ký tựa
đề Une histoire de conspirateurs annamites à Paris ou la vérité sur
L'indochine (Câu chuyện những người An Nam âm mưu (chống Pháp)
tại Paris hay Sự thật về Đông dương) đăng từng kỳ trên
báo La Cloche Fêlée (Chuông rè) từ 30/11/1925 đến 15/3/1926.
Năm1928, Nxb Gia Định (Sàigòn) in thành sách và L'Insomniaque,
Paris, tái bản năm 2003.

Trong hồi ký của mình, Phan Văn Trường đã dùng những lời
lẽ khá nặng nề để phê phán người bạn của mình, người
mà ông đã cộng tác chặt chẽ trong thời gian khoảng 10 năm.
Lời phê phán nặng nề nhất là câu sau đây: <em>"Tạm nói mà
không hề có ý miệt thị rằng, người này- vẫn bám vào chính
quyền thuộc địa, bị đuổi cửa trước thì luồn vào cửa
sau- người mà chính quyền thuộc địa hai lần buộc tội âm
mưu chống Pháp! Phan Châu Trinh là một người thông minh, một
người tử tế, một người bạn tốt; nhưng những đức tính
này không đủ để làm nên một người cách mạng"</em> (Phan
Văn Trường, trang 73-74-75).

Có thể nói nội dung của lời phê phán này rất gần gủi với
lời chỉ trích mà những người cộng sản sau này đã dành cho
Phan Châu Trinh: <em>"Cụ Phan Chu Trinh chỉ yêu cầu người Pháp
thực hiện cải lương. Anh nhận ra điều đó là sai lầm,
chẳng khác gì đến xin giặc rủ lòng thương."</em>[4] Chữ
<em>"anh" </em>trong đoạn văn này dùng để chỉ Nguyễn Tất
Thành, người sau này trở thành Hồ Chí Minh – lãnh tụ của
Đảng Cộng sản Việt Nam.

Bà Thụy Khuê nhận xét về lời phê phán của Phan Văn Trường
như sau: <em>"So với lời Phan Châu Trinh phê phán Phan Bội Châu,
trong bài "Nước Việt Nam mới sau khi liên hiệp với Pháp", thì
lời Phan Văn Trường phê phán Phan Châu Trinh, cũng còn là
nhẹ."</em> (Thụy Khuê, Phụ lục: Nguyễn Ái Quốc, lai lịch
và văn bản - phần 2a)

Sự so sánh này hoàn toàn khập khiễng. Bởi lẽ Phan Châu Trinh
và Phan Bội Châu sau một giai đoạn ngắn làm quen với nhau đã
chia tay mỗi người mỗi ngả, không hề cộng tác với nhau. Hơn
thế nữa, Phan Châu Trinh đã bỏ dở nửa chừng, không hoàn
tất bản thảo <em>"Liên hiệp Pháp-Việt hậu chi tân Việt
Nam"</em>, và người ta chỉ được biết đến nó sau khi ông
mất. Suốt đời, ông vẫn giữ gìn tình cảm đối với Phan
Bội Châu, và vẫn hy vọng có ngày thuyết phục được nhà yêu
nước này. Trong khi đó, Phan Văn Trường lại cho công bố rộng
rãi một bản hồi ký trong đó chỉ trích một người đã cộng
tác với mình trong một thời gian khá dài, vào một thời điểm
hoàn toàn không thích hợp.

Bà Thụy Khuê viết: <em>"Chân dung này, Phan văn Trường viết
khoảng 1923, mục đích bênh vực Phan Châu Trinh, bị Pháp kết
tội oan, vì không hiểu rõ chủ trương Pháp Việt đề huề
của ông. Nhưng đồng thời cũng nói lên sự khác biệt trong
chủ trương tranh đấu của Phan Văn Trường với Phan Châu Trinh,
đó cũng là sự khác biệt sâu xa giữa những người Nho học
và Tây học."</em> (Thụy Khuê, bđd)

Không rõ nhận định này dựa vào căn cứ nào? Nhưng lý do
<em>"bênh vực Phan Châu Trinh bị Pháp kết tội oan" thật
đáng nghi ngờ, bởi lẽ Phan Châu Trinh chẳng cần đến sự
bênh vực của Phan Văn Trường. Cả hai lần bị bắt, ông đều
nhờ có sự giúp đỡ của những người khác để thoát khỏi
cảnh ngục tù; đó là chưa kể đến việc ông có thể tự
biện hộ. Nếu Phan Văn Trường viết hồi ký vào năm 1923, sao
không cho công bố sớm để người bạn mình có thể phản
biện? Hơn thế nữa, tại sao lại cố tình đánh đồng chủ
trương "Pháp-Việt liên hiệp"</em> của Phan Châu Trinh với
chủ trương <em>"Pháp-Việt đề huề"</em> của Đảng Lập
hiến trong khi hai chủ trương này tuy có điểm chung nhưng vẫn
có nhiều điểm khác biệt?

Vậy thì lý do thật sự của việc công bố bản hồi ký là
gì?

Như chúng ta đã biết, giữa năm 1925, nhờ cuộc đấu tranh của
những người cánh tả Pháp – nhất là của hạ nghị sĩ Marius
Moutet, Phan Châu Trinh đã trở về Việt Nam. Ông về đến Sài
Gòn vào ngày 26.6.1925, cùng đi với ông là Nguyễn An Ninh - một
người thuộc phái tả. Nhưng kể từ đầu năm 1925, các hoạt
động của Phan Châu Trinh đã bắt đầu gắn bó với phái hữu
ôn hòa – nhất là Đảng Lập Hiến. Vì thế tất cả các
hoạt động của ông kể từ đó đều có sự cộng tác của
cả phái tả lẫn phái hữu.

Hạ tuần tháng 11.1925, Toàn quyền Varennes đến thăm Sài Gòn.
Mặc dù sức khỏe không được tốt, Phan Châu Trinh đã tham gia
đón tiếp ông Toàn quyền và tối ngày 19.11, đã diễn thuyết
về đề tài <em>"Luân lý và đạo đức Đông Tây"</em>.
Chiều ngày 27.11.1925, đoàn đại diện nhân dân ba kỳ đã trao
Thỉnh nguyện thư cho Toàn quyền, trong đoàn bên cạnh Phan Châu
Trinh có mặt cả Phan Văn Trường (cánh tả) lẫn Nguyễn Phan
Long (cánh hữu). Tối hôm đó, mặc dù bị sốt cao, Phan Châu
Trinh đã thực hiện buổi diễn thuyết thứ hai về đề tài
<em>"Quân trị chủ nghĩa và dân trị chủ nghĩa"</em>. Hai
buổi diễn thuyết đã nâng cao uy tín của Phan Châu Trinh nhưng
sau các hoạt động này, ông phải vào bệnh viện điều trị
trong 15 ngày. Từ ngày 27.12.1925, do sức khỏe sa sút, Phan Châu
Trinh phải chuyển lên Hóc Môn ở nhà ông Nguyễn An Cư (chú
của Nguyễn An Ninh) để điều trị bằng đông y. Đến đầu
tháng 2.1926, bệnh ông ngày càng nặng. Ông mất vào ngày
24.3.1926, lúc 21h30. (Lê Thị Kinh, II, tr. 583-610)

Hồi ký của Phan Văn Trường đã được đăng trên nhiều số
của báo La Cloche Fêlée, từ 30.11.1925 đến 15.3.1926. Đây chính
là thời gian Phan Châu Trinh đang sa sút về sức khỏe và sắp
sửa lìa đời. Việc đăng hồi ký chỉ trích ông đúng vào lúc
ông không có khả năng đối đáp không thể được coi là cách
tốt nhất để bênh vực một người bạn.

Một chi tiết đáng lưu ý khác là sự kiện bản Tuyên ngôn
cộng sản được bắt đầu đăng công khai trên tờ La Cloche
Fêlée vào ngày 29.3.1926, 5 ngày sau khi Phan Châu Trinh qua đời, 6
ngày trước khi đưa tang Phan Châu Trinh. Đó là chưa kể đến
sự kiện Nguyễn An Ninh bị bắt đúng vào sáng ngày 24.4.1926,
ngay tối hôm đó Phan Châu Trinh qua đời. Đây là lần đầu
tiên Nguyễn An Ninh bị bắt giam và bị kết án 2 năm tù trong
phiên tòa diễn ra vào ngày 23.4.1926 (sau khi kháng án rút xuống
còn 18 tháng tù).

Điều này cho thấy bản hồi ký này được đăng tải đúng
vào lúc diễn ra cuộc tranh chấp gay gắt giữa phái tả (Phan
Văn Trường và Nguyễn An Ninh) và phái hữu (Đảng Lập hiến)
để tranh giành ảnh hưởng ở Nam Kỳ. Phan Văn Trường chỉ
trích Phan Châu Trinh là vì nhà dân chủ này chủ trương hợp
tác với phái hữu trong cuộc đấu tranh để giành quyền tự
trị cho nhân dân Việt Nam – một mục tiêu ban đầu cần đạt
tới trước khi tiến tới đấu tranh giành độc lập hoàn toàn.

<h2>IV) Lý do gây ra sự rạn nứt của nhóm Ngũ Long:</h2>

Cuối cùng là vấn đề khiến chúng ta quan tâm nhiều nhất: lý
do làm rạn nứt nhóm Ngũ Long. Sự tập hợp nhóm này bắt
nguồn từ mối quan hệ giữa Phan Châu Trinh và Phan Văn Trường
– khởi đầu từ cuối năm 1911. Đỉnh cao của sự hợp tác
giữa hai nhân vật này chính là bản thỉnh nguyện năm 1919 gửi
Hội nghị Versailles.

Thế nhưng, kể từ đầu thập niên 1920, tình bạn và tình
đồng chí giữa hai nhà yêu nước họ Phan này bắt đầu rạn
nứt. Những bất đồng ngày càng gay gắt, không thể hóa giải
và sự phân ly trở nên rõ rệt kể từ cuối tháng 3 năm 1923.
Rất nhiều nhà nghiên cứu đã nhìn thấy sự rạn nứt này
của nhóm Ngũ Long, nhưng lại không thể giải thích được một
cách thỏa đáng lý do sâu xa làm cho nhóm này phân hóa. Có
người tìm cách giải thích sự rạn nứt này bằng cách dựa
vào cá tính. Ví dụ: cho rằng Phan Châu Trinh "thẳng thắn
đến thô bạo", do đó gây va chạm với Phan Văn Trường và
những người khác trong nhóm. Nhưng lý do này không đủ để
giải thích một số mâu thuẫn về tư tưởng bộc lộ qua một
số lá thư trao đổi giữa những người trong nhóm.

Trong một lá thư đề ngày 25.1.1925 gửi cho một du học sinh tên
là Đông ở Montpellier, Phan Châu Trinh đã viết như sau:
<em>"Tôi xem anh là người thông minh, và các anh em ở
Montpellier, nhiều anh em ham học lắm, nhưng khốn nạn thay, nòi
giống ta bây giờ như giống tằm bị bệnh lâu năm, con hư thì
hư rồi, còn con có thể làm kén được, cũng bị độc đó, mà
tơ chỉ chẳng ra gì, hại thay! Thật thế, tôi xem anh Nguyễn Ái
Quốc, anh Nguyễn Thế Truyền và ông Phan Văn Trường, rất là
người thông minh bực nhứt xứ ta, nhưng xem ra ông nào cũng bị
một chứng bệnh nặng cả, chẳng biết ngày sau có làm ra công
hiệu gì cho nòi giống ta được nhờ chăng? Hay là trước học
tàu là ông đồ hủ nho, nay học Tây là anh đồ hủ Âu mà
thôi!"</em> (Tuyển tập PCT, tr. 832)

Tại sao Phan Văn Trường nhận xét rằng Phan Châu Trinh không có
đủ những đức tính <em>"để làm nên một người cách
mạng"</em> trong khi Phan Châu Trinh lại cho rằng những người
khác trong nhóm Ngũ Long đã mắc <em>"một chứng bệnh
nặng"</em>, có nguy cơ trở thành những <em>"anh đồ hủ
Âu"</em> tương tự như những <em>"ông đồ hủ nho"</em>
ngày trước?

Thật ra, lý do sâu xa làm nên sự rạn nứt của nhóm Ngũ Long
liên quan đến sự khác biệt về tư tưởng và quan niệm chính
trị. Người nắm vững lý do này chính là Nguyễn An Ninh –
một người có mối quan hệ thân thiết với cả Phan Châu Trinh
lẫn Phan Văn Trường. Ông đã trình bày điều này trong một
bài viết có nhan đề <em>"Vài lời nhắc nhở - Điếu văn
khóc Phan Văn Trường"</em>, đăng trên báo Trung Lập ngày
27.4.1933.

Theo Nguyễn An Ninh, đã có một sự thay đổi sâu sắc trong
nhận thức của Phan Văn Trường kể từ khi có sự phân ly trong
Đảng Xã hội. Ông viết: <em>"Hai chữ giác ngộ để khuyến
khích thiên hạ ngày nay, trước kia nó không lạ tai gì với Phan
Văn Trường. Sự chia rẽ trong Đảng Xã hội Pháp, lúc toàn
quốc hội nghị ở Tours năm 1920, có ảnh hưởng một cách sâu
xa trong đầu óc của Phan Văn Trường."</em>[5]

Như chúng ta đã biết, tại Đại hội lần thứ 18 của Đảng
Xã hội Pháp (lúc đó có tên là SFIO), một bộ phận (chủ yếu
là giới trẻ) đã tách khỏi SFIO để gia nhập Quốc tế cộng
sản, lúc đầu lấy tên là Phân bộ Pháp của Quốc tế cộng
sản (Section française de l'Internationale communiste, SFIC) – tiền
thân của Đảng cộng sản Pháp (Parti communiste français, PCF) sau
này. Về mặt số lượng, đa số trong đảng đã ngả theo phía
cộng sản: 120.000 đảng viên gia nhập vào Đảng cộng sản,
trong khi SFIO chỉ còn có 40.000 đảng viên. Mặc dù phần lớn
các nghị sĩ tại Quốc hội và các đại biểu dân cử cấp
địa phương vẫn còn ở lại với SFIO nhưng đảng này đã
chịu một sự thiệt hại lớn lao khi tờ báo đảng
<strong><em>l'Humanité </em></strong>cùng với giám đốc tờ báo
là Marcel Cachin đã đi theo phái cộng sản. Hiện tượng
<em>«người già ở lại với đảng dân chủ - xã hội, người
trẻ bỏ đảng để đi theo con đường cộng sản của
Lenin»</em> không phải là hiện tượng cá biệt ở Pháp, mà ở
hầu khắp các nước châu Âu.

Đại hội Tours năm 1920 với sự ra đời của Đảng cộng sản
Pháp đã ảnh hưởng sâu sắc đến nhận thức của Phan Văn
Trường. Mặc dù không trở thành một người cộng sản hay
một nhà mác-xít thực thụ, Phan Văn Trường ít nhất đã trở
thành một nhà mác-xít về mặt nhận thức.

Nguyễn An Ninh so sánh Phan Văn Trường và Phan Châu Trinh như sau:
<em>"Phan Văn Trường nghiên cứu chủ nghĩa "Mã Khắc Tư",
nhờ nó mà hiểu rõ sự tiến hóa của xã hội. Còn Phan Châu
Trinh trọn mười mấy năm ở Pháp cứ ôm bộ "Ẩm Băng Lương
Khải Siêu" cho đến ngày về nước cũng còn đem theo tàu để
lót đầu nằm, thì làm sao hai người không chọi nhau được.
Song hai anh em cũng cứ giữ thái độ bạn già mà đối với
nhau. Tôi nhắc đến câu chuyện này là cốt ý chỉ rằng Phan
Văn Trường là người giác ngộ hơn Phan Châu Trinh. Mà Phan Châu
Trinh lại được quý trọng như kia. Còn sự chết của Phan Văn
Trường ngày nay, chắc ít người chú ý đến."</em>(bđd)

Chữ <em>"giác ngộ"</em> mà Nguyễn An Ninh sử dụng có nghĩa
là <em>"tiếp thu chủ nghĩa Mã Khắc Tư (chủ nghĩa
Marx)"</em>, tức là tiếp thu "quan điểm duy vật biện chứng
và duy vật lịch sử", nhờ đó mà <em>"hiểu rõ sự tiến
hóa của xã hội"</em>. Ông đánh giá Phan Châu Trinh là người
<em>"kém giác ngộ hơn"</em> vì đầu óc ông này vẫn còn
<em>"u mê, lạc hậu"</em>, chìm đắm trong tư tưởng của
Lương Khải Siêu. Nhận xét này đúng ở chỗ: Phan Châu Trinh
hoàn toàn không chấp nhận chủ nghĩa Marx mà trước sau vẫn là
một nhà tự do (libéral, liberal), một nhà dân chủ (démocrate,
democrat). Tuy nhiên, Nguyễn An Ninh đã không đúng khi cho rằng
Phan Châu Trinh chỉ dừng lại ở tư tưởng của Lương Khải
Siêu. Như tôi đã trình bày qua một số bài viết, so với khi
mới đọc tân thư, qua tìm hiểu thực tế của nền dân chủ
hiện đại, tư tưởng chính trị của Phan Châu Trinh đã phát
triển một cách khá hoàn chỉnh và có thể nói, ông nắm rất
vững những nguyên tắc căn bản của chế độ dân chủ hiện
đại chứ không phải chỉ hiểu biết một cách lơ mơ theo
kiểu sách vở, từ chương.

Mặc dù quý trọng cả hai người, nhưng do chịu ảnh hưởng
phần nào của chủ nghĩa Marx, Nguyễn An Ninh vẫn thiên về phía
Phan Văn Trường: <em>"Phan Châu Trinh lắm khi bị ông ta (tức
Phan Văn Trường) phê bình dữ dội, cũng là vì cái tính ngay
thẳng của ông ta không hạp với cái tính đầu cơ của Phan
Châu Trinh."</em>(bđd) Tính ngay thẳng, theo cách hiểu của
Nguyễn An Ninh có nghĩa là: tả ra tả, hữu ra hữu, không thể
có chuyện tả lại cộng tác hay thỏa hiệp với hữu. Tính ngay
thẳng cũng có nghĩa là quyết liệt chống Tây, không thỏa
hiệp với Tây. Việc hợp tác với phái hữu, hợp tác với
người Pháp được coi là có <em>"tính đầu cơ"</em>. Để
hiểu những lời lẽ này, chúng ta phải tìm hiểu mối quan hệ
giữa những người mác-xít và những người xét lại, hay giữa
những người cộng sản và những người dân chủ - xã hội.

Như tôi đã phân tích trong cuốn <a
href="http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=5429&rb=08">Huyền
thoại về một Nhà nước tự tiêu vong</a>[6], từ cuối thế
kỷ 19, cánh tả ở châu Âu đã dần dần tách đôi thành hai
phái: cải cách và cách mạng. Sự phân ly này càng rõ rệt hơn
sau khi cuộc Cách mạng Tháng Mười nổ ra ở Nga vào năm 1917.
Đầu thập niên 1920, sự phân ly này đã dội vào phong trào
cánh tả ở Pháp, xé đôi Đảng Xã hội (SFIO) và làm tan rã
nhóm Ngũ Long – hạt nhân của phong trào cánh tả Việt Nam.

Bài báo nói trên của Nguyễn An Ninh giúp chúng ta nhìn thấy
được lý do thúc đẩy sự phân ly giữa hai nhân vật họ Phan:
Phan Văn Trường tiếp thu chủ nghĩa Marx, ngả sang xu hướng
cách mạng, trong khi Phan Châu Trinh vẫn giữ lập trường cải
cách. Quan niệm chính trị cũng như mục tiêu, phương pháp hoạt
động của Phan Châu Trinh khiến ông gần gũi với những người
dân chủ - xã hội hơn là những người cộng sản và những
người mác-xít trung thành. Đó là lý do cho đến cuối đời,
Phan Châu Trinh vẫn gắn bó với những người dân chủ - xã
hội Pháp như đảng SFIO (tiền thân của Đảng Xã hội) hơn là
những người cộng sản Pháp.

Mặc dù là một người xuất thân từ cánh tả, Phan Châu Trinh
là một trong những người hiếm hoi của cánh tả thừa nhận
sự tồn tại của cánh hữu như một điều kiện cần thiết
của chế độ dân chủ hiện đại. Đó là lý do ông có thể
chấp nhận sự cộng tác với những người cánh hữu ôn hòa
(ví dụ: Đảng Lập hiến), mặc dù lập trường chính trị
của hai bên khác nhau. Có thể coi Phan Châu Trinh là cái gạch
nối giữa cánh tả và cánh hữu. Mất cái gạch nối đó, cánh
tả và cánh hữu không còn có thể hợp tác với nhau, ngược
lại còn đấu tranh với nhau một cách gay gắt.

Có thể nói sau khi Phan Châu Trinh qua đời, sợi dây liên kết
giữa hai cánh tả và hữu đã biến mất. Chỉ còn lại sự xung
đột gay gắt tả - hữu, tiêu biểu là sự xung đột giữa một
bên là Đảng Lập hiến và bên kia là cánh tả bao gồm cả hai
phái cộng sản đệ tam và đệ tứ. Nguyễn An Ninh – con
người ôn hòa nhất trong cánh tả, vẫn không chấp nhận cộng
tác với những người thuộc cánh hữu. Bi kịch của nhà yêu
nước này là trong khi cố gắng tạo ra một sự đoàn kết của
cánh tả, cuối cùng ông lại mắc kẹt trong cuộc xung đột gay
gắt giữa những người cộng sản theo Stalin (như Nguyễn Văn
Tạo, Nguyễn Văn Nguyễn) và những người cộng sản theo Trotsky
(như Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm). Ông là một trường hợp lạ
kỳ, vừa được Đảng cộng sản Việt Nam công nhận là liệt
sĩ, vừa được những người trốt-kít như Ngô Vân vinh danh.
Ông vừa là người anh hùng trong con mắt của những người
trốt-kít, đồng thời lại là người góp phần quan trọng vào
thắng lợi của Đảng cộng sản – một đảng chính trị nhân
danh tự do tuyệt đối để thiết lập một chế độ độc tài
tuyệt đối.

Thật ra, tất cả những xung đột chính trị tả - hữu này
chỉ có thể giải quyết một cách hòa bình trong khuôn khổ
của một chế độ chính trị dân chủ. Kinh nghiệm của các
nước châu Âu (nhất là Bắc Âu) cho ta thấy rõ điều đó. Từ
chối những thiết chế chính trị dân chủ, xung đột tả -
hữu chỉ có thể trở thành đấu tranh một mất một còn. Tấn
bi kịch của nước ta bắt nguồn từ đó. Đám tang của Phan
Châu Trinh tại Sài Gòn vào ngày 4.4.1926 đánh dấu sự đoàn
kết cuối cùng của những phái chính trị tả và hữu của
nước ta. Kể từ sau đám tang đó, sự xung đột tả - hữu
ngày càng trở nên gay gắt. Những người cánh tả coi những
người cánh hữu – dù là ôn hòa, đều là tay sai của thực
dân Pháp và từ chối hoàn toàn sự cộng tác. Cuối cùng thì
đấu tranh chính trị trở thành chiến tranh, và cuộc chiến
ngày càng trở nên phức tạp khi xung đột tả - hữu giữa
những người Việt Nam bị che đậy bởi những chiêu bài giành
độc lập, chống đế quốc, v.v…

Trở lại với tinh thần Phan Châu Trinh đồng nghĩa với việc
từ bỏ những hình thức đấu tranh một mất một còn, để
tiến tới tôn trọng sự khác biệt của nhau. Điều đó đòi
hỏi một sự hợp tác giữa tả và hữu – nhất là giữa phái
tả ôn hòa và phái hữu ôn hòa. Chỉ bằng cách đó người
Việt Nam mới có thể loại bỏ được những xu hướng cực
đoan về phía tả cũng như về phía hữu, xây dựng một nền
chính trị dân chủ trong đó lá phiếu của người dân là tiêu
chuẩn đánh giá khả năng cầm quyền của bất cứ phe phái
nào.

Tự do chỉ có thể được bảo đảm được bằng dân chủ.
Từ chối dân chủ, chúng ta không thể có tự do, vì làm thế
nào có được tự do khi ta không tôn trọng chính kiến của
người khác? Không dựa trên những nguyên tắc dân chủ, tự do
của mỗi người có thể trở thành sự tước đoạt tự do
của người khác.

Đà Lạt, 30.11.2010

Mai Thái Lĩnh

________________________________________________________

<strong>Ghi chú</strong>:

[4] Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động
của Hồ Chủ tịch, Nxb Sự Thật, 1975, bản in lại của Sở
Văn hóa – Thông tin Sài gòn – Gia định, tr. 12.
[5] <em>"Vài lời nhắc nhở - Điếu văn khóc Phan Văn
Trường"</em>, Trung Lập 27.4.1933 (Nguyễn An Ninh – Tác phẩm,
tr. 1037-1038)

[6] Mai Thái Lĩnh, <a
href="http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=5429&rb=08">Huyền
thoại về một Nhà nước tự tiêu vong</a>, talawas 2005.

<strong>Tài liệu tham khảo</strong>:

1) Những bài viết của Thụy Khuê đăng trên RFI nằm trong hồ
sơ <em>"Nhân Văn Giai Phẩm"</em>:

- Phần XV: Phan Khôi - Chương 1a : Những phong trào chống Pháp
đầu thế kỷ XX, RFI 5.9.2010-7.9.2010:
http://www.viet.rfi.fr/tong-hop/20100905-phan-xv-phan-khoi-chuong-1a-nhung-phong-trao-chong-phap-dau-the-ky-xx

- Phần XV: Phan Khôi - Chương 1b : Ai viết bài ký tên Nguyễn Ái
Quấc tại Pháp từ 1919 đến 1923? RFI 5.9.2010-13.11. 2010:
http://www.viet.rfi.fr/tong-hop/20100905-phan-xv-phan-khoi-chuong-1b-ai-viet-nhung-bai-ky-ten-nguyen-ai-quac-tai-phap-tu-19

<em><strong>- Phụ Lục</strong></em> : Nguyễn Ái Quốc, lai lịch và
văn bản:

Phần 1: RFI 13.11.2010:
http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20101113-phu-luc-nguyen-ai-quoc-lai-lich-va-van-ban-phan-1;

Phần 2a: RFI 19.11.2010:
http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20101119-phu-luc-nguyen-ai-quoc-lai-lich-va-van-ban-phan-2a;

Phần 2b: RFI 19.11.2010:
http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20101119-phu-luc-nguyen-ai-quoc-lai-lich-va-van-ban-phan-2b

2) TS Thu Trang, Những hoạt động của Phan Châu Trinh tại Pháp
1911-1925, Nxb Văn Nghệ TP. HCM, 2000.

3) Lê Thị Kinh (tức Phan Thị Minh), Phan Châu Trinh qua những tài
liệu mới, tập 1, Nxb Đà Nẵng, 2001. Tập này được xếp
thành 4 quyển.

4) Lê Thị Kinh (tức Phan Thị Minh), Phan Châu Trinh qua những tài
liệu mới, tập 2, Nxb Đà Nẵng, 2003.

5) Nguyễn Văn Dương, Tuyển tập Phan Châu Trinh, Nxb Văn hóa –
Thông tin, 2006.

6) Trung tâm nghiên cứu quốc học, Nguyễn An Ninh – Tác phẩm,
Nxb Văn học, 2009.

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/7213), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét