Đào Hữu Nghĩa Nhân - Màu của môi trường và trách nhiệm

Nhân sự kiện cá da trơn Việt Nam, mà cụ thể đây là con
cá tra, cá ba sa và cá rô phi đỏ bị tổ chức WWF đổi màu
từ màu vàng, với ý nghĩa là cân nhắc thật kỹ trước khi
sử dụng thành màu đỏ với khuyến cáo đừng nên sử dụng do
những yếu tố tác động ảnh hưởng môi trường trong quá
trình nuôi và chế biến con cá này đến tay người tiêu dùng.
Về mặt thực tế những khuyến cáo từ màu vàng chuyển sang
màu đỏ không phải là không có cái lý của nó. Rất tiếc
trước đây con cá này bị WWF đặt cho màu vàng thì không thấy
bất kỳ tổ chức báo chí nào lên tiếng để cảnh báo trước
những bất lợi sẽ có cho tương lai của nó. Đây có thể là
một thiếu sót rất đáng tiếc của những người có trách
nhiệm quản lý lĩnh vực này.

Còn nhớ khi Việt Nam bước đầu chập chững nuôi con cá
này cho mục đích thương mại xuất khẩu trước đây. Việc
nuôi cá hầu như tận dụng một trăm phần trăm lợi thế tự
nhiên của điều kiện sẵn có và ưu đãi từ thiên nhiên
trước đây ở ĐBSCL. Tức là nguồn cá giống vớt từ nguồn
cá bột ngoài tự nhiên vốn rất phong phú, nuôi bằng kỹ
thuật lồng bè dọc từ thượng nguồn hai nhánh con sông Tiền
và sông Hậu đến vùng hạ lưu. Thời điểm đó các làng bè
nở rộ dọc hai con sông này như là những thành phố nỗi.
Điển hình như ở An Giang, Đồng Tháp,... nguồn cá giống thì
vô cùng phong phú, lượng cá làm nguyên liệu chế biến dành cho
xuất khẩu thì dồi dào,. Bất kỳ hộ nuôi cá bè nào cũng
giàu có nhanh chóng. Con cá mang cái tên cúng cơm của con cá Mỹ
catfish, xuất khẩu ồ ạt sang thị trường Mỹ, khiến các
người nuôi cá ao dọc theo con sông Missisipi điêu đứng vì sản
phẩm ngon và giá cả rẻ hơn con cá nội địa Mỹ. Rồi thì
hàng loạt các vụ kiện của hiệp hội nhà nghề nuôi cá nheo
Mỹ nói Việt Nam vi phạm tên thương hiệu của cá nheo Mỹ, nào
là bán phá giá,...

Nếu nhớ không lầm thời điểm đó báo chí cũng nhanh chóng
nhảy vào cuộc đăng tải hàng loạt các bài viết chứng minh
con cá Việt Nam không hề phá giá. Chúng minh nào là do giá lao
động rẻ, do việc nuôi cá của ta không phải tốn phí xử lý
môi trường, không tốn tiền đuổi chim bắt cá như các ao nuôi
lớn của Mỹ. Nào là sở dĩ giá cá catfish của Mỹ đắc là
vì độc quyền, chi phí nuôi ao rất tốn kém, xử lý nguồn
nước này kia,... Còn con cá ta nuôi thì cứ theo dòng chảy của
sông vô tận sẽ làm rửa trôi mọi thứ nên chi phí nuôi cá
của ta là rẻ nhất nên giá rẻ thì cũng đương nhiên,... Việc
nuôi con cá tra trên sông như trước đây ở ĐBSCL giống như
hiện tượng người dân Miền Tây thường ị trên sông vậy!
Họ nghĩ đơn giản thôi thì hãy để mọi thứ cho nước cuốn
đi!

Luật chơi quốc tế đâu phải cứ như mình nghĩ, con cá tra
của ta đành phải thua cuộc, buộc phải từ bỏ tên tây trở
về với cái tên cúng cơm cá tra, cá "vồ", cá ba sa như trước
đây. Hiệp hội cá nheo Mỹ thắng kiện Việt Nam bán phá giá
cá da trơn của mình vào nước Mỹ. Chịu áp mức thuế
nặng,...

Thế rồi việc nuôi cá dựa vào dòng chảy của tự nhiên trở
thành ác mộng với người nông dân, khi hàng loạt các bè nuôi
cá chết trắng bè. Các nhà khoa học nhảy vào cuộc, nghiên
cứu đủ trò thì ra nuôi cá bè trên sông không khác gì bỏ
trứng vào một giỏ, xảy ra sự cố thì chả trứng nào còn.
Bè thượng nguồn bị bệnh, hàng loạt bè bên dưới chết, và
ngược lại. Nghề nuôi cá bè phá sản, người nuôi cá bỏ
hoang phế các bè lồng trị giá bạc tỉ chuyển nghề nuôi cá
lên các ao giống với các đồng nghiệp nuôi cá nheo Mỹ.

Tiếc thay vì nghèo trong đầu tư, và thiếu kinh nghiệm
cho việc làm sạch môi trường khi nuôi cá ao phát sinh, đó là
xử lý nước thải các ao này trong quá trình nuôi. Còn chuyện
lấy nước vào ao thì người nông dân xử lý rất kỹ nào là
hóa chất, vôi bột để lắng trong các ao chứa trước khi đưa
nước vào các ao nuôi để phòng bệnh cho cá. Bởi vì họ thừa
hiểu nguồn nước cung cấp cho ao nuôi ngoài tự nhiên có rất
nhiều mầm bệnh, có thể ảnh hưởng cho cá của họ. Ngược
lại nước thay từ ao ra môi trường tự nhiên thì ít người
nông dân để ý. Họ cứ vô tư xả nước ra môi trường tự
nhiên không qua xử lý. Đây cũng là việc thấy rất rõ với
các vùng nuôi tôm trước đây. Gần đây cũng có một số nơi
quan tâm nhưng có đồng bộ hay không thì cũng không rõ lắm.
Riêng ở khu vực tôi sống dọc theo sông Tiền thuộc khu vực
tình Đồng Tháp thì hầu như chưa thấy gì là rõ nét. Nói chung
nguồn nước khu vực xung quanh đó quả là đáng sợ. Ngày nay
nông dân ĐBSCL gần như không còn thói quen sử dụng nước sông
cho sinh hoạt ăn uống, thậm chí cả tắm giặt, do nguồn nước
hiện nay cực kỳ ô nhiễm. Dĩ nhiên việc ô nhiễm này không
phải hoàn toàn do việc nuôi cá. mà còn do các hoạt động nông
nghiệp và công nghiệp, sinh hoạt đô thị khác nữa gây nên.

Một điều cũng đáng suy nghĩ là hiện nay việc nuôi cá,
người nông dân không còn lợi nhuận hấp dẫn nữa mà lợi
ích thực sự là từ các nhà chế biến thức ăn gia súc là
chính, Các nhà sản xuất và cung cấp thuốc phòng trị bệnh cho
cá, kế đó là các công ty chế biến cá xuất khẩu!..Hiện nay
việc các nguyên liệu này tăng giá vô tội vạ cũng là điều
đáng suy nghĩ cho nền sản xuất nông nghiệp nước nhà. Nó
không chỉ ở lĩnh vục nuôi trồng thủy sản mà còn bao gồm
cả trong việc trồng lúa và các sản phẩm nông nghiệp khác.
Biều bất cập này khiến người nông dân càng bám ruộng
vườn, ao chuồng càng nghèo khó hơn. Càng khiến chênh lệch
giàu nghèo dãn rộng hơn. Nuôi cá thì chi phí quá cao, nhưng khi
làm ra sản phẫm thì thằng khác định giá, mà cụ thể đây
là các nhà xuất khẩu!? Điều này đã dẫn đến việc người
nuôi bỏ ao hiện nay rất cao, dẫn đến thiếu nguyên liệu cho
nhà máy chế biến xuất khẩu.

Một vấn đề không thể không đặt ra là các nhà máy chế
biến cá xuất khẩu đã có những bước cải thiện môi
trường đáng kể nào trong hoạt động sản xuất và chế biến
của họ đối với môi trường nước và không khí xung quanh
nhà máy? Hiện tượng ô nhiễm môi trường nước trong hoạt
động sản xuất của nhà máy này là vấn đề lớn hiện nay.
Đa phần là xã thẳng nước thải ra môi trường. Nếu có xử
lý nước thải thì chủ yếu đối phó là chính. Họ thường
vì lợi nhuận, chấp nhận đút lót cho các quan chức có trách
nhiệm để giảm chi phí. Chỉ có một số ít ỏi nào đó là
có trách nhiệm thật sự. Những cảnh báo của WWF không phải
là không có lý. Đó là còn chưa nói công nhân làm việc trong
các nhà máy chế biến hiện nay chủ yếu là công nhân thời
vụ, nếu có hợp đồng thì cũng là đồng lương chết đói.
Nói thẳng ra là họ không thể sống bằng và đầy đủ với
công việc của họ. Đời sống thì bấp bênh, ở trọ trong
những khu ổ chuột lụp xụp, tạm bợ, bệnh nghề nghiệp do
làm trong môi trường lạnh, bảo hiểm y tế thì không thể chi
trả đầy đủ cho họ điều trị,..

Việc người ta đổi màu con cá da trơn Việt Nam có hay không
các yếu tố cạnh tranh không lành mạnh cũng cần phải có
thời gian để xem xét, và điều tra thêm. riêng nhà mình thì
nên dọn dẹp sạch trước khi la làng nói người ta vu oan, gieo
họa cho mình. Phàm người Việt mình có cái "hay" nhất thiên
hạ là khi được khen thì nói người ta tốt, người ta tiến
bộ, bị người ta chê thì nghi ngờ là kẻ thù là phá hoại,
là cạnh tranh không lành mạnh.

Xét cho cùng để có một sản phẩm cá tra nổi tiếng
như hiện nay liệu nó có sạch đúng nghĩa như ta rêu rao và
quảng cáo hay không cũng cần nhìn lại mình. Có cái gì cứ
phát triển mãi trên đỉnh mà không phải có lúc suy thoái?
Không phải cứ có sản phẩm sạch đạt các tiêu chuẩn quốc
tế này nọ là ta nghĩ mình cứ yên tâm sản xuất, cứ yên tâm
phát triển. Một xã hội ngày càng nhân bản và thịnh vương
hơn cho mọi người là đòi hỏi chính đáng cho tất cả. Họ
cảnh báo người dân các nước châu Âu đừng mua sản phẩm cá
Việt Nam là vì họ muốn chúng ta phải soát xét lại xem xem vì
sao mà các đại gia cá mập sản xuất thức ăn chăn nuôi cho
thủy sản giàu có là thế, mà hầu như không phải chịu trách
nhiệm gì về việc phí tổn môi trường do thức ăn của anh
gây ra. Họ muốn chúng ta cũng phải tự hỏi các đại gia sản
xuất thuốc thú y, thuốc thủy sản có trách nhiệm gì không khi
việc nuôi cá phải sử dụng một lượng thuốc khổng lồ trong
phòng và điều trị cho cá? Và dĩ nhiên lượng thuốc ô nhiễm
này chắc không phải là không có trách nhiệm đồng chi trả cho
cải tạo môi trường chứ? Họ cũng muốn chúng ta, các nhà
sản xuất chế biến cá xuất khẩu có thật lòng làm hết mọi
cách để bảo vệ môi trường chưa? Hay chỉ đối phó, hoặc
làm một cách tạm bợ. Các đại gia này có chú ý chia lợi
nhuận của họ cho các công nhân nghèo khổ vì lợi ích của
các ông chủ không? Họ cũng mong muốn người nông dân phải
biết thật sự đầu tư công nghệ xử lý nước thải từ ao
nuôi, sao cho không ô nhiễm môi trường, không làm suy thoái
nguồn cá tự nhiên,...

Âu đây cũng là điều mà tất cả chúng ta cần làm trong thời
điểm hiện nay. Người nuôi cá, nhà sản xuất cá giống, nhà
cung cấp thức ăn chăn nuôi, các công ty sản xuất thuốc phòng
trị bệnh cho cá, Các công ty phân bón, các công ty chế biến
và xuất khẩu thủy sản, các nhà quản lý,...nên ngồi lại
bàn bạc và thảo luận trách nhiệm của mình trong việc bảo
vệ môi trường, bảo vệ đời sống người công nhân,... Rằng
tất cả đều có liên quan trong việc đổi màu con cá Việt Nam.
Chứ không phải là họp báo bào chữa, chứng minh này nọ về
cái sự vô tội của ta. Môi trường hơn lúc nào hết là tất
cả những ai có liên quan trong việc tạo ra sản phẩm này phải
có trách nhiệm cải tạo bởi tất cả mọi người có thiện
chí! Cho dù con cá có thể từ đỏ trở về vàng đi chăng nữa
thì thiện cảm người tiêu dùng đã vơi đi ít nhiều.

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/7236), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét