Nguyễn Vạn Phú - Đi tìm góc nhìn hợp lý

Trong bối cảnh kinh tế có nhiều biến động như hai tuần vừa
rồi, có rất nhiều ý kiến của các chuyên gia được đăng
tải, ý nào nghe cũng hay, cũng hợp lý. Dường như kinh tế và
giáo dục là hai lãnh vực ai cũng có thể nêu ý kiến của mình
như một chuyên gia trong cuộc!

Với tình hình hiện nay, thật khó bình luận gì nhiều từ góc
độ một người làm báo kinh tế, ngoại trừ một ý: trước
một hiện tượng kinh tế, có rất nhiều góc nhìn lý giải,
tùy thuộc vào chỗ đứng của người quan sát và lợi ích của
họ.

Lấy ví dụ chuyện lãi suất. Với giới kinh doanh, lãi suất
càng thấp càng tốt vì lúc đó chi phí sử dụng đồng vốn
sẽ giảm. Vì thế không lạ gì khi họ đòi hỏi, vận động,
yêu cầu, phân tích, lập luận… theo hướng sao cho lãi suất
càng giảm, họ càng có lợi. Giới ngân hàng cũng vậy. Nhưng
từ góc độ đại đa số người dân, có ít tiền gởi ngân
hàng, lãi suất càng cao, họ càng khoái và một khi nó không cao
như kỳ vọng của người dân thì họ tìm cách khác để bảo
toàn tài sản của mình.

Cho nên mỗi khi đọc một phân tích nào của các chuyên gia,
điều đầu tiên phải xem chỗ đứng của họ là ở đâu, họ
đang đại diện cho lợi ích nào, chúng ta sẽ hiểu phân tích
của họ rõ hơn.

Nói gì thì nói, cho dù giới kinh tế gia thế giới có đang tranh
cãi về một số vấn đề của kinh tế học sau khủng hoảng,
tất cả vẫn thừa nhận những nguyên lý cơ bản của nó chứ
không ai nói ngược lại cả.

Vì thế cần phải bác bỏ những ý kiến "không đâu vào
đâu", đừng để chúng làm hoang mang thêm dư luận. Ví dụ,
câu "<em>không phải lưu lượng tiền tệ gây ra lạm phát mà
do lãi suất cao đã đẩy lạm phát lên</em>" (giải thích bên
dưới). Hay câu này: "<em>có người nói là vàng tương đương
45% GDP. Nếu đúng như vậy thì dân ta quá giàu, GDP đầu người
khi đó không phải là 1.200 mà phải tới 1.600 USD</em>" (tiền
dành dụm của người dân mà tính vô GDP thì… bó tay!).

Hơn thế, xã hội thì ý kiến có thể đa dạng nhưng từ Chính
phủ, mọi ý kiến phải nhất quán khi đó thị trường mới
biết đường mà vận hành. Không thể chấp nhận một nguồn
tin từ cơ quan này lại bị phản bác bởi cơ quan khác, một
chủ trương từ cơ quan này tuyên bố lại bị phủ định bởi
phát biểu của một cơ quan khác, những con số của một quan
chức này đưa ra bị một quan chức khác cho là không chính xác
và báo chí chịu tiếng là đăng thông tin sai!

Thật ra những vấn đề chính yếu của nền kinh tế hiện nay
đang xoay quanh những yếu tố sau đây.

<h2>Lãi suất</h2>

Bài học mà Việt Nam đã rút ra nhiều lần là: để chống lạm
phát, phải nâng lãi suất. Nếu mục đích của chúng ta là
kiềm chế lạm phát, đừng để người nghèo chịu thêm gánh
nặng giá cả thì phải cương quyết đi theo con đường đó,
chứ khi thì nói tăng lãi suất khi thì nói đồng thuận giữ ở
một mức nào đó, thị trường sẽ bối rối và phản ứng theo
kiểu bối rối. Lãi suất cơ bản đã tăng lên 9% thì cho dù áp
dụng quy định cũ thì lãi suất vẫn có thể lên đến 13,5% sao
lại cứ kềm nó ở mức 12% làm gì? Người làm chính sách đang
vì lợi ích của giới ngân hàng hay vì lợi ích của đại đa
số người dân?

<h2>Tỷ giá</h2>

Rất nhiều yếu tố tác động tới tỷ giá và ngược lại tỷ
giá cũng tác động rất phức tạp lên nền kinh tế nên không
thể nói một cách dứt khoát tỷ giá phải như thế này, tỷ
giá phải như thế khác, nên cố định hay thả nổi... Chỉ có
điều lạm phát là yếu tố quan trọng nhất. Lấy ví dụ năm
2008, chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm tăng đến 22,97% trong
khi giá đô-la Mỹ bình quân năm 2008 chỉ tăng 2,35% so với bình
quân năm 2007 (số liệu của Tổng cục Thống kê). Vậy việc
tỷ giá gần như cố định như thế có lợi cho ai?

Chúng ta hãy dùng một ví dụ làm tròn số cho dễ hình dung.
Đầu năm 2008, nhập một món hàng về bán giá 100 đồng, cuối
năm cũng món hàng đó phải bán 130 đồng mới theo đúng đà
tăng giá chung. Nhưng người nhập nếu tiếp cận được nguồn
ngoại tệ chính thức của nhà nước, đầu năm bỏ ra 1 đô-la
nhập hàng về bán, lãi chừng đó thì cuối năm bỏ ra 1 đô-la
sẽ lãi nhiều hơn vì hàng bán với giá cao hơn (dĩ nhiên còn
có nhiều yếu tố giá khác nữa nhưng cứ đơn giản hóa như
thế để dễ hình dung).

Tỷ giá như thế chẳng lạ gì nhập siêu của nước ta ngày
càng tăng.

<h2>Nhập siêu</h2>

Nói thẳng ra, tỷ giá như hiện nay là có lợi cho những ai
tiếp cận được nguồn ngoại tệ chính thức và không khuyến
khích sản xuất trong nước. Sáng nay báo Tuổi Trẻ đưa tin
người ta tiếp tục nhập tăm tre và cà rốt về bán. Trước
đó là tin nhiều doanh nghiệp FDI bây giờ chuyển sang nhập hàng
về bán chứ không sản xuất nữa, ngay cả Coca-Cola cũng nhập
nước giải khát về bán vì có lời nhiều hơn sản xuất.

Không thể giảm nhập siêu nếu không giải quyết vấn đề tỷ
giá nói trên. Việc bán ngoại tệ để ổn định tỷ giá chính
là gián tiếp làm lợi cho những người được quyền mua, và
có hại cho người dân nói chung.

<h2>Giá vàng</h2>

Riêng về giá vàng, tôi sẽ post bài "<em>Ứng xử như thế nào
với giá vàng?</em>" sau khi TBKTSG đăng tải. Ở đây tôi chỉ
có nhận xét là giá vàng tăng nếu tăng theo giá thế giới thì
kệ nó, không có gì phải làm ầm ĩ. Vấn đề là khơi thông
các kênh để giá vàng trong nước ngang bằng với giá vàng thế
giới. Và để chống đầu cơ thì phải cho thị trường đầu
cơ vì đầu cơ luôn có hai hướng đối nghịch nhau – chính
đầu cơ sẽ triệt tiêu đầu cơ.

Cho phép nhập vàng, ắt là Ngân hàng Nhà nước sẽ bán đô-la
cho các nơi nhập vàng (chủ yếu là các ngân hàng) để có
tiền mà nhập và giá ắt là theo giá chính thức. Giá vàng
hiện nay đã cao hơn giá thế giới còn tính theo giá chính thức
còn cao hơn nữa. Vậy là trước mắt các nơi nhập vàng thấy
đã lãi ngay mỗi đô-la các khoản chênh lệch giữa giá chính
thức và giá tự do. Một lần nữa tỷ giá làm lợi cho giới
ngân hàng và người dân, bị kích thích bởi tâm lý, sẽ là
người chịu thiệt hại.

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/6983), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét