Hồ Bá Thâm - Dân chủ thật sự là vấn đề trung tâm, cốt tử của Chủ nghĩa xã hội

Hiện nay, và cũng như trong Văn kiện dự thảo trình ĐH 11 của
Đảng thì vấn đề dân chủ được đặt ra cả về mặt lý
luận và nhất là về mặt thực tiễn. Ở đây ta thấy dân
chủ vừa là một trong những mục tiêu và động lực của
CNXH… Hoặc có sự dịch chyển mục tiếu dân chủ lên trước
mục tiêu công bằng.

Cương lĩnh dự thảo ở mục IV, viết: "<em>Dân chủ xã hội
chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu,
vừa là động lực của sự phát triển đất nước</em>"

Nhưng chúng ta thấy vấn đề dân chủ vẫn chưa xứng tầm với
nó trong xu thế phát triển hiện nay. Theo chúng tôi,
<strong><em>Dân chủ là một vấn đề trung tâm, cốt tử của
CNXH…</em></strong>

Sau đây, chúng tôi muốn làm rõ thêm một số khía cạnh và góp
ý cùng ĐH 11, mà trước đây chưa có dịp bàn luận:

<strong>1-</strong> Dân chủ là quyền lực gắn với lợi ích,
quyền làm chủ của nhân dân. Đúng là bao nhiêu quyền lực,
quyền lợi là ở nơi dân. Dân chủ không chỉ là một hình
thái nhà nước mà còn là quyền lực căn bản và quyền lợi
chính trị - xã hội của nhân dân, trách nhiệm ý chí và trí
tuệ của nhân dân trong tất cả tổ chức xã hội.

Trong thể chế dân chủ một đảng cầm quyền cũng vậy, dân
chủ như vậy không phải chỉ là ý chí, quyền lực nhà nước
pháp quyền mà chủ yếu là ý chí, quyền lực, trí tuệ của
nhân dân. Ý Đảng phải trước hết từ ý Dân, chứ không đơn
giản là ý Đảng, lòng Dân.

Cần thay đổi cơ chế: Đảng lãnh đạo - nhân dân làm chủ -
nhà nước quản lý, hay Đảng lãnh đạo - nhà nước quản lý,-
nhân dân làm chủ, sang cơ chế Nhân dân làm chủ, đảng lãnh
đạo, nhà nước quản lý. Tức nhân dân là chủ thể, vừa là
mục đích và là động lực của thể chế chính trị này. Xã
hội ta là một xã hội Nhân dân làm chủ dưới sự lãnh đạo
của Đảng bằng nhà nước pháp quyền và các đoàn thể xã
hội dân sự cũng như cơ chế kinh tế thị trường..

Nói cách khác, từ bản chất, đó là xã hội Dân chủ Nhân dân
(của dân, do dân và vì dân), nên Đảng lãnh đạo hay nhà
nước quản lý, xã hội dân sự tự quản, cơ chế thị
trường tự điều chỉnh. Đó là nền dân chủ theo hướng
hiện đại, XHCN.

Dân chủ hiện đại (dân chủ pháp quyền) hình thành, là sản
phẩm tổng hòa giữa kinh tế thị trường - nhà nước pháp
quyền - xã hội dân sự văn minh (gắn với kỷ nguyên thông
tin), chứ không phải của một mặt riêng lẻ nào. Quyền lực
nhân dân hay dân chủ là chủ thể trung tâm, linh hồn trong các
trụ cột ấy.

Do vậy, Cương lĩnh và các văn kiện khác khi nói về dân chủ
không nên chỉ bó hẹp trong lĩnh vực hệ thống chính trị. Vì
chính dân chủ trước hết là dân chủ kinh tế và cơ chế kinh
tế thị trường cũng là cơ chế của nền dân chủ về mặt
kinh tế (tự do kinh danh, tự do cạnh tranh, bình đẳng trước
pháp luật…).

Hơn nữa, về cách trình bày. Trong Cương lĩnh dự thảo, 2011,
mục IV- với tiêu đề "<em>Hệ thống chính trị và vai trò
lãnh đạo của Đảng</em>", nhưng lại sau đó, dưới cái tiêu
đề ấy, đã trình bày ngay "<em>Dân chủ xã hội chủ nghĩa
là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là
động lực của sự phát triển đất nước</em>", là chưa
hợp lý, hẫng hụt, thiếu lô gích, liến mạch. Nói cụ thể
là thiếu câu dẫn.

Đúng ra nên viết: Đổi mới, xây dựng, hoàn thiện hệ thống
chính trị là trước hết là nhằm thực hiện quyền lực của
nhân dân, phát triển, phát huy nền dân chủ XHCN. Và tiếp theo
là trình bày về dân chủ và các thiết chế của hệ thống
chính trị từ nhà nước trở đi…(như tiêu đề đã nêu).

<strong>2-</strong> Dân chủ là một vấn đề cơ bản, mục tiêu,
động lực lớn bậc nhất, và cũng là vấn đề, nội dung và
nhiệm vụ trung tâm thường xuyên của CNXH. Chỉ có vấn đề
giàu mạnh (cả kinh tế và văn hóa) cho cả người dân và dân
tộc trên nền tảng phát triển rất cao của lực lượng sản
xuất, nhất là khả năng tạo ra năng suất lao động, từ đó
mà đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân này càng
được nâng cao, thì mới có CNXH.

CNXH không chỉ là như vậy, nhưng không có nó thì không có CNXH
đích thực, văn minh, hiện đại, tức là chỉ có CNXH khổ
hạnh, tiểu nông hay công xã. Đối với nước ta nó có ý nghĩa
sống còn. Đối với các nước TBCN phát triển cao thì chủ
yếu nhất là tạo ra dân chủ XHCN từ dân chủ tư sản. Dân
chủ đến cùng là CNXH {Lênin}. Giả sử ở VN có dân chủ XHCN
mà kinh tế vẫ phát triển chưa cao thì cũng chưa thể có CNXH
đích thực được.

Tuy nhiên, khi có trình độ kinh tế rất cao (giả sử như vậy)
mà không có dân chủ thật sự của dân, do dân và vì dân (xét
về bản chất, thì dân chủ nhân dân = dân chủ xã hội = dân
chủ XHCN), thì cũng chưa thể có CNXH. Dù rằng về mặt nào đó
các nước TBCN phát triển cao lại có nhiều nội dung XHCN hơn
các nước từng tuyên bố là XHCN nhưng về kinh tế mới ở
mức nước kém phát triển hay đang phát triển, thậm chí đã
bắt đầu phát triển.

Ngược lại, dù phát riển kinh tế chưa cao nhưng nếu có dân
chủ thật sự thì người dân vẫn cảm thấy tính ưu việt
nhất định của CNXH.

Dân chủ không chỉ là nội dung trung tâm của CNXH mà còn là
động lực lớn phát triển đất nước và cũng là của CNXH,
không dân chủ hóa thật sự sẽ không có đất nước (và nhân
dân) vừa giàu vừa mạnh.

Do vậy, cần suy nghĩ sâu sắc căn dặn lại trong Di chúc của
Hồ Chí Minh, rằng Dân chủ và giàu mạnh, chứ không phải Giàu
mạnh và dân chủ. Trật tự này không đơn giản là hình thức
mà là lôgich của tiến trình biện chứng khách quan.

Trong chế độ ta CÓ DÂN CHỦ NHÂN DÂN LÀ CÓ CNXH. Mất dân chủ
(nghiêm trọng) là mất CNXH.

Dân chủ và Giàu mạnh như vậy là hai mặt cơ bản, cốt lõi
nhất, cấu thành CNXH thật sự, đích thực.

<strong>3-</strong> Nền dân chủ ở nước ta hiện nay là chưa
thuần thục, chưa trưởng thành, còn thấp, nhiều hạn chế,
chưa đi đến cùng. Gần như lần đầu tiên Cương lĩnh mới
nêu lên xây dựng nền dân chủ XHCN, nghĩa là nó chưa có về
cơ bản mà mới có những tiền đề và yếu tố, nên không
chỉ là phát huy.

Nhận thức dân chủ là nền tảng của CNXH (có bài báo nêu như
vậy, nhưng văn kiện cũng chưa có nếu khái niệm này), bên
cạnh nền tảng kinh tế và văn hóa, thì phải dựa vào nền
tảng này mà phát triển. Còn dân chủ là động lực thì cần
phát huy. Dân chủ là mục tiêu thì cần phấn đấu hướng
tới.

Dân chủ là vấn đề trung tâm thì các lĩnh vực khác phải
hướng vào, để thực hiện, và phát huy nó làm cho nó lan tỏa
xung quanh trong các lĩnh vực, trụ cột khác. Điều đó càng quan
trọng trong bối cảnh hiện nay có yêu cầu đổi mới hệ
thống chính trị, cải cách dân chủ, mở rộng quyền tự do,
dân chủ của người dân, phát huy cao động lực dân chủ, như
một động lực chủ yếu để xây dựng đất nước, xây dựng
chế độ mới, nền kinh tế mới, nền văn hóa mới, xã hội
mới, con người

Cương lĩnh viết như sau: "<em>Xây dựng và từng bước hoàn
thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tất cả
quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Dân chủ phải
được thực hiện trong thực tế cuộc sống ở mỗi cấp, trên
tất cả các lĩnh vực thông qua hoạt động của Nhà nước do
nhân dân bầu ra và các hình thức dân chủ trực tiếp. Dân
chủ gắn liền với kỷ luật, kỷ cương và phải được thể
chế hóa bằng pháp luật, được pháp luật bảo đảm</em>".

Nhưng không rõ xây dựng nền dân chủ của nhân dân ngày càng
cao, càng toàn diện – thực chất của nền dân chủ XHCN so
với xây dựng nền kinh tế hiện đại thì nó có vị thế so
sánh như thế nào?

Theo chúng tôi, Dân chủ là một vấn đề trung tâm, cốt tử
của chế độ mới, nhất là của CNXH… Dân chủ trước hết,
nhân dân là trung tâm, là chủ thể sáng tạo chứ không phải
là đối tượng. Dân chủ nhân dân là sinh khí, sức sống của
chế độ mới, và của CNXH.

Ngay cả xu hướng và hiện thực chủ nghĩa dân chủ xã hội
(chúng ta hay dịch là CNXH dân chủ, cách dịch này khái niệm
dân chủ đựa ra sau mang tính chất tính từ, trong khi đó quan
niện của họ dân chủ đứng đầu là danh từ, là chủ thể)
thì theo họ chẳng thà không nói, chứ nói thì phải nói CNXH
dân chủ để phân biệt với CNXH Xôviết, mà thực chất có
một thời gian dài là CNXH chuyến chế, toàn trị. Dân chủ của
nhân dân là thực chất và là trung tâm của CNXH nhân bản, nhân
đạo, nhân văn, CNXH khoa học...

<strong>4-</strong> Cần tập trung xây dựng nền dân chủ của
nhân dân, từng bước hình thành, hoàn thiện nền dân chủ XHCN.
Điều này hết sức quan trọng là khi chúng ta tiến lên xây
dựng xã hội mới trong hoàn cảnh lịch sử từ chế độ tập
trung, tập quyền, chuyên chế cao của phương thức sản xuất
châu Á, lại trải qua chiến tranh, và chế độ thuộc địa
nửa phong kiến và sau đó trải qua thời kỳ kinh tế tập trung
bao cấp.

Hiện nay, chúng ta thực hiện chế độ một đảng. Với chế
độ một đảng cầm quyền thì phải dân chủ hóa mạnh mẽ
để khắc phục khả năng một đảng thì dễ quan liêu, bảo
thủ, độc đoán, lạm quyền. Một đảng thì khả năng ổn
định chính trị nhiều hơn nhưng phải tránh ổn định - trì
trệ.

Chính chế độ một đảng nên phải dân chủ hóa mạnh mẽ hơn
nữa. Cụ thể là cần thừa nhận thực hiện xã hội dân sự
văn minh; thực hiện chế độ trưng cầu ý dân; thực hiện theo
định kỳ Bảng đo lường uy tín cán bộ chủ chốt của Đàng
và nhà nước; thực hiện các cơ chế độc lập giám sát và
phản biện xã hội, kiểm soát quyền lực,kể cả đối với
đảng cầm quyền cũng như đối với các cơ quan đại diện
quyền lực của nhân dân, thể chế hóa sự cầm quyền của
đảng cầm quyền; tùy theo từng thời kỳ mà xây dựng thể
chế dân chủ cho phù hợp với quá tình dân chủ hóa…; đồng
thời phải xây dựng ý thức dân chủ, nâng cao dân trí và quan
trí về dân chủ, có bản lĩnh rèn luyện và thực thi dân chủ.

Xây dựng và thực hiện nền dân chủ (cả về văn hóa dân
chủ, thể chế dân chủ, hành vi, phong cách dân chủ) là một
quá trình lâu dài cũng như xây dựng nền kinh tế. Ngay dân chủ
TBCN cũng như vậy, huống hồ gì dân chủ XHCN.

Đảng tin dân, dựa vào dân, vì nhân dân thì không thể sợ hay
ngại xã hội dân sự. Không thể vin vào mặt hạn chế nào đó
của xã hội dân sự để bài bác nó. Ngay cả nhà nước cũng
có mặt trái: còn nhà nước thì còn quan liêu lạm quyền, tham
quyền cố vị, đặc quyền đặc lợi…Có là điều phải hạn
chế tối đa mặt trái của nó bằng cơ chế, thể chế và sức
mạnh của nhân dân, của dân chủ và pháp quyền mà thôi.

Vấn đề hiện nay là có thể hay chỉ cần bổ sung vào Cương
lĩnh là xây dựng, thực hiện nhà nước pháp quyền của dân do
dân và vì dân là phát triển xã hội dân sự văn minh, xã hội
dân chủ, pháp trị theo định hướng XHCN; Dân chủ là một
vấn đề trung tâm, cốt tử, Dân chủ là sinh khí, sức sống
của chế độ mới, và của CNXH. Như đã nói ở trên cần
phải thể hiện ngày càng sinh động trong cuộc sống.

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/6981), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét