Lê Hiếu Đằng - Dân chủ là giải pháp cho các vấn đề của đất nước

<div class="boxright220"><img
src="http://boxitvn.files.wordpress.com/2010/11/clip_image0011.gif" /></div>
<em>Ông Lê Hiếu Đằng là luật gia, nguyên Phó Tổng Thư ký UB
TƯ Liên minh các Lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình VN,
nguyên Phó Chủ tịch MTTQVN TPHCM. Hiện là Phó Chủ nhiệm Hội
đồng Tư vấn về Dân chủ và Pháp luật thuộc UBTƯMTTQVN</em>

Ngày hôm nay hầu như ai cũng thấy đất nước đang phải đối
mặt với những thách thức cực kỳ nghiêm trọng về mọi mặt
kinh tế, môi sinh, quốc phòng, văn hóa xã hội, giáo dục. Nếu
tình hình cứ phát triển như thế này thì mục tiêu "Dân
giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh" khó
lòng thực hiện.

Một vần đề đáng lo hàng đầu đang nổi rõ: sự phân hóa xã
hội sâu sắc, những người ăn bám vào các tập đoàn kinh tế
nhà nước, vào đầu tư công, vào buôn lậu, tham nhũng đang
giàu lên rất nhanh trong khi đại đa số nhân dân cực khổ.
Thử nhìn thực trạng TPHCM mà coi: Khu đô thị hiện đại sang
trọng Phú Mỹ Hưng được coi là đô thị kiểu mẫu cùng với
nhiểu khu đô thị sang trọng khác, nhưng những ai đang sống ở
đó? Trong khi người nông dân gốc gác lâu đời ở những khu
vực này bị giải tỏa, hiện đi đâu, sinh sống thế nào,
chúng ta có biết không? Và trong khi một bộ phận không nhỏ
dân cư thành phố sống thường trực trong cảnh nước ngập,
sụp hố trên đường, bất an về đủ thứ tai nạn. Cách làm
ăn của chúng ta liệu có khác gì thời kỳ tư bản man rợ: xua
đuổi nông dân để chiếm đất, bần củng hóa một bộ phận
dân cư để công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Bàn tay lông lá
của các tập đoàn lợi ích ngày càng thọc sâu vào các chính
sách quốc gia. Thật hết sức đáng lo. Lòng dân đang rất bất
an, dân không thể tiếp tục tin yêu chế độ nếu tình hình
cứ tiếp tục thế này.

Những vấn đề trên không thể nào giải quyết nếu không nhanh
chóng thực hiện dân chủ thực sự.

Dân chủ hóa như thế nào cho hiệu quả, cho khả thi là chuyện
hệ trọng phải công khai thảo luận. Nhưng có những việc đã
rất rõ ràng, thí dụ như tăng cường vai trò giám sát của
Quốc hội. Tại sao hệ thống chính trị rất nhiều ban bệ,
tổ chức cồng kềnh lại có thể để xảy ra những vụ động
trời như Vinashin, cho thuê rừng đầu nguồn…? Quốc hội có
quyền hạn đếu đâu mà để chính phủ muốn làm gì thì làm?
Chỉ một điều này cũng chứng tỏ hệ thống chính trị của
ta rất hình thức, không hiệu quả, không thực hiện được
quyền làm chủ của dân.

Đảng Cộng sản phải nhận rõ vấn đề để chủ động
chuyển đổi thể chế chính trị phù hợp với tình hình mới.
Hãy nhìn sang Trung Quốc, ngay Thủ tướng Ôn Gia Bảo cũng đã
công khai cảnh báo nguy cơ của nước này nếu không cải cách
chính trị để dân chủ hóa xã hội.

Tuy nhiên, toàn dân không thể thụ động ngồi chờ chính quyền
tự thay đổi. Trong đời hoạt động của mình tôi luôn được
dạy rằng: không có người cai trị nào tự nguyện từ bỏ
quyền lực, ghế ngồi của mình. Dân chủ chỉ có được qua
đấu tranh. Đấu tranh mà không phá vỡ sự ổn định xã hội,
đó là bài toán phải giải quyết, nhưng quyết không thể nhân
danh ổn định mà kìm hãm cuộc đấu tranh để xây dựng nền
dân chủ.

Thời gian qua đã có những dấu hiệu đáng mừng về sự nâng
cao ý thức dân chủ của người dân: những vấn đề lớn của
đất nước người dân không còn để mặc chính phủ tự
quyết định như thói quen từ trước đến nay, mà xã hội dân
sự đã có tác động quan trọng: thí dụ như dự án đường
sắt cao tốc, khai thác bauxite, cho thuê đất rừng đầu
nguồn… Hơn thế nữa, người dân đã bắt đầu dám đứng
lên thực hiện một quyền được pháp luật cho phép mà không
ai có thể chụp mũ này nọ: quyền kiện các cơ quan nhà nước
xâm phạm lợi ích công dân (một công dân TPHCM đã kiện ngành
giao thông vì lô cốt xâm hại việc làm ăn của mình, người
dân huyện Bình Chánh kiện điện lực, người dân tỉnh Quảng
Nam kiện thủy điện xả lũ…).

Nhân tố quan trọng nhất trong việc hình thành xã hội dân sự
là vai trò đầu tàu của trí thức. Phan Châu Trinh đã nói đến
nhiệm vụ "chấn dân khí" của trí thức. Bao giờ cũng vậy,
người trí thức là người đặt lại nhiều vấn đề cơ bản
của xã hội, người trí thức là người vạch đường cho xã
hội tiến lên. Vì thế bây giờ người trí thức không thể
thụ động ngồi chờ, mà phải chủ động lên tiếng và hành
động cho nền dân chủ.

Lúc này hơn lúc nào hết, chúng ta phải đặt quyền lợi của
đất nước, của dân tộc lên cao nhất, hơn mọi lợi ích
riêng tư, phe nhóm. Là một Đảng viên Đảng Cộng sản Việt
Nam, tôi thấy Đảng cũng phải hành xử như vậy. Tức là phải
kiên quyết thực hiện dân chủ thực sự. Trong cuộc đấu tranh
cho dân chủ, chúng ta không có gì phải sợ, tôi muốn nhắc
lại điều tâm niệm này cho chính mình mà cũng là điều muốn
nhắn gửi các đồng chí, đồng đội, bạn hữu của mình và
tất cả những ai còn trăn trở với những vấn đề của đất
nước, của dân tộc. Mà tại sao chúng ta phải sợ? Những
người phải sợ là những người đi ngược lại lợi ích của
đất nước, của nhân dân. Chắc chắn họ sẽ bị nhân dân
chối bỏ, bị lịch sử phủ nhận.

<em>L. H. Đ.</em>

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/7034), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét