Cuộc hội luận cùng đại diện Việt Tân: Phần trả lời cho câu hỏi vòng thứ nhất (2)

<h2>****** Về đường lối đấu tranh dành tự do - dân chủ
***********</h2>

<em><strong>Câu hỏi 5:</strong> Việt Tân có ủng hộ đường lối
hoà giải và hoà hợp dân tộc không? Theo các bác, vì sao dân
tộc Việt Nam lại cần (hoặc không cần) hoà giải? Nếu Việt
Tân chủ trương hoà giải và hoà hợp dân tộc, thì các bác
đề nghị những giải pháp nào để hoà giải dân tộc Việt
Nam?</em>

<strong>(NQQ):</strong> Tôi có một nhận xét chủ quan như sau:

- Cụm từ "hoà hợp hoà giải dân tộc" rất thường được
tập đoàn lãnh đạo CSVN kêu gọi dẫn dụ mỗi khi không thể
đàn áp được một nhóm đối tượng cần phải khống chế,
khối đồng bào hải ngoại chẳng hạn.

- Cụm từ "hoà hợp hoà giải với CS" rất thường dùng
để qui chụp cho một tổ chức đấu tranh tiếp cận với
những người đảng viên cộng sản "phản tỉnh".

Nói chung cụm từ "hoà hợp hoà giải" đã trở nên trơn
trượt mang nhiều ý nghĩa xấu hơn là tốt. Đặc biệt đối
với những ai đã thực chứng những kinh nghiệm thương đau về
sự tráo trở của CSVN suốt khoảng thời gian hiện diện trong
lịch sử Việt Nam.

Câu hỏi của bạn nêu lên thật chính xác, chúng tôi đồng ý
với bạn là trước khi nói đến hoà hợp thì nên hoà giải
cái đã thì sự hoà hợp (nếu có) mới có thể bền vững; và
khi bàn đến hoà hợp hay hoà giải – trong phạm vi quốc gia -
phải đặt trên nền tảng lợi ích của dân tộc. Chúng tôi xin
tạm gác vấn đề hoà hợp dân tộc không lạm bàn ở đây vì
nó tùy thuộc vào cơ chế và văn hoá xã hội có giúp cho mọi
người chung sống với nhau một cách hài hoà vui vẻ hay không.
Vậy thì dân tộc Việt Nam có cần hoà giải không?

Trong lịch sử thế giới, các quốc gia có tinh thần hoà giải
dân tộc đều phát triển rất nhanh. Tôi còn nhớ vào năm 1993
có dịp ghé thăm ông thị trưởng của thành phố Krefeld thuộc
Tây Đức. Tôi hỏi ông: "Sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ,
quan tâm lớn nhất của nước Đức là gì?". Ông đã trả
lời không ngần ngại rằng: "… làm thế nào san sẻ được
sự trù phú của Tây Đức sang Đông Đức mà không làm người
dân Đông Đức bị mặc cảm thua kém." Nếu chỉ một vị
thị trưởng của một thành phố nhỏ thôi mà đã có ý thức
như vậy thì chúng ta sẽ không ngạc nhiên tại sao nước Đức
sẽ sớm bước đến vị trí cường thịnh.

Riêng tại Hoa Kỳ, phe Miền Bắc thắng phe Miền Nam trong cuộc
nội chiến. Tướng miền Bắc đã cấm binh sĩ của mình không
được reo hò vui mừng cho chiến thắng vì e rằng sẽ làm tủi
lòng kẻ chiến bại. Tiếp sau đó lại giúp đỡ phe thua trận
có một đời sống tốt đẹp hơn. Thậm chí còn bổ nhiệm
người đứng đầu phe thua trận vào một vị trí xứng đáng.
Nhờ tinh thần hòa giải dân tộc đó mà Hoa Kỳ đã nhanh chóng
bù đắp những vết thương chiến tranh trở thành một siêu
cường hiện nay.

Riêng dân tộc Việt Nam cũng có truyền thống hoà giải dân
tộc. Từ thời Ngô Quyền, nhà Trần, nhà Lê, hay hoàng đế
Quang Trung, … sau khi chiến thắng đều chủ động cầu hòa
cốt để yên dân; tuy không bao giờ chịu nhượng một tấc
đất cho giặc ngoại xâm. Nguyễn Trãi thì dạy rằng "Đem
đại nghĩa thắng hung tàn; lấy chí nhân mà thay cường bạo".
Trước nguy cơ mất nước, Trần Hưng Đạo còn tự tay pha
nước tắm cho Trần Quang Khải để hoà giải mối hiềm khích
giữa hai gia đình mong tìm sự đồng lòng cùng nhau chống giặc.
Những hành động đó của Tổ Tiên ta phải chăng đều đặt
trên lợi ích của dân tộc.

Việt Nam ngày nay sẽ không phải là một ngoại lệ, chúng tôi
quan niệm rằng dứt khoát hoà giải dân tộc luôn luôn cần
thiết cho đất nước. Nhưng … một chữ Nhưng đau đớn.

Nhưng ngay sau khi "thống nhất đất nước" vào tháng 4 năm
1975, nhà cầm quyền CSVN đã ra tay trả thù tàn độc tất cả
những quân nhân cán chính miền Nam và cướp đoạt trắng trợn
sự trù phú sẵn có của người dân để chia chác riêng cho
những kẻ có chức quyền của đảng Cộng Sản. Và cho đến
tận bây giờ, họ vẫn đang tiếp tục bịt mồm, bịt mắt,
bịt tai mọi người bằng chính sách ngu dân và bưng bít thông
tin. Thậm chí cấm suy nghĩ, cấm yêu nước bằng những biện
pháp đàn áp tàn bạo!

Trong bối cảnh trên, câu hỏi đặt ra: Ai hoà giải với Ai?
Những thành phần dân tộc nào cần hòa giải với nhau?

Người dân VN ở hai bên vĩ tuyến 17, ở hai bên lằn ranh ý
thức hệ, ở hai bên cuộc chiến vừa qua chăng? Rõ ràng thực
tế cho thấy bà con đã hòa giải từ lâu rồi. Đặc biệt khi
thấy họ đều là nạn nhân của chủ nghĩa Cộng sản.

Giữa người dân VN ở trong và ngoài nước? Thực tế cho thấy
còn một số khác biệt như biểu tượng quốc kỳ, một số
từ ngữ, v.v. nhưng nói chung hai khối đồng bào này không coi
nhau là kẻ thù, mà còn đấu tranh cho nhau, thăm viếng nhau, cứu
trợ nhau nữa.

Vậy xét cho cùng thì chỉ còn 2 mối hiềm khích:

<ul><li>Thứ nhất là mối hiềm khích giữa đại khối người
bị trị tại Việt Nam và tập thể những kẻ cai trị họ. Các
hiềm khích này tiếp tục diễn ra hàng ngày với từng vụ
cướp đất, phá nhà; từng vụ công an bắt, đánh, bắn chết
người; từng vụ ký kết dâng nhượng lãnh thổ và quyền lợi
đất nước cho ngoại bang; v.v… </li>
<li>Thứ nhì là mối hiềm khích giữa đại khối bà con hải
ngoại và những kẻ độc tài đang cai trị đất nước. Phần
lớn cuộc sống đồng bào hải ngoại đã rất phát đạt về
cả tinh thần lẫn vật chất. Lý do duy nhất khiến họ có
hiềm khích với giới lãnh đạo CSVN là cách họ đối xử với
đại khối đồng bào chúng ta trong nước. </li></ul>

Thưa bạn, chúng tôi đã phân tích dài dòng chẳng qua để có
câu trả lời ngắn gọn cho vấn đề hoà giải dân tộc đối
với hai mối hiềm khích nêu trên. Đó là, nếu tập đoàn lãnh
đạo CSVN hiện nay tự cho mình cũng là một thành phần dân
tộc thì hãy sớm chứng minh với quốc dân bằng cách: 1) chấp
nhận tự do báo chí; 2) trả tự do vô điều kiện cho tất cả
tù nhân chính trị; 3) chấp nhận đa nguyên đa đảng bằng
hiến pháp.

Bằng không, Đảng Việt Tân và các lực lượng đối kháng
khác sẽ cùng với toàn dân tiếp tục kiên quyết đấu tranh
giành lại các quyền nêu trên để sớm phát triển đất nước
và bảo vệ lãnh thổ.

Tinh thần của hoà giải trong mọi tôn giáo cũng chỉ có thể
khoan hoà với người sớm biết buông dao hối cải, chớ không
thể tha thứ cho quỷ dữ. Bạn thử đặt mình vào vị trí của
một người bị một nhóm xông vào cướp nhà, đuổi bạn ra,
bắt bớ đầy đoạ bóc lột người thân bạn; một thời gian
sau nhóm này réo bạn về, không một lời xin lỗi, nói "thôi
chuyện cũ bỏ qua, hãy vui vẻ, mình chung sống làm ăn với nhau
… dưới quyền chỉ đạo của tụi tôi". Bạn có sẵn sàng
hòa giải với kiểu chơi cha như vậy không?

Một điều khác cần nói rõ là từ những ngày đầu, khi bước
vào hàng ngũ đấu tranh, các đv/VT đều được học tập và
tự rèn mình: "Đi đấu tranh vì tình yêu nước, yêu người
Việt Nam. Không đi đấu tranh vì căm thù". Mục tiêu tối hậu
của chúng tôi là canh tân đất nước cho kịp với nhân loại
và muốn làm được điều đó phải tháo gỡ xiềng xích độc
tài hiện tại. Chúng tôi không đấu tranh để được trả thù
cho hả hê.

Việc VT tiến hành đấu tranh theo phương pháp ĐT/BBĐ là một
trong những bằng chứng quan trọng về tinh thần không chủ
trương thù hận của chúng tôi. Mọi kiểu đấu tranh khác đều
không thể tránh khỏi việc tạo thêm những lằn chia cắt mới
giữa lòng dân tộc.

<em><strong>Câu hỏi 6:</strong> Liệu Đảng Việt Tân có thể chia
sẻ với độc giả Dân Luận một số thống kê về lực
lượng hiện tại của Việt Tân hay không? Chúng tôi quan tâm
đến tỷ lệ đảng viên Việt Tân ở hải ngoại và trong
nước, và ở trong nước thì thuộc những thành phần nào?
Phải chăng lực lượng nòng cốt của Việt Tân nằm ở hải
ngoại, không trực tiếp sống ở Việt Nam, không được về
Việt Nam trong thời gian dài? Nếu như thế, Việt Tân đã làm
gì để có được cái nhìn xác thực về các vấn đề đang
diễn ra ở Việt Nam?</em>

<strong>(NQQ):</strong> Khi bàn đến sự "Mạnh-Yếu" của một
tổ chức người ta thường nghĩ ngay số lượng nhân sự tham
gia trong tổ chức ấy. Điều này cũng đúng thôi nhưng vẫn còn
phiến diện. Chúng tôi cho rằng có 4 yếu tố cần phải quan
tâm: (1) số lượng nhân sự tham gia và nhân sự ủng hộ; (2)
phẩm chất của khối nhân sự tham gia và các loại phương
tiện có thể vận động; (3) mục tiêu và phương pháp thực
hiện mục tiêu; (4) tương quan lực lượng so sánh với lực
lượng đối đầu.

Câu hỏi của bạn gợi ý về yếu tố (1) và một phần của
yếu tố (2) liên quan đến sự hoạt động hiệu quả của
Việt Tân. Nhìn về số lượng, chúng ta biết đế quốc La Mã
ngày xưa có hằng trăm ngàn quân thiện chiến, Đức Chúa Giê Su
khởi đi với 12 vị tông đồ, và Lão Tử thì chỉ có 1 con
trâu.

Đến ngày hôm nay, đế quốc La Mã không còn nữa kể cả lãnh
thổ và ảnh hưởng văn hoá! Trong khi đó, Thiên Chúa Giáo càng
ngày càng phát triển, riêng đất nước nhỏ bé Việt Nam đã
có trên 5 triệu tín đồ. Chúng ta có không rõ hiện có bao
nhiêu người tu tập theo Lão Giáo, nhưng tất cả các nhà nghiên
cứu đều thống nhất với nhau là tư tưởng của Đạo Đức
Kinh đã được phát triển trong mối quan hệ chặt chẽ với
những phương pháp tu tập tôn giáo và tín ngưỡng. Chúng ta rút
ra được một kết luận là khối lượng nhân sự tiến hành
công việc tuy là yếu tố quan trọng nhưng không phải là yếu
tố quyết định dẫn đến thành công.

Về phía Việt Tân, chúng tôi mạn phép không trình bày các con
số hay tỷ lệ đảng viên trong-ngoài hay các thành phần tham gia
trong đảng để đáp ứng thắc mắc của bạn vì chưa thuận
tiện cho điều kiện an toàn trong giai đoạn này. Ngoài những
người quan tâm đến sinh hoạt của các phong trào đối kháng,
Ban An Ninh CSVN cũng vẫn thường xuyên tìm hiểu và tra hỏi
chúng tôi về việc này. Do đó, chúng tôi sẽ tôn trọng mọi
nhận xét của các bạn xuyên qua các hoạt động của Việt
Tân, mặc dù phần tảng băng chìm luôn luôn lớn hơn phần nổi
trên mặt nước.

Điều chúng tôi có thể trình bày là ngay từ ngày đầu thành
lập, đảng Việt Tân luôn hân hoan đón nhận MỌI thành phần
dân tộc muốn chung vai gỡ bỏ độc tài và đem lại dân chủ,
nhân phẩm, công lý, công bằng trên đất nước; kể cả những
người đang đứng trong guồng máy của chế độ hiện nay.

Theo quan niệm của ĐT/BBĐ, 3 triệu đảng viên CSVN và toàn thể
nhân sự đang làm việc trong guồng máy của chế độ không
phải là kẻ thù của công cuộc đấu tranh hiện nay; mà chính
họ cũng là một thành phần quan trọng của dân tộc. Họ có
thể đã vì sinh kế trong cuộc sống thường ngày, đã bị lừa
dối trong hệ thống bưng bít thông tin, hoặc sợ hãi trước
bộ phận đàn áp tàn nhẫn của chế độ... nên chưa công khai
chọn chỗ đứng đích thực của mình.

Mặt trận thông tin đang có lợi thế về phía chúng ta với sự
phát triển không thể ngăn chặn được của Internet. Với sự
quyết tâm, kiên trì và cảm thông trong mọi giao tiếp của
chúng ta, chắc chắn họ sẽ từng bước gỡ bỏ được nỗi
sợ hãi để đứng về phía dân tộc hoặc ít nhất sẽ đứng
yên không tiếp tục hỗ trợ cho cái Ác.

Trong cuộc chạy tiếp sức đa tuyến này, Việt Tân chỉ là
một tuyến trong phong trào đấu tranh cho dân chủ đa dạng hiện
nay. Về tương quan lực lượng, chúng ta thấy rõ tiềm năng
nhân sự của lực lượng dân chủ đông lắm. Có tới hơn 80
triệu con người khao khát những điều tốt đẹp chống lại
cái cơ chế độc tài mà 19 ủy viên Bộ Chính Trị CSVN đang
cố níu giữ bằng mọi giá. Kể cả giá bán nước để mong có
thêm đặc quyền đặc lợi trước khi tháo chạy.

Đường hướng đấu tranh của Việt Tân và ngay cả những công
tác cụ thể dự định tiến hành không phải là suy nghĩ của
một người hay vài người, mà là kết quả trí tuệ của tập
thể của cả trong lẫn ngoài nước. Bà con trong nước đa số
có thể bị bưng bít thông tin, nhưng điều này không đúng
đối với sự thông tin hai chiều trong và ngoài trong nội bộ
VT, trong thời đại kỹ nghệ thông tin toàn cầu hiện nay. Tập
thể VT trong ngoài ở trên đóng góp các dữ kiện thực tế
tình hình tại Việt Nam và thế giới, đóng góp các kinh nghiệm
đấu tranh chống độc tài của các dân tộc khác, tình hình
nội bộ đảng cầm quyền, các kỹ thuật điều tra và giám
sát của công an, vai trò của quân đội, nguyện vọng và những
vấn nạn bức xúc của người dân, v.v…. để kết thành một
lộ đồ riêng cho Việt Nam mà đảng VT muốn được đề nghị
với đồng bào mọi giới qua phương pháp đấu tranh bất bạo
động.

<em><strong>Câu hỏi 7:</strong> Chủ trương của Đảng Việt Tân
là đấu tranh cho dân chủ theo phương pháp bất bạo động.
Vậy Đảng Việt Tân đã tiến hành truyền bá chiến lược
bất bạo động tới các đối tượng của mình như thế nào.
Giả dụ, khi khối dân chúng (dân oan chẳng hạn) theo vận
động của Việt Tân tiến hành tổ chức biểu tình chống
chính quyền mà bị đàn áp thì Việt Tân chỉ đạo như thế
nào? Họ sẽ sẵn sàng bình tĩnh đón nhận đàn áp hay tổ
chức chống trả như phe áo Đỏ ở Thái Lan?</em>

<strong>(NQQ):</strong> Phương pháp đấu tranh bất bạo động là
một hệ thống bao gồm từ quan niệm đến phương pháp để
giải thể cả chế độ độc tài và tạo nền tảng dân chủ
bền vững, chứ không đơn thuần nằm trong cách ứng xử ở
một hoạt động.

Để quảng bá phương pháp ĐT/BBĐ chúng tôi có đăng những tài
liệu căn bản trên Web-VT như chuyện bằng tranh hay sách dưới
dạng điện tử để mọi người có thể tải về tìm hiểu và
tiếp sức phổ biến. Chúng tôi cũng in những cuốn sách đó
để biếu tặng hoặc phổ biến với giá vốn. Chúng tôi còn
bỏ công chuyển âm sang Việt ngữ nhiều bộ phim về kinh
nghiệm ĐT/BBĐ của Ba Lan, Chi Lê, Ấn Độ, Nasville (chống kỳ
thị chủng tộc tại Hoa Kỳ), các nước Đông Âu, v.v… in ra CD
và DVD để phổ biến.

Thêm vào đó, để quần chúng Việt Nam trong nước có cơ hội
tìm hiểu về phương pháp ôn hoà này, chúng tôi đã khai triển
các công tác chuyển dần các ấn phẩm này qua đường du lịch,
và in lại hoặc phóng ảnh các tài liệu căn bản ấy để
giới quan tâm truyền tay ngay tại quốc nội. Hoặc đơn giản
hơn, bằng cách gửi đi với số lượng lớn qua đường bưu
điện những tờ truyền đơn chứa đựng cốt lõi tóm tắt
ĐT/BBĐ. Một trong những công tác này đã bị thất bại và bị
đưa lên mặt báo vào tháng 11 năm 2007. Trong cái rủi lại có
cái may là đã giúp cho đồng bào quốc nội chủ động tìm
hiểu nhiều hơn về đấu tranh bất bạo động.

Để trình bày chuyên sâu hơn, chúng tôi tổ chức những buổi
tập huấn theo nhu cầu của từng nhóm nhỏ từ 3 đến 10
người kéo dài từ 2 hoặc 3 ngày cho một chương trình đầy
đủ. Buổi tập huấn có thể được thực hiện trong khuôn
viên đại học với một nhóm du học sinh, tại một căn nhà
riêng với giới trẻ quan tâm, hoặc ở một nơi nào trong hay
ngoài nước Việt Nam cho các nhà hoạt động dân chủ. Đôi khi
vì nhu cầu an toàn, chúng tôi có thể chia nhỏ chương trình
thành nhiều buổi để chiếu phim và trao đổi trực tiếp với
một hay hai nhân sự qua mạng Internet.

Trong thời gian gian sắp tới, chúng tôi đang cố gắng tổ chức
các buổi trình bày về phương pháp này trên phương tiện
Paltalk bắt đầu từ tháng 11 này. Rất mong bạn quảng bá và
theo dõi để sau đó rút kết luận cho riêng mình.

Trong phạm vi một câu hỏi đáp này, thật khó để phân tích
phong trào áo đỏ tại Thái, hay nói gì nhiều về sự kiện dân
oan tại Việt Nam. Xin đề nghị chúng ta đưa vào các buổi
trình bày khác về ĐT/BBĐ thì có lẽ sẽ lợi ích hơn.

Nếu phải nói một cách tóm tắt thì cốt lõi của ĐT/BBĐ là
tập hợp sức mạnh của những cá nhân đơn lẻ thành "đám
đông" bằng những đòi hỏi chính đáng phù hợp với nguyện
vọng của họ; xuyên qua một chuỗi những sinh hoạt ôn hoà,
dễ làm, mang tính biểu tượng và nâng cấp dần; để đưa
đối tượng vào thế "tiến thoái lưỡng nan" không thể
tiếp tục thực hiện việc sai trái.

<h2>***** Về xã hội dân chủ tương lai ********</h2>

<em><strong>Câu hỏi 8:</strong> Đại đa số người dân trong
nước (trong đó có tôi) đều mong dân chủ, pháp luật thượng
tôn, song chúng tôi không muốn dân chủ mà dẫn đến hỗn
loạn, đổ máu, vì VN đã quá điêu linh rồi. Làm sao tránh vết
xe đổ mà ĐCSVN đã lún khá sâu từ cuộc cải cách ruộng
đất cho đến đánh tư sản, thuyền nhân v.v... Việt Tân nghĩ
gì và làm gì để người dân trong nước hiểu và tin Việt
Tân? Nếu dân chủ đã có mà Việt Tân trở thành một chính
đảng cầm quyền (hoặc liên minh cầm quyền) thì liệu có một
cuộc trả thù đối với ĐCSVN và những người liên quan không?
Biện pháp chế tài để việc trả thù không được phép xảy
ra?</em>

<strong>(ĐVC):</strong> Một lập luận mà bộ máy tuyên truyền
của CSVN hay đưa ra là dân chủ không cộng sản sớm quá khi
dân chưa sẵn sàng sẽ dễ đưa ra tình trạng hỗn loạn bất
ổn định, và báo chí lề phải đã thổi tin những rối loạn
chính trị tại Thái Lan giữa phe áo vàng áo đỏ như là ví dụ
minh chứng, khiến nhiều người dân lo ngại, thôi cứ an phận
để độc tài cưỡi cổ.

Chúng tôi phân biệt được hai hình thức ổn định chính trị:
một loại ổn định biểu kiến nơi các chế độ độc tài,
dùng bạo lực trấn áp để đè nén các sôi sục ngầm bên
dưới, tạo ấn tượng từ trên xuống dưới là một khối
đồng tâm nhất trí 99.9% . Đây là loại ổn định kềm hãm
sức phát triển của đất nước, khiến dân tộc cứ phải theo
sau không thể vượt hơn tầm của một thiểu số thống trị
đang tự ban cho mình vai trò là đầu tàu ngồi trên đi trước
dẫn dắt toàn dân và đất nước đi lên. Đây cũng là hình
thức ổn định mong manh nhất, vì chỉ cần một lúc mà bộ
máy bạo lực trấn áp suy yếu thì cả xã hội sẽ bùng vỡ,
bật tung. Ta có thí dụ của Iraq khi Sadam Hussein bị lật đổ,
xã hội Iraq rơi vào hỗn loạn bạo động như thế nào trong
một thời gian. Càng độc tài trấn áp, sức bật khi bùng vỡ
càng mạnh. Đối lại, là hình thức ổn định thực chất,
bền vững nơi các xứ tự do dân chủ, ổn định đằng sau
những biểu kiến bất ổn định với các chính phủ cứ vài
năm lại thay đổi, với xã hội luôn luôn biến động, đầy
rẫy những cuộc biểu tình đình công tranh chấp quyền lợi,
tranh cãi ồn ào giữa nhiều xu hướng khác nhau. Những dao
động này đem đến sự linh hoạt trong phát triển, tiềm năng
của dân tộc không bị kềm chế, dễ thích ứng với mọi xu
thế đi lên của thời đại. Đây là sự ổn định bền vững
với nền tảng là cơ chế hiến pháp không ai được vượt
trên, tạo sân chơi và luật chơi chung cho mọi bất đồng tranh
cãi. Cho nên tại các xứ dân chủ, các nội các chính phủ cứ
thay nhau leo lên và đổ xuống, nhưng đất nước vẫn phát
triển bình thường. Lấy ngay thí dụ của Thái Lan, một nước
mà nền dân chủ tương đối còn non yếu nửa vời, báo lề
phải của CSVN dấu nửa sự thật bên kia, đó là mặc dù có
sự bất ổn chính trị tranh chấp cả bao tháng trời giữa phe
áo vàng áo đỏ có lúc làm tê liệt cả một vùng thủ đô,
kinh tế Thái Lan vẫn bình thản phát triển đều đặn như
không có chuyện gì xẩy ra.

Cuộc cách mạng thay đổi chế độ tới đây có đưa đến
trả thù đẫm máu như CS đã làm trong quá khứ không? Ta nhìn
ngay ví dụ của các cuộc cách mạng dân chủ tại Đông Âu
để thấy câu trả lời. Cách mạng đến từ đấu tranh bất
bạo động không đưa đến trả thù đẫm máu. Những người CS
vi phạm tội ác đều được xử công tội, có giảm khinh hay
không trong khuôn khổ cơ chế luật pháp công lý minh bạch và
nhân đạo, và đã không có ai bị xử tử. Đại đa số các
đảng viên CS cũ đều sống bình thường và được lưu dụng
tại các sở cũ của họ. Trong khi đó cuộc cách mạng bạo
động tại Roumanie đã đưa đến việc xử bắn hai vợ chồng
lãnh tụ độc tài Ceausescu. Chế độ càng dùng bạo lực chống
cự, càng khích động sự phẫn uất muốn trả thù của quần
chúng. Bài học Đông Âu nói trên cũng là một trong những lý do
mà VT chọn và cổ xúy con đường Đấu Tranh Bất Bạo Động
(ĐTBBĐ), vì như bạn viết, đất nước ta đã chịu bao điêu
linh rồi, không thể tạo thêm hận thù, tan tác đổ vỡ nữa.
Cũng qua ĐTBBĐ, ý thức dân chủ thượng tôn luật pháp được
vun trồng, trau dồi, giúp giảm thiểu những hiện tượng
người dân tự phát hành xử luật tự biên, tự mình giải
quyết chuyện ân oán với những kẻ đã từng trù dập áp bức
mình.

<em><strong>Câu hỏi 9:</strong> Câu hỏi này có liên quan đến câu
hỏi trước: Mục tiêu của Đảng Việt Tân là "phục quốc",
tiêu diệt Đảng CSVN; hay là hủy bỏ chế độ độc tài phi
dân chủ? Nói cách khác, khi dân chủ đã được khôi phục,
Đảng CSVN có được phép tồn tại và tham gia chính trường
cùng với các đảng phái khác hay không?</em>

<strong>(ĐVC):</strong> Mục tiêu của VT là giải thể chế độ
độc tài để xây dựng một cơ chế đa nguyên dân chủ. Như
trong phần giới thiệu VT không chủ trương tiêu diệt các thành
phần khác mình. Cơ chế đa nguyên dân chủ tạo điều kiện cho
một sân chơi bình đẳng và luật chơi chung thật công bình
để mọi thành phần đều có cơ hội đồng đều thi đua tranh
thủ sự tín nhiệm của đông đảo đa số nhân dân. Bất cứ
đảng phái nào thực chất muốn cam kết tuân thủ luật chơi
chung (Hiến Pháp và luật pháp mới) đều có quyền tham gia vào
sân chơi trên dù mang bất cứ danh xưng gì, Cộng Sản hay Tự
Do. Lúc đó nhân dân sẽ là trọng tài tối cao quyết định sau
cùng ai là người xứng đáng để chọn mặt gửi vàng trong
một giai đoạn nhất định nào đó, ai đáng bị loại. Bất
cứ đảng nào dù có mang tên Tự Do Dân Chủ nhưng thực chất
chỉ lăm le nắm chính quyền vĩnh viễn, bằng mọi giá, sẵn
sàng đạp lên đầu Hiến Pháp, dùng mọi thủ đoạn để tiêu
diệt các đảng khác, thì tất nhiên Đảng đó sẽ không có
chỗ đứng trong thể chế đa nguyên mới này.

<em><strong>Câu hỏi 10:</strong> Dường như Đảng Việt Tân mới
chỉ chú tâm vào việc đấu tranh gỡ bỏ Độc Tài - Toàn Trị,
mà không thấy nêu các đường hướng phát triển đất nước
tương lai, khi chế độc độc tài đã bị gỡ bỏ. Liệu Việt
Tân có thể cung cấp cho tôi, cũng như các độc giả Dân Luận
có quan tâm, tài liệu hay văn bản làm rõ vấn đề này? Nếu
Việt Tân ở vị trí của đảng cộng sản hôm nay thì Việt
Tân sẽ xử trí thế nào trước tình hình kinh tế, xã hội,
chính trị? Việt Tân có kế hoạch cụ thể gì để đảm bảo
tăng trưởng, đồng thời cam kết một hệ thống phúc lợi
tốt cho nhân dân, đảm bảo ai cũng được ăn học, khám bệnh
đầy đủ?</em>

<strong>(NQQ):</strong> Tại trang mạng Việt Tân chúng tôi có liệt
kê một số chương trình hành động tổng quát và một số
hướng để băng bó lại xã hội VN và đưa đất nước đi lên
từ tình trạng hiện nay. Chúng tôi kêu gọi và cố gắng tạo
điều kiện thuận lợi trong khả năng hạn hẹp của mình để
giới trí thức trong cũng như ngoài đảng Việt Tân nghiên cứu
và thực hiện các chương trình hành động với 3 yêu cầu chủ
yếu: (1) phải do chính người Việt Nam chủ động thực hiện.
(2) phải thực tiễn và khả thi, dựa trên tương quan sức mạnh
giữa các tập hợp dân tộc dân chủ trong và ngoài nước với
thế lực đương quyền, đồng thời cũng phù hợp với xu thế
thời đại và bối cảnh chung của thế giới. (3) phải giảm
thiểu những đổ vỡ không cần thiết, bảo vệ tiềm năng
vươn lên của dân tộc và tạo nền tảng cho công cuộc canh
tân bền vững của đất nước trong tương lai.

Chương trình hành động này được trải rộng trên nhiều bình
diện và được đề nghị khai triển theo những phương hướng
hành động chính liệt kê dưới đây:

<div class="special_quote">Phương hướng 1 - Cải Thiện Dân Sinh,
Phục Hồi Dân Quyền.
Phương hướng 2 - Thúc Đẩy Các Sinh Hoạt Đa Nguyên.
Phương hướng 3 - Xây Dựng Sức Mạnh Tổng Hợp Của Dân Tộc.
Phương hướng 4 - Nâng Cao Dân Trí Việt Nam.
Phương hướng 5 - Đầu Tư Vào Thế Hệ Tương Lai.
Phương hướng 6 - Vận Động Quốc Tế.
Phương hướng 7 - Xây Dựng Và Phát Triển Cộng Đồng Việt Nam
Hải Ngoại.
Phương hướng 8 - Xây Dựng Nền Tảng Cho Công Cuộc Canh Tân
Việt Nam.
Phương hướng 9 - Bảo Vệ Quyền Lợi Quốc Gia Và Sự Toàn
Vẹn Lãnh Thổ.
Phương hướng 10 - Soi Sáng Sự Thật Của Lịch Sử Cận
Đại.</div>

Ngay từ thập niên 90, các đảng viên Việt Tân cũng đã cùng
các chuyên gia mọi giới soạn thảo các đặc san Kinh Tế, đặc
san Giáo Dục, đặc san Y Tế, các sinh hoạt hội thảo về
nhiều lãnh vực khác, v.v… để thu thập và phân tích các
điểm hay-dở của các quốc gia tiên tiến về những lãnh vực
trọng yếu này nhằm có thể rút tỉa những kinh nghiệm quí
giá cho Việt Nam trong tương lai.

Chúng tôi hiểu rất rõ tình trạng băng hoại nhiều mặt của
xã hội VN hiện nay. Nên nỗ lực xây dựng lại phải là của
toàn dân chứ một mình chính phủ mới, dù do ai lãnh đạo đi
nữa, sẽ không thể làm nổi. Các hội đoàn tôn giáo và các
tổ chức phi chính phủ (NGO) sẽ là lực đẩy quan trọng trong
nỗ lực này.

Chính vì vậy mà một phần của ĐT/BBĐ là phát triển Xã Hội
Dân Sự để có thể khởi động ngay một số việc làm mà
người dân có thể chăm sóc lẫn nhau chứ không trông mong vào
nhà nước (dù độc tài hay dân chủ). Các hạt giống này sẽ
nảy nở thành các nỗ lực cấp quốc gia trong thể chế mới.

Về mặt canh tân, Việt Tân chủ trương phát triển đất nước
một cách quân bình chứ không chỉ thiên về mặt vật chất.
Công thức phát triển đất nước cũng phải được đặt trên
căn bản duy trì được sự bền vững và phục vụ cho lợi ích
lâu dài của cả dân tộc; chứ không theo kiểu chạy phi mã
bất chấp môi sinh hay đào khoét cấp tốc tài nguyên đem bán
một lần là hết, v.v…

Nếu được giao phó trách nhiệm, Đảng Việt Tân sẽ trân
trọng và tạo tối đa điều kiện để giới trí thức Việt
Nam trong và ngoài nước, vốn trí tuệ chung của dân tộc, có
thể đóng góp nhiều nhất vào tiến trình phát triển lành
mạnh và hiệu quả cho đất nước.

Một trong ba tiêu đề chính của chủ trương Việt Tân là
"<em>Vận Động Toàn Dân để Canh Tân Đất Nước</em>".

<center>---oOo---</center>


***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/6793), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét