Lê Trần Luật - Một vài nhận định tổng quan về thực trạng quyền con người ở Việt nam (Bài 2)

Đối với nhóm quyền tự do cá nhân, bao gồm: qưyền tự do đi
lại và cư trú; quyền ra nước ngoài; quyền bất khả xâm
phạm về thân thể; quyền được bảo hộ về tính mạng, sức
khỏe, danh dự và nhân phẩm; quyền bất khả xâm phạm về
chổ ở; quyền được an toàn và bí mật về thư tín; quyền
khiếu nại tố cáo.

Quyền tự do đi lại và cư trú. Chế độ "hộ khẩu" vẫn
còn ám ảnh từng người dân cho tới bây giờ. Nó mặc nhiên
tước bỏ quyền tự do đi lại và cư trú của 86 triệu dân
Việt nam. Có thời kỳ chế độ "hộ khẩu" là đề tài
tranh luận sôi nổi của công luận. Rồi Quốc hội cũng tham gia
để bàn xem có nên bỏ chế độ hộ khẩu hay không. Người
dân thì muốn bỏ để bớt phiền toái và tự do hơn, Nhà
nước thì sợ mất "hộ khẩu" thì sẻ không "quản"
người dân được. Cuối cùng, Luật cư trú cũng ra đời, và
công cụ quản lý bằng hộ khẩu vẫn được giữ nguyên. Mỗi
khu phố đều có "nơi đăng ký tạm trú, tạm vắng",
"điểm đăng ký tạm trú tạm vắng". Nói là "đăng ký"
nhưng bản chất của sự xin cho vẫn còn đó. Hằng đêm, lực
lương công an, dân phòng vẫn lùng sục từ khách sạn sang
trọng cho đến hang cùng, ngõ cụt để kiểm tra sự cư trú
của người dân.

Quyền ra nước ngoài. Nói là quyền nhưng nếu không được sự
cho phép của Nhà nước thì sẽ bị khởi tố hình sự. Thời
gian gần đây dư luận phát hiện ra rất nhiều trường hợp
bị cấm ra nước ngoài. Có nhiều người khi đến sân bay mới
biết mình nằm trong danh sách "cấm xuất cảnh" của Bộ
Công an. Danh sách này được giữ bí mật. Lý do bị cấm rất
đơn giản nhưng cũng rất trừu tượng: liên quan vấn đề an
ninh quốc gia. Đó là người có hộ chiếu, còn người chưa có
hay hết hạn thì sẽ không được cấp nếu bị liệt vào danh
sách có liên quan đến an ninh quốc gia. Với lý do an ninh quốc
gia, rõ ràng danh sách bí mật này của Bộ công an sẻ càng lúc
càng dài hơn, có thể một lúc nào đó, toàn bộ dân Việt Nam
đều bị cấm vì tất cả đều có thể liên quan đến an ninh
quốc gia.

Quyền bất khả xâm phạm về thân thể, quyền được bảo hộ
về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm. Bộ luật hình
sự đã dành hẳn một chương để bảo đảm các quyền này.
Tuy nhiên, vấn đề làm cho dư luận rất bức xúc hiện nay đó
là sự xâm phạm đến từ những người làm nhiệm vụ bảo
vệ các quyền này. Đặt biệt là lực lượng công an. Nhiều
cái chết oan ức, từ người già đến trẻ em, đã ngã xuống
dưới họng súng của những người này. Chưa kể nhiều thanh
niên đang khỏe mạnh, bị áp giải đến đồn công an, chỉ sau
vài tiếng, đã lăn đùng ra chết một cách hết sức bí mật.
Tra tấn, bức cung, nhục hình cũng là một hiện tượng phổ
biến. Rất nhiều phiên tòa, bị can, bị cáo phản cung công khai
tố cáo sự tra tấn của công an, nhưng tòa vẫn không xem xét
vì cho rằng thiếu chứng cứ.

Danh dự, nhân phẩm là cái gì đó rẻ rúm, nếu như người đó
có "liên quan đến an ninh quốc gia" hoặc "bất đồng"
với Nhà nuớc. Từ trí thức giáo sư tiến sĩ cho đến các
bậc tu hành khả kính, nếu liên quan an ninh quốc gia đều bị
truyền thông Nhà nước "đập" cho tã tơi. Sự nhục mạ và
bôi bác tràn lan trên các mặt báo, có khiếu nại hay tố cáo
cũng vô ích vì không ai giải quyết.

Quyền được an toàn và bí mật về thư tín. Các Bưu điện,
các công ty truyền số và dữ liệu vẫn do Nhà nước quản lý
và kiểm soát. Hiện tượng bị nghi ngờ và bị nghe lén các
thiết bị điện thoại không phải là cá biệt. Các công ty
truyền số và dữ liệu sẵn sàng cung cấp bí mật của khách
hàng cho cơ quan công an. Nhiều thông tin bí mật mà công ty cung
cấp đã trở thành chứng cứ tại tòa để buộc tội "khách
hàng" của mình, nhất là các vụ án về an ninh quốc gia.

Quyền khiếu nại và tố cáo. Đây là quyền rất đặc biệt,
nó cho phép người dân tự hành động để bảo vệ các quyền
khác. Chưa có con đường tố tụng nào đau khổ bằng con
đường khiếu nại của người dân Việt nam. Sự thờ ơ vô
trách nhiệm của cán bộ công chức là nguyên nhân chủ yếu
gây ra sự đau khổ này. Lẽ ra, ứng với quyền khiếu nại
của người dân là nghĩa vụ phải giải quyết của Nhà nước
nhưng đa số cán bộ công chức đều tự cho mình cái quyền
giải quyết khiếu nại hay không. Hiện tượng khiếu nại kéo
dài từ năm này sang năm khác vẫn không đươc giải quyết là
rất phổ biến ở tất cả các tỉnh thành trên cả nước. Có
nhiều gia đình khiếu nại từ đời cha cho đến đời con với
hàng ngàn lá đơn gửi từ trung ương đến địa phương. Tất
cả đều rơi vào im lặng! Không thể không nhắc đến hiện
tượng khiếu nại đông người hiện nay, có nơi trở thành các
cuộc biểu tình phản đối cách làm việc của cơ quan nhà
nước. Nhiều người chẳng những không được giải quyết
khiếu nại mà còn bị kết tội gây rối trật tự công cộng,
tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ v.v...

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/5886), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét