Trung Bảo - "Cực đoan" vs. "Thờ ơ"

Vì sự nghịch ngợm nên đôi khi tôi hỏi những người bạn
Trung Quốc, đa số thuộc thế hệ giữa 8x: "<em>Mày có biết
Lưu Hiểu Ba là ai không?</em>" hoặc "<em>Tụi mày được học
về sự kiện Thiên An Môn năm 1989 như thế nào?</em>". Lưu Hiểu
Ba là nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng tại Trung Quốc và
đang bị nhà nước độc tài này giam giữ; sự kiện Thiên An
Môn 1989 đẫm máu đánh dấu việc xe tăng Quân đội Nhân dân
Trung Hoa cán chết hàng trăm nhân dân, sinh viên đòi hỏi dân
chủ, tự do. Hầu hết, nếu không muốn nói là tất cả, những
cậu bạn Trung Quốc khi được hỏi đều tỏ ra ngơ ngác. Hay
cho trò bịt mắt nhân dân của chính quyền Trung Hoa. Vậy mà khi
tôi chỉ hình đức Dalai Lama rồi khen ông này đáng được so
sánh với mục sư Martin Luther King Jr, thái độ của các anh
chàng Tàu kia ngay lập tức thay đổi. Quay ngoắt 180 độ, mắt
trợn ngược, miệng xi lô xi la, có anh chạy đến nói với giáo
viên phụ trách lớp học đòi gỡ tấm hình xuống, có anh quát
vào mặt tôi: "<em>You're bad guy</em>". Cũng có cô Trung Hoa ôn tồn
hơn, giải thích: "<em>Tây Tạng và Đài Loan là những tỉnh của
Trung Quốc. Ai muốn tách rời hai phần đó ra đều là người
xấu</em>".

Đã không muốn nói đến nhưng cuối cùng cũng phải nói. Đoạn
clip nữ sinh đánh nhau tàn tệ trên các báo mạng những ngày qua
làm dư luận xôn xao. Đánh nhau rồi tung clip lên mạng không
phải chuyện lạ, đã có nhiều clip như vậy do các nữ sinh Hàn
Quốc, Trung Quốc thực hiện. Tuổi trẻ Việt Nam, vốn nhanh
nhạy tiếp thu mọi thứ từ Hàn Quốc, nên để đến bây giờ
mới xuất hiện clip trên tôi e rằng là đã muộn. Nhan nhản
trên các báo mạng dành cho học trò là xe đẹp, hotboy, hotgirl,
quần áo, du lịch, scandal của các ngôi sao... tuyệt không có
một bài viết nào về đạo làm người, tuyệt không một bài
viết nào hướng sự quan tâm của đa số tuổi trẻ vào tình
hình xã hội, đất nước. Thậm chí, một cô ca sĩ ra sách với
những đoạn viết ướt át, gợi dục rẻ tiền cũng được
lăng xê ầm ĩ, mua sách còn được tặng kèm ảnh mát mẻ. Vậy
thì, trách tuổi trẻ hay trách người lớn?

Hai câu chuyện trên thật ra không liên quan. Một đằng rất
cực đoan, bảo thủ đối với bất kỳ một thái độ chính
trị nào khác mình. Một đằng cực kỳ cởi mở với cái mới
nhưng đa số cái mới được tiếp thu qua các phương tiện
truyền thông chính thống lại ít (hoặc không) giúp ích gì cho
việc hình thành một nhân cách, hình thành một công dân có
trách nhiệm với xã hội. Cả hai sự kiện chỉ khiến người
ta có cùng suy nghĩ, hai thế hệ trẻ ở hai đất nước có cùng
thể chế chính trị đều đang phát triển không bình thường.

Trong một xã hội đến giới đi làm ở công sở, du học sinh...
được hỏi về những sự kiện llịch sử như Cải cách Ruộng
đất, Nhân văn Giai phẩm... lại ngơ ngác. Khi internet được
sử dụng chủ yếu vào việc liên lạc như chat, email, facebook...
hoặc giải trí. Khi báo chí cho tuổi mới lớn là những thông
tin cổ vũ lối sống hưởng thụ. Khi thế giới của người
lớn quay cuồng trong tham nhũng hoặc những cuộc thi hoa hậu
quanh năm. Có gì ngạc nhiên nếu tuổi trẻ thờ ơ với mọi
diễn biến lớn lao đang diễn ra chung quanh. Có gì ngạc nhiên
nếu họ xa lạ với chính đất nước mình.

Nếu phải chọn trong hai thái độ bày tỏ về tình hình xã
hội, cực đoan như các anh chàng Trung Hoa nói trên và ngơ ngác
như nhiều cô cậu Việt Nam, thà là cực đoan. Ít ra, dù cực
đoan nhưng người ta vẫn quan tâm đến tình hình lãnh thổ, xã
hội của mình. Với tốc độ và sự cởi mở thông tin của
thế giới mạng ngày nay, chẳng sớm rồi muộn thái độ cực
đoan cũng sẽ bị chân lý thuyết phục. Còn sự thờ ơ, sẽ
khó tìm ra một phương thuốc làm họ trở thành những công dân
đúng nghĩa, có lo lắng và sẵn sàng bày tỏ sự lo lắng của
mình đối với những sự kiện trong xã hội.

Thỉnh thoảng đài báo lại đưa tin về những người can đảm
muốn nói ra lòng mình, muốn có sự đổi thay. Đúng sai, rồi
đây sẽ được lịch sử phán xét, nhưng tôi chỉ buồn vì
thấy họ cô đơn quá ngay giữa đồng bào của mình. Nếu nói
rằng tuổi trẻ là tương lai đất nước, chắc sẽ còn lâu
lắm những người dũng cảm trong cái xã hội này mới thôi cô
đơn.

(Trung Bảo)

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/5660), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét