Hưng mấy ngày qua trở thành "chuyện không của riêng ai", tất
nhiên, chỉ dành cho người Việt là chủ yếu, dù là người
Việt trong nước hay người Việt hải ngoại. Có người gọi
đó là "chuyện nhảm, không đáng" và cũng có người coi đó là
"chuyện của một người anh hùng chống cộng" v.v... Dù là tên
gọi nào đi nữa, nhiều người cũng cảm thấy rất buồn,
buồn cho dân tộc Việt Nam, dù là người Việt hay người Mỹ
(Pháp, Úc, Âu Châu...) gốc Việt.
<strong>I. Phụ nữ, ông Lý Tống và "cái bình xịt" :</strong>
Đa số phụ nữ là những người chân yếu tay mềm so với đàn
ông, bất chấp hiểm nguy họ (đôi khi) đối mặt không thua kém
đàn ông trong đời sống xã hội mà bạo lực có vẻ chưa hề
giảm bớt, do đó, làm sao để phòng vệ và thoát thân trước
một nguy hiểm mà bản thân người phụ nữ đang đối diện
trong khi không thể trông cậy vào sự giúp đỡ tức thời của
bất kỳ một ai, đã đòi hỏi những xã hội tân tiến như Hoa
Kỳ phải chế tạo một cái gì đó thuận tiện, không gây
chết người những có thể giúp người phụ nữ an toàn, đơn
giản trong sử dụng. Phải chăng đó là lý do bình xịt hơi cay
ra đời? Hình dáng của bình xịt hơi cay cũng nhỏ bé và gọn
nhẹ mà người phụ nữ có thể bỏ trong túi áo, ví cầm tay
sao cho khi nguy hiểm xảy ra thì họ có thể dùng ngay lập tức.
Hình dáng và tính chất của dụng cụ này đã nói lên "nữ
tính" của nó.
Một dụng cụ phòng vệ mang tính nhân bản, tính bị động,
tính phụ nữ đã được ông Lý Tống biến thành vũ khí để
chủ động tấn công ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, đã mặc nhiên bác
bỏ tính chính nghĩa của nó. Hơn nữa, tính chính danh, "tính
đàn ông" của Lý Tống cũng mất đi theo việc sử dụng nó như
là một vũ khí tấn công. Mặt khác, hành vi này đã được ông
tính toán trước và được lên kế hoạch cụ thể, có lẽ ông
Tống hiểu rất rõ những điều tôi phân tích về bình xịt
hơi cay nên ông đã cải trang thành phụ nữ để dễ dàng hành
động và mượn hình ảnh người phụ nữ để biện minh cho
tính chính danh như là một hành động tự vệ chăng? Dù là sự
tự vệ "trước việc trốn chạy cộng sản mà Cộng sản vẫn
không chịu buông tha", như ông đã trả lời với trang báo
vietvungvinh.org (1)? Hình như, ông cho rằng hành động xịt hơi
cay của ông là hành vi tự vệ trước sự tấn công của Cộng
sản?
Ông còn lặp đi lặp lại việc "trốn chạy" này như là toàn
bộ cộng đồng kiều bào hải ngoại không còn chốn dung thân
nào để tránh Cộng Sản, và Cộng sản đang truy lùng, đuổi
theo ráo riết cũng như không có ý định buông tha những người
đã phải đau lòng bỏ xứ mà ra đi (?!).
Song song đó, ông cũng nói lên những suy nghĩ (mà có vẻ có
vấn đề về tâm thần), ông cho biết (theo ông) Cộng sản sẽ
dùng tiền để mua hết những quan chức tại Hoa kỳ, Cộng sản
đang tấn công về mọi mặt từ kinh tế, cho đến ngoại giao,
văn hóa v.v... vào Hoa Kỳ, hình như ông bị quá khứ thất bại
của chính quyền VNCH đeo bám và ám ảnh không nguôi? hình như
tinh thần ông thật sự suy sụp khi nghĩ về "sự lớn mạnh
không ngừng" của thế lực Cộng sản mà không gì có thể ngăn
nổi (?!) hình như ông đang tự hù dọa mình về sự "thôn tính
mới" của Cộng sản ở mọi mặt (?) và rằng, Cộng sản sẽ
mãi mãi không bao giờ buông tha ông và những người như ông?
Dường như những lời nói của ông là cả một niềm tuyệt
vọng trước ngưỡng cửa của một người già đang ở bên kia
sườn đồi và biết rõ mình đang cố gắng, rất cố gắng làm
một cái gì đó mà nhiều người, rất nhiều người đang trao
"trách nhiệm cao cả" lên vai ông? Thật sự tôi cố gắng để
hiểu và cảm thông với tâm trạng của một người thất bại.
Tâm trạng của một người (đặc biệt là người đàn ông)
đối diện với sự thất bại của chính mình không hề là
điều dễ dàng nhất là trước đây mình đã có một số thành
công nhất định, ông Tống đã không dám nhìn thẳng vào một
sự thật hiển hiện khó thể chối cãi - ông là một người
thất bại.
Ông Lý Tống là một người thất bại, dù có lúc chính ông và
nhiều người ủng hộ ông ngỡ rằng thành công và chiến
thắng (về tự do dân chủ ở Việt Nam) dường như đang ở
gần lắm và chỉ cần rướn người ra một chút là nằm gọn
trong lòng bàn tay???
Hành vi xịt hơi cay của ông Tống và những ai ủng hộ hành vi
của ông càng thể hiện rõ họ đang quá yếu đuối và có vẻ
như họ đang cố bám víu vào một hành động gì đó để khỏa
lấp nỗi niềm chơi vơi, hẫng hụt, nuối tiếc, kể cả một
tâm trạng gần như là nỗi tuyệt vọng đang ngày càng chất
đầy trong tâm tưởng mà họ sợ cho đến lúc nhắm mắt,
những ước vọng mà họ mong muốn sẽ chẳng bao giờ có
được dù chỉ là một phút nhìn thấy trước khi xuôi tay???!!!
Hành động xịt hơi cay cũng làm hình ảnh "hảo hán" Lý Tống
năm nào đang dần chuyển đổi trở thành một người nhỏ mọn
và hèn kém khi phải đột cái lốt về giới tính mà ông trời
không ban phát cho mình. Đó đây, những câu chuyện phụ nữ
cải nam trang, hầu như đều được dùng làm mục đích ca ngợi
những bậc anh thư vì nghĩa lớn xả thân, nhưng hiếm khi hình
ảnh người đàn ông cải trang thành phụ nữ được xem như là
một anh hùng, dù cho đó là việc làm mang màu sắc chính nghĩa.
Đặt trong trường hợp cụ thể của ông Tống, hành vi này
càng không thể gọi là anh hùng khi ông cầm một vật rất nữ
tính với bộ dạng phụ nữ và hành động như là... phụ nữ
(!!!) Cũng may! nếu ông xịt vào cô ca sĩ Mỹ Tâm, thì câu
chuyện sẽ càng đạt độ trào phúng khi ai đó có ý định
viết một truyện hài dựa trên câu chuyện có thật mang tựa
đề "Truyện Ruồi Bu" (không phải Truyện "Ruồi Trâu" của nhà
văn Ethel Lilian Voynich)
<strong>II. Đấu tranh cho tự do dân chủ hiện nay chỉ có thể
là con đường đấu tranh ôn hòa, bất bạo động:</strong>
Câu chuyện "xịt hơi cay" sẽ không là gì và cũng chẳng phải
nhọc công các trang báo lớn như BBC, RFA cho đến các trang
nghiêm túc như Danluan, Talawas... theo dõi và đăng tải nếu như
không mang yếu tố chính trị lồng ghép vào đó. Hơn nữa, nếu
đó không phải là Lý Tống - một người cũng có chút tiếng
tăm cách đây gần hai mươi năm về trước.
<a href="http://vi.wikipedia.org/wiki/L%C3%BD_T%E1%BB%91ng">Lý Tống</a>
là một phi công phục vụ trong chế độ trước 1975, nhưng
được nhiều người Việt biết đến với tư cách là một
người thuộc trường phái chống Cộng tạm gọi là quyết
liệt, mà có thể điểm qua các hoạt động của ông như sau:
<div class="special_quote">
Năm 1992, Lý Tống uy hiếp phi công chiếc A310 của hãng Vietnam
Airlines bay qua Thành phố Hồ Chí Minh rồi thả truyền đơn
xuống kêu gọi nhân dân Việt Nam nổi dậy chống lại chính
quyền. Lý Tống nhảy dù xuống và bị bao vây bắt giữ,
chuyển giao lại cho công an. Ông bị tuyên án 20 năm. Năm 1998,
chính quyền Việt Nam quyết định tha và trục xuất Lý Tống
trong một đợt đặc xá.
Ngày 1 tháng 1 năm 2000, Lý Tống bay một chiếc máy bay nhỏ từ
Florida sang Havana, Cuba và thả truyền đơn kêu gọi nhân dân Cuba
nổi dậy. Khi bay trở về, ông bị thẩm vấn bởi Cục Di cư
và Hải quan Hoa Kỳ nhưng được thả ra trắng án[cần dẫn
nguồn]. Lý Tống bị Cục hàng không Liên bang rút giấy phép
bay. Sau chuyến này, ông được những người Cuba chống Cộng
coi như một "anh hùng".
Ngày 7 tháng 11 năm 2000, Lý Tống lại cướp một chiếc máy bay
nhỏ tại Thái Lan bay sang Thành phố Hồ Chí Minh, thả hơn 50.000
tờ truyền đơn. Lúc trở về Thái Lan, ông bị bắt giữ và
bị tòa án Thái Lan kết án 7 năm tù. Tòa phúc thẩm tại Bangkok
sáng ngày 3 tháng 4 năm 2007 đã tuyên bố hành động của Lý
Tống mang tính chất chính trị chứ không phải là đe dọa an
ninh. Và dựa trên một điều luật của Thái Lan không cho dẫn
độ những người đối diện cáo buộc chính trị, tòa phúc
thẩm từ chối yêu cầu dẫn độ về Việt Nam của tòa sơ
thẩm hồi tháng 9 năm 2006.
Chánh án Wisarut Sirisingh, người xét xử Lý Tống, đã viết
trong phán quyết:
"Những gì ông Tống làm không gây ảnh hưởng về an ninh lãnh
thổ Việt Nam. Thái Lan không dẫn độ những người đối diện
các cáo buộc về chính trị."
Ngày 25 tháng 8 năm 2008, Lý Tống lại cướp một chiếc máy bay
của Đại Hàn Dân Quốc nhưng bị bắt tại sân bay Seoul khi
đang định rải truyền đơn ở CHDCND Triều Tiên.
</div>
Hầu như ông Lý Tống được nhiều người biết tới kể từ
sau vụ việc rải truyền đơn năm 1992, cũng từ đó, nhiều
người Việt đánh giá ông đã làm được một số thành công
nhất định vào những thời điểm cụ thể. Ông cũng được
xem như là một trong những người "anh hùng chống cộng" vì
hành vi "hảo hán" cuớp máy bay để rải truyền đơn.
Thật vậy, xét trong bối cảnh những năm đầu thập niên 90
của thế kỷ trước, lúc mà Liên Xô và các nước theo phe XHCN
tại Đông Âu đã sụp đổ, thì hành vi của ông Tống được
xem như một tín hiệu đầy lạc quan và hy vọng có cơ sở.
Nhiều người dân tại Việt Nam lúc bấy giờ cũng nghĩ rằng,
có thể có một chuyển biến tích cực tại Việt Nam trước
bối cảnh chế độ Cộng sản đang tan rã từng mảng lớn, thì
theo quy luật đào thải chung, Cộng sản Việt Nam xem ra cũng khó
thoát. Tất nhiên, người dân có quyền tin và hy vọng cũng như
cảm kích bất kỳ hành động nào của bất cứ ai làm bất cứ
một việc gì đó cho đất nước Việt Nam thoát ách cai trị
Cộng sản. Nói không quá chủ quan, cả những người dân ở
các nước không theo chế độ cộng sản cũng có quyền hồ
hởi và tin tưởng vào một tương lai tươi sáng không chỉ cho
riêng Việt Nam.
Phải chăng chính vì vậy, ngay Cộng sản Việt Nam cũng buộc
phải nhân nhượng khi thả ông ra vào năm 1998 (sau khi Mỹ bỏ
cấm vận và bình thường hóa quan hệ với Việt Nam)?
Phải chăng chính vì vậy, người dân Cuba chống cộng xem ông
như anh hùng?
Phải chăng chính vì vậy, Tòa án Thái Lan cương quyết từ
chối yêu cầu dẫn độ ông về Việt Nam vì yếu tố chính
trị?
Rất có thể và mọi người hoàn toàn có quyền tin vào điều
này. Lúc đó người ta chưa đề cập tới nhiều về các khái
niệm: "đối thoại, toàn cầu hóa, thế giới phẳng, biên giới
mềm..." vì "chiến tranh lạnh" vừa mới "tan băng" theo sự sụp
đổ của Liên Xô và Đông Âu. Trong đầu óc người ta, chiến
tranh vẫn còn "âm hưởng" ít nhiều, cùng với EU mới vừa
thành lập (1993) còn quá mới mẻ để nói tính hòa bình của
một hình thái <a
href="http://vi.wikipedia.org/wiki/Li%C3%AAn_minh_ch%C3%A2u_%C3%82u">"Siêu
quốc gia và liên chính phủ" hỗn hợp</a> và người ta dễ
chấp nhận những hành vi "bạo lực nho nhỏ" mà không gây chết
người chăng?
Cho đến khi sự kiện ngày 11 tháng 9 năm 2001 xảy ra tại Mỹ,
lúc đó cả thế giới mới bàng hoàng, sửng sốt và thông
điệp chống khủng bố nhanh chóng được đưa ra cho toàn thể
các nước. Mọi hoạt động dính dáng đến hàng không đều
được các quốc gia thắt chặt, cũng là lúc ông Tống đã
không còn có thể sử dụng sở trường và chuyên môn với tư
cách là một phi công chuyên nghiệp để tiếp tục cướp máy
bay và rải truyền đơn, bằng chứng là thất bại tại Seoul
năm 2008. Thất bại này càng khẳng định, tới thời điểm ông
đã 62 tuổi (cái tuổi mà muốn làm "ăn cướp" thì hình như
thiếu khá nhiều điều kiện) ông vẫn nuôi trong suy nghĩ của
mình việc "cướp máy bay để rải truyền đơn" và biết đâu
những gì xảy ra vào ngày 11/9/2001 tại New York không làm ông suy
nghĩ thêm? Quả là nguy hiểm mà không ai không thấy.
Dù cho bây giờ ông vẫn chỉ có ý định cướp máy bay để
chỉ rải truyền đơn mà thôi thì cũng không một ai có thể
ủng hộ ông nữa vì nó đã được xem như là một hành động
bạo lực và có dấu hiệu khủng bố. Nó không còn phù hợp
với thời đại hiện nay, nói điều này để thấy tư duy ông
Tống đã xơ cứng, suy nghĩ ông đã lạc hậu, ông đã không
theo kịp tiến hóa của nhân loại. Suy nghĩ, tìm tòi phương
thức chống cộng của ông đã dừng lại ở khoảng hơn chục
năm về trước, với cách đấu tranh theo kiểu cũ bằng hành vi:
cướp máy bay, rải truyền đơn, chửi bới, công kích vô lối
và ngôn ngữ đầy bạo lực, bế tắc, yếm thế, hận thù, quá
khích cũng như có phần hoang tưởng. Phương pháp chống Cộng
của ông đã tự hủy hoại những gì gọi là "thành công" mà
ông đã làm được trong quá khứ bởi lẽ nó không hề mang
tính vận động theo quy luật của xã hội loài người.
Một điều mà ông Tống cũng không nhận ra, đó là công nghệ
thông tin ngày nay đã tiến bộ vượt bậc so với những năm
đầu 90' của thế kỷ trước, những hành động của Lý Tống
như cướp máy bay rải truyền đơn không còn khả thi và chẳng
có hiệu quả như ngày xưa nó đã mang lại phần nào. Đó là
sức mạnh kinh hồn của "thông tin lan rộng" mà không cần phải
mang tiếng "cướp bóc" hay nặng mùi "bạo lực".
Thời đại ngày nay, muốn tuyên truyền, phổ biến thông tin cho
người dân thấy cái xấu, cái ác của Cộng sản Việt Nam vừa
nhanh, vừa rẻ, vừa hiệu quả, người ta đã không cần phải
nhọc công chở mấy chục ngàn tờ giấy trên một chiếc máy
bay để thả xuống như ông Tống đã làm gần 20 năm về
trước. Cái còn lại hiện nay đang rất thiếu là những người
có tấm lòng với quê hương thật sự kết hợp với cái đầu
tỉnh táo, sáng suốt, thông minh.
<strong>III. Kết:</strong>
Ông Tống không hề ý thức được việc làm ngày xưa của mình
(dù đáng được trân trọng ở thời điểm cụ thể), nhưng nó
đã thuộc về quá khứ. Quá khứ là một phần của cuộc
đời, nhưng nó không nuôi ta và nó chỉ làm ta đau khổ khi
thực tại ngày nay đã chối bỏ nó, trong khi ta vẫn ấp ủ nó
như là "niềm vinh quang và tự hào" và ta vẫn cứ áp đặt nó
như là phương thức hiệu nghiệm để "chống cộng". Sự thất
bại là hiển nhiên được thấy trước.
Ông Lý Tống cần nhận ra tư duy lỗi thời của mình để thay
đổi phương thức đấu tranh hoặc hãy lui về an hưởng tuổi
già, dù sao trên "đất khách quê người", ông cũng còn may mắn
hơn những người Việt Nam hiện đang đối mặt hàng ngày với
áp bức, bất công và đày đọa.
Ngày nay ông có thể nhân danh những người "trốn chạy cộng
sản mà cộng sản vẫn không buông tha" để xịt hơi cay vào
một Đàm Vĩnh Hưng, nhưng liệu ông có đủ thời gian và sức
lực để chỉ tiếp tục làm công việc mà dường như là "dã
tràng se cát"?
Lời khuyên dành cho ông: hãy lắng nghe và suy nghĩ với một tâm
trạng hướng về sự thanh thản trong tâm hồn.
Nguyễn Ngọc Già
(1)http://vietvungvinh.org/images/stories/201001/Audio/LyTong_Radio.wma
***********************************
Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/5772), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).
Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét