Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết thưa cùng bạn đọc

Trước hết, tôi xin chân thành cảm ơn bạn đọc blog Nguyễn
Xuân Diện đã quan tâm và có những lời động viên đối với
bài viết ngắn của tôi về trí thức. Có ba điểm, theo yêu
cầu của quý vị, tôi xin được nói thêm:

1. Bài viết này bắt nguồn từ ý kiến phát biểu miệng của
tôi ở một cuộc hội thảo do Viện Tâm lý học thuộc Viện
Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức năm 2009. Theo yêu cầu của
Ban tổ chức, ngay sau hội thảo, tôi đã viết lại ý kiến
của mình thành bài, gửi cho Viện Tâm lý học. Địa chỉ đầu
tiên tôi gửi để trình bày với một công chúng rộng hơn
cuộc hội thảo năm 2009 là trang mạng này của anh Nguyễn Xuân
Diện. Tuy đây là một bài ghi lại ý kiến phát biểu miệng
nhưng nó thể hiện những suy nghĩ rất nghiêm túc, kỹ càng
của tôi. Bài viết không có những trích dẫn tài liệu tham
khảo như thường thấy ở nhiều công trình nghiên cứu vì nó
trình bày luận điểm là chủ yếu. Rất mong bạn đọc thông
cảm.

2. Khái niệm "trí thức", như tôi đã trình bày trong bài
viết, có thể được giải thích theo nhiều cách khác nhau. Tuy
nhiên, theo tôi, khó có thể hiểu trí thức chỉ là những
người hoạt động trong lĩnh vực khoa học tự nhiên hay kỹ
thuật. Bởi vì dù quan niệm rộng hẹp khác nhau như thế nào
thì mọi người cũng đều nhất trí ở một điểm: Trí thức
là những người có hiểu biết sâu rộng, hay nói cách khác là
sở hữu "tri thức" ở mức độ cao, mà "tri thức" nhân
loại tích luỹ được từ trước đến nay không chỉ là khoa
học tự nhiên hay kỹ thuật mà còn bao gồm khoa học xã hội -
nhân văn và các tri thức khác về đời sống vật chất và tinh
thần. Tầng lớp trí thức cũng không chỉ bao gồm những
người có bằng đại học trở lên hay những nhà nghiên cứu
lý thuyết. Tôi không nghĩ rằng ở Hoa Kỳ, các nhà sáng chế
và quản trị nổi tiếng như Thomas Edison hay Bill Gates không
được coi là trí thức, trong khi một người bình thường tốt
nghiệp đại học cơ khí hay đại học tin học lại được xã
hội thừa nhận thuộc vào tầng lớp này. Còn ở Pháp, các vị
có thể đọc trong Từ điển Larousse danh sách viện sĩ hàn lâm
bao gồm rất nhiều nhà văn, hoạ sĩ, nhạc sĩ, kiến trúc
sư,… bên cạnh các nhà nghiên cứu lịch sử, triết học, xã
hội học, toán học, hoá học, y học,… (Le Petit Larousse. Nxb
Larousse, Paris, 1993, tr. 1770 – 1771). Quan niệm này cũng phù hợp
với định nghĩa của Từ điển Bách khoa Việt Nam về trí
thức: "<em>Tầng lớp xã hội làm nghề lao động trí óc, trong
đó, bộ phận chủ yếu là những người có học vấn cao,
hiểu biết sâu rộng về chuyên môn của mình, có sáng tạo và
phát minh. Trí thức bao gồm các nhà khoa học, kĩ sư, kĩ thuật
viên, thầy giáo, thầy thuốc, luật sư, nhà văn, nghệ sĩ
v.v.</em>" (Từ điển Bách khoa Việt Nam, tập 4. Nxb Từ điển
Bách khoa, Hà Nội, 2005, tr. 582).

3. Trong số ý kiến bạn đọc, có ý kiến đề cập nguồn gốc
của thuật ngữ "trí thức". Theo tôi hiểu, từ có nghĩa
"trí thức" trong các ngôn ngữ Ấn – Âu bắt nguồn từ
thuật ngữ intelligens tiếng Latinh. Từ điển Bách khoa toàn thư
Liên Xô chú giải: "<em>Thuật ngữ này được nhà văn P.D.
Bôbôrykinyi mượn từ những năm 60 của thế kỷ XIX, rồi từ
tiếng Nga lan truyền sang các ngôn ngữ khác</em>" (Từ điển
Bách khoa Liên Xô. Nxb Từ điển Bách khoa Liên Xô, Moxkva, 1985,
tr. 495). Còn ở Việt Nam, đáng tiếc là cho đến nay chưa có
tài liệu nào cho biết từ "trí thức" xuất hiện bao giờ.
Tra từ điển tường giải (bằng chữ quốc ngữ) cổ nhất
nước ta là Đại Nam quấc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Paulus
Của (Đại Nam quấc âm tự vị, tập I. Nxb Rey, Curiol & cie, Sài
Gòn, 1896, tr. 359), chỉ gặp những từ có nghĩa tương đương
là "trí giả", "thức giả", chứ chưa thấy từ "trí
thức". Việc giải đáp thời gian và hoàn cảnh xuất hiện
từ này chắc phải nhờ cậy các nhà từ nguyên học. Tôi hy
vọng TS Nguyễn Xuân Diện có thể giúp cho điều này và xin có
lời cảm ơn trước.

Trên đây là một số điều tôi xin trao đổi thêm. Mong được
quý vị chỉ giáo.

Nguyễn Minh Thuyết

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/5758), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét