Nguyễn Trung - Định vị Việt Nam trên đường phát triển hiện nay (Phần III)

<h2>III. Việt Nam đứng trước đòi hỏi sống còn phải chuyển
sang một giai đoạn phát triển mới</h2>

Bước vào thập kỷ thứ hai của thế kỷ này, sự nghiệp xây
dựng và bảo vệ đất nước kể từ khi hoàn thành sự nghiệp
giành lại độc lập và thống nhất đất nước vừa tròn 35
năm. Trong suốt thời kỳ 35 năm này, nước ta mất trắng 5 năm
đầu tiên với nhiều hy sinh lớn lao cho chiến tranh chống bọn
diệt chủng Polpot – Yengsari ở Campuchia và chống cuộc chiến
tranh chớp nhoáng của Trung Quốc trên biên giới phía Bắc
nước ta, được gọi là cuộc chiến tranh 17-02-1979. Cuộc
chiến tranh giúp nhân dân Campuchia chống lại bọn Khmer đỏ
diệt chủng còn kéo dài ác liệt thêm nhiều năm nữa sau khi
Phnompenh đã được giải phóng. Cuộc chiến tranh biên giới
17-02-1979 biến thành xung đột đẫm máu với Trung Quốc trên
biên giới phía Bắc nước ta, kéo dài mãi đến năm 1989 mới
thực sự kết thúc. Trong khi đó đất nước lâm vào cảnh
khốn khó với biết bao nhiêu chuyện đau lòng – từ những
đổ vỡ, hy sinh mất mát mới trong nước phải chịu đựng,
đến những tang tóc khôn kể xiết rơi vào những người vượt
biển phải bỏ đất nước ra đi…

Điểm lại thực tế lịch sử nêu trên để thấy rõ bối
cảnh vô cùng phức tạp đất nước ta phải đối phó khi
bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ đất nước trong hòa
bình. Người Việt Nam ta dù là ai, trong nước, ngoài nước,
bất luận tôn giáo, chính kiến, đẳng cấp nào, nếu còn nặng
lòng với đất nước nhất thiết phải cùng nhau nghiêm túc rút
ra từ khoảng thời gian lịch sử này những bài học không
được phép quên. Vì vậy rồi đây sẽ phải đánh giá chuẩn
xác và khách quan 15 năm (1975-1989) bi kịch đầy máu và nước
mắt sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã kết
thúc – không phải chỉ để làm rõ trách nhiệm trước lịch
sử, quan trọng hơn là để không vấp lại sai lầm cũ, để
làm rõ con đường phải đi phía trước.

Điểm lại như vậy thực tế lịch sử trước khi nói về kinh
tế chỉ muốn xin lưu ý ngay từ đầu:

Trong thập kỷ tới, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất
nước nhất thiết đòi hỏi phải có tầm nhìn thấu đáo cục
diện và xu thế của thế giới - với lý tưởng lợi ích dân
tộc và lợi ích quốc gia là duy nhất và trên hết, để có
đủ trí tuệ và bản lĩnh tạo ra cho đất nước bên trong là
sự đồng thuận không gì phá vỡ được, bên ngoài là một
bối cảnh hòa bình tối ưu cho phép – bao gồm những mối quan
hệ quốc tế thuận lợi có thể tranh thủ được.

Đương nhiên, mỗi người Việt nam được nói tới ở đây,
còn món nợ lớn hơn thế đối với tổ quốc mình trước sau
nhất thiết phải trả. Đó là: Phải dũng cảm và nghiêm túc
nhìn lại cả chặng đường dân tộc Việt Nam ta đã trải qua
từ khi chiến tranh thế giới II kết thúc cho đến nay. Đơn
giản vì lẽ: Có dân tộc nào muốn thành công trên con đường
trở thành một quốc gia phát triển và văn minh mà không phải
nghiêm khắc nhìn lại mình? Lịch sử không làm lại được và
có những khúc quanh có không cưỡng lại được, nhưng bài học
thì phải rút ra. Đặt vấn đề như vậy, phải chăng có thể
rút ra:

(1) Nhìn nhận phiến diện thế giới chúng ta đang sống,

(2) Sự giác ngộ không đúng tầm lợi ích quốc gia trong bối
cảnh quốc tế luôn luôn biến động vô cùng phức tạp,

(3) Sự nô lệ vào ý thức hệ hoặc các niềm tin mù quáng -
phải chăng đấy là ba nguyên nhân khởi thủy kìm hãm sự phát
triển của đất nước 35 năm qua? Ngày nay còn phải cộng thêm
nguyên nhân

(4) Là sự tha hóa mới trên nhiều phương diện. Suy cho cùng,
trước sau đấy vẫn là những vấn đề của trí tuệ, tầm
nhìn và ý chí!

Dưới đây xin tập trung nêu ra một vài vấn đề phát triển
kinh tế của đất nước trong thập kỷ 20 tới.

<h3>1. Một mô hình phát triển theo chiều rộng hiện nay đã đi
trọn vòng đời</h3>

Kể từ khi xóa bỏ cơ chế kinh tế bao cấp và bắt tay tiến
hành công cuộc đổi mới năm 1986, nước ta thực sự bắt
đầu đi vào thời kỳ phát triển trong thời bình. Tính đến
nay, chặng đường này trọn một phần tư thế kỷ (nếu lấy
năm họp Đại hội toàn quốc ĐCSVN lần thứ XI làm cột mốc).

Trong 25 năm này kinh tế nước ta vận hành theo mô hình tăng
trưởng theo chiều rộng: chủ yếu dựa vào (1)khai thác lợi
thế so sánh về giá lao động rẻ (trình độ tay nghề thấp,
ít hàm lượng kỹ thuật, thậm chí một bộ phận đáng kể là
lao động cơ bắp), (2)khai thác tài nguyên thiên nhiên, (3)đẩy
mạnh đầu tư từ các nguồn trong nước và nước ngoài cho
phát triển một nền kinh tế sử dụng nhiều lao động giá rẻ
và tiêu thụ nhiều tài nguyên thiên nhiên, (4)sử dụng lãng phí
đất đai và không thân thiện với môi trường. Nhìn chung mô
hình phát triển như thế cho thời kỳ này là cần thiết,
nước ta đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế tương
đối cao. Tuy nhiên chất lượng tăng trưởng kinh tế thấp và
càng về sau càng thấp so với công sức bỏ ra, hoặc so với
những cái giá phải trả. Đại hội X đã phê phán tình trạng
yếu kém của mô hình phát triển theo chiều rộng .

Mối lo lớn nhất là sau ¼ thế kỷ tăng trưởng và phát triển
kể từ khi đổi mới, nước ta cho đến nay vẫn chỉ là
người cung cấp lao động rẻ, nông phẩm thô, nguyên liệu thô
hoặc sơ chế thấp, sản phẩm gia công, sản phẩm chế tạo
với hàm lượng công nghệ thấp, đất đai và thị trường
nội địa trở thành nơi thu hút FDI chủ yếu cho công nghiệp
có hàm lượng công nghệ thấp, gây nhiều gánh nặng cho môi
trường tự nhiên và xã hội... Với chiến lược phát triển
dựa vào 4 yếu tố như vậy, thế mạnh lớn nhất và nguồn
lực nội tại lớn nhất của đất nước là con người Việt
Nam không được phát huy. Trên thực tế nước ta đang đi vào xu
thế trở thành một nước đi làm thuê và đất nước cho thuê
với cả nghĩa đen và nghĩa bóng.

Nước ta có kế hoạch hoàn thành công nghiệp hóa vào năm 2020.
Nhưng trong 25 năm qua quá trình công nghiệp hóa chủ yếu vẫn
dựa vào 4 yếu tố của phát triển vừa nói trên. Vì thế vẫn
chưa làm bộc lộ rõ và chưa xác lập được thế mạnh để
nền kinh tế nước ta có thể bứt phá trở thành một nước
công nghiệp hóa trong một tương lai gần. Cho đến nay cũng chưa
xác định được đâu sẽ là chỗ đứng trong tương lai của
nền công nghiệp nước ta trong kinh tế thế giới để vươn
tới.

Với GDP tính theo đầu người hiện nay đạt khoảng 1000 USD –
tăng khoảng 10 lần so với khi bước vào đổi mới, nước ta
mới ra khỏi nhóm nước đang phát triển có thu nhập thấp.
Hiện tại nền kinh tế nước ta phát triển ở mức thấp trên
các phương diện: trình độ lao động, hàm lượng công nghệ,
năng lực kinh doanh, năng lực quản lý đất nước, hiệu quả
kinh tế, sự phát triển của con người, của văn hóa, xã hội
và của toàn bộ hệ thống chính trị... Nhìn chung sau 25 năm
nước ta vẫn còn là một quốc gia lạc hậu, vẫn chưa thấy
hình hài của một nền kinh tế công nghiệp hóa, càng chưa thể
hình dung một quốc gia công nghiệp Việt Nam trong vòng một hai
thập kỷ tới sẽ ra sao. Điều này có nghĩa vào năm 2020 nước
ta sẽ vẫn còn đứng cách rất xa các chỉ tiêu của một
nước được coi là hoàn thành giai đoạn công nghiệp hóa.

Theo IMF, năm 2008 GDP danh nghĩa (nominal) tính theo đầu người
của ta là 1040 USD, của Thái Lan là 4115 USD. Để đạt được
mức phát triển trên nhiều phương diện như của Thái Lan hiện
nay (kết cấu hạ tầng, nhà nước pháp quyền, thu nhập tính
theo đầu người, quyền tự do dân chủ của dân...), ước tính
nước ta cần 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Song Thái lan hiện nay
vẫn chưa được coi là một NIC và vẫn trong tình trạng cứ
vài ba năm lại một cuộc đảo chính quân sự. Từ đó có thể
suy ra: Tiếp tục con đường phát triển hiện nay, nước ta hai
ba chục năm nữa vẫn chưa thể trở thành một nước công
nghiệp hóa.

Theo cách định nghĩa của UNDP và một số viện nghiên cứu
trên thế giới, một nước được coi là nước mới hoàn thành
công nghiệp hóa (NIC), đại thể phải có các tiêu chuẩn sau
đây:

• Có những chuyển biến cơ bản từ nền kinh tế nông nghiệp
sang nền kinh tế công nghiệp, tỷ trọng lao động trong nông
nghiệp chiếm phần nhỏ nhất trong tổng số lao động cả
nước, (theo đánh giá của Hội đồng quy hoạch kinh tế và
phát triển Đài Loan, sau 25 năm đầu tiên tiến hành công
nghiệp hóa, tỷ trọng này ở Đài Loan còn 18%, ở Hàn Quốc
còn 12% lao động cả nước), tỷ trọng nông nghiệp trong GDP
chỉ còn rất thấp, công nghiệp chế biến chiếm tỷ trọng
chủ yếu trong công nghiệp và đã có các tập đoàn kinh tế
tham gia vào các "chuỗi" cung ứng hay sản xuất toàn cầu,
trong toàn bộ nền kinh tế khu vực dịch vụ vượt khu vực
công nghiệp và khu vực nông nghiệp...

• Có khả năng lớn trong thu hút FDI.

• Kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường và trong khung
khổ của pháp luật.

• Quyền công dân và các quyền tự do dân chủ khác trong xã
hội ngày càng mở rộng. Nhà nước pháp quyền ngày càng phát
triển.

• Có đội ngũ lãnh đạo mạnh và tinh thông.

• V.v…

Một quốc gia hoàn thành thời kỳ công nghiệp hóa còn phải
được nhìn nhận theo các tiêu chí của một xã hội công
nghiệp. Đơn giản là rất khó tồn tại một nước công
nghiệp hóa trong một thể chế chính trị - văn hóa – xã hội
lạc hậu. Trên phương diện này, phải nói nước ta còn khá
lạc hậu so với một nước công nghiệp hóa và so với thế
giới chung quanh về nhiều mặt: dân trí, tính công khai minh
bạch, xã hội dân sự, năng lực + tính trách nhiệm và tính tin
cậy được (accountability) của hệ thống chính trị và bộ máy
nhà nước, đặt Hiến pháp và pháp luật lên trên hết, khả
năng đề kháng hay khắc phục những tha hóa mới trong quá trình
công nghiệp hóa và hội nhập, đặc biệt nghiêm trọng là tình
trạng lạc hậu và đi sai hướng của hệ thống giáo dục
với những hệ quả lâu dài và khó lường cho tương lai...

Nói một cách hình ảnh: Đến năm 2010, sau ¼ thế kỷ đổi
mới, nước ta có lẽ mới chỉ đi được khoảng 1/3 hay một
nửa đầu của toàn bộ chặng đường công nghiệp hóa mà
thôi.

Từ nay đến năm 2020 có cách nào "đi" hay "bay" nốt 2/3
hay một nửa chặng đường còn lại không?

Trả lời:

Dứt khoát không! Thậm chí "đi" hay "bay" tiếp tục như
mô hình phát triển hiện nay, sẽ rất khó có một nước Việt
Nam công nghiệp hóa trong vòng ba bốn thập kỷ tới, hoặc không
bao giờ!

Những điều vừa trình bầy trên cho thấy: Nhìn về bất kỳ
phương diện nào, nước ta chắc chắn không thể hoàn tất
thời kỳ công nghiệp hóa vào năm 2020.

Tóm lại, sau 25 năm công nghiệp hóa, nước ta có một nền kinh
tế phát triển theo chiều rộng và còn mang nặng các đặc
tính: manh mún, bóc ngắn cắn dài, tranh thủ được cái gì thì
làm cái nấy. Nền kinh tế nước ta ngày càng có những mất
cân đối lớn, ngày càng đi sâu vào một cơ cấu kinh tế lạc
hậu và ô nhiễm môi trường nặng nề! Hơn nữa tính mất cân
đối, tính lạc hậu này và tình trạng ô nhiễm môi trường
đã tới ranh giới chịu đựng cuối cùng của đất nước,
vượt qua nó sớm muộn sẽ dẫn tới đổ vỡ lớn.

Xin đơn cử một vài ví dụ:

o Xuất khẩu than, dầu, gạo và nhiều sản phẩm khác đã tới
đỉnh của khả năng cho phép, không thể vượt qua được,
thậm chí tiếp tục duy trì những cái "đỉnh" này có thể
dẫn tới thảm họa (hiện nay đã trù tính phải nhập than từ
năm 2012).

o Ô nhiễm môi trường và sử dụng đất đai lãng phí đã tới
mức nguy hiểm, trong khi dân số tiếp tục tăng, ruộng đất
ngày càng khan hiếm.

o Cơ cấu kinh tế lạc hậu và nhiều chính sách kinh tế - xã
hội hiện nay không cho phép tận dụng được mọi cơ may mà
"cơ cấu dân số vàng" có thể đem lại cho đất nước.
Thậm chí "cơ cấu dân số vàng" này có thể biến thành
mối đe dọa lớn vì nạn thất nghiệp và sự xuống cấp của
xã hội đang ngày càng nghiêm trọng.

o Những yếu kém về nhiều mặt trong thu hút FDI khiến nước ta
về nhiều mặt thực chất đang là nước đi làm thuê và là
đất nước cho thuê.

o Nhập siêu và thâm hụt ngân sách cứ tiếp tục như hiện này
sẽ hứa hẹn những đổ vỡ lớn trong tầm tay.

o Càng nhiều đô thị hiện đại mọc lên do phát triển không
đồng bộ (nhất là quy hoạch, luật pháp, năng lực hành chính,
các chính sách kinh tế, các ngành dịch vụ, nguồn nhân lực,
các ngành cung ứng...) các thất bại và ách tắc càng lớn…

o Vân vân... Vân vân...

Xin đừng để những lời khen vàng ngọc của nước ngoài về
"tính năng động", về "triển vọng tốt đẹp" của kinh
tế Việt Nam, về "khả năng hấp dẫn" của thị trường
Việt Nam, "Việt Nam là nền kinh tế đang lên", về vân
vân... ru ngủ chúng ta. Cứ cho những lời khen ấy là thực
bụng, thì cũng đừng quên họ nhìn Việt Nam về nhiều mặt
đang là thị trường tốt nhất để đưa tới những thứ họ
đang không muốn có hay muốn loại bỏ ở nước họ, hoặc
những thứ các nơi đang thừa ế và muốn tống khứ! Vinashin,
các dự án thép và xi-măng khổng lồ là những ví dụ tiêu
biểu, chưa nói đến hàng trăm sân golf….

Những năm 1994-1995 kinh tế nước ta bước vào cuộc khủng
hoảng đầu tiên sau 10 năm đổi mới. Nguyên nhân chính là lực
đẩy đầu tiên của đổi mới đã làm xong nhiệm vụ của nó,
kinh tế bắt đầu có những mất cân đối mới, đầu tư kém
hiệu quả, tăng trưởng và xuất khẩu đều giảm, lạm phát
tăng cao. Cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ 1997 ở châu Á
xảy ra chậm hơn và không phải là nguyên nhân của cuộc khủng
hoảng kinh tế 1994-1995 ở nước ta (sự thật là nước ta kém
nhạy bén nên không tận dụng được một số cơ hội do cuộc
khủng hoảng tài chính – tiền tệ năm 1997 đem lại).

Vào quý IV năm 2007, kinh tế nước ta bước vào cuộc khủng
hoảng lớn lần thứ 2 kể từ khi tiến hành đổi mới. Năm
2007 lạm phát nhảy vọt lên 12,6%, trong khi đó tốc độ tăng
trưởng của năm là 8%; năm 2008 lạm phát bùng lên 19,89% (22,8%
theo WB và IMF), trong khi đó tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt
6,2% , năm 2009 dự kiến lạm phát 9,4% và tăng trưởng GDP đạt
5,2% (nguồn: TCTK và Bộ KH&ĐT). Ngoài những nguyên nhân tương
tự như cuộc khủng hoảng 1994-1995, cuộc khủng hoảng hiện nay
còn do tác động nghiêm trọng của một số chính sách vỹ mô,
trước hết trong lĩnh vực tài chính tiền tệ. Cuộc khủng
hoảng kinh tế thế giới bùng nổ tháng 9-2008 (nghĩa là chậm
gần một năm so với ở nước ta) làm cho cuộc khủng hoảng
kinh tế của nước ta hiện nay trầm trọng thêm, chứ không
phải là nguyên nhân. (Tuy nhiên, giá đầu vào rẻ, nên mặt nào
đó cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới cũng giúp cho kinh tế
trong nước bớt căng thẳng, hầu hết các sản phẩm xuất
khẩu của nước ta vẫn tiếp tục giữ được tăng trưởng
về khối lượng và nhìn chung kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng
trong năm 2008 và 2009).

Tình hình phát triển kinh tế 25 năm qua, đặc biệt là những
tín hiệu giống nhau của 2 cuộc khủng hoảng nối nhau liên
tiếp cho thấy: Mô hình phát triển kinh tế theo chiều rộng
đã đi trọn vòng đời của nó, bắt buộc phải chuyển sang mô
hình khác.

<h3>2.Tính hiệu quả và chất lượng của phát triển kinh tế
ngày càng thấp.</h3>

Hiện tượng này thể hiện tập trung nhất ở chỉ số lạm
phát và chỉ số ICOR của nền kinh tế nước ta trong những năm
gần đây liên tục tăng cao và thuộc loại cao nhất ở châu Á,
đồng thời lạm phát vượt xa mức tăng trưởng. Nói nôm na
đấy là hiện tượng: Tiền của công sức bỏ ra ngày càng
nhiều, hiệu quả kinh tế thu được có tỷ lệ ngày càng
thấp. Kéo dài tình trạng này sẽ kiệt sức.

<strong>Biểu 1</strong>
<em>Nguồn: Dự báo của Tổng cục Thống kê 9-2009</em>
<table><tr>
<td> </td><td>Tăng trưởng GDP</td><td>Tỷ lệ lạm phát</td><td>Chỉ
số ICOR</td>
</tr>
<tr>
<td>2006</td><td>8,17%</td><td>7,7%</td><td>5,0 lần</td>
</tr>
<tr>
<td>2007</td><td>8,48%</td><td>12,6%</td><td>5,2 lần</td>
</tr>
<tr>
<td>2008</td><td>6,23%</td><td>19,89% (22,97%)*</td><td>6,9 lần</td>
</tr>
<tr>
<td>2009**</td><td>5,2%</td><td>9,4%</td><td>8 lần</td>
</tr>
</table>

Theo thông báo của TCTK cuối tháng 12-2009 tăng trưởng GDP là
5,32% và chỉ số lạm phát là 6.88%.

Chú ý: Chỉ số ICOR thời kỳ 2000 – 2006 của nước ta là 5,0.
Một số chuyên gia đánh giá chỉ số ICOR của Việt Nam năm 2008
cho toàn bộ nền kinh tế nếu tính đủ là <7, và riêng cho khu
vực nhà nước là <8 hoặc 2 con số, trong khi đó của khu vực
tư nhân là 3,2, của khu vực FDI là 5,2.

Các nước trong khu vực Đông Nam Á và Trung quốc chỉ số ICOR
của nhiều thập kỷ gần đây, phổ biến là 3 hoặc >3, nghĩa
là chỉ số ICOR của nước ta cao gấp rưỡi hoặc gấp đôi so
với những nước này.

Theo WB từ tháng 12-2007 đến tháng 6-2008 tài sản thị trường
chứng khoán Việt Nam giảm mất 17 tỷ USD – nghĩa là mất một
nửa giá trị; lạm phát trong 8 tháng đầu năm 2008 của Việt
Nam là 28,3%.

Vân… vân…

<em>Tăng trưởng GDP và ICOR một số quốc gia Đông Á</em>

Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) căn cứ vào 9 tiêu chí chủ
yếu là:

(1) thể chế kinh tế,
(2) hệ thống cơ sở hạ tầng,
(3) năng lực kinh tế vĩ mô,
(4) hệ thống giáo dục và y tế phổ thông,
(5) trình độ giáo dục đại học,
(6) hiệu quả vận hành của cơ chế thị trường,
(7) mức độ sẵn sàng về công nghệ,
(8) mức độ hài lòng của doanh nghiệp, và
(9) mức độ sáng tạo - để đánh giá năng lực cạnh tranh
của các quốc gia.

Đánh giá của WEF cho thấy các năm gần đây nhất là nước
ta liên tiếp tụt thứ bậc trong bảng xếp hạng về năng lực
cạnh tranh của các quốc gia trên cả 3 phương diện quốc gia,
sản phẩm và doanh nghiệp.

Trong số các quốc gia được đem ra so sánh, năm 2006 nước ta
xếp hạng thứ 64, năm 2007 xếp hạng thứ 68, năm 2008 xếp
hạng thứ 70; nếu so sánh riêng trong khu vực Đông Á, Việt Nam
chỉ đứng trên Philippines và Campuchia (Myanmar chưa được xếp
hạng) . Đấy là các tín hiệu rõ nét minh họa thêm tính hiệu
quả của nền kinh tế nước ta ngày càng giảm sút.

Hiện nay Việt Nam được liệt vào danh sách các nước đứng
đầu thế giới về giá thuê trụ sở văn phòng cho các doanh
nghiệp nước ngoài, về chi phí trung gian, về tốn kém thời
gian trong xử lí các dịch vụ phục vụ kinh doanh... Bộ Công
Thương nước ta cũng thừa nhận tình trạng sử dụng đất đai
và tài nguyên ở nước ta rất lãng phí, mức độ tiêu hao năng
lượng cho một sản phẩm mới trung bình cao gấp đôi so với
Thái Lan, Malaysia...

Các làng ung thư, các dòng sông chết - nhiều vùng kinh tế quan
trọng hầu như không còn một con sông nào được coi là không
bị ô nhiễm, nạn khan hiếm nước nước và nước sạch cũng
như nhiều tệ nạn xã hội ngày càng gia tăng và đang vượt
khỏi khả năng kiểm soát của bộ máy nhà nước. Chất lượng
cuộc sống tiếp tục xuống cấp – thể hiện rõ nhất trên
lĩnh vực giáo dục và y tế, ách tắc giao thông, ô nhiễm môi
trường, tệ nạn quan liêu tham nhũng gia tăng...

<em>3. Càng phát triển, nền kinh tế càng tích tụ nhiều ách
tắc hay mất cân đối mới, thậm chí mất phương hướng phát
triển</em>

Những hiện tượng ách tắc này được đặt dưới cái tên
gọi chung là những thắt cổ chai. Đó là những mất cân đối
ngày càng gay gắt

• giữa khả năng đáp ứng của kết cấu hạ tầng và đòi
hỏi phát triển của nền kinh tế; giữa sự phát triển yếu
kém nguồn nhân lực và đòi hỏi của phát triển kinh tế - xã
hội;

• giữa khả năng quản trị quốc gia và đòi hỏi phát triển
của đất nước trong quá trình công nghiệp hóa và hội nhập
tình trạng quan liêu và nạn tham nhũng rất nặng nề, khả năng
thực thi pháp luật yếu kém..;

• đặc biệt là tình trạng nhập siêu và tình trạng thâm
hụt ngân sách rất nghiêm trọng: Nhập siêu từ năm 2000 ngày
càng lớn và được coi là ở mức báo động. Kể từ năm 1995
đến 2005, nhập siêu của Việt Nam luôn ở mức dưới 5 tỷ USD
và ước khoảng 10% GDP; song đã tăng vọt lên trên 12 tỷ USD
vào năm 2007 (gấp 2,4 lần so với năm 2006) và đến hết tháng
9/2008, tổng mức nhập siêu đã lên tới con số 15,8 tỷ USD
(ước khoảng trên 20% GDP/năm)... Nếu phân tích các quốc gia
ta nhập siêu, sẽ thấy bức tranh trầm trọng hơn (chủ yếu
từ Trung Quốc và các nước châu Á – là các quốc gia có công
nghệ thấp). Thâm hụt ngân sách từ năm 2000 trung bình là 5-6%
GDP/năm, riêng năm 2009 dự kiến là 8% GDP/năm.

• Mất cân đối giữa một bên là năng lực và chất lượng
thấp trong việc hoạch định chính sách, chiến lược, quy
hoạch phát triển.., và một bên là đòi hỏi phát triển mọi
mặt đất nước. Tình trạng hiện nay là càng phát triển càng
rối và không đồng bộ. Quyết định sáp nhập Hà Tây vào
Thủ đô Hà Nội nhưng đến bây giờ chưa có quy hoạch tổng
thể thủ đô được mở rộng, quyết định khai thác bauxite ở
Tây Nguyên và quy trình triển khai lộn ngược của 2 dự án khai
thác bauxite ở Nhân Cơ và Tân Rai là hai ví dụ điển hình của
tình trạng rối ren này …Còn nhiều quyết định kinh tế hay
dự án khác vội vã, kém chất lượng với hệ quả khôn
lường như vậy. Không thể không đặt câu hỏi: Tại sao những
chuyện như thế cứ lặp đi lặp lại qua các năm?

• vân vân...

Hệ quả lớn nhất của tình trạng này là càng phát triển
tích tụ ngày càng nhiều ách tắc và mất cân đối lớn, phá
vỡ mọi chiến lược hay chủ trương phát triển có tính dài
hạn.

<h3>4. Một số vấn đề lớn trong quá trình công nghiệp hóa 25
năm qua</h3>

<em>4.1. Trên thực tế chưa có một chiến lược công nghiệp
hóa?</em>

Đọc lại các văn kiện các Đại hội Đảng VII, VIII, IX và X
về công nghiệp hóa – hiện đại hóa, điều đáng chú ý là
trong khi các văn kiện này dành nhiều sự chú ý và nêu nhiều
yêu cầu cụ thể cho quan hệ sản xuất định hướng xã hội
chủ nghĩa trong công nghiệp hóa, phần bàn về nội dung công
nghiệp hóa lại chỉ nêu: không công nghiệp hóa theo kiểu cũ,
cần tận dụng lợi thế so sánh, cần đẩy mạnh hướng về
xuất khẩu nhưng chú ý đến thay thế nhập khẩu các sản
phẩm tự làm ra có lãi, chú ý thu hút FDI, các chỉ tiêu tăng
trưởng của từng kế hoạch 5 năm, và cái đích: vào năm 2020
trở thành một nước công nghiệp hóa (gần đây điều chỉnh
là: cơ bản trở thành một nước công nghiệp hóa) theo hướng
hiện đại.

Các nghị quyết viết như vậy cho phép rút ra kết luận: Đấy
là những chỉ tiêu số lượng cần đạt được của từng kế
hoạch 5 năm, một số quan điểm và cái đích mong muốn cho năm
2020, chứ không phải là một chiến lược công nghiệp hóa.

Nhìn lại chặng đường 25 năm công nghiệp hóa, thực tế cho
thấy:

(a) Rất khó nói rằng quá trình công nghiệp hóa của Việt Nam
đã nhất quán đi theo một chiến lược phát triển hay một quan
điểm chiến lược rõ rệt nào đã được xác lập, sẽ trở
thành một nước công nghiệp hóa ra làm sao? nước Việt Nam
công nghiệp hóa sẽ định chiếm chỗ đứng ở đâu trong thị
trường kinh tế thế giới? – (thời toàn cầu hóa kinh tế
thế giới ngày nay không thể có một quốc gia hay một nền kinh
tế công nghiệp hóa mà không trả lời chuẩn xác hai câu hỏi
này; công nghiệp hóa của một quốc gia ngày nay nhất thiết
phải gắn liền với kinh tế thế giới). Thậm chí có thể nói
gần như thiếu hẳn một chiến lược công nghiệp hóa thống
nhất và xuyên xuốt các kỳ đại hội Đảng và các nhiệm kỳ
với một lộ trình rõ ràng, khiến cho không có được quá
trình thực hiện liên tục của một chiến lược, cái đích
phải đạt được trở nên mơ hồ, mâu thuẫn, mỗi Đại hội
Đảng nói một khác (hiện nay nói là: Việt Nam cơ bản trở
thành một nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại vào
năm 2020!).

(b) Việt Nam là nước đi sau, có rất nhiều cái bất lợi và
cái lợi phải xử lý thỏa đáng – điều này có nghĩa phải
tìm ra con đường riêng của mình để không phải lặp lại
những sai lầm của các nước đi trước, tránh các nguy cơ trở
thành "bải thải công nghiệp" của các nước khác, đồng
thời tìm ra cho mình con đường thuận lợi hơn. Thị trường
thường chật cứng đối với nước đi sau – vì vậy phải
khai thác lợi thế nước đi sau trong việc chiếm lĩnh các thị
trường ngách (các "niches"), vào các chuỗi cung - ứng trong
thị trường thế giới.., mà muốn thế phải có các chính sách
giáo dục đào tạo, kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa và
chính sách đối ngoại… cho phép liên kết, chiếm lĩnh những
khâu nào đó trên thị trường thế giới; hiển nhiên 25 năm qua
những đòi hỏi này không được đặt ra hoặc không được
đặt ra đúng tầm để phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa
của nước ta.

(c) Thiếu hẳn chiến lược, kế hoạch và các quy hoạch cụ
thể phát triển kết cấu hạ tầng đi song song hoặc đi trước
một bước mở đường cho sự tiến triển của công nghiệp
hóa với nội dung khai thác thị trường ngách và chiếm thị
trường mới.

(d) Thiếu hẳn chiến lược phát triển nguồn nhân lực mà sự
nghiệp công nghiệp hóa / hiện đại hóa đất nước đòi hỏi,
thậm chí có thể nói hệ thống giáo dục và chính sách phát
triển nguồn nhân lực hiện nay là hoàn toàn bất cập, trực
tiếp gia tăng sự tụt hậu của đất nước và để lại
nhiều hệ quả lâu dài.

(e) Chỉ đề ra yêu cầu chuyển đổi cơ cấu kinh tế với nội
dung thay đổi tỷ trọng các khu vực kinh tế (nông nghiệp, công
nghiệp, dịch vụ), song không kèm theo các chính sách vỹ mô
thực hiện thay đổi cơ cấu kinh tế về chất lượng; do đó
về cơ bản toàn bộ kinh tế vẫn tăng trưởng theo số lượng,
hiệu quả và tính bền vững nhìn chung thấp. Đại hội Đảng
đều phê phán tình trạng cơ cấu kinh tế chuyển đổi chậm,
nhưng đến nay chưa có kế sách gì đảo ngược tình hình này

(f) Do chiến lược công nghiệp hóa không rõ ràng và do cách
điều hành kinh tế vỹ mô theo kiểu phân cấp (trên thực tế
là phân tán và manh mún), dẫn tới hình thành từ hàng chục
năm nay "nền kinh tế GDP tỉnh" với nhiều hệ quả trầm
trọng. Trên thực tế công nghiệp hóa ở nhiều tỉnh được
hiểu là thi đua mở các khu công nghiệp, khai thác tài nguyên
không tái tạo được, phát triển ồ ạt các sản phẩm
thượng nguồn (trong đó phần lớn là nguyên liệu thô). "Nền
kinh tế GDP tỉnh" cùng với các tập đoàn kinh tế nhà nước
hoạt động theo kiểu độc quyền khiến cho quá trình công
nghiệp hóa bị phân khúc hay xé lẻ trên nhiều phương diện,
đồng thời đẻ ra nhiều hệ quả chính trị, xã hội, văn hóa
rất khó khắc phục.

(g) Đặc biệt nghiêm trọng là các Đại hội đều thừa nhận
cải cách chính trị không đi kịp với đòi hỏi của phát
triển kinh tế và xã hội, do đó chẳng những không thúc đẩy
mạnh mẽ quá trình công nghiệp hóa, không phát huy được cái
mạnh và những thuận lợi của đất nước, thậm chí làm cho
quá trình này chậm lại; công nghiệp hóa diễn ra trong bối
cảnh quan liêu tham nhũng ngày càng nặng nề. Tình hình đã tới
mức sự bất cập và lạc hậu của thể chế chính trị trở
thành rào cản chính của quá trình công nghiệp hóa.

(h) vân... vân...

Tất cả những điều vừa trình bầy toát lên một sự thật:
Nước ta sau 25 năm trên thực tế vẫn chưa có một chiến
lược công nghiệp hóa đúng với cái tên gọi của nó. Qrình
công nghiệp hóa 25 năm qua trên thực tế chủ yếu do sự lôi
kéo, dẫn dắt tự thân của cuộc sống và tác động của
đầu tư và dòng vốn từ bên ngoài (nghĩa là mang tính cơ hội
rất cao), nhiều hơn là do chủ động thúc đẩy theo một
hướng chiến lược được xác lập của thể chế chính trị
và do sự giác ngộ với tầm nhìn sắc bén của những người
lãnh đạo. Cần nói ngay, phát triển như thế đang ngày một
gây ra ách tắc và rối loạn, dẫn tới sự lệ thuộc ngày
càng nguy hiểm. Gạt mọi chuyện lý lẽ sang một bên, điều
đặc biệt quan trọng là dù có hay không có chiến lược, mục
tiêu hoàn thành công nghiệp hóa vào năm 2020 là không khả thi.

<em>4.2. Hai vấn đề lớn trong xu hướng công nghiệp hóa hiện
nay của đất nước</em>

Một là: Vai trò con người trong công nghiệp hóa

Các Đại hội Đảng đều nhấn mạnh đến phát huy nội lực.
Song quan điểm đúng đắn này lại được hiểu theo một nghĩa
rất hẹp: Cái gì tự làm được thì cố làm bằng vốn liếng,
sức lực của chính mình (trên thực tế rất gần với nội
dung "tự cung tự túc"). Trong khi đó 25 năm công nghiệp hóa
qua chưa đặt ra vấn đề phát huy nội lực trước hết có
nghĩa là phát huy lợi thế và nguồn lực lớn nhất của
nước ta là con người Việt Nam.

Quan điểm chiến lược phát huy thế mạnh và nguồn lực lớn
nhất của đất nước là con người có ý nghĩa cực kỳ quan
trọng và quyết định nội dung cho toàn bộ quá trình công
nghiệp hóa của nước ta cho đến khi tới đích hoàn thành công
nghiệp hóa và cho các giai đoạn phát triển đất nước sau
đó. Quan điểm chiến lược này cho đến nay vẫn chưa hình
thành. Chính vì lẽ này, đến nay nước ta vẫn thiếu hẳn một
chiến lược phát triển con người và chưa có được một thể
chế chính trị - xã hội phù hợp với yêu cầu phát triển con
người để phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa.

Các Đại hội Đảng nhấn mạnh coi con người là trung tâm, song
lại hiểu vấn đề này chủ yếu là đối tượng phục vụ -
theo những khía cạnh phát triển giáo dục, văn hóa, xã hội.
Ngay quan điểm này cũng chưa làm được bao nhiêu, chưa thể nói
con người đã trở thành trung tâm phục vụ của mọi chính
sách phát triển kinh tế xã hội. Chưa đặt ra vấn đề phát
triển con người thành chủ thể, thành nguồn lực lớn nhất,
và là động lực quyết định của quá trình công nghiệp hóa.
Càng chưa thể nói là con người với tính cách là công dân
của đất nước được phát triển thành người chủ của
đất nước, của hệ thống chính trị và bộ máy nhà nước.
Trong khi đó nhiều quyền và quyền lợi của người dân bị vi
phạm, nhiều trường hợp bị vi phạm nghiêm trọng.

Xin nhấn mạnh (a)quan điểm coi con người là trung tâm như ghi
trong các nghị quyết của Đảng và (b)quan điểm phát huy con
người với tính cách là thế mạnh và nguồn lực lớn nhất
của đất nước cho sự nghiệp công nghiệp hóa như vừa trình
bày trên là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau.

Các Đại hội Đảng VII và VIII nhấn mạnh không công nghiệp
hóa theo kiểu cũ. Song như đã trình bầy trên, trong thực tế
công nghiệp hóa diễn ra 25 năm qua chủ yếu dựa trên 4 yếu
tố (1) lao động rẻ, (2)khai thác tài nguyên thiên nhiên,
(3)đẩy mạnh tăng trưởng nhờ đầu tư, (4)sử dụng đất đai
và tiêu hao môi trường – thực chất đấy là công nghiệp hóa
theo tư duy cũ và kiểu cũ, bởi lẽ thế mạnh và nguồn lực
lớn nhất của đất nước trong thời đại mới ngày nay là con
người hầu như không được tính đến thỏa đáng (chỉ mới
chú trọng đến lao động dư thừa và giá rẻ). Cũng vì lẽ
này tiến bộ của khoa học kỹ thuật và công nghệ vào nước
ta rất chậm, mặc dù nước ta ngày nay đang ở trong thời đại
thông tin.

Hai là: Sa đà vào kinh tế thượng nguồn

Càng phát triển, quá trình công nghiệp hóa 25 năm qua có khuynh
hướng càng đi sâu vào kinh tế thượng nguồn: khai thác khoáng
sản và các tài nguyên thiên nhiên khác, phát triển sản phẩm
thô, giá trị gia tăng rất thấp, duy trì công nghệ lạc hậu,
cái giá phải trả cho hủy hoại môi trường tự nhiên và môi
trường xã hội rất cao... Đặc biệt là trong các "nền kinh
tế GDP tỉnh", hầu như tất cả các tỉnh có khoáng sản và
tài nguyên thiên nhiên thì đều coi đấy là thế mạnh của
mình và ra sức khai thác bừa bãi; có nơi Thủ tướng đã phải
ra lệnh đình chỉ.

Phát triển kinh tế thượng nguồn là điều khó tránh khỏi ban
đầu đối với một nước nghèo và lạc hậu. Song sai lầm là
ở chỗ muốn lấy phát triển kinh tế thượng nguồn làm cú
hích và nguồn tích tụ vốn cho công nghiệp hóa, thậm chí coi
kinh tế thượng nguồn là một nội dung quan trọng, là thế
mạnh của công nghiệp hóa. Tại nhiều tỉnh trong nước đã và
đang xảy ra phát triển kinh tế thượng nguồn với bất kỳ
giá nào, thậm chí có nơi chủ yếu là để gây thành tích,
phục vụ yêu cầu "giữ ghế" hay "chạy ghế". Phát
triển như vậy còn là hệ quả của tư duy lười biếng, dốt
nát, đẽo gọt đất nước – song trên mặt nhiều báo cáo các
kỳ đại hội các đảng bộ tỉnh được coi đây là thành
tích!

Sai lầm này 25 năm qua rất trầm trọng, vì tại nhiều nơi
khoáng sản và các tài nhiên thiên nhiên khác đã được khai
thác đến cạn kiệt, hủy hoại môi trường, chỉ để tiêu
thụ lao động cơ bắp, có nơi chủ yếu để phục vụ xuất
khẩu nguyên liệu hay sản phẩm thô sang Trung Quốc.

Phát triển kinh tế thượng nguồn và các sản phẩm hàm lượng
chế biến thấp là điểm nổi bật nhất của mô hình phát
triển theo chiều rộng 25 năm qua.

<em>4.3. Sơ bộ đánh giá một số hệ quả</em>

Để thấy rõ triển vọng nguy hiểm của công nghiệp hóa theo
mô hình phát triển theo chiều rộng, dưới đây xin nêu ra một
số vấn đề:

• Các xí nghiệp xi-măng, luyện thép đã có, đang xây dựng,
hoặc đã được cấp phép xây dựng sẽ dẫn tới tình hình
nước ta vào năm 2020 sẽ dư thừa khoảng một chục triệu tấn
xi măng/năm và khoảng hai chục triệu tấn thép/năm trong tình
trạng đất nước ngày càng thiếu năng lượng gay gắt. Phải
chăng mục tiêu công nghiệp hóa của nước ta như vậy là để
trở thành cường quốc xi-măng và thép trong thế kỷ 21 này?
Sắp tới còn xuất hiện công nghiệp bô-xít để sơ chế ra
nguyên liệu alumin trên Tây Nguyên với nhiều hệ quả trầm
trọng, bất chấp sự phản đối sâu rộng của dư luân khắp
nơi trong nước. Hoàn thành những dự án đã triển khai hay đã
được phê duyệt, đến năm 2020 tình hình hứa hẹn cảnh quan
môi trường tự nhiên nhiều vùng của đất nước sẽ bị
"mặt trăng hóa"; kinh tế nước ta sẽ đổ vỡ, vì bị
chính xi-măng và thép thô kém khả năng cạnh tranh của chúng ta
đè bẹp; riêng alumin sẽ đem lại cho đất nước không phải
chỉ sự tàn phá Tây Nguyên và các vùng chung quanh mà cả sự
lệ thuộc mới... Trong khi một số ngành quan trọng có hàm
lượng công nghệ cao như công nghiệp ô-tô, công nghiệp điện
tử… có thể được coi là thất bại, nước ta lại nhập về
công nghiệp chế tạo cơ khí nặng như đóng tầu đang thua
lỗ… Công nghiệp hóa như vậy nguy cơ trở thành bãi thải
công nghiệp rất lớn.

• Vào năm 2015 trở đi, nước ta sẽ thiếu năng lượng trầm
trọng và phải nhập khẩu, trong khi đó xuất khẩu than và dầu
của nước ta xuốt 25 năm qua hầu như bỏ qua tương lai của
đất nước! Năm 2012 đã tính đến phải nhập than với khối
lượng rất lớn. Phát triển thủy điện đã vượt qua cái
ngưỡng cho phép và ngày càng gây ra nhiều hệ quả nghiêm
trọng . Trong khi đó nhà nước lại thiếu hẳn việc nghiêm
khắc rà xoát, đánh giá lại chính sách năng lượng quốc gia
hiện nay, thiếu hẳn những nỗ lực xử lý nghiêm khắc và
khắc phục tình trạng lãng phí và thất thoát năng lượng quá
lớn đang diễn ra hàng chục năm nay. Gần đây trên phương
tiện truyền thông rộ lên dự án khai thác than bùn đồng bằng
Bắc Bộ thật hãi hùng! Đối mặt với tình trạng thiếu hụt
năng lượng ngày càng nghiêm trọng của đất nước, lãnh đạo
quyết định xây dựng một lúc hai nhà máy điện hạt nhân
gồm 4 lò phản ứng ở Ninh Thuận không phải loại công nghệ
tiên tiến nhất (mặc dù nước ta là nước đi sau), với nhiều
rủi ro còn đang bàn cãi chưa ngã ngũ . Tình hình cho thấy vấn
đề năng lượng của quốc gia không thể giải quyết theo kiểu
"ngứa đâu gãi nấy!", "vớ được gì làm nấy!" (một
loại chủ nghĩa cơ hội và tác động của lobby?)... Trên thực
tế cho đến nay vẫn chưa có một chiến lược năng lượng
được cân nhắc thấu đáo.

• Nếu đánh giá nghiêm túc chi phí/lợi ích (cost/benefit), bao
gồm cả những chi phí bắt buộc cho khắc phục những tác
động ngoại vi của việc khai thác than, hoàn trả môi trưởng
tự nhiên nơi khai thác, sự thất thoát hàng chục triệu tấn
than lậu/năm, sự tàn phá môi trường tự nhiên trong vùng,
đánh giá cái được và cái mất so với đòi hỏi của chiến
lược năng lượng quốc gia, vân… vân… khó có thể coi việc
khai thác mỗi năm khối lượng càng lớn than ở Quảng Ninh là
môt thành tựu kinh tế. Đúng hơn nên coi đó là một thất bại
kinh tế lớn và một sai lầm về chiến lược năng lượng –
không phải do chủ trương khai thác than, mà do năng lực quản
lý và hiệu quả kinh tế yếu kém; đặc biệt quan trọng là do
thiếu hẳn một chiến lược năng lượng quốc gia được xác
định với những luận cứ vững chắc làm cơ sở cho việc khai
thác. Thậm chí còn có thể coi việc khai thác than Quảng Ninh
như vừa qua trong khi đất nước ngày càng khan hiếm năng
lượng là ví dụ điển hình nhất trong nhiều ví dụ của tình
trạng "bóc ngắn cắn dài" tài nguyên quốc gia, các thế hệ
tương lai sẽ phải trả giá! Trong cả nước còn có nhiều
công trình khai thác titan, khai thác đồng, khai thác các khoáng
sản khác... hầu hết chỉ để cho xuất khẩu nguyên liệu,
với những hệ quả xấu tương tự.

• Rừng phòng hộ và rừng tự nhiên ngày càng bị trọc hóa
và chỉ còn lại rất ít; đặc biệt là rừng đầu nguồn đã
rất ít mà còn đang tiếp tục bị xâm phạm nghiêm trọng. Lũ
lụt ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn và khó khắc phục
hơn. Đất đai bị xói mòn và sa mạc hóa cùng với tình trạng
chất lượng thổ nhưỡng ngày càng xuống cấp với tốc độ
rất đáng lo ngại. Riêng cơn bão Ketsana 26-09-2009 vừa qua gây ra
lũ lụt lớn nhiều nơi ở Tây Nguyên còn là lời cảnh báo
nghiêm khắc đối với việc khai thác bauxite ở Tây Nguyên –
nhất là đối với các hồ chứa chất thải bùn đỏ nhiễm
hóa chất độc dự kiến sẽ được xây dựng ở vùng này! Xin
hãy đến tận nơi các khu khai thác này, dù là titan ở dọc bờ
biển miền Trung, dù là những cánh rừng nham nhở do khai thác
quặng sắt ở Lào Cai để xuất khẩu sang Trung Quốc, các vùng
khai thác vàng bừa bãi ở Bắc Kạn, Quảng Nam, Bình Thuận...
– mà chủ yếu là khai thác lậu, những dòng sông chết, những
con sông bị đổi dòng và đôi bờ sụt lở do bán cát, những
cánh đồng hoang do các dự án treo... để nhìn tận mắt đất
nước đang bị băm vằm và ô nhiễm như thế nào!

• Xin hãy đối chiếu thực tế nêu trên với quan điểm ghi
trong nghị quyết Đại hội X: "Căn cứ vào nguồn lực và
hiệu quả, Nhà nước tập trung đầu tư hoặc hỗ trợ đầu
tư để phát triển những sản phẩm quan trọng của nền kinh
tế như lọc hóa dầu, khai thác quặng và luyện thép, phân bón,
hóa chất, xi-măng, khai thác bô-xít và sản xuất alumin, bột
giấy gắn với trồng rừng và một số sản phẩm cơ khí chế
tạo" (Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc khóa X, trang
197-198)

• Vân... vân...

Nhìn dài hạn đến năm 2020, hoặc 2030.., có thể nói ngay từ
bây giờ nếu không có quyết tâm thay đổi hẳn tư duy về phát
triển để hướng mạnh vào phát triển bền vững chủ yếu
dựa vào phát huy nguồn lực con người, nếu không đảo ngược
được xu thế phát triển như đang diễn ra, nếu cứ tiếp tục
phát triển theo hướng xâm phạm môi trường tự nhiên, bóc
lột các nguồn tài nguyên không tái tạo được một cách không
thương tiếc, viễn cảnh của nước ta thật rất đáng lo
ngại! Các thế hệ con cháu chúng ta sẽ phải trả giá rất
đắt. Trong khi đó tác động của biến đổi khí hậu toàn
cầu ngày một gay gắt, nhất là đối với nước ta.

<h3>5. Vấn đề nông dân trong quá trình công nghiệp hóa hiện
nay</h3>

Nghị quyết 26 Hội nghị Trung ương 7 khóa X ban hành ngày
05-08-2008 viết:

<div class="special_quote">"Sau hơn 20 năm thực hiện đường lối
đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Ðảng, nông nghiệp, nông
dân, nông thôn nước ta đã đạt được thành tựu khá toàn
diện và to lớn. Nông nghiệp tiếp tục phát triển với tốc
độ khá cao theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất,
chất lượng và hiệu quả; đảm bảo vững chắc an ninh lương
thực quốc gia; một số mặt hàng xuất khẩu chiếm vị thế
cao trên thị trường thế giới. Kinh tế nông thôn chuyển dịch
theo hướng tăng công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề; các hình
thức tổ chức sản xuất tiếp tục đổi mới. Kết cấu hạ
tầng kinh tế - xã hội được tăng cường; bộ mặt nhiều
vùng nông thôn thay đổi. Ðời sống vật chất và tinh thần
của dân cư ở hầu hết các vùng nông thôn ngày càng được
cải thiện. Xóa đói, giảm nghèo đạt kết quả to lớn. Hệ
thống chính trị ở nông thôn được củng cố và tăng cường.
Dân chủ cơ sở được phát huy. An ninh chính trị, trật tự an
toàn xã hội được giữ vững. Vị thế chính trị của giai
cấp nông dân ngày càng được nâng cao.

Tuy nhiên, những thành tựu đạt được chưa tương xứng với
tiềm năng, lợi thế và chưa đồng đều giữa các vùng. Nông
nghiệp phát triển còn kém bền vững, tốc độ tăng trưởng
có xu hướng giảm dần, sức cạnh tranh thấp, chưa phát huy
tốt nguồn lực cho phát triển sản xuất; nghiên cứu, chuyển
giao khoa học - công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực còn hạn
chế. Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đổi mới cách
thức sản xuất trong nông nghiệp còn chậm, phổ biến vẫn là
sản xuất nhỏ, phân tán; năng suất, chất lượng, giá trị gia
tăng nhiều mặt hàng thấp. Công nghiệp, dịch vụ và ngành
nghề phát triển chậm, chưa thúc đẩy mạnh mẽ chuyển dịch
cơ cấu kinh tế và lao động ở nông thôn. Các hình thức tổ
chức sản xuất chậm đổi mới, chưa đáp ứng yêu cầu phát
triển mạnh sản xuất hàng hóa. Nông nghiệp và nông thôn phát
triển thiếu quy hoạch, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội
còn yếu kém, môi trường ngày càng ô nhiễm; năng lực thích
ứng, đối phó với thiên tai còn nhiều hạn chế. Ðời sống
vật chất và tinh thần của người dân nông thôn còn thấp,
tỷ lệ hộ nghèo cao, nhất là vùng đồng bào dân tộc, vùng
sâu, vùng xa; chênh lệch giàu, nghèo giữa nông thôn và thành
thị, giữa các vùng còn lớn, phát sinh nhiều vấn đề xã hội
bức xúc."</div>

Đấy là bức tranh khái quát trong văn kiện chính thức của
Đảng về tình hình nông nghiệp, nông dân và nông thôn nước
ta hiện nay (theo cách nói "tam nông") - đương nhiên vẫn theo
cách nhìn so ta bây giờ với ta trước đây và còn bỏ qua
nhiều vấn đề hệ trọng khác trong nông thôn.

Trước khi nêu một số vấn đề cụ thể cần đặc biệt quan
tâm, xin nhấn mạnh là nông nghiệp nước ta nói chung, đặc
biệt là nông dân nước ta nói riêng, đã góp phần cực kỳ
quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước
trên mọi phương diện: đảo ngược tình thế nguy hiểm của
đất nước, mở đầu và tạo đà cho toàn bộ công cuộc đổi
mới phát triển, bảo đảm an ninh lương thực và an ninh chính
trị, tạo ra tiềm lực mới cho đất nước, mở rộng thị
trường kinh tế đối ngoại, tăng cường khả năng hội nhập
của đất nước trong giai đoạn đất nước còn nghèo và nền
kinh tế còn chậm phát triển...

Đặc biệt cần nhấn mạnh sự đóng góp của nông dân có ý
nghĩa rất to lớn và vô cùng quan trọng. Chính những thành tựu
này cho thấy vai trò của nông dân và nông nghiệp trong quá
trình phát triển đất nước – cụ thể ở đây là trong quá
trình công nghiệp hóa/hiện đại hóa và trong hội nhập kinh
tế thế giới chưa được nhận thức đúng tầm, dẫn đến
những yếu kém và tồn tại lớn như đã nêu trong NQTƯ 26 khóa
X.

Nông dân là quân chủ lực của các cuộc kháng chiến đầy hy
sinh gian khổ, có những đóng góp có ý nghĩa rất to lớn và vô
cùng quan trọng trong suốt 25 năm đổi mới vừa qua như trên
đã nói, nhưng hiện nay lại là thành phần xã hội đang chịu
nhiều thiệt thòi nhất trong quá trình công nghiệp hoá và đô
thị hoá và hội nhập kinh tế thế giới. Một bộ phận nông
dân vượt qua được tác động của quá trình này và tìm
được con đường sản xuất kinh doanh dẫn tới một cuộc
sống khá giả hơn; song bộ phận này chỉ chiếm một tỷ lệ
khiêm tốn ở nông thôn.

Các chính sách hiện hành và việc thực thi chúng cho thấy không
thể ngăn chặn tình trạng bần cùng hoá vẫn tiếp tục diễn
ra đối với bộ phận nông dân bị tác động trực tiếp. Nhìn
chung, khoảng cách thu nhập của nông dân – đặc biệt là của
của bộ phận nông dân bị tác động trực tiếp của quá
trình công nghiệp hóa, đô thị hóa - đang gia tăng ngày càng
nhanh, dẫn đến nhiều hệ quả khác nhau của phân hóa xã hội.
Chất lượng cuộc sống của họ, các quyền lợi về giáo
dục, y tế, các phúc lợi xã hội khác của họ trên thực tế
ngày càng giảm sút so với sự tăng trưởng và phát triển của
kinh tế cả nước. Mặt khác nông dân cũng là nạn nhân chính
của thiên tai, dịch bệnh (cho người và cho nông nghiệp), tình
trạng môi trường tự nhiên bị tàn phá, nạn lạm phát và
nhiều tác động khác của quá trình công nghiệp hóa, đô thị
hóa cũng như của tình trạng quan liêu tham nhũng nói chung (ở
nông thôn rất nặng so với thành thị).

Cần đặc biệt lưu ý là sự biến động của thị trường và
giá cả (được mùa rớt giá, được giá mất mùa..; hiện
tượng nông dân bị ép mua ép bán <đầu vào – đầu ra>, hiện
tượng lúc phải chặt loại cây này, lúc phải bỏ chăn nuôi
kia với nhiều tổn thất lớn cho nông dân...) gần như trở
thành thách thức thường xuyên đối với nông dân. Họ hầu
như không có khả năng gì đáng kể để tự bảo hộ, để tự
đối phó với những thách thức này. Có thế nói họ hầu như
bị bỏ mặc, trong khi đó sự bảo hộ và những hậu thuẫn
từ phía nhà nước và các cơ quan chức năng có thể xem như
muối bỏ bể. Một ví dụ trong trăm ngàn ví dụ: Hàng chục
năm nay nông dân Nam bộ là chủ lực trong xuất khẩu gạo, song
đến nay vẫn chưa có cách gì thỏa đáng giảm thiểu sự
thiệt hại khá lớn trong thu hoạch mùa màng, thiếu nghiêm
trọng các silo cất giữ lúa, đầu vào và đầu ra cho sản
xuất của họ bị tư thương và thậm chí của cả các công ty
quốc doanh ép giá... Trong khi đó các hiện tượng như ô nhiễm
môi trường, thiên tai dịch bệnh, các hệ quả của biến đổi
khí hậu, cường độ canh tác, việc sử dụng ngày càng nhiều
hoá chất, sự khan hiếm nước và nguồn nước sạch… ngày
càng trầm trọng. Thực tế này khiến cho sản xuất nông
nghiệp và chăn nuôi ngày càng rủi ro, bấp bênh, làm nghiêm
trọng thêm tình trạng bần cùng hoá nông dân, cản trở sự
phát triển nông nghiệp bền vững.

Cần lưu ý, tình trạng bần cùng hóa nông dân cùng với nhiều
thiệt thòi khác của nông thôn (nhìn chung còn rất lạc hậu)
tự nó đang xâm hại nghiêm trọng hay tước bỏ nhiều quyền
của người nông dân. Đầu tiên phải kể đến: học hành mở
mang trí tuệ, tiếp cận với tri thức và công nghệ, quyền
thụ hưởng các phúc lợi xã hội khác... nhằm nâng cao đời
sống kinh tế cũng như nâng cao quyền năng của chính mình trong
xã hội. Đấy là những điều kiện hàng đầu để người
nông dân tự bảo vệ được mình và tìm đường thoát khỏi
cái nghèo và lạc hậu. Song những điều kiện hàng đầu này
thường xuyên bị cái nghèo và bất công cướp đi, khiến cho
cái nghèo và lạc hậu của họ trở thành truyền kiếp. Sự
thiếu vắng của xã hội dân sự và nhà nước pháp quyền trong
nông thôn làm cho tình trạng này của họ trầm trọng thêm.
Tất cả giải thích vì sao sau 25 năm công nghiệp hóa mà nông
thôn nước ta nhìn chung vẫn rất lạc hậu, chỉ cần bước
chân ra khỏi thành phố là có thể thấy tận mắt. Trong khi đó
khoảng 70-80% các vụ khiếu kiện hàng năm trong cả nước
trước hết là của nông dân.

Thực tế vừa nói trên đặt ra nhiều thách thức mới trong
tương lai – nhất là trong tình hình nước ta ngày càng chật,
người ngày càng đông: nước ta có dân số đứng thứ 12 trên
thế giới, mật độ dân số nước ta cao gần gấp 5 lần mức
của thế giới, gấp 2,5 lần các nước Đông Nam Á, gấp 2 lần
Trung Quốc... Trong khi đó nguy cơ sa mạc hóa trong đất liền,
nguy cơ biển lấn đất và nhiễm mặn, các thiên tai khác do hệ
quả của hiệu ứng nhà kính và biến đổi khí hậu ngày càng
lớn.

Tại nhiều vùng nông nghiệp rộng lớn của nước ta cứ 1 ha
đồng ruộng bị chuyển đổi mục đích sử dụng cho công
nghiệp hoá và đô thị hoá khiến cho 20 – 30 nông dân mất
việc làm và và 3 – 4 hộ mất kế sinh nhai. Trong khi đó tốc
độ chuyển dịch ngành nghề cho nông dân diễn ra rất chậm,
sau 25 năm đổi mới và tiến hành công nghiệp hoá tỷ trọng
lao động nông nghiệp vẫn chiếm trên 60% lao động cả nước.
Cho đến nay mới chỉ có 28% lao động cả nước được đào
tạo về nghề nghiệp, tỷ lệ này trong nông dân còn thấp hơn
nhiều lần. Thực tế này là nguồn gốc nhiều hiện tượng xã
hội đau lòng, trước hết là nạn thất nghiệp, các "chợ
vợ" cho người nước ngoài, nạn mãi dâm, tình trạng bán cả
cơ nghiệp và tài sản tìm đường đi lao động ở nước ngoài
với nhiều cơ cực và bị lừa gạt… Tình trạng khiếu kiện
đất đai nóng bỏng từ hàng thập kỷ nay, sắp tới sẽ còn
quyết liệt hơn khi phải dành một diện tích đáng kể cho phát
triển đường xá và các công trình kinh tế khác. Trong khi đó
thiếu hẳn một quy hoạch tổng thế cho cả nước có khả năng
đón đầu sự phát triển này và giảm bớt những tổn thất.

Nông dân các dân tộc ít người ở các vùng núi còn phải
chịu đựng nhiều thiệt thòi hơn, do rừng núi vốn là quê
hương lâu đời, không gian sinh tồn và không gian văn hoá của
họ đang ngày càng bị lấn chiếm. Nạn phá rừng bừa bãi của
các công ty và lâm tặc, việc lấn đất lấn rừng, làm lâm
trường, làm kinh tế trang trại... cùng với tình trạng nhập
cư ồ ạt đang uy hiếp ngày càng nặng nề sự tồn tại và
tương lai các tộc ít người ở nước ta. Còn quá nhiều vấn
đề tồn tại trong việc tái định cư và ổn định cuộc
sống cho đồng bào các tộc ít người phải di dời đi nơi
khác do những công trình thủy điện đã hoàn thành hoặc đang
xây dựng... Nên đến tận nơi các công trình thủy điện chi
chít miền Trung để thấy tận mắt cảnh quan và môi trường
tự nhiên, những cánh ruộng và đất đai trồng trọt vô cùng
quý giá tại đây, môi trường xã hội, quê hương văn hóa bản
địa... của đồng bào các tộc ít người ở đây bị tàn
phá, bị cướp đi như thế nào!

Nhìn chung, những nỗ lực bỏ ra cho việc cải thiện đời
sống kinh tế - văn hoá – xã hội đối với đồng bào các
tộc ít người là to lớn so với tình hình đất nước còn
nghèo, song không đảo ngược được xu thế nói trên – trong
đó nguyên nhân chính lại là sự yếu kém về năng lực và
phẩm chất của chính quyền các cấp. Tình hình đang trở nên
đặc biệt nghiêm trọng trong việc khai thác bauxite ở Tây
Nguyên. Nhà văn Nguyên Ngọc cảnh báo: "Chấp nhận chương
trình này (khai thác bauxite Tây Nguyên) là chúng ta chấp nhận
không còn Tây Nguyên, không còn cái mái nhà phải giữ cho kỳ
được để đảm bảo phát triển bền vững, không chỉ cho Tây
Nguyên mà cho cả nước ; là chấp nhận phát triển bằng bất
cứ giá nào, chấp nhận hy sinh tương lai cho hôm nay. Cũng là
không còn coi trọng sự tồn tại của các tộc người bản
địa như những thực thể văn hoá xã hội từng là chủ nhân
của vùng đất có ý nghĩa sinh tử này của tổ quốc ta."

Làng nghề (nói cho đúng hơn ở nhiều nơi là nghề riêng của
làng) và kinh tế trang trại là hai hình thái kinh tế có khả
năng lớn trong việc thu hút lao động ở nông thôn, bao gồm cả
việc chuyển đổi nghề nghiệp cho một bộ phận nông dân
nhất định. Hai hình thái kinh tế này trong những năm qua phát
triển mạnh, góp phần tích cực thay đổi bộ mặt nông thôn.
Song sự phát triển này chủ yếu do sự vận động tự thân
của nông thôn tìm đường tự cứu mình và phát triển chính
mình. Chính sách của nhà nước và những khuyến khích hay hậu
thuẫn cần thiết phải có cho hai hình thái kinh tế này tuy đã
làm được một số việc rất khiêm tốn, nhưng vẫn còn nhiều
bất cập, thậm chí nhiều địa phương còn tồn tại một số
rào cản – có nghĩa trên thực tế là không khuyến khích.

Một vấn nạn chưa có giải pháp là tổn thất lớn
hàng năm về người và của, về môi trường đất đai do thiên
tai gây ra, lặp đi lặp lại trong một số vùng nhất định.
Thực tế này cho thấy đang thiếu hẳn một chủ trương chiến
lược giảm thiểu dần những tổn thất và hậu quả của
thiên tai – bao gồm cả việc di dời hoặc quy định lại
những vùng dân cư nhất định mà thiên tai thường xuyên lặp
lại, từng bước kiên cố hóa lâu dài, hay hiện đại hóa
một số những công trình nhất định thuộc hệ thống phòng
chống thiên tai... Hiện nay vẫn chưa hình thành được những
quan điểm hay chủ trương chiến lược dự phòng, các công
việc phải triển khai ngay từ bây giờ trở đi cho tình huống
vào những năm 2030, 2050…

Nước ta là một nước nông nghiệp, nhưng cho đến nay thực
sự đang thiếu hẳn một chiến lược phát triển nông nghiệp
bền vững và hài hoà với quá trình công nghiệp hoá, đô thị
hoá. Thực tế đang diễn ra một quá trình công nghiệp hoá và
đô thị hoá – kể cả hiện tượng xây dựng bừa bãi các
sân golf – ngày càng gây ra nhiều gánh nặng mới cho nông dân
và nông thôn.

(còn tiếp)

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/5538), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét