Quan hệ Việt - Mỹ từ chiến tranh tới bình thường hóa (2): Kết nối âm thầm

Bất chấp lệnh cấm vận khắc nghiệt và không khí thù địch
chính trị, suốt những năm tháng căng thẳng sau chiến tranh,
vẫn có những người ở cả hai bên thầm lặng nỗ lực không
mệt mỏi nhằm phá băng trong quan hệ hai nước, đưa người
Mỹ trở lại Việt Nam. Cũng cần nói thêm rằng, bên cạnh sự
chống phá của những người Việt cực đoan ở Mỹ, họ còn
phải chịu sự nghi ngờ và cản trở của không ít người trong
nước vẫn còn mang nặng định kiến cứng rắn và bảo thủ.

Một trong số những gương mặt ấy là chuyên gia tài chính Bùi
Kiến Thành. Cần nói rằng hiện nay, ông Thành là một nhân
vật nổi tiếng đối với giới truyền thông Việt Nam, một
trí thức Việt kiều hay được hỏi ý kiến về các vấn đề
kinh tế đối nội và đối ngoại của đất nước. Thế nhưng,
vào những năm đầu thập niên 80 khi ông đóng góp ý kiến cho
Chủ tịch HĐBT Phạm Hùng về phương pháp quản lý kinh tế, hay
vào đầu những năm 90 khi ông đưa nhà đầu tư đầu tiên của
Mỹ vào Việt Nam thì mọi việc làm của ông đều diễn ra trong
lặng lẽ.

Lặng lẽ và có cả sự mạo hiểm, bởi vì nếu chuyện lộ ra,
ông có thể trở thành nạn nhân của những thành phần chống
đối ở cả hai phía. Ông Thành kể lại: "Tôi không nói
chuyện "về Việt Nam" với ai cả, không vận động, kêu
gọi ai ủng hộ. Bạn bè nhiều người thấy tôi đi đi về về
Việt Nam và Mỹ hoài, họ hỏi làm chi mà đi về lắm thế? Tôi
chỉ nói tôi muốn góp hết sức để giúp Việt Nam phát triển
kinh tế. Họ cười, bảo tôi ngây thơ, mê ngủ, cộng sản là
vô sản, làm gì có chuyện cộng sản chấp nhận những nguyên
tắc kinh tế thị trường để nhân dân được sống tốt hơn.
Đa số những người đó chống cộng tới tận xương tủy, vì
xương máu họ đổ ra, vì chiến hữu họ chết trận nhiều
rồi… Tôi hiểu, nên không thuyết phục người ta làm chi. Chủ
nghĩa, học thuyết, chính kiến, thì phận ai nấy giữ thôi,
không có cách nào tuyên truyền được. Về phần mình, tôi chỉ
nghĩ dân giàu thì nước mạnh, ai nhất trí như vậy thì chúng
ta cùng hợp tác, làm sao cùng tạo nên nền kinh tế phát
triển".

Với suy nghĩ ấy, năm 1993, khi được Thủ tướng Võ Văn Kiệt
nhờ xem thử có tập đoàn lớn nào của Mỹ có thể đầu tư
xây dựng một khu công nghiệp ở bán đảo Đình Vũ (Hải
Phòng), ông Bùi Kiến Thành - lúc đó đang là cố vấn cao cấp
của AIG – nghĩ ngay tới tập đoàn bảo hiểm rất lớn này.
Ông Thành tìm gặp Maurice Green Berg, Chủ tịch AIG từ năm 1968
và là người quen, đồng nghiệp lâu năm của ông. Chỉ sau một
cuộc trò chuyện ngắn gọn, "người Do Thái" Green Berg đã
thấy ngay cơ hội để trở thành nhà đầu tư số 1 của Mỹ
vào Việt Nam lúc đó. Ông nói với người bạn, chuyên gia tài
chính Bùi Kiến Thành: "OK, ông có thể trả lời Chính phủ
Việt Nam rằng AIG sẽ đầu tư vào khu công nghiệp ở Đình Vũ
như Chính phủ Việt Nam mong muốn".

Việc AIG trở thành nhà đầu tư vào Việt Nam là sự kiện có
ý nghĩa lớn về cả ba mặt kinh tế - ngoại giao - chính trị,
nếu chúng ta biết rằng AIG là một tập đoàn tài chính nổi
tiếng thế giới, số 1 nước Mỹ, có quan hệ và ảnh hưởng
lớn tới hậu trường chính trị Mỹ. Maurice Green Berg không
chỉ là ông trùm của đế chế này mà còn là Chủ tịch một
hội của người Do Thái ở Mỹ - cộng đồng vốn có thế lực
rất lớn trong chính trường Mỹ. Nói như ông Bùi Kiến Thành,
đơn giản là ở Mỹ, "từ tổng thống tới nghị sĩ, từ
thị trưởng tới thành viên hội đồng thành phố, người nào
không được lòng dân Do Thái thì không khi nào đắc cử".
Việc AIG đầu tư vào Việt Nam, do đó, mở ra nhiều triển
vọng: Chính phủ Mỹ có thể tiến tới bình thường hóa quan
hệ với Việt Nam, doanh nghiệp Mỹ có thể vào Việt Nam, vì
người Do Thái đã đến đó rồi. Và một khi Mỹ đã đầu tư
vào Việt Nam thì các đồng minh của Mỹ ở châu Âu, rồi Nhật
Bản, cũng sẽ theo sau...

<h2>Những người "đưa và đón Mỹ vào Việt Nam"</h2>

Ngoài ông Bùi Kiến Thành, còn rất nhiều người nữa đã bắc
những cây cầu đầu tiên để giúp hai nước Việt – Mỹ
hiểu biết nhau trước khi xây dựng lại quan hệ bình thường.
Tất nhiên, vì lý do cũng giống như ông Bùi Kiến Thành, họ
đều làm việc trong lặng lẽ, độc lập và cả thận trọng,
không tổ chức thành phong trào.

Nói về những gương mặt đã "đưa" và "đón" các đại
diện của Mỹ hồi ấy, luật sư, chuyên gia tư vấn đầu tư
Nguyễn Trần Bạt kể lại: "Người đưa là những anh em Việt
kiều tiên tiến, ví dụ như chuyên gia Bùi Kiến Thành, kỹ sư
Trần Khánh Vân, vợ chồng ông bộ trưởng Trần Văn Dĩnh, ông
Lâm Tôn chủ thương hiệu phở Cali, các nhà chuyên môn người
Việt ở Mỹ sau này làm quan chức cho các tổ chức, định chế
quốc tế như anh em ông Phó Bá Quan - Phó Bá Long - Phó Bá Hải,
ông Nguyễn Văn Hảo… Tôi cho rằng, đóng góp phần quan trọng
trong việc đưa người Mỹ đến Việt Nam là những Việt kiều
tiên phong, và cần phải biểu dương họ".

Còn về phía "đón", ông Nguyễn Trần Bạt cũng như các vị
khách Mỹ và Việt kiều ngày ấy nhắc nhiều tới những gương
mặt đổi mới trong Chính phủ Việt Nam (nay đều đã mất):
cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh,
cố Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, cố Thứ trưởng
Ngoại giao Lê Mai… Ở phía Mỹ, các công ty Mỹ đầu tiên
hiện diện tại Việt Nam có thể kể tới: IBM, Microsoft, Ford,
AIG, CitiBank…

Và có một lực lượng không thể không nhắc tới trong con
đường đưa Việt Nam và Mỹ tới mốc bình thường hóa năm
1995, đó là những cá nhân và tổ chức dân sự của Mỹ. Trong
đó, có 5-6 người Mỹ đã luôn giữ tình cảm và mối quan hệ
với Việt Nam ngay cả vào những năm tháng căng thẳng nhất
của thời kỳ hậu chiến. Tất cả đều là những "người
Mỹ trầm lặng", hầu như không được báo chí biết đến.
Nổi tiếng nhất trong số họ là bà Lady Borton, nhà văn, nhà
báo, sử gia Mỹ. Một người khác là ông John McAuliff, sáng lập
viên Quỹ Hòa giải và Phát triển (FRD). "Quỹ" chỉ có độc
một thành viên, được thành lập năm 1985 với mục đích
"hàn gắn quan hệ giữa Mỹ và các nước đã từng bị Mỹ
coi như kẻ thù". Thành viên duy nhất đó – ông John McAuliff
– đã làm hết sức mình để thúc đẩy Mỹ dỡ bỏ cấm vận
và bình thường hóa quan hệ với ba nước Đông Dương. Theo bà
Lady Borton, "John là nhân vật chủ chốt trong việc vận động
cả hai phía Mỹ và Việt Nam cho phép Việt kiều, cựu chiến
binh, học giả, v.v… có thể trở lại Việt Nam".

Một nhân vật nữa là Gerry Herman, ông chủ rạp Cinametheque ở
22A Hai Bà Trưng (Hà Nội) bây giờ. Ông được đạo diễn
Đặng Nhật Minh đặc biệt tri ân như là người cứu sống
bản gốc của bộ phim "Bao giờ cho đến tháng 10": Khi phim
để lâu bị mốc, hỏng, Gerry Herman đã đem "Bao giờ cho đến
tháng 10" sang Bangkok để sửa chữa và làm đĩa DVD lưu giữ.

Nhà hoạt động Joy Carol kể lại: "Suốt những năm 70 và 80,
chúng tôi tiếp tục gửi hàng cứu trợ về Việt Nam và cố
gắng tuân thủ các điều lệ. Người ta không ngừng đe dọa
sẽ bỏ tù chúng tôi thật lâu, phạt tiền thật nặng nếu
bất kỳ một khoản cứu trợ nào lại thành ra làm giàu cho
một cá nhân người Việt Nam nào đó".

Lệnh cấm người Mỹ du lịch Việt Nam đã khiến công ty du
lịch kỳ cựu Lindblad Travel buộc phải dừng hoạt động vào
năm 1989 do bị phạt hơn 75.000 USD tội tổ chức tour sang Việt
Nam, vi phạm lệnh cấm. Ông Chủ tịch Lars-Eric Lindblad tuyên
bố: "Tôi vẫn sẽ làm lại. Theo quan niệm của tôi, du lịch
không phải là hoạt động thương mại thông thường. Du lịch
là truyền thông. Cấm người ta du lịch cũng giống như đốt
sách và bỏ tù nhà báo". Tháng 12-1991, Washington dỡ bỏ lệnh
cấm tổ chức tour du lịch Việt Nam. Ba năm sau, Lars-Eric Lindblad
mất, đúng vào năm Tổng thống Bill Clinton tuyên bố xóa bỏ
lệnh cấm vận của Mỹ đối với Việt Nam.

Tác giả cuốn "Traveling to Vietnam" (Đường đến Việt Nam,
1998), bà Mary Hershberger, kết luận: "Việc những người Mỹ
tới Việt Nam sau chiến tranh là một sự đảm bảo với nhân
dân Việt Nam rằng Chính phủ Mỹ không đại diện cho tất cả
dân chúng Mỹ… Sự đảm bảo này là thành tựu vĩnh viễn
của những người Mỹ đó: Họ đã gắng giữ được trong trái
tim Việt Nam hình ảnh một nước Mỹ thân thiện".

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/4884), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét