Nguyễn Ngọc - Đôi lời cùng nhà văn Phạm Đình Trọng

<div class="special_quote"><h2><a href="http://danluan.org/node/4868">Trích
bài viết của Phạm Đình Trọng:</a></h2>

Còn nghĩ xót xa về đảng như vậy là tôi còn đau đáu với
đảng lắm! Vì đảng đã là tòan bộ quãng đời làm việc,
chiến đấu và cống hiến hết mình của tôi. Tôi viết những
dòng này cũng là vì đảng, hoàn toàn không phải vì tôi.</div>

Tôi là "người ngoại đạo", không hiểu thấu tâm lý của
những người Đảng viên Đảng Cộng Sản Việt Nam. Tuy nhiên
qua bài viết của Nhà văn Phạm Đình Trọng, tôi mạn phép có
đôi lời cùng với ông Trọng và với độc giả Dân Luận,
một mặt chia sẻ chút ít nào đó sự đau buồn của ông, mặt
khác nói lên những suy nghĩ của cá nhân tôi (và tôi tin của
không ít người dân Việt Nam hiện nay) về Đảng Cộng Sản
Việt Nam.

Người xưa có câu: "ở trong chăn mới biết chăn có rận", hay
"thức khuya mới biết đêm dài" và còn nhiều câu thành ngữ
khác nữa để diễn tả tâm trạng của một người mà chỉ có
những người trong cuộc mới hiểu nổi. Điều đó đúng. Chỉ
có những người Đảng viên cùng tâm trạng với Nhà văn Phạm
Đình Trọng mới có thể thấu hiểu và chia sẻ một tâm trạng
(mà tôi nghĩ rằng) vô cùng đau lòng của ông.

Tôi đã đọc đi đọc lại hai lần bài viết (khá dài) trải
nỗi lòng có thể nói là tê tái, đau đớn vật vã và đau đáu
của người đã buộc phải chia tay với cái (mà tôi tạm gọi)
- một cách thật tâm không có ý mai mỉa - tình yêu thiêng liêng
của mình. Có lẽ ông đã cố gắng tôn trọng (hay kính trọng?)
Đảng lần cuối bằng cách viết hoa chỉ một chữ "Đảng" duy
nhất ở lời tựa, còn trong toàn bộ bài viết chữ "Đảng"
chỉ được viết thường (ngoại trừ sau dấu chấm hoặc đầu
dòng - theo đúng nguyên tắc ngữ pháp) mà theo tôi biết, bất
cứ người Đảng viên nào cũng phải viết hoa chữ "Đảng" như
là luật bất thành văn.

Người ta buộc phải dùng cụm từ "Lời cuối" để nói lên
nỗi thống thiết nhất của mình khi buộc phải chia tay với
tình yêu thiêng liêng thì đó là một nỗi lòng sâu sắc và
chân thành, thiện tâm - mà chúng ta có thể bắt gặp đâu đó
trong những tản văn, những lời hát (đại khái):

<em>Khi em buộc phải nói với anh "lời cuối", điều đó có
nghĩa, dù em đã cố gắng bằng hết tình yêu chân thành, trong
sáng của em dành cho anh, những nhiệt tâm, những thương yêu,
những níu kéo với tấm lòng tha thiết nhất mà anh vẫn không
hiểu em, vẫn đang lầm đường lạc lối thì em đành phải
đớn đau mà dứt tình với anh từ đây...</em>.

Nhiều người đã so sánh Đảng Cộng Sản (ở đây là Đảng
Cộng Sản Việt Nam) như là một Tôn giáo (mà lại là Tà giáo
không phải Chính giáo) thì đây, qua ông Trọng - một lần nữa
và cũng là một minh chứng hùng hồn cho việc so sánh đó.

Tôi không có ý định khoét sâu vết thương lòng của ông
Trọng khi đọc hết bài viết như vắt cạn những giọt máu
cuối cùng cho tình yêu thiêng liêng của ông, nhưng tôi phải
làm cho ông bớt đau đớn và mau bình phục bằng những mũi
tiêm với liều thuốc kháng sinh cực mạnh và hiệu quả đúng
với vết thương đang sưng tấy vì nhiễm độc.

Tôi cũng không có ý định làm cho ông oằn oại khi đọc những
dòng chữ này (nếu ông đọc được) mặc dù có thể ông sẽ
chết... lịm - đó là bất tỉnh nhân sự (nếu có) nhưng lại
cần thiết để sau khi hồi tỉnh, ông sẽ mạnh mẽ và hoàn
toàn tỉnh táo biết kết quả lựa chọn của mình là đúng -
như lời ông Hồ Chí Minh đã nói: "Tôi chỉ có một Đảng đó
là Đảng Việt Nam".

<center>* * *</center>

Tôi có một người bạn thân, nếu anh ấy còn sống năm nay
cũng đã sáu mươi. Người bạn tôi là một người đẹp trai,
thông minh, tài hoa với nhạc và họa, anh có tâm hồn lãng mạn
và cách sống "nghệ sĩ", chan hòa, nhân ái với mọi người, anh
chỉ thích cuộc sống êm đềm dần trôi với những ngày bình
yên và hạnh phúc bên gia đình và bạn hữu cùng với những
bức tranh anh sáng tác, những bài hát anh nghêu ngao bên ly café
và điếu thuốc, cùng những bình phẩm của bạn bè dành cho
tác phẩm của anh mỗi khi tác phẩm anh được giới mộ điệu
đánh giá cao về giá trị. Anh thích rong chơi, và bay bổng với
Sài Gòn một thuở yên bình, đi đây đó để tìm ý tưởng
mới cho sáng tác. Anh không thích bon chen và khẳng định với
đời. Anh sợ chiến tranh, ghét máu đổ và chọn cái cách phổ
biến mà những thằng đàn ông (như anh tự nhận là hèn nhát)
trót sinh ra trong thời ly loạn, giặc giã: trốn quân dịch.
Nhưng có vẻ ông trời không chìu lòng người...

Anh trốn quân dịch, nên lánh xa Sài Gòn một thời gian. Trong
những ngày tháng trốn tránh đó, anh đã làm bạn với bồ đà,
rồi tiến dần với "nàng tiên nâu" (thuốc phiện, từ lóng mà
dân Sài Gòn thời bấy giờ hay dùng) để quên đi nỗi muộn
phiền thân phận và cả những dằn vặt về sự hèn nhát. Ban
đầu là do bạn bè rủ rê, sau dần quen và không bỏ được.
Từ "nàng tiên nâu", anh chuyển qua heroin (lúc đó Sài Gòn, dân
mà chơi heroin thường gia đình phải giàu có). Anh cũng "may"(!)
có được gia đình giàu có. Nhưng giàu gì thì giàu, tiền nào
chịu cho nổi cái "tứ đổ tường".

Hòa bình đến. Sau những ngày tháng ngắn ngủi mừng cuộc
sống không còn bom đạn thì... gia đình anh dần dần tiêu tan...

Cộng với cái tiêu xài cho heroin của anh là chính sách hà khắc
của những tháng ngày sau cuộc chiến đã đưa gia đình anh đi
vào chỗ khánh kiệt. Ba anh từ một ông chủ của một hãng
xưởng lớn trải dài từ Sài Gòn đến miền Đông nam bộ đã
phá sản hoàn toàn do chính sách cải tạo công thương nghiệp
thời bấy giờ.

Cuối cùng...

Gia đình anh cũng còn giữ lại được một căn nhà để ở sau
khi đã buộc phải làm cái việc mà dân giàu có lúc bấy giờ
phải làm là hiến gần như toàn bộ tài sản cho nhà nước!!!

Ba anh là mẫu người bình dị, ông không có ý định đi vượt
biên như bao người khác vào thời điểm đó, một phần vì ông
sợ cả gia đình gặp tai ương trên những con tàu mong manh, một
phần ông yêu... Sài Gòn như lời ông tâm sự với tôi khi tôi
cũng hỏi những câu mà người thân lúc bấy giờ hay hỏi nhau.

Nghèo khổ nhưng nhờ xuất thân từ người lao động chăm chỉ
làm ăn với tay nghề giỏi, gia đình anh làm lại từ đầu,
trừ... anh!

Anh vẫn vậy. Nhưng Sài Gòn thời bấy giờ làm gì có heroin mà
chơi! Có tiền cũng chịu. Thế là để cho qua những cơn đói
thuốc, anh quay lại với thuốc phiện. Không chỉ hút mà còn
chích. Khi con nghiện đã đến "đô" thì hút không còn "ép phê"
họ thường chuyển sang chích để đạt khoái cảm cực độ.

Gia đình anh đã hơn chục lần đưa anh đi cai nghiện cùng với
những lời khuyên răn, giải thích, dạy nghề cho anh (anh học
rất nhanh vì vốn là người thông minh và có hoa tay), má anh
cũng hờn giận, nước mắt ngắn dài, ba anh cũng la lối, có
lúc đuổi anh ra khỏi nhà một thời gian v.v... đủ cả, không
thiếu những "đắng, cay, ngọt, bùi" để giúp anh thoát ra khỏi
cơn u mê của ma túy.

Lần sau cùng, gia đình anh đưa anh đi cai nghiện "biệt tích"
khỏi Sài Gòn đến bốn năm. Sau đó, anh có vẻ tu chí làm ăn
để nối nghiệp gia đình. Ba má anh mừng lắm, ông bà quyết
định lấy vợ, mua nhà riêng cho anh cùng với ít vốn để làm
ăn theo nghề gia đình. Vợ anh là một phụ nữ đúng nghĩa
"phụ nữ thời xưa": thủy chung - son sắt - chỉ biết "thờ
chồng nuôi con".

Hạnh phúc gia đình đầy ắp cùng với cậu con trai đầu lòng
(và cũng là duy nhất của anh) kháu khỉnh ra đời. Khi cậu bé
lên hai cũng là lúc gia đình biết anh lâu nay vẫn "chung thủy
và sắt son" với ma túy! Thảo nào người đời không đặt cho
cái thứ ấy là MA TÚY! Một thứ say ma quái mà người ta khó
lòng dứt bỏ một khi đã lậm sâu. Tổng cộng từ khi anh bạn
tôi chơi ma túy cho đến ngày qua đời là trên 20 năm! Cũng may
khi sinh thằng bé, lúc đó bệnh AIDS chưa xuất hiện tại Việt
Nam!

Đau đớn. Vật vã. Thương yêu. Lo lắng. Chăm sóc. Khuyên lơn.
Từ vợ cho đến ba má anh, từ anh em ruột đến bạn bè, bạn
hàng v.v... Cuối cùng chỉ là hai chữ vô ích to tướng!

Một ngày cuối năm, sau cơn say thuốc anh về đến nhà và nhận
được bức thư của cô vợ để lại nói "LỜI CUỐI" với anh
để chị quyết lòng, rứt ruột đưa cậu con trai đi vượt
biên với mình nhằm thoát khỏi anh, thoát khỏi những món nợ
ngày càng chồng chất do anh gây ra, thoát cả những tủi nhục
đớn đau mà những lần anh ăn trộm kể cả những lần ăn
cướp vào tù ra khám liên miên!!! May mà anh có tánh nhát gan nên
không dám tham gia những vụ cướp của giết người(!?)

Trước khi ra đi, vợ anh có đến gặp tôi và nói trong nước
mắt:

- Em không thể hiểu nổi và không biết phải làm gì thêm nữa
để chồng em có thể trở lại làm người bình thường. Em
sẵn sàng hy sinh tất cả cho anh ấy, thậm chí em sẵn sàng
chết để anh ấy có thể hồi tâm nhưng em không thể để con
em sống như thế này. Chắc em phải đi vượt biên thôi anh ơi!
Chẳng thà mẹ con em chết trên biển, còn hơn là tiếp tục
sống như thế này. Anh có cách gì giúp em không?

- Không em ạ! Anh thành thật xin lỗi. Chồng em bây giờ không
còn là thằng H. (tên bạn tôi) ngày xưa nữa. Đối với nó,
bây giờ chỉ biết có thuốc, bất chấp tất cả vợ con, gia
đình, bè bạn. Mọi thứ trở nên vô nghĩa với nó trừ ma túy!
Em đi đi!

Đó cũng là lần cuối tôi gặp vợ bạn tôi. May nhờ trời,
thời gian sau tôi có nhận tin, hai mẹ con cô ấy đến được
Philippines và sau đó được đi định cư tại Úc.

Việc vợ con anh trốn gia đình chồng đi vượt biên trở thành
giọt nước tràn ly. Ba anh cương quyết từ bỏ anh và cấm tất
cả mọi người trong gia đình liên hệ đến anh, ông cũng gởi
thơ đến những người bạn bè thân và dòng họ để thông báo
không còn liên can đến bất cứ hành động nào của anh, ai
giúp đỡ hoặc để anh lừa đào và trộm đồ thì tự chịu
trách nhiệm. Ông ở liền trong nhà suốt 5 năm để giám sát
tất cả mọi việc. Anh cũng có liên hệ với má để kiếm
chút tiền cho những cơn đói thuốc, tuy nhiên rất khó khăn và
ít gặp vì bị ba anh giám sát quá chặt chẽ.

Một hôm anh ghé cơ quan tôi làm việc. Hai thằng ra quán café
cóc trước cổng cơ quan tôi không xa để nói chuyện. Vài câu
mở đầu cũng đủ tôi hiểu.

- Thôi mày ngồi đây đi, để tao vô xin ứng trước lương (nói
vậy thôi chứ tôi không muốn đưa tiền liền vì sợ anh ấy
lờn mặt, nên cũng phải cho anh ấy biết mình khó khăn không
kém) - Tôi nói

- Cám ơn mày.

Vào và ra ngay, vừa đưa anh bao thơ có năm trăm ngàn đồng trong
đó tôi vừa kéo ghế ngồi và châm một điếu thuốc. Vừa vài
hơi thuốc, thì cô đồng nghiệp ra báo sếp cần gặp gấp có
việc.

- Vậy mày ngồi đây nhé! Tao vô coi việc gì rồi ra liền. Tôi
nói

Mười phút sau tôi ra, không thấy anh, hỏi chị chủ quán:

- Ủa! ông bạn tôi đâu rồi chị.

- Đi rồi, ổng nói chút chú ra trả tiền café.

Móc tiền trả cho chị chủ quán, tôi nhìn trên cái bàn con và
không thấy gói thuốc cùng cái hộp quẹt zippo mà thằng bạn
Việt kiều vừa mới tặng vài hôm trước.

- Chị có thấy cái hộp quẹt của tôi không chị?

- Bạn chú cầm đi luôn rồi!

Buồn vì cái hộp quẹt thì ít mà tội cho thằng bạn thì
nhiều. Thôi! nó cũng khổ quá rồi!

Đó cũng là lần gặp anh cuối cùng.

Hơn ba năm sau, tôi mới biết gia đình đã đi hốt cốt ở một
trại cải tạo tận Long Khánh và thiêu rồi gởi anh vào chùa.

Anh chết vì bệnh AIDS!

Ma túy! ma túy đã tàn phá bạn tôi và gia đình anh ấy tất
cả! Ma túy đã tàn phá một con người hiền lành, thông minh,
tài hoa, đã biến bạn tôi từ con người thân ái trở thành
một thằng xì - ke vô lương tâm, vô đạo đức, bất cần vợ
con, cha mẹ, anh em, bạn bè. Ma túy đã phá nát hạnh phúc đơn
sơ của gia đình anh và để lại nỗi đau triền miên cho ba má
anh đến cuối đời.

<center>* * *</center>

Trong mắt tôi, Đảng Cộng Sản Việt Nam hiện nay như một kẻ
nghiện ma túy và mắc bệnh AIDS giai đoạn cuối (thành thật xin
lỗi nhà văn Phạm Đình Trọng khi ông có lỡ đọc đến đây).
Không còn phương thuốc nào chữa trị cho một kẻ vừa nghiện
ma túy vừa mang bệnh AIDS đâu, các quý vị độc giả ạ!

Có thể Đảng Cộng Sản Việt Nam trước đây (theo cách tôi
cảm nhận từ Nhà văn Phạm Đình Trọng) là một "con người"
tốt đẹp như ông đã trần tình, bộc bạch trong những "lời
cuối", tôi tạm nhìn nhận Đảng CS trước đây cũng như anh
bạn thân của tôi trước khi nghiện ma túy. Đảng Cộng Sản
Việt Nam hiện nay (như anh bạn tôi sau khi nghiện và mắc bệnh
AIDS) đã lậm sâu một thứ ma túy: lợi danh cho riêng mình và
phe nhóm, dòng tộc của mình cùng những con virus HIV - tha hóa
đạo đức, những con virus HIV - mê muội lợi quyền, những con
virus HIV - điên cuồng đàn áp hòng giữ vững sự độc tôn
lãnh đạo. Những con virus HIV này đang từng ngày từng giờ phá
hủy toàn bộ hệ miễn dịch của chính cơ thể - Đảng Cộng
Sản Việt Nam.

Hãy để cho những con virus HIV này phá nát toàn bộ cơ thể
Đảng đi ông Trọng ạ! vô vọng cứu chữa, đó là điều
chắc chắn.

Cô vợ bạn tôi cũng muốn níu kéo, muốn hy sinh thân mình,
muốn làm tất cả để cứu chồng mình ra khỏi cơn u mê, mù
quáng, điên dại vì đói thuốc nhưng cuối cùng cô ấy đã may
mắn nhận ra con đường đúng để đi vì biết sức mình chỉ
có thể cứu được con trai và bản thân mình.

Ông cũng vậy, ông đã làm hết sức mình cho tình yêu của
chính ông và ông cũng biết sức ông chỉ có bấy nhiêu. Hành
động ông cũng đang cứu chính ông và ngay cả chính con cháu
ông hiện nay. Thế thì hà cớ gì ông đau khổ thêm nữa? Không
cần thiết!

Ông cần thấy, đối với ông như vừa qua một cuộc đại
phẫu và cần thời gian tịnh dưỡng để lấy lại sức khỏe.

Điều quan trọng là sau cuộc đại phẫu ấy, với sức khỏe
mới ông sẽ làm gì cho đất nước này hay là chỉ triền miên
đắm đuối cho những tháng ngày nuối tiếc một thời "tình si"
của mình? Đó mới là điều có ý nghĩa mà những người dân
chúng tôi đang muốn nhìn thấy ông làm.


<em>Nguyễn Ngọc</em>

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/4885), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét