Nguyễn Quang Lập - Tinh thần… văn gừng!

Mình đọc truyện ngắn <em>Tinh thần thể dục</em> của cụ
Nguyễn Công Hoan mấy chục năm rồi vẫn nhớ như in cái trát
của quan huyện gửi về các xã:

<em>Nay thừa lệnh Tỉnh đường, ngày 19 Mars này, tức 29 tháng
Giêng An Nam, tại sân vận động huyện có cuộc đá bóng thi,
nhiều chiến tướng đá rất hay, mọi nhẽ. </em>

<em>Vậy sức các thầy phải thông báo cho dân làng biết và
phải thân dẫn đủ một trăm người, đúng 12 giờ trưa đến
xem, không được khiếm diện.</em>

<em>Những người đã cắt đi dự cuộc khánh thành sân thể
dục tháng trước, thì lần này được miễn.</em>

<em>Ai có mặt tại sân vận động cũng phải ăn mặc tử tế,
đi đứng nghiêm chỉnh, và phải vỗ tay luôn luôn, vì hôm ấy
có nhiều quan khách.</em>

Một cái trát chỉ mấy câu đã nói lên hết tấn bi hài tinh
thần thể dục xứ ta. Hồi bé cứ nghĩ cụ Nguyễn Công Hoan
bịa ra thôi chứ làm gì có cái trát kì cục vậy, đến khi
lớn lên đi làm công sở mới thấy trát kiểu này nhiều vô
thiên lủng, có điều không phải trát tinh thần thể dục mà
tinh thần... văn gừng.

Văn gừng là loại văn nghệ dở òm không ai xem mới bày ra
chiêu thức nhờ xã nhờ phường đi bán vé. Phường xã bán vé
tất nhiên được hưởng chiết khấu từ hai ba chục phần
trăm đến năm sáu chục phần trăm tuỳ theo mức độ dở òm
của chương trình văn nghệ. Các xí nghiệp công ty bất kể
lớn bé hàng ngày vẫn phải tiếp các đoàn cán bộ phường xã
đến bán vé phục vụ tinh thần văn gừng, khi nói miệng khi
mang cả trát phường xã thúc ép người ta mua cho bằng được.
Có điểu lạ là cái trát quan huyện xưa với trát xã phường
nay chẳng khác gì nhau, y chang một bản sao, hi hi hay cực.

Cũng giống như dân làng Ngũ Vọng trong <em>Tinh thần thể
dục</em>, các xếp xí nghiệp công ty hễ gặp những cái trát
kiểu này đều lẩn như chạch hoặc nói dối quanh co để khỏi
phải lâm vào tình trạng tinh thần văn gừng, rốt cuộc chẳng
ai thoát được. Chuyện này ở đâu cũng có, lúc nào cũng có,
gì chứ các chương trình văn nghệ dở òm thì chẳng bao giờ
thiếu.

Cứ tưởng tinh thần văn gừng chỉ xảy ra ở phường xã, ai
dè tỉnh cũng thấm nhuần tinh thần này. Báo Tuổi trẻ ngày 22
tháng 3 có đăng Chuyện kì cục đã bê nguyên xi cát trát của
UBND tỉnh:

"<em>… UBND tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể
tỉnh vận động, khuyến khích công chức, viên chức đơn vị
mua (không dùng ngân sách) các loại vé như sau:

- Mua loại vé VIP (4 triệu đồng, 3 triệu, 2 triệu) mời lãnh
đạo hoặc khách của đơn vị tham dự.

- Mua loại vé thường (800.000 đồng, 600.000, 400.000, 300.000,
200.000) để công chức viên chức trong đơn vị tham dự hoặc
mời gia đình bạn bè tham dự</em>".

Hi hi vui cực. Tinh thần thể dục ngày xưa chỉ bắt dân đi xem
thôi chứ không phải mua vé, tinh thân văn gừng ngày nay còn
bắt ép dân mua vé, trát phường xã chỉ nói mua vé thôi, không
chỉ thị cụ thể giá vé như trát của UBND tỉnh. Vui nhất là
tỉnh còn yêu cầu mua vé cho cán bộ lãnh đạo, vui nhất của
vui nhất nữa là phải mua vé 3, 4, 5 triệu cho lãnh đạo còn
chỉ mua vé vài trăm ngàn cho cán bộ công nhân viên chức, hu hu
sang hèn cũng ép giá vậy ta? Mới hay tinh thần văn gừng ngày
nay còn ghê gớm gấp mấy tinh thần thể dục ngày xưa.

Cái kết của truyện ngắn Tinh thần thể dục ông lý trưởng
làng Ngũ Vọng đã chửi thề: Mẹ bố chúng nó, cho đi xem đá
bóng chứ ai giết chết mà phải trốn như trốn giặc! Câu này
cũng có thể áp dụng cho tinh thần văn gừng ngày nay, ặc ặc.


***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/4635), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét