Lạc Văn - Tính chính đáng của các bên trong cuộc chiến tại Việt Nam 1945-1975 (phần 4)

<h3>2. Yếu tố độc lập – tự chủ của Quốc Gia Việt Nam và
VNCH</h3>

Từ cuối năm 1947, sau chiến dịch Lea với mục đích tiêu diệt
đầu não Việt Minh tại Việt Bắc không thành công, Pháp nhận
thấy không thể thắng Việt Minh một cách dễ dàng như đã
lầm tưởng ban đầu và tình hình chiến sự tại Đông Dương
càng ngày càng xấu đi. Không thể thực hiện chiến lược
"đánh nhanh thắng nhanh", Pháp phải thay bằng chiến lược mới
"đánh lâu dài", và cần xây dựng một chính quyền bản địa.
Để có được sự ủng hộ của dư luận trong cũng như ngoài
nước và đặc biệt sự hỗ trợ vật chất của Mỹ cho cuộc
chiến tranh giành lại thục địa của mình, nhà cầm quyền
Pháp đã gắn cái mác chống cộng bảo vệ tự do cho hành
động của mình tại Đông Dương trong tình hình đối đầu
của cuộc chiến tranh Lạnh gia tăng.

Mùng 5 tháng 6 năm 1948, trên tuần dương hạm Duguay-Trouin cựu
hoàng Bảo Đại chứng kiến lễ ký hiệp ước Vịnh Hạ Long
giữa Emile Bollaert và Nguyễn Văn Xuân. Pháp công nhận độc
lập của Việt Nam, nhưng Pháp vẫn nắm quyền quản lý quân
đội và ngoại giao, ngoài ra Pháp trì hoãn trao các quyền lực
khác. Trên thực tế là không có quyền hạn nào được chuyển
giao cho phía Việt Nam. Trong khi người Pháp tại Hà Nội dựng
lên chính quyền bản địa trên danh nghĩa, Bảo Đại quay về
ở Châu Âu.

Trong năm 1949, tình hình Trung Quốc biến đổi nhanh, Quốc dân
đảng ngày càng thất thế. Sau chiến dịch Bình-Tân từ
29/11/1948 đến 31/1/1949, quân Giải phóng giành được Bắc Bình
(Bắc Kinh) và Thiên Tân, Mỹ khuyến cáo Pháp nên đi đến thỏa
thuận với Bảo Đại hoặc bất cứ nhóm Quốc gia nào khác.
Mùng 8/3/1949 tổng thống Pháp Auriol ký hiệp ước Elysee với
Bảo Đại, tái công nhận độc lập của Việt Nam là Quốc gia
Liên kết, nằm trong Liên hiệp Pháp và toàn bộ lãnh thổ Việt
Nam đặt dưới sự quản lý của Chính phủ Quốc gia Việt Nam.
Tuy nhiên người Pháp vẫn nắm quân sự, tài chính và ngoại
giao, và lần nữa lại trì hoãn trao lại các quyền tự trị
khác.

Vào cuối tháng 6/1949, Việt Nam chính thức thống nhất
dưới quyền Bảo Đại, nhưng sự chuyển giao quyền lực xảy
ra rất chậm, thường chỉ trên danh nghĩa, thực quyền không
được chuyển cho người Việt Nam. Quốc gia Việt Nam trở thành
ngụy trang để người Pháp tiếp tục thống trị Đông Dương
[I]("The Pentagon Papers", Gravel Edition, Volume 1, Chapter 2, "U.S.
Involvement in the Franco-Viet Minh War, 1950-1954")[/I].

Trong Hội nghị Giơ-ne-vơ, phái đoàn Chính phủ QGVN cùng phái
đoàn Hoa Kỳ đã từ chối không ký Hiệp định. Ngay trong ngày
21/7/1954, Trưởng đoàn Chính phủ QGVN đưa ra bản tuyên bố
riêng, giải thích lý do phái đoàn QGVN không ký là để phản
đối "cách ký Hiệp định cùng những điều khoản không tôn
trọng nguyện vọng sâu xa của dân Việt", khẳng định Chính
phủ QGVN "hoàn toàn tự do hành động để bảo vệ quyền
thiêng liêng của dân tộc Việt Nam trong công cuộc thực hiện
thống nhất và tự do cho xứ sở".

Viện lý do không ký vào bản Hiệp định Giơ-ne-vơ và nhất là
không tham dự vào bản "Tuyên bố cuối cùng", Chính phủ QGVN
tự cho rằng không bị ràng buộc vào những điều khoản và
không có trách nhiệm thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ.

Ngày Tổng tuyển cử (20 tháng 7 năm 1956) theo như Hiệp định
Giơ-ne-vơ quy định tới gần, Bắc Việt Nam cố gắng một cách
không hiệu quả tiến hành thảo luận với Nam Việt Nam. Vào
đầu tháng 6/1955, Phạm Văn Đồng, Thủ tướng Bắc Việt Nam
và cựu Trưởng đoàn đàm phán tại Hội nghị Giơ-ne-vơ, tuyên
bố rằng miền Bắc sẵn sàng tiến hành Tổng tuyển cử và
"tất cả các đảng phái, tổ chức cũng như các cá nhân đều
có quyền tham gia". Một tháng sau, với sự chống lưng của
người Mỹ, Ngô Đình Diệm bác bỏ đề nghị Phạm Văn Đồng.

Quan điểm của Washington đơn giản là nếu Tổng tuyển cử có
được tiến hành, thậm chí hoàn toàn tự do, được giám sát
bởi các tổ chức quốc tế thì những người cộng sản vẫn
có thể thắng [I]("Chapter 2 - The Struggle for Heaven's Mandate: SIGINT
and the Internal Crisis in South Vietnam,... 1962")[/I].

Như những đánh giá của Mỹ, đến cuối năm 1960, chính quyền
Ngô Đình Diệm xa lánh dần các cộng đồng xã hội chính của
Nam Việt Nam. Trước khi Tổng thống Kennedy lên nắm quyền vào
năm 1961, một điều rõ ràng là sự ủng hộ của người nông
dân Nam Việt Nam - mà họ là khoảng 90% dân số - đối với
chính quyền Sài Gòn là rất thấp [I]("The Pentagon Papers", Gravel
Edition, Volume 1, Chapter 5, "Origins of the Insurgency in South Vietnam,
1954-1960")[/I]. Những người ủng hộ chính đối với Ngô Đình
Diệm chỉ là cộng đồng Công giáo nhỏ bé tại Nam Việt Nam,
những người được hưởng ưu tiên, đặc quyền, đặc lợi do
ông ta ban cho. Sự ưu đãi đó cũng được dành cho những
người Công giáo di cư từ Bắc Việt Nam, con số khoảng 900
ngàn người.

Cao điểm của cuộc khủng hoảng xã hội Nam Việt Nam
bắt đầu từ giữa năm 1963. Như hồi ký "Nhìn lại quá khứ -
Tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam" của cựu Bộ
trưởng Bộ quốc phòng Mỹ McNamara miêu tả lại, vào thời
điểm đó nổ ra cuộc khủng hoảng chính trị và tôn giáo trên
toàn Nam Việt Nam. Nổi giận do việc Diệm hạn chế tự do tôn
giáo, giới Phật giáo (Phật tử chiếm gần 80% dân số Nam
Việt Nam) đã tiến hành những cuộc biểu tình phản đối dẫn
đến những cuộc trả đũa dữ dội do lực lượng an ninh của
Diệm tiến hành. Phản ứng tàn bạo này làm bùng thêm nhiều
cuộc biểu tình, trong đó có những vụ tự thiêu ghê người
của các nhà sư. Những sự kiện này làm tôi (McNamara) và
nhiều người khác ở Washington sửng sốt, kinh hoàng và làm cho
sự thống trị của Diệm gặp khó khăn hơn bao giờ hết.

Xung đột giữa các Phật tử và chính quyền Nam Việt Nam đã
âm ỉ suốt mùa hè. Rồi bỗng nhiên ngày 21/8 chính phủ ra tay
đàn áp. Với sự đồng ý của Diệm, Nhu đã ra lệnh cho một
đơn vị quân đặc biệt tấn công các ngôi chùa Phật giáo vào
sáng sớm. Họ đạp đổ các cánh cửa cản đường và đánh
đập các nhà sư có phản ứng chống lại. Vài trăm người đã
bị tống vào nhà tù.

Diệm đã hành động bất chấp lời đảm bảo của chính ông
ta với Frederick E. Nolting (Jr.), Đại sứ Mỹ sắp hết nhiệm
kỳ, rằng ông ta sẽ không có bất kỳ bước đi nào chống
lại các Phật tử. Sự trở mặt xấu xa này làm át cả một
diễn biến gây bối rối khác có liên quan tới Charles de Gaulle
ở Paris. Hồi đầu mùa hè năm đó, chúng tôi (Mỹ) đã nhận
được thông báo cho biết Diệm, thông qua em mình là Nhu, đã bí
mật thiết lập mối liên hệ với Hà Nội. De Gaulle, người
vẫn mong muốn gây lại ảnh hưởng của Pháp tại Đông Dương,
cũng đã nhận được tin đó theo các nguồn riêng của mình ở
miền Bắc và Nam Việt Nam và coi đây là một cơ hội. Ông ta
nhanh chóng đưa ra lời kêu gọi thống nhất và trung lập hoá
Việt Nam. Lúc đó chúng tôi không chắc là liệu lời đồn
đại trên có đúng sự thật không, và chúng tôi băn khoăn
không biết liệu có phải Diệm định tống tiền nước Mỹ vì
đã buộc ông ta phải nhẹ tay trong việc đối xử với các
nhóm chống đối.

Ngày 24/8, khi những tin tức về vụ bạo lực tới Washington,
một vài quan chức còn lại ở Washington thấy đây là một cơ
hội để loại bỏ chính quyền Diệm. Cuối ngày hôm ấy,
nước Mỹ đã sắp đặt cho một cuộc đảo chính quân sự.

Người đưa ra sáng kiến này là Roger Hilsman (Jr.), người đã
kế nhiệm Averell Harriman làm Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách
Viễn Đông. Ông ta và các cộng sự của mình tin rằng với
Diệm chúng tôi (Mỹ) không thể thắng và do vậy phải loại
bỏ Diệm. Hilsman bắt đầu bằng việc thảo bức điện gửi
Đại sứ mới của chúng tôi (Mỹ) tại Sài Gòn, Henry Cabot Lodge
(Jr.). Bức điện (DEPTEL 243) bắt đầu bằng lời lên án những
hành động của Nhu:

"Giờ đây sự việc đã rõ ràng là dẫu quân đội có đề
xuất việc thiết quân luật hay Nhu đã buộc họ làm việc đó,
thì Nhu đã lợi dụng việc thiết quân luật để phá chùa...
Cũng rõ ràng là Nhu đã dùng thủ đoạn để giành cho mình vị
trí chỉ huy.

Chính phủ Mỹ không thể chịu được khi quyền lực lại nằm
trong tay Nhu. Diệm cần phải có cơ hội để thoát khỏi Nhu và
những người thân cận của Nhu và thay thế họ bằng những
người tốt nhất hiện có trong giới quân sự và chính trị.

Nếu, bất chấp những cố gắng của chúng ta, Diệm vẫn cứng
đầu và từ chối, thì chúng ta chắc chắn phải đối mặt
với khả năng là không thể giữ Diệm lại được.

Đồng thời, chúng ta cũng cùng một lúc phải báo cho những
người đứng đầu giới quân sự biết rằng nước Mỹ sẽ
không thể tiếp tục hỗ trợ chính quyền Nam Việt Nam về quân
sự và kinh tế được nữa trừ phi... có những hành động ngay
lập tức (thả các nhà sư bị bắt giữ). Chúng tôi thấy cần
phải loại bỏ gia đình Nhu ra khỏi cuộc. Chúng tôi mong muốn
đem lại cho Diệm cơ hội thích hợp để loại bỏ Nhu, nhưng
nếu ông ta vẫn không thay đổi, thì chúng ta sẵn sàng chấp
nhận tình huống hiển nhiên là chúng ta không thể ủng hộ
Diệm hơn được nữa. Ngài cũng có thể thông báo cho các tư
lệnh quân đội biết là chúng ta sẽ trực tiếp hỗ trợ họ
trong bất cứ giai đoạn chuyển tiếp nào khi cơ chế chính phủ
trung ương bị phá vỡ.

Cùng với những việc trên, ngài Đại sứ và đội ngũ nhân
viên sở tại nên khẩn trương xem xét giới chức lãnh đạo có
khả năng thay thế và lập kế hoạch chi tiết làm thế nào
chúng ta có thể thay thế Diệm, nếu điều này trở nên cần
thiết".

Ta có thể thấy rằng, cho dù chính quyền họ Ngô có mong muốn
hoặc tự nghĩ mình có thể tự chủ, độc lập với chính sách
của Hoa Kỳ thì đó là sai lầm lớn. Sự thật là quyền lực
tại Nam Việt Nam nằm trong tay người Mỹ. Người ta có quyền
thay thế chính quyền đó nếu khi thấy cần.

Kịch bản xóa sổ chế độ Ngô Đình Diệm lại được Tổng
thống Nixon đem ra dọa Tổng thống Thiệu khi ông này định
không chấp nhận các điều khoản của Hiệp định Paris mà Mỹ
và VNDCCH đã phác thảo.

Ngày 20/1/1973, Nixon hỏi Kissinger như vậy chúng ta có đi quá xa
với Thiệu không? Nixon nói cụ thể với Kissinger như sau: "Nói
một cách khác, tôi không biết sự đe dọa của chúng ta có đi
quá xa hay không, nhưng tôi sẽ làm bất cứ điều gì kể cả
những điều không hay ho gì như cắt cái đầu Thiệu".

Ngày 23/6/2009, thư viện Tổng thống Richard Nixon công bố thêm
những cuốn băng ghi âm ở Nhà Trắng với thời gian tổng cộng
là 154 giờ đã được thu từ tháng 1 đến tháng 2/1973. Lần
đầu tiên những cuốn băng được công bố như những tài
liệu giải mật này là ngày 11/7/2007. Lần thứ hai là ngày
2/12/2008. Cả ba lần công bố này với tổng số giờ của các
cuốn băng là 2.371 giờ.

Điều nổi bật trong 154 giờ ghi âm được công bố lần này
là thái độ của Nixon đối với Nguyễn Văn Thiệu và chính
quyền Sài Gòn. Nguyễn Văn Thiệu trở thành cái gai hay nói cách
khác trở thành một nhân vật mà Nixon nhiều lúc muốn loại
bỏ.

Có một thực tế là từ khi có cuộc thương thuyết giữa Mỹ
và Bắc Việt Nam về việc Mỹ phải rút quân ra khỏi Việt Nam
và chấm dứt chiến tranh thì Thiệu luôn chống lại những
thảo thuận giữa Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Lúc đầu, Nixon
chưa có thái độ mạnh với Thiệu vì sự chống lại của phe
Bảo thủ đối với ông ta.

Nhưng từ khi Nixon thuyết phục được 2 thượng nghị sỹ quan
trọng của phe Bảo thủ là Goldwater và Stennis thì Nixon ra tối
hậu thư cho Thiệu rằng nếu Thiệu không chấp nhận thảo
thuận giữa Mỹ và Bắc Việt Nam thì Mỹ sẽ chấm dứt mọi
viện trợ cho chính quyền Sài Gòn.

Và như vậy, chính quyền Sài Gòn trong mắt các cố vấn quân
sự của Nhà Trắng chỉ còn một con đường duy nhất là sụp
đổ. Nixon ra chỉ thị cho Kissinger hãy nói thẳng vào mặt
Thiệu là nếu Thiệu không ký nháy vào bản thảo thuận thì
những lãnh tụ Quốc hội Mỹ sẽ chấm dứt ủng hộ chính
quyền Sài Gòn ngay lập tức.

Trong những lần tuyên bố trước đó, khi nghe Kissinger nói
Thiệu không chịu đồng ý với sự thỏa thuận giữa Mỹ và
Bắc Việt Nam thì Nixon nổi giận và nói: Cái đuôi con chó
không thể nào quẫy con chó được. Ý của Nixon là chính quyền
Sài Gòn hay cụ thể là Thiệu chỉ là một một tay sai phụ
thuộc vào Mỹ quá nhiều nên không có quyền và không thể nào
điều khiển được Mỹ. Chỉ có Mỹ mới có quyền điều
khiển chính quyền Sài Gòn và Thiệu mà thôi [I]("Âm mưu phía
sau chuyện Nixon đòi cắt cổ Nguyễn Văn Thiệu")[/I].

<h2>II. TIÊU CHÍ THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC VÀ TOÀN VẸN LÃNH
THỔ</h2>

Đất nước Việt Nam là một, cho dù vì một mục
đích chính trị nào mà người ta đi ngược lại thì cũng là
điều không thể chấp nhận được.

Thời hạn cuối để thảo luận vào tháng 7/1955, và ngày Tổng
tuyển cử được sắp đặt vào tháng 7/1956 trôi qua mà không
có hành động quốc tế nào. VNDCCH lại cố gắng tiến hành
các cơ chế của Hiệp định Giơ-ne-vơ, chuyển tin đến chính
quyền Nam Việt Nam vào tháng 7/1955, tháng 5 và 6/1956, tháng
3/1958, tháng 7/1959 và tháng 7/1960, đề nghị thảo luận để
đàm phán về "Tổng tuyển cử tự do thông qua bỏ phiếu kín",
và tự do hóa quan hệ Bắc-Nam nói chung. Mỗi lần như vậy VNCH
trả lời bằng thái độ khinh khỉnh hoặc im lặng. Vĩ tuyến 17
với vùng phi quân sự mỗi bên trên thực tế đã trở thành
biên giới quốc gia, và từ khi Ngô Đình Diệm nhất quyết từ
chối thông thương với miền Bắc và ngay cả sự thỏa thuận
trao đổi bưu điện, vĩ tuyến 17 là biên giới kiểm soát
nghiêm ngặt nhất trên thế giới. VNDCCH kiến nghị với Anh và
Liên Xô, đồng chủ tịch Hội nghị Giơ-ne-vơ nhưng không có
kết quả [I]("The Pentagon Papers", Gravel Edition, Volume 1, Chapter 5,
"Origins of the Insurgency in South Vietnam, 1954-1960")[/I].

Một sai lầm của VNDCCH trong thời kỳ đó cũng nên nhắc tới
là việc tán thành bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của
chính phủ nước CHDN Trung Hoa, quyết định về hải phận của
Trung Quốc. Tuy công hàm đó (14/9/1958) không đủ tính pháp lý
để Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với hai quần đảo
Hoàng Sa và Trường Sa, cũng không phải vì công hàm đó mà Trung
Quốc mới có tham vọng đối với Biển Đông, và không phải
vì nó mà Trung Quốc đưa ra quyết định tiến đánh vào năm
1974 và 1988 (động lực đưa Trung Quốc đưa ra quyết định đó
là do diễn biến chính trị trên thế giới có lợi để họ
tiến hành những hành động như vậy), nhưng dù sao đây cũng
là bài học chính trị cho ta về sau. Trong mọi trường hợp,
chúng ta cần phải giữ lập trường rõ ràng trong vấn đề
chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, cho dù đối mặt với đồng
minh thân cận nhất.

<h2>III. TIÊU CHÍ TỰ DO, HẠNH PHÚC</h2>

Dân chủ - tự do là yếu tố căn bản biện minh cho sự tồn
tại của Quốc Gia Việt Nam, và sau này là VNCH, dân chủ – tự
do cũng là lý do biện minh cho tính chính đáng của cuộc chiến
tranh của Pháp và Mỹ tại Việt Nam.

Viện cớ không có tự do - dân chủ tại Bắc Việt Nam, Tổng
thống Ngô Đình Diệm từ chối tiến hành Tổng tuyển cử để
thống nhất Đất nước, nhưng bản thân ông ta thắng Bảo
Đại trong cuộc trưng cầu dân ý tiến hành vào ngày 23 tháng 10
năm 1955 với 98,2% phiếu bầu và trở thành Tổng thống VNCH
cũng nhờ gian lận. Tại đô thành Sài Gòn, Ngô Đình Diệm
nhận được hơn 600 ngàn phiếu bầu, trong khi khu vực này chỉ
có 450 ngàn cử chi ghi tên.

Ngô Đình Diệm tiến hành chiến dịch công kích cá nhân Bảo
Đại, người bị ngăn cấm tiến hành vận động bầu cử.
Quân đội và cảnh sát Quốc gia tuần tra bắt tuân theo lệnh
cấm các hoạt động ủng hộ Bảo Đại và chống Diệm
[I]("State of Vietnam referendum, 1955",
http://en.wikipedia.org/wiki/1955_State_of_Vietnam_referendum)[/I]. Ngày 6
Tháng 10 Thủ tướng Ngô Đình Diệm tuyên bố quyết định mở
cuộc trưng cầu dân ý. Các cơ quan truyền thông do Thủ tướng
điều khiển cũng bắt đầu vận động dân chúng sửa soạn đi
bầu với những bài chỉ trích hành vi của Quốc trưởng Bảo
Đại và phổ biến những câu nhắc nhở cử tri như:

"Phiếu đỏ ta bỏ vô bì (phiếu đỏ bầu cho Ngô Đình Diệm)
Phiếu xanh Bảo Đại ta thì vứt đi".

Sau đảo chính gia đình họ Ngô, chính quyền VNCH
thay đổi như chong chóng. Bắt đầu là Hội đồng quân nhân
cách mạng nắm quyền do Dương Văn Minh và Trần Văn Đôn cầm
đầu, rồi 30/1/1964 Nguyễn Khánh đảo chính và chuyên quyền
nắm hết quyền lực. Do sức ép từ các đảng phái và dân
chúng, vào tháng 9/1964 vai trò Quốc trưởng được giao lại cho
Dương Văn Minh. 26/10/1964 Thượng hội đồng Quốc gia bầu Phan
Khắc Sửu làm Quốc trượng. Chỉ được vài tháng, Phan Khắc
Sửu bất đồng với Thủ tướng Phan Huy Quát, chính phủ của
Phan Huy Quát bị giải tán, Phan Khắc Sửu rút lui. Quyền hành
giao lại cho Hội đồng Quân lực. 12/6/1965 Trung tướng Nguyễn
Văn Thiệu trở thành Chủ tịch Hội đồng Quân Lực và là
Chủ tịch Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia (coi như Quốc trưởng),
Thiếu tướng không quân Nguyễn Cao Kỳ làm Chủ tịch Ban Hành
pháp Trung ương (coi như Thủ tướng).

Ngày 10/3/1967, Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia duyện bản dự thảo
Hiến pháp mới do Quốc hội Lập Hiến soạn thảo. Bầu cử
Tổng thống VNCH được ấn định vào 3/9/1967.

Ứng cử Tổng thống VNCH năm 1967 có liên danh quân nhân Thiệu
– Kỳ, phía dân sự có liên danh Trương Đình Du, liên danh
Trần Văn Hương... Thiệu và Kỳ đều muốn làm Tổng thống,
nhưng nếu không hợp tác thì cả hai có thể bị thua.

Lo sợ sự bất ổn định vẫn thường thấy của chính quyền
dân sự yếu kém, Mỹ muốn giới quân sự thắng. Nhưng Mỹ
lại muốn Thiệu – Kỳ không làm sai quy tắc để mất uy tín
của cuộc bầu cử.

Trong buổi gặp với Russ Miller (quan chức CIA tại Sài Gòn) 21/6,
Kỳ đề nghị ông ta tiếp xúc với người phụ trách cuộc
vận động bầu cử Nguyễn Xuân Phong, Bộ trưởng Bộ phúc
lợi xã hội, từng tốt nghiệp Oxford. Miller chấp nhận đề
nghị của Kỳ, gặp Phong vào ngày 14/7 và thực hiện những cố
gắng của Văn phòng CIA tại Sài Gòn để gây ảnh hưởng tới
cuộc vận động.

Kỳ hướng dẫn Phong thông báo đầy đủ cho Miller về kế
hoạch của cuộc vận động bầu cử, cũng như lắng nghe những
kiến nghị từ phía Mỹ. Miller ghi lại rằng Phong dường như
nghĩ là có thể tiến hành cuộc vận động một cách tinh tế.
Nhưng Văn phòng CIA lại lo rằng, một cuộc bầu cử hoàn toàn
trung thực là cuộc bầu cử thất bại, Văn phòng CIA chấp
nhận ý định sử dụng bộ máy cánh sát của Tướng Loan,
không có lời bình luận của Phong (Nguyễn Ngọc Loan – Giám
đốc Cảnh sát Quốc gia và Giám đốc Nha An ninh quân đội, tùy
tùng thân tín của Nguyễn Cao Kỳ) "trong những trường hợp nguy
hại đòi hỏi nhiều cố gắng hơn để quay ngoặt lá phiếu cho
Thiệu – Kỳ".

Cuộc vận động bị hụt hơi, một phần vì thiếu tiền, Kỳ
dọa rằng, thiếu quỹ hộ trợ của Mỹ, ông ta buộc phải
trông vào tướng Loan bòn rút "từ những cá nhân mà kết quả
là những hậu quả không tốt đẹp". Văn phòng CIA đánh giá
rằng cuộc vận động của Thiệu – Kỳ thiếu tiền sẽ có
vẻ trung thực hơn. Vài ngày sau Phong có nhắc là sử dụng 8
triệu đồng tại đồng bằng sông Cửu Long. Kỳ không tiết
lộ nguồn tiền và Phong chỉ có thể phỏng đoán tiền đó có
từ Tướng Loan.

Mùng 3/9 liên danh Thiệu – Kỳ đắc cử với 35% phiếu bầu.
Liên danh Trương Đình Du về nhì với 17% số phiếu.

Một tuần trước khi thông qua kết quả bỏ phiếu vào ngày
2/10, Văn phòng CIA huy động toàn bộ các mối quan hệ chính
trị của mình, thực hiện 50 cuộc gặp với mục đích ngăn
cản việc không thừa nhận kết quả bầu cử gây rắc rối.
Một đối thủ Thiệu – Kỳ thú nhận "một cách ngây thơ và
thô kệch" rằng, ông ta và các đồng minh của mình quan tâm ít
hơn tới việc điều chỉnh gian lận bầu cử so với "khả năng
bòn rút lợi ích nhất định từ việc tống tiền chính trị".
Dù kết quả của chiến thuật gây sức ép của Văn phòng CIA
sao đi nữa, thì các thành viên của Quốc hội Lập pháp cũng
không nghi ngờ về sự ưu tiên của Mỹ đối với việc thông
qua kết quả bầu cử. Quốc hội Lập pháp thông qua với số
phiếu 58/43. Thiệu và Kỳ tuyên thệ nhận chức vào ngày
31/10/1967.

Sau cuộc bầu cử Thượng viện 1970, Phái đoàn Mỹ tại Sài
Gòn bắt đầu quan tâm đến cuộc bầu cử Tổng thống được
ấn định vào tháng 10/1971. Vào cuối năm 1970, Phó tổng thống
Kỳ dường như không chắc ra ứng cử, các quan chức Mỹ lo
ngại hậu quả đối với tính hợp pháp chính trị của Thiệu,
nếu như ông ta ứng cử không có đối lập. Đại sứ Bunker
đề nghị giải quyết trước hậu quả bằng cách thuyết phục
cựu Quốc trượng và là người theo đạo Phật Dương Văn Minh
ứng cử vào chức đó.

Không phải Mỹ muốn Minh giành ghế Thiệu. Sự cống hiến của
Minh đối với nỗ lực chiến tranh là đáng nghi ngờ, và câu
hỏi về mối quan hệ không được ủy quyền với miền Bắc
qua người em ở Hà Nội chưa có lời giải.

Mặc dù sự miễn cưỡng của Minh, chiến thắng của Thiệu
không phải nắm chắc, và vào tháng 1/1971 Đại sứ Bunker muốn
hành động để đảm bảo điều đó. Văn phòng CIA cũng muốn
có thế đứng vững chắc trong phía đối lập để loại bỏ
khả năng, tuy mơ hồ, thất bại của Thiệu. Văn phòng CIA muốn
thêm 10 người "dễ cảm" tại Hạ viện, nơi mà 10 điệp viên
đang có của họ có thể thúc đẩy hoặc ngăn chặn sự lập
pháp. Dành cho những công việc này, và hỗ trợ những ứng cử
viên ủng hộ Thiệu vào Hạ viện, Văn phòng CIA muốn 252 ngàn
đô-la. Khi cuộc bầu cử tiến gần, Văn phòng xác định lại
mục tiêu dài hạn của mình về sự huy động chính trị tại
Việt Nam, giờ đây đơn giản là kiếm phiếu cho Nguyễn Văn
Thiệu.

Ngày 24/7, Thiệu tuyên bố ứng cử, và Minh "lớn" chiều lòng
mong muốn của Đại sứ Bunker ứng cử 2 ngày sau đó. Phó tổng
thống Kỳ tuyên bố vào mùng 4/8, nhưng Tòa án tối cao bác đơn
của ông ta ngày hôm sau, công bố rằng ông ta không đáp ứng
đủ những điều lệ theo luật bầu cử, những cái mà Thiệu
đã đưa ra công thức với Kỳ trên tinh thần. Khi đó Minh bắt
đầu dọa rút lui. Điều này lại đưa ra viễn cảnh của một
cuộc bầu cử không đối lập, 19/8 Đại sứ Bunker tới thăm
Minh và thuyết phục ông ở lại cuộc chạy đua. Minh thực
chất rút lui ngày hôm sau.

Tòa án tối cao thay đổi ý kiến của mình ngày 20/8, phục hồi
lại Kỳ, nhưng ông ta rút lui vào ngày 23/8, để lại Thiệu là
ứng cử viên duy nhất. Việc này không có nghĩa là Kỳ nhường
chiến thắng cho Thiệu, mà ông ta cố gắng sử dụng CIA để
tạo ra sức ép của Mỹ đối với cải cách bầu cử. Ông ta
bắt đầu bằng việc đưa lậu người thân tín Đặng Đức
Khôi qua Phnôm Pênh, từ đó Khôi bay đi Washington vào đầu tháng
8 và thỉnh cầu mối quan hệ CIA cũ để sắp xếp cuộc gặp
với cố vấn An ninh quốc gia Kissinger. Giám đốc Trung tâm tình
báo DCI Helms thông báo cho Kissinger về lời đề nghị, kết
luận thỉnh cầu của Kỳ là để buộc Thiệu dẫn dắt cuộc
bầu cử công bằng. Nhưng ràng buộc của người Mỹ với
chiến thắng của Thiệu đã che mờ sự quan tâm về công bằng
trong bầu cử. Khôi đã gặp được Quyền trợ lý Ngoại
trưởng William Sulliva, nhưng không làm Kỳ hài lòng.

Như vậy Tổng thống Thiệu đã đắc cử với 91,5% vào ngày
3/10/1971 (theo tài liệu mật của CIA mới được công bố)
[I]("CIA and the Generals, Convert Support to Military Government in South
Vietnam", Thomas L. Ahern, Jr.)[/I].

Đối với tự do cá nhân, Tổng thống Diệm phân loại dân
chúng ra thành các nhóm chính trị tùy thuộc mối liên hệ của
họ với Việt Minh. Vào năm 1956, VNCH lộ ra rằng, khoảng 15-20
ngàn người cộng sản bị giam giữ trong "các trại cải tạo
chính trị" của mình, trong khi đó Devillers đánh giá con số 50
ngàn người. Chuyên gia người Anh về Việt Nam, P.J. Honey,
người được Diệm mời điều tra về các trung tâm cải tạo
vào năm 1959 kết luận rằng, sau khi phỏng vấn một số người
nông dân Việt Nam, "sự đồng thuận trong ý kiến được bày
tỏ của những người đó là phần lớn những người bị giam
cầm không phải cộng sản cũng như ủng hộ cộng sản" [I]("The
Pentagon Papers", Gravel Edition, Volume 1, Chapter 5, "Origins of the
Insurgency in South Vietnam, 1954-1960")[/I]. Tra tấn và giết hại
"những người bị tình nghi cộng sản" là việc xảy ra thường
ngày.

Vào cuối 1957, những tòa báo phê phán chế độ bắt đầu bị
quấy rối, và vào tháng 3/1958, sau bài xã luận châm biếm, VNCH
đóng cửa tòa báo lớn nhất tại Sài Gòn. Vào năm 1958, những
nhà chính trị đối lập mạo hiểm bị tống tù cho việc thử
lập đảng phái không được Nhu hoặc Cẩn ủy quyền, và
trước 1959 tất cả các hoạt động chính trị chống đối bị
bắt dừng.

Trước thu 1960, giới trí thức Nam Việt Nam bị câm
về chính trị, công đoàn bị bất lực, chống đối ở dạng
đảng phái không tồn tại [I]("The Pentagon Papers", Gravel Edition,
Volume 1, Chapter 5, "Origins of the Insurgency in South Vietnam,
1954-1960")[/I].

Chính quyền Ngô Đình Diệm phân biệt đối xử tôn giáo. Là
người theo Công giáo, Ngô Đình Diệm ưu tiên đặc quyền đặc
lợi, tin dùng và nâng đỡ những người Công giáo. Vì chính
sách bất công đối với những tín đồ theo đạo Phật của
chính quyền dẫn đến cuộc khủng hoảng xã hội trầm trọng
từ giữa năm 1963 và kết quả là cuộc đảo chính lật đổ
gia đình họ Ngô.

Xung đột giữa chính quyền và Phật tử bắt đầu xảy ra ngày
8/5/1963, xuất phát từ việc cấm treo cờ Phật trong ngày lễ
Phật đản trong khi trước đó cờ Va-ti-căng được treo nhân
dịp ngày lễ của Thiên Chúa giáo, quân lính Ngô Đình Diệm
đã nổ súng vào đám đông biểu tình tại Huế, giết chết 9
người.

Ngày 3/6/1963 cảnh sát và quân đội VNCH dội chất hóa học lên
đầu những người biểu tình niệm Phật tại Huế, 67 người
được đưa vào viện. 11/6/1963 Hòa thượng Thích Quảng Đức
tự thiêu tại Sài Gòn để phản đối chính sách của chế
độ Ngô Đình Diệm. Ngày 21/8/1963 Lực lượng đặc biệt của
Đại tá Lê Quang Tung tấn công một loạt các chùa ở Nam Việt
Nam, 1400 sư sãi bị bắt. Số người bị giết hoặc mất tích
lên đến hàng trăm.

Từ năm 1965, chiến tranh leo thang ác liệt. Chiến tranh len lỏi
vào từng ngõ ngách của đất nước Việt Nam. Bất cứ ai cũng
có thể trở thành nạn nhân chiến tranh bất cứ khi nào. Tự do
cá nhân là cái không thể tồn tại trong điều kiện đó. Một
ví dụ về "tự do" trong chiến tranh là chiến dịch Phượng
Hoàng.

Chương trình Phượng Hoàng từ năm 1968 đến 1975 thường
được gọi bằng cái tên "chiến dịch ám sát", bị chỉ trích
là một ví dụ tiêu biểu của những hành động tàn bạo xâm
phạm nhân quyền mà chính quyền VNCH và CIA đã tiến hành.

Theo thống kê của Mỹ, trong những năm 1968-1972, 81.740 người
được coi là Việt Cộng đã bị "vô hiệu hóa": 26.369 người
bị giết, 33.358 bị bắt, 22.013 chiêu hồi [I]("Phoenix and the
Birds of Prey – The CIA's secret campaign to Destroy Vietcong", Mark
Moyer)[/I].

Trong số nêu trên, không ai có thể khẳng định bao nhiêu
người là Việt Cộng đích thực, bao nhiêu người là nạn nhân
thường dân. Cơ sở để định đoạt một đối tượng có
phải là Việt Cộng hay không rất thiếu cụ thể.

Điều tệ hại của chương trình này là có thể giết hại
người tình nghi không cần xét sử, và các hình thức tra tấn
có hệ thống đối với những người bị tình nghi là Việt
cộng.

Nếu như chính quyền Mỹ coi mình đã đem dân chủ, tự do đến
cho đất nước Việt Nam qua chế độ VNCH thì tiêu chuẩn dân
chủ - tự do đó là quá thấp. Tôi không mong rằng trong tương
lai sẽ lặp lại một chế độ dân chủ - tự do chỉ có vậy
tại Việt Nam.

Còn nhiều điều phải nói nếu bình luận về tự do và dân
chủ của VNDCCH, nhưng mô hình chính trị - xã hội VNDCCH hoạt
động đặc biệt hiệu quả trong thời kỳ chiến tranh. Khác
với VNCH, xã hội chia rẽ nặng nề, chế độ VNDCCH đã tạo
nên sự đoàn kết, sự đồng thuận của đa số người dân và
tính kỷ luật của xã hội, thế nên nó có thể huy động mọi
tài lực của Đất nước và sự hy sinh cao nhất của người
dân cho mục tiêu rõ ràng.

Trong chiến tranh người dân mong ước những điều đơn sơ
nhất. Người ta mong Đất nước được độc lập, hòa bình,
gia đình được yên ổn, không phải khắc khoải lo âu liệu
ngày mai mình hoặc người thân có còn được sống hay không,
mong cho Đất nước hết chiến tranh để có quyền mơ ước
đến hạnh phúc, được no ấm hơn.

Chẳng nhẽ những bộ não siêu việt của chính quyền Mỹ lại
không hiểu lý luận sơ đẳng là khi nhu cầu cuộc sống cơ
bản nhất của người người dân bản địa chưa được đáp
ứng, thì khẩu hiệu tự do - dân chủ không thể là mồi câu
hữu hiệu để có được sự cộng tác của người dân nơi
đó? Thực ra vì sự thiếu hiểu biết về Việt Nam, họ đã
phạm sai lầm, và từ những sai lầm ban đầu gây nên những sai
lầm kế tiếp, người trước kéo người sau xuống vũng lầy
ngày càng sâu hơn.

Nhắc đến lịch sử không phải để coi lịch sử là liều
thuốc trường sinh đối với bất kỳ ai, mà tôi muốn có một
lời công bằng đối với những gì đất nước - dân tộc
Việt Nam đã gánh chịu. Công bằng cho Đất nước bị tàn phá
nặng nề, công bằng cho hàng triệu nạn nhân chiến tranh, thậm
chí những người của thế hệ tương lai sẽ là nạn nhân của
chất độc da cam, bom mìn còn sót lại của chiến tranh.

Mỹ không thể dùng sức mạnh của siêu cường, bẻ cong lịch
sử, biến những gì là tội lỗi thành công lao bảo vệ tự do
- dân chủ tại Việt Nam. Sự can dự vào số phận Việt Nam
của Mỹ đã không những không đem lại mà còn đi ngược lại
những yêu cầu cơ bản của dân tộc Việt Nam: Độc lập,
Thống nhất, Tự do, Hòa bình và Hạnh phúc.

Một khi vấn đề chất độc da cam chưa được phía Mỹ giải
quyết thỏa đáng thì nó vẫn sẽ là hòn đá tảng cản
đường phát triển của mối quan hệ Việt - Mỹ. Nó còn tồn
tại thì Mỹ cũng không thể cao giọng dạy người dân Việt Nam
một cách hiệu quả về tự do và dân chủ.

<em>Lạc Văn 3/2010</em>

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/4625), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét