Martian Mobile - "Xét lại" tái "hiện đại"

<em>"Chủ nghĩa xét-lại" đang sống lại mạnh mẽ tại các
quốc gia Cộng Sản ngày nay.</em>

Trong ngày 15 tháng 4, Thủ Tướng Ôn Gia Bảo của Trung Quốc ca
ngợi cựu lãnh tụ đảng Cộng Sản Trung Quốc Hồ Diệu Bang
làm nhiều người rất ngạc nhiên. Mọi người phải nhớ lại
là cái chết của ông Hồ Diệu Bang vào ngày 15 tháng tư năm
1989 được nhắc đến khi hàng ngàn sinh viên Trung Quốc xuống
đường để tang. Họ mang trên cao hình ảnh của nhà lãnh đạo
cuối cùng, ông ta mặc dù vẫn còn một thành viên của Bộ
chính trị cầm quyền nhưng khi ông qua đời đã bị buộc phải
từ chức tổng thư ký của đảng hai năm trước đó bởi vì
ông đã quá mềm mỏng khi giải quyết những bất đồng. Chỉ
vì ông Hồ Diệu Bang đã không bị hoàn toàn thanh trừng, do đó
đảng Cộng Sản Trung Quốc và nhà nước đã không có sự lựa
chọn nào khác hơn là phải tổ chức một tang lễ lớn cho ông
ta. Điều này đã làm cho các sinh viên Trung Quốc được cơ
hội đòi hỏi yêu cầu cải cách dân chủ tại Trung Quốc. Kết
quả là có sự đàn áp đẫm máu của sinh viên tại cuộc biểu
tình tại Quảng trường Thiên An Môn, Trung Quốc.

Điều này rất dễ hiểu là tại các quốc gia Cộng Sản, sự
đòi hỏi tự do, dân chủ cho dù bất bạo động nhưng kết
quả bao giờ cũng là những sự khốc liệt cho những người
đòi hỏi dân chủ. Ác thay là sự độc quyền về dân chủ
của đảng Cộng Sản không cho phép người dân được quyền
chỉ trích về những thay đổi của họ. Nhất là những người
cầm quyền hiện nay tại Bắc Kinh và Hà Nội. Các lãnh tụ
Cộng Sản của hai nước này mặc dầu theo đuổi "Chủ nghĩa
xét-lại" hiện đại lại rất ghét đươc gọi là những kẻ
theo đuổi chủ nghĩa này.

Theo định nghĩ thông thường thì chủ nghĩa xét-lại
"Revisionism (Marxism)" là thái độ hay xu hướng của một số
người theo hay chống Marx muốn xem xét lại học thuyết của
ông và cách cai trị của chính quyền cộng sản trong nước xem
nó có còn phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn trên thế giới
cộng thêm trong các điều kiện hiện có trong nước hay không?
Ngoài ra nó còn được sử dụng để tham khảo những ý tưởng
khác nhau, nguyên tắc và lý thuyết được dựa trên những sửa
đổi quan trọng căn cứ vào cơ sở cơ bản của chủ nghĩa
Marx. Nó thường được dùng bởi những người Marxist người
tin rằng sửa đổi như vậy là không chính đáng và đại diện
cho một bước đi xuống hay từ bỏ chủ nghĩa Marxist.

Trong cuối thế kỷ 19, "chủ nghĩa xét lại" đã được sử
dụng để mô tả về nhà văn Eduard Bernstein và Jean Jaurès theo
đuổi quan điểm xã hội dân chủ, họ muốn sửa đổi các ý
tưởng Karl Marx là về sự chuyển đổi sang chủ nghĩa xã hội
và tuyên bố rằng một cuộc cách mạng thông qua lực lượng
vũ trang là không cần thiết để đạt được một xã hội
chủ nghĩa. Quan điểm của Bernstein và Jaurès đã dẫn đến lý
thuyết cải cách, trong đó khẳng định rằng chủ nghĩa xã
hội có thể đạt được thông qua cải cách dần dần hòa bình
từ bên trong một hệ thống tư bản.

"Chủ nghĩa xét-lại" cũng được các người cộng sản bảo
thủ hay những người tại Bắc Kinh và Hà Nội dùng để gọi
những chủ trương hay suy nghĩ của một vài người Cộng Sản
dám hành động trái với những giáo điều Marxist của đảng
Cộng Sản của họ hay những chính sách, đường lối Leninist
vốn được tôn thờ từ trước hay áp dụng từ trước trong
các nước Cộng Sản Trung Quốc và Việt Nam.

"Chủ nghĩa xét-lại" của Bernstein phê phán lý luận của
Marx, dựa trên những điểm: Cho rằng lối cấu trúc tư biện
của Hegel theo quan điểm của Marx, là nguyên nhân của nhiều sai
lầm về dự đoán, thậm chí cả về chiến lược. Bernstein cho
rằng Marx và Engels đã kết hợp chủ nghĩa xã hội với cách
mạng là sai lầm, vì đó là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau
về nguồn gốc và bản chất. Bernstein cho rằng sự phát triển
kinh tế của xã hội tư bản hiện đại mâu thuẫn với một
số luận điểm của Marx, nhất là về sự phân cực các giai
cấp xã hội và về những hậu quả của tích tụ tư bản.
Nhìn vào sự uyển chuyển của chủ nghĩa tư bản và các luật
lệ được gia tăng để giảm bớt bất công xã hội, Bernstein
cho rằng trên thực tế tuy giai cấp vô sản có đi lên, nhưng
lương trả cho các lao động cũng tăng và đồng thời những
tầng lớp trung lưu mới cũng xuất hiện. Tư bản càng tích tụ
thì số cổ đông càng tăng lên, tức là số người có của
cũng tăng lên. Bernstein cũng cho rằng trái với những dự đoán
của Marx, các cuộc khủng hoảng kinh tế của chủ nghĩa tư
bản không trầm trọng lên. Ngược lại, chủ nghĩa tư bản tỏ
ra càng có khả năng khắc phục các cuộc khủng hoảng đó.
Cuối cùng, Bernstein đề nghị một chiến lược cải cách, dựa
vào quyền phổ thông đầu phiếu, và các quyền dân chủ khác,
mà chuyển dần sang chủ nghĩa xã hội.

Các luận điểm Bernstein đã bị Kautsky, Luxemburg rồi Plekhanov
và Lenin phê phán kịch liệt. Những sự phê phán này tập trung
vào những mặt tư tưởng, kinh tế, chính trị và khẳng định
chủ nghĩa Marx là học thuyết khoa học, là vũ khí của giai
cấp vô sản. Vấn đề cơ bản mà "Chủ nghĩa xét-lại"
của Bernstein đặt ra là vấn đề mối quan hệ giữa lý luận
và thực tiễn. Cũng do đó, mỗi khi có những biến đổi mới
trong đời sống xã hội, thực tiễn đặt ra vấn đề kiểm tra
lại tính chân lý của những luận điểm này, hay luận điểm
nọ của lý luận, thì đồng thời "Chủ nghĩa xét-lại"
xuất hiện. Do đó, cuộc đấu tranh với "Chủ nghĩa
xét-lại" cứ tái diễn gần như là định kỳ trong phong trào
công nhân cho đến ngày hôm nay.

Sau khi chủ nghĩa xã hội sụp đổ ở Liên Xô và các nước
Đông Âu, những người Marxist chân chính và được Trung Quốc
và Việt Nam tự nhận rút ra những bài học thiết thực để
phát triển chủ nghĩa Marxist-Leninist và đấu tranh cho sự thắng
lợi cuối cùng của chủ nghĩa xã hội. Trong khi đó, "Chủ
nghĩa xét-lại" đi tới hoàn toàn phủ định chủ nghĩa
Marxist-Leninist, coi đó là học thuyết đã lỗi thời, đồng
thời phủ nhận chủ nghĩa xã hội, coi như không còn thích
hợp.

Nhưng "Chủ nghĩa xét-lại" của Bernstein đã giải thích
được những gì mà chủ nghĩa Cộng Sản của Marxist-Leninist
không giải thích được như:

Sự đàn áp của Liên Xô trong cuộc Cách mạng Hungary năm 1956,
nhiều người, đặc biệt là trí thức Tây Phương, đã từ bỏ
đảng viên để phản đối đảng Cộng sản. Cuộc cách mạng
Hungary năm 1956 (1956-os forradalom) là một cuộc nổi dậy đồng
thời trên cả nước chống lại chính phủ theo chủ nghĩa Stalin
của Cộng hoà Nhân dân Hungary và các chính sách do Liên Xô áp
đặt của nó, kéo dài từ ngày 23 tháng 10 đến 10 tháng 11 năm
1956.

Thông chế Joseph Broz Tito (1892-1980), tổng thống Nam Tư. Khi còn
là thủ tướng (1948) ông đã có can đảm đưa nước ông thoát
ra ngoài ảnh hưởng của quốc tế cộng sản do Liên Xô lãnh
đạo, để áp dụng một chính sách ngoại giao trung lập và
một nền nội trị tương đối cởi mở hơn các nước khác
trong khối Soviet. Thông chế Tito là người sáng lập quốc gia
Nam Tư thứ nhì, một liên hiệp xã hội chủ nghĩa, từ Thế
chiến thứ hai đến năm 1991. Mặc dù là một trong những thành
viên ban đầu của Cominform, Tito là người đầu tiên và duy
nhất có khả năng chống lại điều khiển của Liên Xô. Nam Tư
do đó thuộc Phong trào không liên kết, không chống nhưng cũng
không ngả theo phe nào trong hai phe đối đầu của Chiến tranh
lạnh.

Nikita Khrutshchev, Bí thư thứ nhất của đảng cộng sản Liên
Xô, kiêm thủ tướng Liên Bang Xô Viết, đã thực hiện chủ
trương xét-lại một cách thực tế bằng việc hạ bệ Staline
tại đại hội đảng cộng sản XX của Liên Xô vào năm 1956,
khui ra những lỗi lầm nghiêm trọng của đảng cộng sản Liên
Xô suốt trong thời gian Staline cầm quyền và đổ hết lên
đầu Staline, biến nhà độc tài khát máu này thành con dê tế
thần để cứu nguy cho đảng và chính thể Xô Viết. Chính sách
hòa hoãn với Tây Phương và cởi mở đôi chút của ông đã
gián tiếp dẫn tới sự nổi loạn của nông dân ở Poznan (Ba
Lan) và ở Budapest (thủ đô Hungary) khiến cũng chính ông phải
ra tay đàn áp và cũng vì thế phe bảo thủ đã làm áp lực cố
buộc ông từ chức. Nhưng ông đã đứng vững được hơn 8 năm
nữa. Năm 1964 ông bị hạ bệ và không được tiếp tục kính
nể như ông Hồ Diệu Bang. Khrutshchev đã sống trong cô độc cho
đến khi chết.

Hoàng Minh Chính, là một đảng viên lập được nhiều chiến
công trong cuộc chiến chống Pháp, năm 1957 ông được cử sang
học ở Liên Sô mãi đến năm 1960 mới về nước. Ông sang
đến Liên Sô vào đúng lúc chủ nghĩa xét lại của ông
Khrushchev đang ở đỉnh cao và sự suy nghĩ này đã chi phối tư
tưởng của ông. Khi trở về nước ông được giao cho giữ
nhiều chức vụ quan trọng. Về phía đảng, ông đã được cử
giữ chức viện trưởng viện Triết Học, giảng viên và sau
đó lên đến Hiệu phó trường đảng Nguyễn Ái Quốc. Ông đã
trở thành một trong những lý thuyết gia của đảng. Ông Hoàng
Minh Chính soạn thảo bản báo cáo chính trị của Hội nghị 9.
Ông đã chọn lập trường Khrushchev và viết một bản báo cáo
chính trị chủ trương sống chung hòa bình. Năm 1967, Đảng
Cộng sản Việt Nam đã khai trừ ông ra khỏi đảng vì ông
thuộc số những người theo chủ nghĩa xét lại, không tán
thành Nghị quyết 9 của Đảng Cộng sản Việt Nam. Và muốn
thay đổi theo đường lối Đệ tứ Cộng sản. Từ năm1967-1973,
chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đưa ông đi tập trung
cải tạo. Và từ năm 1973-1976, chính quyền Việt Nam Dân chủ
Cộng hòa quản chế ông tại Sơn Tây. Vào tháng 6 năm 1995-tháng
6 năm 1996, chính quyền bắt giữ và xét xử theo pháp luật
Việt Nam, ông bị tù 1 năm với tội trạng "lợi dụng các
quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nuớc, tổ chức
xã hội và công dân". Tổng cộng ông đã bị 3 lần tù đầy,
gần 20 năm trời giam giữ và quản chế.

Những kẻ xét xử và lên án "Chủ nghĩa xét-lại" của
Bernstein không giải thích được những mâu thuẫn mà nhiều
người thấy được hôm nay như:

Biện luận về Kinh Tế Thị trường có định hướng (của
đảng Cộng Sản Việt Nam) là một nền kinh tế hoàn toàn dựa
vào sự bóc lột nhân công của chủ nghĩa tư bản, cho dù
định hướng nào đi nữa thì đây là một "chủ nghĩa xét
lại" tái hiện đại mà hiện nay chúng ta thấy hằng ngàn công
nhân biểu tình chống bóc lột lương bổng mà nhà nước trực
tiếp hay gián tiếp tiếp tay cho đám tư bản ngoại quốc trục
lợi. Nông dân nghèo đói triền miên khi tiếp tục bị bóc lột
qua những quan chức làng xã địa phương trung ương tham nhũng
ăn xén vào những hợp đồng thu mua lúa gạo.

Đảng Cộng Sản Việt Nam và Trung Quốc hôm nay không còn kêu
gọi đoàn kết với các liên đoàn nghiệp đoàn Âu Mỹ để
chống bóc lột toàn thế giới vì thực tế ngày nay Đảng
Cộng Sản Việt Nam và Trung Quốc là những chủ nhân ông mới,
một giai cấp địa chủ, tư bản mới theo đuổi "chủ nghĩa
xét lại" tái hiện đại cấu kết với tư bản Âu Mỹ để
trục lợi trên mồ hôi công nhân, nông dân thì làm sao họ có
thể kêu gọi một cuộc cách mạng vô sản nữa.

Chủ nghĩa cộng sản đã tự tan rã ngay chính trên quê hương
của nó là Liên Xô và các nước Đông Âu. Trung Quốc và Việt
Nam theo đuổi "chủ nghĩa xét lại tái hiện đại" cộng với
chủ nghĩa quốc gia, dân tộc thuần chủng đã xẩy ra những
sự bất công về đối xử về chủng tộc và tôn giáo như
tình trạng bất ổn ở Tây Tạng và Tân Cương tại Trung Quốc
và chính sách bài Hoa kiều tại Việt Nam trong những năm sau 1975
và tham vọng muốn trở thành cường quốc kinh tế của hai
quốc gia đã làm nhiều người hoài nghi khả năng bào chữa cho
chủ nghĩa Cộng Sản tại hai quốc gia này. Chưa kể những bất
công triền miên xẩy ra cho những công nhân, nông dân nghèo đói
bởi những kẻ đầy quyền thế, đảng viên đảng Cộng Sản,
những kẻ này thay thế những chủ nhân ông cũ, tạo ra một
giai cấp đầy quyền thế mới trong một xã hội được tự cho
là đại đồng. Họ đã không còn theo đuổi cuộc cách mạng
vô sản. một Thế giới đại đồng, không còn giai cấp, không
còn bất công, và đảng cộng sản vĩ đại cũng không còn. Thì
ngày mà những người Cộng Sản chân chính đã hy sinh cho chủ
thuyết Marxist sẽ không bao giờ xẩy ra và nếu có thì chỉ là
những gì không tưởng mà cả triệu người Việt Nam hai miền
Nam Bắc đã mất trong chiến tranh Việt Nam sẽ phải tự hỏi
là họ đã đạt được những gì nếu họ còn sống được
đến ngày hôm nay.

Người viết chỉ là thế hệ kế tiếp và là những người
không trực tiếp liên hệ đến cuộc chiến tranh Việt Nam, nhân
ngày 30 tháng 4 sắp đến, mong mọi người Việt hai miền Nam
Bắc, trong và ngoài nước nên học bài học lịch sử Việt Nam
đẫm máu và đầy nước mắt và mong rằng nó sẽ không xẩy ra
một lần nữa cho người dân Việt. Nhiều quan chức Việt Nam
trong nước nghĩ rằng lịch sử Việt Nam nên được phê phán
bởi những thế hệ không trực tiếp liên quan đến chiến tranh
Việt Nam, trong những bài viết trong tháng 4 năm nay, tôi có dịp
suy nghĩ và phản ảnh quan điểm của người không trực tiếp
đến biến cố này. Một người hoàn toàn có tự do suy nghĩ,
tìm hiểu về nguyên nhân và hậu quả của nó. Cũng là người
phải xa rời Việt Nam còn trẻ và trưởng thành trong xã hội
Mỹ, tiếp xúc, làm việc, và học hỏi hoàn toàn khác với
người Việt trong nước. Hoàn toàn không biết đến những
người như Nguyễn văn Thiệu, Nguyễn cao Kỳ, Ngô đình Diệm,
Hồ chí Minh, Nguyễn minh Triết, Nguyễn tấn Dũng, Nguyễn Hữu
Chung, Hỗ Ngọc Nhuận,... nhưng được tự do hoàn toàn chỉ
trích các lãnh đạo to lớn trên thế giới như Ôn Gia Bảo,
George Bush, Obama,... qua hệ thống báo chí ở Hoa Kỳ, Tây Phương
và Việt Nam. Cho đến hôm nay tôi vẫn chưa thấy một bài nào
trong nước có khả năng bào chữa cho các hành động từ
trước đến giờ của đảng Cộng Sản Việt Nam mà không
vướng một lỗi lầm nào. Nếu bảo rằng lịch sử Việt Nam
sẽ được phê phán bởi những người như tôi thì tôi có thể
kết luận là hiện nay ở trong nước chưa có lớp trẻ nào có
thể đứng lên mà bào chữa và tuyên truyền cho những hành
động của họ.

Chủ đề viết cho Việt Nam trong mấy tuần qua về ngày 30 tháng
4 sẽ chấm dứt và tôi sẽ quay về mục kinh tế vào tuần
tới.

MM

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/4772), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét